Nâng cao ý thức trách nhiệm, giữ gìn và bảo vệ môi trường nông thôn
Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn; xử lý, thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên đồng ruộng, thuận lợi có nhưng cũng không ít khó khăn. Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại, hạn chế. Đó cũng là nội dung cuộc trao đổi giữa phóng viên (PV) Báo Thanh Hóa Cuối tuần với bà Nguyễn Thị Minh Huệ, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh); ông Lê Vinh Xớn, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Nghi Sơn và chị Lê Thị Liên, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Phúc (Nông Cống).
Bà Nguyễn Thị Minh Huệ: Điều kiện vệ sinh môi trường nông thôn đã và đang được cải thiện đáng kể PV: Tiêu chí môi trường là 1 trong những tiêu chí khó đạt trong XDNTM, nhất là XDNTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Thực trạng môi trường nông thôn hiện nay trên địa bàn tỉnh như thế nào, thưa bà? Bà Nguyễn Thị Minh Huệ: Phải khẳng định, điều kiện vệ sinh môi trường nông thôn đã và đang được cải thiện đáng kể. Thực tế, hiện nay phần lớn người dân đã có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, tình trạng đổ rác thải sinh hoạt bừa bãi ra khu vực công cộng đã giảm đáng kể. Việc quản lý, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các hộ gia đình được quan tâm thực hiện. Rác thải hữu cơ được tận dụng làm phân bón, rác thải vô cơ, hữu cơ khó phân hủy không tái chế được sẽ hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển đi xử lý theo quy định. Năm 2023, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn toàn tỉnh được sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN khoảng 62%, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn toàn tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh khoảng 97,5%; tỷ lệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn toàn tỉnh đạt 91,8%, trong đó, khu vực nông thôn đạt 80,2%; tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đạt 83%. Tuy nhiên, vấn đề môi trường nông thôn hiện nay cũng đang còn một số tồn tại như sau: Tại khu vực nông thôn, nước thải sinh hoạt, nước thải trong chăn nuôi, sản xuất, làng nghề tại nhiều nơi chưa được xử lý triệt để, thải trực tiếp ra môi trường. Một số khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh vẫn để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường như: Bãi rác xã Đông Nam, huyện Đông Sơn; bãi rác phường Trung Sơn, TP Sầm Sơn..., làm ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân khu vực xung quanh. Việc triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt mới ở dạng mô hình, chưa được thực hiện sâu, rộng, chưa thực sự hiệu quả, các địa phương chưa quan tâm chỉ đạo mạnh mẽ đối với việc thực hiện đồng bộ từ khâu phân loại đến thu gom, vận chuyển. Bên cạnh đó, mặc dù nhiều địa phương đã xây dựng thùng thu gom tại đồng ruộng, tuy nhiên, vẫn còn tình trạng các loại chai lọ, vỏ bao gói hóa chất BVTV sau khi sử dụng bị vứt bỏ ngay tại bờ ruộng hoặc vứt xuống các kênh, mương tiêu thoát nước, gây ô nhiễm môi trường. PV: Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững, hướng tới đô thị hóa nông thôn thì các giải pháp, chiến lược hành động cụ thể trong xử lý ô nhiễm môi trường nông thôn đã được tỉnh đưa ra như thế nào? Bà Nguyễn Thị Minh Huệ: Thứ nhất, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và tầng lớp Nhân dân về bảo vệ môi trường nông thôn. Thứ hai là tăng cường quản lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn. Thứ ba là tăng cường quản lý chất thải nông nghiệp. Thứ tư là tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường từ các làng nghề. Riêng đối với việc tăng cường quản lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kêu gọi các nhà đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa triển khai đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn vào các khu xử lý chất thải rắn trên địa bàn. Tăng cường nghiên cứu phát triển công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo hướng giảm thiểu lượng chất thải rắn chôn lấp, tăng tỷ lệ tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng từ xử lý chất thải... Đối với giải pháp tăng cường quản lý chất thải nông nghiệp cần tiếp tục thực hiện công tác kiểm tra việc thu gom, xử lý và sử dụng phụ phẩm cây trồng; áp dụng các