(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Thư pháp là một khoa học, có cách thức phép tắc, quy cách chặt chẽ, dù cho người viết muốn sáng tạo thế nào thì cũng không thể vượt ra ngoài cái “Pháp” đó được. “Thư” là viết chữ “pháp” là phép tắc, khuôn phép phải tuân theo. Người ta gọi là “Thư học”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ngày xuân nói chuyện về thư pháp

(VH&ĐS) Thư pháp là một khoa học, có cách thức phép tắc, quy cách chặt chẽ, dù cho người viết muốn sáng tạo thế nào thì cũng không thể vượt ra ngoài cái “Pháp” đó được. “Thư” là viết chữ “pháp” là phép tắc, khuôn phép phải tuân theo. Người ta gọi là “Thư học”.

Thư pháp còn là bộ môn nghệ thuật. Ở đây đòi hỏi người viết thể hiện tài năng, tâm hồn, phong cách viết đẹp có sức hấp dẫn người xem, người đọc và qua đó truyền giao hứng thú, tình cảm, tư tưởng đến người thưởng thức thư pháp.

Mọi người chúng ta đến với thư pháp, cần hiểu sâu về thư pháp còn là một thứ “Đạo” - “Thư đạo”. Người viết và người dùng thư pháp, cùng nhau tìm thấy cái tốt đẹp trong thư pháp. Thư pháp còn là bộ môn giáo dục rất cao giúp mọi người tu dưỡng bản thân, hiểu biết đạo làm người, trau luyện tâm tình, tình nghĩa thủy chung. Học tập thư pháp mà thấm nhuần thì mọi người chúng ta có thể thấy ngay con người có đạo lý và tri thức.

Thư pháp liên quan đến triết học, mà triết học phương Đông lại khác triết học phương Tây. Triết học phương Đông không khẳng định hay phủ định dứt khoát rạch ròi như phương Tây hầu như cái gì cũng ẩn ẩn, hiện hiện, nó cứ “nhờ nhờ” trong thực có hư, trong dương có âm, ẩn hiện dương âm đan cài, hài hòa phối hợp biểu hiện ý tưởng như đã tạo nên vạn vật “thái cực, lưỡng nghi, ngũ hành, bát quái tương sinh, tương khắc, tương hòa...”. Cái ẩn, cái hư cái “vô” trong chữ viết, cũng như là cái “không lời” trong thơ, cái “chỗ trắng” trong tranh, cái “lặng im” trong nhạc. Chữ viết có đậm có nhạt, có nét bút mực kéo không cùng, không đẩy lại có sức gợi rất đỗi hấp dẫn. Đó là nói về phương diện kỹ thuật. Còn khi thể hiện thì cái tay, cái bút lại là “đầy tớ trung thành” của tâm trí, không cảm hứng thì chữ có thể đẹp nhưng không “hồn”. Chính vì thế người làm thư pháp phải “khổ luyện thành tài” ngoài sự nhiệt tình, cảm hứng dồi dào cần cái tâm và cái tình.

Thực tế xưa nay ở nước ta có không ít hoành phi đại tự, câu đối, tự bán chữ không thua kém gì người Trung Quốc. Nhiều người chữ đẹp nức tiếng như vua Minh Mạng, vua Tự Đức, Cao Bá Quát... ở xứ Nghệ có cụ Tú Thoan, cụ Tú Trọc, sau này có cha con ông Nguyễn Thọ Nghinh, Nguyễn Thọ Đạt... nhưng hầu như chẳng ai được đưa vào danh mục là “thư gia” cả. Một điều đáng lưu ý nữa, ngay như ở Hà Nội, cụ Lê Xuân Hòa nổi tiếng thế mà cũng không được phong là “thư gia”.

Nhìn vào thực tế cuộc sống ngày nay, rất mừng là khá nhiều người viết thư pháp và sử dụng thi pháp, coi đó là một trong những tác phẩm nghệ thuật trang trí trong nhà, nhất là ở các nhà thơ, đền miếu, lăng mộ, nhà khách... Qua nghiên cứu tìm hiểu, các nhà nghiên cứu cho biết không ít người sử dụng thư pháp một cách vô thức với những chữ “Tâm”, chữ “Nhân”, chữ “Đức”... Qua một bức thư pháp, người ta biết được nhiều điều người viết, người biếu tặng, người treo thư pháp. Điều đáng tiếc nữa là một số bức thư pháp chỉ đẹp có cái khung hay màu mực. Ngoài ra còn có nhiều vở diễn sân khấu, nhiều phim truyện đã sử dụng những bức thư pháp có nét chữ quá xấu, không thể chấp nhận. Có người được tặng thư pháp như một cách trân trọng nhưng vẫn dửng dưng, vô cảm.

Theo y học cổ truyền lý giải, khi người ta thấm nhuần thư pháp cũng là giữ gìn đức nhân, ít phát sinh bệnh tật, đảm bảo sức khỏe. Bởi vì lòng không tham lam, luôn luôn thanh bạch, tâm bình hòa cho nên âm dương không bị mất cân bằng, nhờ vậy mà hấp thụ được tinh hoa đẹp đẽ trong trời đất để nuôi dưỡng tâm hồn, tăng thêm sức khỏe sống vui, sống khỏe, tăng thêm tuổi thọ, thượng thọ, đại thọ.

Mùa xuân là mùa đất trời tươi đẹp, mùa xuân của lòng người giàu lòng nhân ái thân thương. Người ta tìm đến thư pháp là mong về “thư học” để xin chữ “Tâm”, chữ “Nhân”, chữ “Đức”... học đạo làm người, có văn hóa đạo đức.

Nguyễn Trọng Hữu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]