(vhds.baothanhhoa.vn) - Nền nếp của học sinh được xem như “mẹ đẻ” của chất lượng. Rèn nền nếp nghiêm túc, hiệu quả sẽ tạo bước đi vững chắc cho học sinh trong học tập.

Nâng cao ý thức học sinh nhìn từ công tác kiểm tra nền nếp

Nền nếp của học sinh được xem như “mẹ đẻ” của chất lượng. Rèn nền nếp nghiêm túc, hiệu quả sẽ tạo bước đi vững chắc cho học sinh trong học tập.

Nâng cao ý thức học sinh nhìn từ công tác kiểm tra nền nếpĐội thanh niên xung kích đoàn Trường THPT Tĩnh Gia 1 tham gia kiểm tra ý thức chấp hành giao thông của đoàn viên.

Buổi sinh hoạt dưới cờ ở Trường THCS Hoằng Xuyên (Hoằng Hóa) như thường lệ, giáo viên kiêm tổng phụ trách Đội, cô giáo Nguyễn Thị Lan lại thông báo trước toàn trường về việc thực hiện nền nếp, nội quy của các lớp tuần qua. Trong đó, một số lớp đã vươn lên dẫn đầu ở bảng xếp hạng, khi mà tuần trước đó những lớp này gần như đứng ở cuối bảng.

Ở Trường THCS Hoằng Xuyên, việc kiểm tra nền nếp học sinh thường vào 15 phút sinh hoạt đầu giờ. Ban kiểm tra nền nếp gồm: ban chỉ huy liên đội, tổng phụ trách Đội và anh, chị phụ trách ở các lớp (giáo viên chủ nhiệm). Công tác kiểm tra tập trung vào một số nội dung như kiểm tra đồng phục; kiểm tra đồ dùng học tập... Theo chia sẻ của cô giáo kiêm tổng phụ trách Đội Nguyễn Thị Lan, học sinh thực hiện tương đối tốt nội quy, quy chế của nhà trường. Tuy nhiên, vẫn còn một số lỗi thường gặp như quên sách bài tập hoặc không mặc đồng phục theo quy định... “Lỗi vi phạm của các em nếu cứ kéo dài thì vô tình sẽ hình thành thói quen không tốt và như vậy ảnh hưởng đến ý thức, đến việc học. Chất lượng giáo dục phụ thuộc rất lớn vào việc xây dựng nền nếp”, tổng phụ trách Đội Trường THCS Hoằng Xuyên, cô giáo Nguyễn Thị Lan, cho biết.

Ở bậc tiểu học, câu chuyện kiểm tra nền nếp, đôi khi khiến giáo viên chủ nhiệm thấy bận rộn hơn, nhất là đối với học sinh lớp 1, lớp 2. Việc hình thành cho các em nền nếp tốt cũng là điều khó. Chia sẻ của cô giáo Đỗ Thị Ngọc Hân, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A, Trường Tiểu học Vĩnh Long (Vĩnh Lộc): “Lỗi thường gặp là quên sách vở, đồ dùng học tập, hay nói chuyện, đi học muộn, nhất là vào mùa đông. Thậm chí, cô giáo đã dặn dò rất cẩn thận, nhắn lên nhóm của lớp để phụ huynh nắm bắt nhưng vẫn có những học sinh đến lớp phải học chung sách với bạn, mượn đồ dùng của bạn... Như vậy, sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của tiết học. Do đó, giáo viên chủ nhiệm phải liên tục đôn đốc, nhắc nhở”.

Kiểm tra nền nếp học sinh để nâng cao ý thức đồng nghĩa là nâng cao chất lượng dạy và học. Nền nếp tốt thì chất lượng sẽ bảo đảm hơn và ngược lại. Khi học sinh tự giác với việc học, chấp hành nội quy, quy định của nhà trường, tức là học sinh đã có trách nhiệm với bản thân và tôn trọng giáo viên.