biện pháp, kỹ thuật canh tác nhằm giảm thiểu sử dụng hóa chất BVTV. Tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng thu gom (bể chứa bao bì thuốc BVTV sau sử dụng). Đồng thời, bảo đảm đáp ứng yêu cầu thu gom lượng bao bì thuốc BVTV phát sinh thực tế, làm cơ sở để từ đó vận chuyển đến các đơn vị có chức năng xử lý chất thải nguy hại phù hợp để tiêu hủy đúng quy định... Ông Lê Vinh Xớn: Cần có chính sách hỗ trợ kinh phí để xây dựng bể chứa PV: Không thể phủ nhận, sự ra đời mô hình “Bể chứa thu gom bao bì thuốc BVTV” đã tác động lớn đến ý thức người dân. Nhưng dường như mô hình cũng đang gặp khó khăn, thưa ông? Ông Lê Vinh Xớn: Góp phần vào công tác bảo vệ môi trường, Hội Nông dân thị xã Nghi Sơn đã thực hiện mô hình “Bể chứa thu gom bao bì thuốc BVTV” tại các bờ ruộng. Mô hình ra đời đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng cao của cán bộ, hội viên nông dân. Đến nay, toàn thị xã đã có 15/31 xã, phường xây dựng gần 200 bể chứa bao bì thuốc BVTV. Mỗi vụ thu gom khoảng gần 25.000 vỏ bao bì thuốc BVTV. Đây là việc làm thiết thực góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn nhiều khó khăn trong công tác triển khai thực hiện mô hình như kinh phí xây dựng các bể còn hạn chế, việc xử lý sau thu gom cũng đang là vấn đề khó, còn một số đơn vị vẫn chưa xây dựng được mô hình và xử lý bằng cách gom đốt. Qua đây, tôi cũng xin có một số đề xuất: Một là, cần có cơ chế, chính sách tạo điều kiện để hỗ trợ kinh phí nông dân xây dựng bể chứa và xử lý bao bì sau thu gom. Hai là, đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp tuyên truyền cán bộ, hội viên và Nhân dân trong việc thực hiện và lan tỏa mô hình “Bể chứa thu gom bao bì, thuốc BVTV”. Chị Lê Thị Liên: Cán bộ, đảng viên phải là người tiên phong đi đầu PV: Được biết, Hội LHPN xã Tân Phúc đã có nhiều giải pháp, cách làm trong phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, trong đó có mô hình “Hố rác hữu cơ 2 ngăn”. Mô hình đã và đang có những hiệu quả nhất định. Chị có thể chia sẻ thêm về mô hình này? Chị Lê Thị Liên: Tân Phúc có hơn 1.000 hội viên. Năm 2013, hội LHPN xã đã phát động xây dựng hố rác 2 ngăn để giúp hội viên và Nhân dân phân loại rác thải sinh hoạt tại gia đình. Thời điểm này, đối với rác hữu cơ hoặc tự phân hủy hoặc đốt. Rác thải khó phân hủy bỏ vào thùng rác, bao tải để công ty môi trường thu gom, xử lý. Để góp phần trong công tác bảo vệ môi trường đạt hiệu quả hơn, năm 2019, hội đã phát động mua thùng đựng rác tặng cho hội viên nghèo và kết quả đã tặng được 108 thùng. Đồng thời, 300 hộ có điều kiện cũng đã mua 300 thùng rác. Đến năm 2022, hội tiếp tục triển khai mô hình “Hố rác hữu cơ” dùng men vi sinh ủ rác, tạo thành phân bón cho cây trồng. Thực tế, khi triển khai mô hình này, cũng gặp những khó khăn nhất định về kinh phí. Bởi mỗi hộ gia đình ít nhất phải xây 2 hố. Hơn nữa, để đạt hiệu quả cao thì cần thiết phải mua nắp đậy kín. Tuy nhiên, do liên quan vấn đề kinh phí nên tỷ lệ người dân tham gia đang còn thấp. Một nguyên nhân nữa, nhiều hộ không có đất vườn nên không tham gia mô hình “Hố rác hữu cơ 2 ngăn”. Hiện trên địa bàn xã mới có khoảng 15% số hộ tham gia mô hình này. Hiệu quả trong phân loại rác đã thấy rõ, ý thức người dân được nâng lên, góp phần bảo đảm môi trường xanh - sạch - đẹp. Nhưng cũng thẳng thắn nhìn nhận, hạn chế vẫn còn nên quá trình phân loại không đạt kết quả như mong muốn. Để công tác vệ sinh môi trường nói chung việc phân loại rác tại hộ nói riêng đạt kết quả, đòi hỏi phải cả hệ thống chính trị vào cuộc để tuyên truyền, vận động người dân, trong đó cán bộ, đảng viên phải là người tiên phong đi đầu trong quá trình thực hiện. |
Việt Anh (thực hiện)
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:29:00
Giải mã bí ẩn về vùng "tam giác tử thần” trên gương mặt mỗi người
-
2024-11-21 15:39:00
Nét đẹp nghề cói trên vùng đất Nga Sơn
-
2024-05-11 14:37:00
Giữ vững an ninh vùng biên giới Quan Hóa
Nâng cao chất lượng đào tạo ở Trường Trung cấp Nghề miền núi Thanh Hóa
“Ngôi nhà xanh” ở Thọ Xuân
Ứng xử nơi xứ đồng
[Góc nhìn]: Làm gì với mùa hè?
Kết nối cung cầu, nâng tầm giá trị nông sản Việt
Vinh danh 2 nhà khoa học có công lớn trong việc tạo ra kho hạt giống toàn cầu
Chữa lành, không chỉ là xu hướng!
Thay đổi thói quen, tạo nhận thức
Kêu gọi bình chọn cho Việt Nam tại Giải thưởng Golf thế giới 2024