(vhds.baothanhhoa.vn) - Không ngẫu nhiên từ năm 2008, tiểu thuyết “Ngày tháng năm” của nhà văn Diêm Liên Khoa đã được Trung tâm giáo dục quốc gia Pháp giới thiệu vào mục lục sách học sinh trung học cần đọc. Các tác phẩm của ông thường viết về bóng tối, cái chết và sự băng hoại của nhân phẩm nhưng lại hướng con người đến ánh sáng, sự sống và nhân tính.

“Ngày tháng năm”: Chiếc lá nảy mầm hy vọng

Không ngẫu nhiên từ năm 2008, tiểu thuyết “Ngày tháng năm” của nhà văn Diêm Liên Khoa đã được Trung tâm giáo dục quốc gia Pháp giới thiệu vào mục lục sách học sinh trung học cần đọc. Các tác phẩm của ông thường viết về bóng tối, cái chết và sự băng hoại của nhân phẩm nhưng lại hướng con người đến ánh sáng, sự sống và nhân tính.

“Ngày tháng năm”: Chiếc lá nảy mầm hy vọng

“Ngày tháng năm” (tác giả Diêm Liên Khoa, Minh Thương dịch, NXB Hội Nhà văn, 2022) xoay quanh 3 nhân vật: ông lão, con chó mù và cây ngô, bên cạnh đó là đàn sói và đàn chuột. Truyện tưởng như không có gì cuốn hút, chỉ kể về một ngôi làng bị hạn hán, cả làng phải “chạy đói, lánh hạn”; nhưng lại vô cùng hấp dẫn với những nhân vật quẩn quanh bên nhau. Đó là ông lão duy nhất ở lại làng với cái cớ “Ruộng nhà tôi có một mầm ngô mọc lên rồi”, vì ông đã 72 tuổi “đi chưa được ba ngày thì cũng sẽ mệt đến chết thôi. Kiểu gì thì cũng chết, tôi muốn chết trong thôn làng”. Một con chó bị nắng mặt trời chết tiệt làm mù mắt. Và một cái cây “cô đơn lẻ loi trong cái năm hạn hán” nhưng lại điểm tô cho những “ngày tháng như tro bụi có chút hơi nước ẩm ướt”. Không gian đặc quánh với những thứ mùi khó ngửi như: Móng tay bị thiêu cháy đen... với màu than bụi đỏ lửa khắp núi đồi. Bao bọc xung quanh là dãy núi Bá Lâu và nương Tám Dặm Rưỡi. Ông lão phải tìm cách vừa nuôi mình và con chó, vừa tìm nguồn nước để tưới cho cây ngô với hy vọng “một ngày trời sẽ mưa xuống và cây ngô sẽ kết trái, làm hạt giống cho mùa sau”.

Chính cái cây nhỏ bé là niềm hy vọng sống của ông lão và con chó. Ông lão và con chó đã chuyển đến ở trên nương Tám Dặm Rưỡi để được bên mầm ngô. Việc “trồng xuống bốn cái rui nhà làm cột, trên thân bốn cái cột, buộc hai cánh cửa, lại phủ bốn chiếc chiếu cói trên đỉnh cột” đã cho thấy chuyến “chuyển nhà” này có sự tính toán kì công. Song, ẩn sau đó là “cảm giác vui sướng nhẹ nhàng ấm áp lan tỏa khắp lồng ngực, gương mặt cũng hồng lên phơi phới một niềm vui” khi mỗi ngày nhìn thấy cây ngô cao lên hai đốt ngón tay, từ bốn chiếc lá ban đầu đã biến thành năm hay sáu chiếc lá... “Mỗi chiếc lá ngô đều khiến mình thêm sức sống”.

Nhân vật của “Ngày tháng năm” không có tên. Tất cả đều được gọi bằng một danh từ chung. Và “họ” nương tựa vào nhau, “họ” là những người bạn. “Ông không ngừng vuốt lông nó, nó không ngừng liếm tay kia của ông. Đêm nay, họ chìm đắm trong cảm giác ấm áp của sự tựa nương, trong lòng có nỗi đồng cảm khó nói thành lời. Cả ông lão và con chó đều cảm nhận được “mầm ngô mỗi ngày một cao, trong đêm yên tĩnh âm thanh sinh trưởng của nó bé nhỏ và non nớt, giống như tiếng thở của đứa trẻ con khi say ngủ”. Từ cách xa chín, mười dặm, “họ” cũng có thể nghe thấy hơi thở của mầm cây tươi non mềm mại”. Khi lại gần “nghe tiếng thở sinh trưởng của mầm ngô, cảm thấy khớp xương toàn thân mềm ra nhưng lại rất dễ chịu. Không chỉ vui và hân hoan, “họ” còn thấu cảm được nỗi đau đớn. “Nghĩ đến việc con chó bị nắng chiếu mù, trong lòng ông lão chợt bị một cái gì đó chà xát đau đớn, vội ôm con chó vào lòng, lau mắt nó từng chút từng chút một”. Hay khi “mầm ngô đó đã bị gió thổi gãy. Đoạn gốc còn lại run rẩy như ngón tay bị chặt đứt, trong cái nắng rừng rực, vết thương bị đứt chảy ra một màu xanh sẫm, nhỏ xíu sền sệt như một sợi dây”.

