(vhds.baothanhhoa.vn) - Sinh thời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Và trong truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam, nghề dạy học - người làm thầy vẫn luôn được người đời tôn trọng, đề cao. Dẫu vậy, đâu đó có những câu chuyện, sự vụ không hay xảy ra liên quan đến người làm thầy khiến hình ảnh nghề giáo không khỏi ảnh hưởng.

Nghề giáo - Tự hào và ngẫm suy

Sinh thời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Và trong truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam, nghề dạy học - người làm thầy vẫn luôn được người đời tôn trọng, đề cao. Dẫu vậy, đâu đó có những câu chuyện, sự vụ không hay xảy ra liên quan đến người làm thầy khiến hình ảnh nghề giáo không khỏi ảnh hưởng.

Nghề giáo - Tự hào và ngẫm suyThầy, cô giáo được ví là những người lái đò đưa các thế hệ học sinh đến bến bờ của tri thức, từng ngày trưởng thành.

Từ ngàn xưa trong xã hội, người làm thầy - nghề giáo đã được trọng vọng. Từ ông đồ dạy học ở trường làng đến thầy giáo dạy trong cung vua phủ chúa. Bằng tài năng, đạo đức, những người thầy mẫu mực không chỉ dạy chữ, dạy kiến thức mà hơn cả là dạy cho học trò của mình cách làm người, thành người. Tiếng thơm người thầy để lại cho đời không phải là tiền bạc, danh vọng mà là sự đức độ, tấm lòng và nhân cách đáng kính. Để đến hôm nay, với biết bao biến thiên lịch sử, vô vàn thứ đã bị chôn vùi, lãng quên thì những tấm gương người thầy mẫu mực vẫn được nhắc nhớ, từ trong sử sách đến lưu truyền dân gian.

Mỗi người, trong hành trình được sinh ra, lớn lên, nếu cha mẹ là đấng sinh thành, dưỡng dục thì những người thầy ví như “kỹ sư tâm hồn”, giúp ta từng ngày trưởng thành. Người thầy không đơn giản chỉ là dạy chữ mà còn là dạy lễ nghĩa, ứng xử... Bài học đầu tiên chúng ta được học, những chữ đầu tiên ta biết đọc khi đến trường chẳng phải là “Tiên học lễ, hậu học văn”.

Người đời vẫn ví người làm thầy như “người chèo đò” đưa những thế hệ học trò sang sông - sang đến bến bờ của hành trình trưởng thành, nên người. Những người chèo đò ấy với tấm lòng tận tụy, sự kiên trì cứ miệt mài đưa những thế hệ sang sông. Đi qua năm tháng, dẫu thầy chẳng thể nhớ nổi từng gương mặt học trò, nhưng học trò thì chẳng thể quên thầy. Để rồi một ngày, trên đường đời rộng lớn, bất chợt thầy trò gặp lại nhau, một câu chào hỏi: “Em chào thầy, thầy còn nhớ em không” có lẽ cũng đủ ấm lòng người làm thầy. Nói như vậy để thấy được niềm tự hào cũng như tầm quan trọng của nghề giáo - người làm thầy.

Nghề giáo - Tự hào và ngẫm suyBên cạnh niềm tự hào, người làm thầy cần ý thức về trách nhiệm với nghề mà bản thân lựa chọn.

Lại có ý kiến cho rằng, nghề giáo suy cho cùng cũng chỉ là một nghề con người ta lựa chọn để mưu sinh trong xã hội, đừng “khoác” lên vai người làm nghề “tấm áo quá rộng”, đừng đòi hỏi người làm nghề quá nhiều. Xin không tranh luận đúng - sai. Nhưng có một điều đơn giản, xã hội có muôn vàn nghề, việc lựa chọn theo nghề nào là quyền của mỗi người, còn khi làm nghề, cần có trách nhiệm. Và trách nhiệm của người làm thầy, chẳng phải là “dạy người” đó sao!

Thiết nghĩ, mỗi người khi lựa chọn nghề nghiệp, đặc biệt là theo nghề giáo hẳn đã xác định “con đường” mà bản thân sẽ đi. Và ngay cả khi đã bước trên con đường ấy, nếu thấy không phù hợp, chúng ta cũng có quyền lựa chọn một ngã rẽ khác. Còn không, nếu đã lựa chọn “nghề cao quý”, hơn ai hết, bản thân người làm nghề phải xác định được vai trò, trách nhiệm của chính mình.

Nếu như nghề giáo “trồng người”, dạy cho con người ta nên người, còn bác sĩ thì chữa bệnh cứu người, giúp con người giành giật sự sống từ tay tử thần, cả hai nghề đều đáng quý, được người đời nể trọng. Nhưng rồi, lại có câu nói nổi tiếng, đại ý: Một bác sĩ tồi có thể giết chết một vài bệnh nhân, một vị tướng tồi có thể giết chết một vài đạo quân nhưng một thầy giáo tồi sẽ giết chết nhiều thế hệ.

Tháng 10 vừa qua, một cô giáo trường tiểu học ở Ninh Bình có những lời lẽ xúc phạm không thể chấp nhận đối với học sinh. Sự việc sau khi bị phụ hunh phản ánh với những bằng chứng rõ ràng khiến dư luận không khỏi sửng sốt. Người ta tự hỏi, tại sao một cô giáo đứng lớp, lại dạy ở cấp học đang phải uốn nắn cho con trẻ từng lời ăn, tiếng nói, từng cử chỉ hành động lại có thể thốt ra những lời thiếu văn hóa đến thế. Cô giáo ấy chắc chắn bị xử lý. Nhưng rồi, những đứa trẻ đã từng học - từng nghe cô chửi, rồi đây các em sẽ lớn lên thế nào, hình ảnh, ấn tượng xấu xí về người thầy trong các em, bao giờ mới phai?!

Nghề giáo - Tự hào và ngẫm suyNghề giáo cần sự tận tình và tấm lòng với học trò.

Rồi lại chuyện những thầy giáo “yêu râu xanh”, xâm hại học trò đâu đó vẫn xảy ra, thật sự vô cùng xấu hổ và phẫn nộ. Những sự vụ ấy như vết mực đen xấu xí bôi lên “bức tranh” nghề giáo đáng lẽ cần phải được giữ gìn hơn bất cứ nghề nào khác.

Hay chuyện những thầy, cô giáo “ép” học sinh học thêm, những ngôi trường lạm thu... tất cả tưởng chừng nhỏ nhưng đều ít nhiều ảnh hưởng đến hình ảnh của nghề giáo cao quý...

Nhà giáo dục học nổi tiếng thế giới Comenxki đã từng nói: “Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”. Có lẽ, hơn ai hết, hơn bất cứ lúc nào hết, bên cạnh niềm tự hào thì bản thân mỗi người làm nghề - mỗi thầy cô, ngoài sự nỗ lực dạy dỗ học trò nên người thì cũng cần ý thức về trách nhiệm bản thân trong việc bảo vệ, giữ gìn hình ảnh của nghề giáo cao quý. Suy cho cùng, chẳng ai có thể làm cho nghề giáo được người đời tôn trọng hơn chính bản thân mỗi người làm nghề.

Bài và ảnh: Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]