(vhds.baothanhhoa.vn) - Xứ Thanh - mảnh đất dày đặc lễ hội truyền thống. Nếu người dân ở miền núi có lễ Khai Hạ, mừng cơm mới; vùng đồng bằng có các lễ hội đình làng truyền thống; thì cư dân ven biển lại có lễ hội Cầu Ngư. Đây là một nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đặc sắc được hình thành từ rất sớm trong cộng đồng cư dân làng biển và được giữ gìn, bảo tồn trong nhiều thế kỷ cho đến ngày nay.

Nét đẹp văn hóa ở vùng biển xứ Thanh

Xứ Thanh - mảnh đất dày đặc lễ hội truyền thống. Nếu người dân ở miền núi có lễ Khai Hạ, mừng cơm mới; vùng đồng bằng có các lễ hội đình làng truyền thống; thì cư dân ven biển lại có lễ hội Cầu Ngư. Đây là một nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đặc sắc được hình thành từ rất sớm trong cộng đồng cư dân làng biển và được giữ gìn, bảo tồn trong nhiều thế kỷ cho đến ngày nay.

Nét đẹp văn hóa ở vùng biển xứ ThanhNghi thức đọc chúc văn tại lễ hội Cầu Ngư - bơi trải TP Sầm Sơn năm 2023.

Tạo hóa đã khéo léo ban tặng cho mảnh đất xứ Thanh đường bờ biển dài 102 km trải dài từ huyện Nga Sơn cho đến thị xã Nghi Sơn. Đây chính là lợi thế để cư dân sinh sống ven biển hình thành nên nghề đánh bắt hải sản. Do cuộc sống phụ thuộc vào công việc đánh bắt hải sản trên biển là chính, quanh năm bám thuyền, bám biển, lênh đênh trên sông nước, nên ngư dân vùng biển luôn xem thần Nam Hải là vị thần che chở cho họ trong mỗi chuyến ra khơi. Từ xa xưa, ngư dân đã coi trọng lập nghè, đền, miếu để thờ các vị thần\ và hết sức thành tâm với việc thờ cúng. Để tỏ lòng thành kính thể hiện sự biết ơn của ngư dân dành cho Cá Ông và để cầu mong, gửi gắm những hy vọng về một năm ra khơi suôn sẻ, thuận lợi và bình an với những khoang thuyền đầy ắp “lộc biển”, cứ vào độ từ tháng Giêng đến tháng 6 âm lịch hàng năm, ngư dân vùng ven biển lại cùng nhau tổ chức lễ hội Cầu Ngư.

Với người dân xã Ngư Lộc (Hậu Lộc), thì lễ hội Cầu Ngư được tổ chức từ ngày 21 đến 24 tháng 2 âm lịch hàng năm, được coi là lễ hội lớn nhất trong năm của xã. Theo các bậc cao niên trong làng kể lại: Lễ hội Cầu Ngư xuất phát từ lễ hội Cầu Mát của cư dân làng Diêm Phố. Lễ hội có từ khi làng mới thành lập vào thời nhà Hậu Lê, trải qua nhiều thế kỷ vẫn được bảo tồn và phát huy giá trị. Các vị thần được thờ ở lễ hội này là: Tứ vị Thánh Nương, Đông Hải Đại Vương, Nẹ Sơn Tôn Thần, Nam Hải Đại tướng quân...

Thông thường trước khi tổ chức lễ hội, người dân trong xã phải tất bật cả tháng để luyện tập và chuẩn bị. Đặc biệt là các bộ phận tham gia phần tế lễ như: Đội tế nam, tế nữ, phường bát âm, đội cờ trống... đều phải tập luyện hàng tuần. Các cụ trông coi đền, nghè có nhiệm vụ kiểm tra lại các cỗ kiệu, các đồ tế khí và lau chùi sạch sẽ các vật dụng đồ thờ để lễ hội diễn ra được uy nghiêm, trang trọng. Trong đó, việc làm Long Châu là quan trọng hơn cả. Long Châu là một chiếc thuyền rồng, một lễ vật đặc trưng không thể thiếu trong lễ hội Cầu Ngư, bởi được mô phỏng chức năng, quyền lực của các vị thần vùng sông biển và chứa đựng những lễ vật cùng với lời thỉnh nguyện của người dân, được cúng tế chính trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.