Thậm chí, tác giả đã nhiều lần tả cảnh con chó khóc, cảnh nó quỳ bên cạnh ông lão, nhường thức ăn cho ông lão, liếm tay, liếm mặt ông lão, cảnh nó phủ phục bên xác ông lão và trung thành với người thân duy nhất của nó và cảnh nó canh cây ngô. Những sợi dây li ti ấy kết nối họ, 3 thế giới khác nhau ấy vào để nương tựa và chung sống, đồng cam cộng khổ và sống chết có nhau.

“Ngày tháng năm” đi thẳng vào đề tài gai góc. Cuộc chiến giành giật thức ăn và sự tấn công của đàn chuột, đàn sói được Diêm Liên Khoa miêu tả nghẹt thở và cuốn hút. Trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của ông với tổng cộng hơn 15 bộ tiểu thuyết, hơn 50 truyện vừa, hơn 40 truyện ngắn, 3 bộ tản văn dài, 5 tập tùy bút tản văn; 6 cuốn chuyên luận lí luận văn học và diễn giảng văn học; 10 bộ phim và phim truyền hình dài tập, ông luôn nhất quán quan điểm về sự dũng cảm và chân thành của một nhà văn. Đọc những đối thoại của ông lão với con chó, cây ngô mà thực chất là độc thoại nội tâm của ông lão, chúng ta có thể nhận thức được rằng, trước thiên nhiên, con người có thể căm phẫn, tức giận, nhưng vẫn chấp nhận, rồi cuối cùng là hy sinh để dành quyền sống sót lại cho tự nhiên. Quan hệ của ông lão đối với con chó và cây ngô từ thế người chủ, người ra ơn chuyển thành bạn bè, người thân, rồi sau đó là sự bình đẳng.

Khi ông lão nhận ra “trong vòng trăm dặm trên dãy núi này không còn một hạt lương thực nào”, “không còn con chuột nào nữa”, ông đã nói với con chó mù: "Nếu mày muốn sống thì mày coi tao là cơm ăn từng bữa, từng bữa, sau đó canh giữ cây ngô này, đợi người trong làng trở về, đưa họ đến đây bẻ bắp ngô này”.

Khi nhìn thấy cây ngô sắp thụ phấn, sắp bắt đầu kết hạt thì cũng là lúc ông lão nhận ra mình “chịu đựng đủ rồi, mùa thu hoạch đã đến rồi, mùa vụ sắp chín rồi”. Ông đã chọn cho mình cái chết để con chó và cây ngô được sống. Đây không phải là sự thất bại của con người mà là sự lựa chọn cách sống, cách yêu thương tự nhiên.

Đọc chương cuối cùng, tôi tin ai cũng phải chùng lòng, thậm chí để nước mắt rơi tự nhiên. Một cây ngô đã sống sót và sinh trưởng dưới thân xác của ông lão và con chó, rễ cây đan lồng vào xương cốt của ông lão như một ẩn dụ cho mối quan hệ bền chặt không tách rời giữa con người và tự nhiên. Thực sự “Ngày tháng năm” là bản tụng ca sức sống phi phàm của con người, trong cuộc đương đầu với số phận, làm chủ thiên nhiên. Câu chuyện đậm tính ngụ ngôn, nhưng qua từng trang sách, mọi điều, mọi sự vật như có một tia sáng rọi chiếu. Từ một cây ngô có 2 cái lá ban đầu, cùng với sự chống chọi của ông lão và con chó mù đã có một bắp ngô “to bằng cái bắp chân, dài như cánh tay, tổng cộng có ba mươi bảy hàng hạt. Trong ba mươi bảy hàng, có bảy hạt to bằng bụng ngón tay, trong suốt như hạt ngọc”. Bảy hạt to khỏe ấy đã được bảy người con trai của bảy hộ gia đình trong làng “trẻ tuổi, khỏe mạnh, có sức vóc, bắc bảy cái gác lều trên bảy sườn núi, trên bảy mảnh đất”. Họ chống chọi không biết mệt mỏi với ánh mặt trời và nỗi cô đơn trồng được bảy cây ngô tươi non xanh mướt.

Chúng ta đã thấy rõ vị trí trung tâm vũ trụ của con người qua chiến thắng tự nhiên trong tiểu thuyết “Ông già và biển cả” của Hemingway thì khi đọc “Ngày tháng năm” của Diêm Liên Khoa ta lại nhận ra rằng, nếu con người không biết quý trọng và chung sống với tự nhiên, thậm chí tiếp tục tìm cách tận diệt tự nhiên thì thiên nhiên sẽ đáp trả “gay gắt” với những hạn hán tột độ.

“Ngày tháng năm”, một cuốn tiểu thuyết dày 160 trang nhưng gấp lại vẫn lẩn quất đâu đây không chỉ thân phận ông lão, mà còn là biết bao con người đã phải bỏ làng, bỏ sườn núi, bỏ bờ nương để đi tìm sự sống tạm thời và rồi sau tất cả họ vẫn trở lại tìm ngôi nhà mình, quê hương mình để cố gắng tìm trong ruộng nương nứt nẻ những chồi cây đang bật mầm.

Dẫu cuộc đời có khắc nghiệt bao nhiêu thì sự sống cũng vẫn tồn tại, dẫu mảnh đất có khô cằn nứt nẻ thì những chiếc lá vẫn gắng nảy mầm. Thông điệp ấy được nhà văn Diêm Liên Khoa thể hiện rất rõ. Và chính nó đã dẫn dụ người đọc từ trang đầu tiên cho đến trang cuối cùng của tiểu thuyết “Ngày tháng năm”.

HUYỀN CHI



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]