Tuy nhiên, ở mỗi cấp học, trong thực hiện nền nếp học sinh, vẫn xảy ra những nhược điểm lớn, thậm chí là phức tạp, đơn cử như mang vật dụng cấm vào trường. Đấy là điều đáng lo ngại.

Trường THPT Tĩnh Gia 1 (thị xã Nghi Sơn), năm học 2023-2024 , nhà trường có 1.963 học sinh. Lượng học sinh đông nên công tác giáo dục đạo đức, nền nếp luôn được nhà trường quan tâm đặc biệt. Bởi lẽ công tác nền nếp có ổn định thì chất lượng giáo dục nhà trường mới có thể bảo đảm yêu cầu kế hoạch năm học đã đề ra.

Nâng cao ý thức học sinh nhìn từ công tác kiểm tra nền nếpBan nền nếp Trường THCS Hoằng Xuyên kiểm tra đồ dùng học tập tại lớp 9B.

Để làm tốt vấn đề này, một trong những giải pháp được Trường THPT Tĩnh Gia 1 thực hiện đó là thành lập ban nền nếp do phó hiệu trưởng phụ trách và bí thư đoàn trường làm trưởng ban. Đoàn thanh niên cũng đã thành lập 1 đội thanh niên xung kích với 32 thành viên chia thành 4 tổ dưới sự điều hành của đoàn trường. Ban nền nếp có trách nhiệm kiểm tra, nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm nội quy của nhà trường như: bỏ tiết, hút thuốc lá điện tử, bạo lực học đường, nói xấu trên không gian mạng...

Với số lượng học sinh đông, không tránh khỏi vi phạm. Theo đó, những lỗi học sinh nhà trường thường gặp, tập trung vào lỗi tác phong, hành vi ngôn ngữ không chuẩn mực, đi xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm... Theo thầy giáo Nguyễn Hữu Hòa, Phó hiệu trưởng Trường THPT Tĩnh Gia 1, khó khăn lớn nhất về công tác nền nếp là phần lớn phụ huynh thường giao cho nhà trường quản lý con em mình. Phó hiệu trưởng Nguyễn Hữu Hòa cho biết: “Khi bố mẹ không dành nhiều sự quan tâm thì điều lo ngại nhất đó là con dễ sa vào các tệ nạn xã hội, không kiểm soát được hành vi. Theo đó, nhà trường rất nghiêm túc thực hiện công tác kiểm tra nền nếp. Nhiều giải pháp đã được đưa ra. Trong đó, tăng cường công tác giáo dục tới học sinh thông qua các buổi sinh hoạt lớp, tăng cường phối hợp với phụ huynh để công tác giáo dục học sinh có hiệu quả hoặc xây dựng mô hình tự quản đến các lớp với nòng cốt là học sinh, nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành nội quy của nhà trường đến học sinh...”.

Nền nếp cũng là một mặt của giáo dục. Rèn nền nếp là rèn nhân cách, đạo đức. Từ đó, giúp học sinh hình thành thói quen tốt, lối sống tốt. Nền nếp tốt cũng là một trong những yếu tố dẫn đến thành công trong học tập.

Trung tuần tháng 5-2023, Công an tỉnh Thanh Hóa đã tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật của học sinh. Theo đó, kiểm tra 631 trường THPT, THCS, trung tâm giáo dục thường xuyên, các trung tâm dạy nghề tỉnh. Qua kiểm tra, lực lượng công an đã phát hiện, thu giữ 152 dao, kéo các loại, 27 côn nhị khúc, tuýp sắt, 91 máy hút và 16 lọ tinh dầu thuốc lá điện tử; 2 học sinh tàng trữ cỏ Mỹ và cần sa... Ngoài ra, phát hiện 392 học sinh trên địa bàn TP Thanh Hóa và một số huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh điều khiển xe máy trên 50 phân khối đến trường.

Bài và ảnh: Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]