Ngày diễn ra lễ hội, Nhân dân và du khách thập phương đến dự rất đông. Lễ hội được bà con tổ chức trang nghiêm, thành kính, với nhiều nghi thức như: tế lễ, rước kiệu, lễ cầu mát, cầu an... Các dòng họ trong xã cùng với các chủ tàu sẽ đến trước thuyền Long Châu cầu khấn mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đời sống ngư dân ấm no, hạnh phúc. Trong những ngày diễn ra lễ hội, ngư dân địa phương còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, các trò chơi dân gian mang đậm nét văn hóa vùng biển như: trò câu mực, thi đan lưới, thi hò đối, thi đánh cờ người... Qua đó giúp thắt chặt hơn nữa tinh thần đoàn kết, gắn chặt tình làng, nghĩa xóm và cùng nhau vươn lên trong cuộc sống.

Là người gắn bó cả đời với nghề đi biển, ông Trần Văn Tuấn, xã Ngư Lộc cho biết: "Năm nào tôi cũng cùng người thân tham gia lễ hội Cầu Ngư. Lễ hội được xem là nghi lễ rất quan trọng với gia đình tôi và nhiều ngư dân khác với mong muốn một năm đi biển mưa thuận gió hòa, cá tôm đầy khoang. Lễ hội cũng là dịp để mỗi người nêu cao tinh thần làng xã, sự cố kết cộng đồng và là dịp để ngư dân chúng tôi được phô diễn tài năng, thể hiện nét tài hoa trong việc thi các trò chơi dân gian".

Tại TP Sầm Sơn, lễ hội Cầu Ngư - bơi trải lại được tổ chức trong những ngày đầu hè, vào dịp 15-5 (âm lịch). Lễ hội nhằm góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị, nét văn hóa truyền thống đặc sắc, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân, làm phong phú thêm các sản phẩm phục vụ du lịch... tạo nên hình ảnh thành phố du lịch biển hiện đại, văn minh, thân thiện. Đồng thời góp phần tạo niềm tin, động viên ngư dân tham gia vươn khơi bám biển, lao động sản xuất, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Lễ hội diễn ra với phần lễ chính gồm các nghi thức: rước kiệu, dâng hương, tế lễ, tế thần sông, thần biển; đọc chúc văn cầu cho mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng để những người dân chài ra khơi được bình an, đánh bắt được nhiều tôm cá, mùa màng bội thu, Nhân dân sống ấm no và hạnh phúc. Các nghi lễ tại lễ hội được tổ chức trang nghiêm, thành kính với sự tham gia của hàng nghìn người dân trên địa bàn TP Sầm Sơn và du khách thập phương.

Sôi động và hấp dẫn nhất trong lễ hội là cuộc thi bơi trải truyền thống với sự tham gia của nhiều vận động viên đến từ các đội bơi của các phường, xã trên địa bàn thành phố. Thông thường, mỗi thuyền đua gồm 21 người, là những tay chèo khỏe mạnh, nhanh nhẹn, thông thạo luồng lạch nhất. Cuộc thi được tổ chức nhằm tỏ lòng tôn kính vị thần Biển, thần Mặt Trăng, thần Độc Cước đã phù hộ chở che cho cuộc sống của ngư dân Sầm Sơn gắn với nghề khai thác đánh bắt hải sản.

Với sự đa dạng, phong phú, mang đặc trưng tiêu biểu sắc thái văn hóa địa phương của cư dân vùng biển, lễ hội Cầu Ngư chính là nhánh phù sa màu mỡ kiến tạo nên dòng chảy văn hóa xứ Thanh. Do đó, đặt ra cho người dân, chính quyền địa phương và các ngành chức năng trọng trách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội này. Trong đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá để người dân thấy được giá trị cũng như các nội dung cơ bản của lễ hội. Từ đó nâng cao ý thức trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội; bảo tồn các kiến trúc như đình làng, miếu thờ, nghè... những nơi gắn liền với tâm linh cũng như phong tục tập quán của ngư dân vùng biển; tôn vinh các nghệ nhân, đặc biệt là các chủ tế, các nghệ nhân trình diễn dân gian truyền dạy các nghi thức, cách thức tiến hành lễ hội cho thế hệ trẻ. Đặc biệt, Nhân dân và chính quyền ở một số địa phương cần nỗ lực và tích cực hơn nữa trong việc phối hợp với các cấp, ngành để đưa lễ hội Cầu Ngư vào “kho tài sản” quốc gia. Đồng thời, cần sớm đưa lễ hội trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước...

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]