Nâng cao ý thức trách nhiệm bảo tồn di sản văn hóa cho lớp trẻ
Di sản văn hóa là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa dân tộc, là “bảo tàng sống” gắn liền với sự hình thành và phát triển của địa phương. Với vai trò là lực lượng nòng cốt, tiên phong đi đầu, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trong tỉnh đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động, phong trào thiết thực nhằm góp sức bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Ngọc Lặc trong trang phục truyền thống của dân tộc Mường.
Thanh Hóa có 7 dân tộc anh em sinh sống. Trải qua quá trình lao động sản xuất, mỗi dân tộc đều hình thành nên những nét văn hóa truyền thống riêng, từ trang phục, phong tục, tập quán, tín ngưỡng đến các trò chơi, trò diễn, diễn xướng... rất phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại ngày nay thì không gian dành cho các loại hình văn hóa truyền thống ngày càng thu hẹp hoặc bị thay đổi, dễ có nguy cơ bị mai một. Trong khi đó, có không ít lớp trẻ - lực lượng nòng cốt trong việc giữ gìn và phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống do ảnh hưởng của các loại hình giải trí hiện đại lại đang tỏ ra khá thờ ơ với các loại hình văn hóa truyền thống. Do đó, việc bảo vệ bản sắc văn hóa, nhất là cho thế hệ trẻ hiện nay là hết sức cấp thiết.
Bởi vậy, thời gian qua nhiều trường học trong tỉnh, ngoài việc nâng cao chất lượng dạy và học, thì việc khơi dậy ý thức trách nhiệm trong công tác giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm. Nổi bật là tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Ngọc Lặc (Ngọc Lặc), hiện có hơn 200 học sinh, trong đó chủ yếu là dân tộc Mường. Thời gian qua, cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học nhà trường đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, học sinh về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của hoạt động giáo dục văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, nhà trường bắt buộc mỗi học sinh đều phải có một bộ trang phục truyền thống để mặc vào các ngày thứ 2, thứ 6 hàng tuần. Trong các môn học Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, nhà trường đều khuyến khích giáo viên tăng cường lồng ghép các chương trình giáo dục địa phương vào giảng dạy cho học sinh với nội dung phong phú, hấp dẫn để các em thêm hiểu và trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống mà lớp cha ông đã dày công gây dựng. Ngoài ra, vào các dịp lễ, tết, nhà trường đều tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa thu hút các học sinh trong trường tham gia như, tục làm vía, buộc chỉ cổ tay, các trò chơi dân gian, múa pồn pôông, đánh cồng chiêng, múa sạp, đánh cù, bắn nỏ, dệt thổ cẩm, trình diễn trang phục dân tộc.
Hàng năm, nhà trường đều mời các nghệ nhân am hiểu về các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường đến để truyền dạy lại các làn điệu hát, múa truyền thống, trò chơi dân gian... Đồng thời, hướng dẫn các em học sinh thành lập các câu lạc bộ, đội văn hóa - văn nghệ dân gian. Do đó, đến nay nhà trường đã thành lập được câu lạc bộ dân vũ, câu lạc bộ cồng chiêng thu hút 60 thành viên tham gia và thường xuyên tập luyện để biểu diễn tại các hội thi, hội diễn do địa phương hoặc nhà trường tổ chức. Từ đó, góp phần lan tỏa, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Cùng với các nhà trường, lực lượng ĐVTN trong tỉnh cũng đã tích cực đưa việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa truyền thống là nội dung trọng tâm trong hoạt động của tổ chức đoàn hàng năm. Tiêu biểu như, Huyện đoàn Như Thanh những năm qua luôn đề cao nhiệm vụ giáo dục ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cho ĐVTN thông qua nhiều cách làm linh hoạt: đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho ĐVTN về hệ thống di sản văn hóa của địa phương thông qua hệ thống loa truyền thanh, qua các buổi họp chi đoàn, các trang fanpage, facebook của đoàn; vận động thành lập các nhóm trên mạng xã hội để tuyên truyền, trao đổi, chia sẻ đến ĐVTN về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giữ gìn văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc...
Cùng với đó, các cơ sở đoàn trong huyện còn chú trọng việc đẩy mạnh, duy trì đội văn nghệ tại các thôn, bản với nòng cốt là ĐVTN thường xuyên tham gia tập luyện, sẵn sàng biểu diễn, phục vụ Nhân dân vào các dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm lớn của địa phương. Hàng năm, trong các chương trình văn nghệ, thể thao quần chúng do huyện tổ chức luôn khuyến khích ĐVTN dân tộc thiểu số đưa các trò chơi dân gian, diễn xướng dân gian như, nhảy sạp, kéo co, đánh cồng chiêng, tung còn... vào biểu diễn, giao lưu. Cùng với đó, ĐVTN trong huyện đã tiên phong, sáng tạo ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng, triển khai gắn mã QR tại các “địa chỉ đỏ”, di tích lịch sử, văn hóa nhằm cung cấp thông tin, thuyết minh tự động trong quảng bá văn hóa, du lịch cho người dân và du khách. Từ những việc làm thiết thực của ĐVTN đã góp phần vào việc giữ gìn được nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện.
Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là một nhiệm vụ lâu dài, cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư. Bởi vậy, Tỉnh đoàn Thanh Hóa cũng đã chỉ đạo các cơ sở đoàn trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, hiểu biết về di sản văn hóa cho ĐVTN; tích cực tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao vào các ngày lễ lớn, dịp kỷ niệm của đất nước, của tỉnh, trong đó có lồng ghép các trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống; tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan mở các lớp tập huấn, truyền dạy cho các thế hệ thanh niên biết về những phong tục, tập quán, những làn điệu dân ca, dân vũ. Cùng với đó là đẩy mạnh số hóa di tích tại các “địa chỉ đỏ”, di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh... nhằm quảng bá di sản văn hóa cũng như thúc đẩy du lịch ngày càng phát triển.
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt
{name} - {time}
-
2025-05-27 16:00:00
Những di tích-bảo vật quốc gia bị xâm hại: Ai sẽ chịu trách nhiệm chính?
-
2025-05-27 15:57:00
Hành trình trưởng thành về tinh thần
-
2025-05-24 13:22:00
Đột phá - Hành trình vượt qua nghịch cảnh của doanh nhân Hồ Văn Trung
Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Lễ hội Trái cây Nam Bộ 2025
Hội nhập quốc tế về văn hóa: Khi bản sắc dân tộc gặp gỡ tinh hoa nhân loại
Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa giành Giải Nghệ thuật Văn hóa Fukuoka 2025
Lan tỏa hình ảnh Việt Nam hạnh phúc thông qua cuộc thi ảnh và video
Album “Sử đá lưu danh”: Âm nhạc đương đại phản ánh tinh hoa đạo học
Ban nhạc Bức Tường chuẩn bị tour lưu diễn châu Âu trong tháng 6
Nguyễn Thúc Thùy Tiên và cú trượt dài của một “hoa hậu quốc dân”
Chọn nghề phù hợp - Hoàn thiện hành trình khám phá bản thân
Hoa hậu Ý Nhi thể hiện tài năng gì tại cuộc thi Miss World lần thứ 72?