(vhds.baothanhhoa.vn) - Nghỉ hè cho con trẻ vốn là chuyện đến hẹn... lại về. Và trong khoảng thời gian tạm chia tay trường lớp, mỗi gia đình, phụ huynh lại có những kế hoạch - lựa chọn khác nhau cho mùa hè của con.

Nghỉ hè: Vẫn lại chuyện đi học hay đi chơi

Nghỉ hè cho con trẻ vốn là chuyện đến hẹn... lại về. Và trong khoảng thời gian tạm chia tay trường lớp, mỗi gia đình, phụ huynh lại có những kế hoạch - lựa chọn khác nhau cho mùa hè của con.

Nghỉ hè: Vẫn lại chuyện đi học hay đi chơiDù nghỉ hè song nhiều bạn nhỏ vẫn kín lịch với việc học thêm hè. Ảnh minh họa: Bùi Trang

Cuối tháng 5, trong buổi bế giảng, Thóc (tên gọi ở nhà) cháu tôi nghe cô giáo thông báo sẽ được nghỉ học, không phải đến trường nên vui lắm. Cũng phải, dù mới học lớp 2 thôi nhưng lịch học trong năm của thằng bé kín mít gần như suốt cả tuần, có ngày còn phải học thêm cả buổi tối ở nhà cô giáo khiến cậu bé chưa tròn 8 tuổi không khỏi mệt mỏi. Nhiều hôm đã học ở trường cả ngày, gần 5 giờ chiều mới về đến nhà, vừa thay quần áo đã thấy mẹ cháu giục Thóc làm bài tập ở trường cô giao. Gần 7 giờ tối, cu cậu lại vội vàng ăn trước bát cơm để còn kịp giờ đi học thêm tối. Thành thử, gần 9 giờ tối mới về đến nhà, chỉ kịp bỏ sách vở vào bàn học là Thóc đã ngáp dài...

Được nghỉ hè, Thóc vui ra mặt. Nó nói với tôi về những kế hoạch nghỉ ngơi của mình. Nào con sẽ ra nhà bác chơi mấy tuần, rồi cả chuyện muốn đi Hà Nội thăm lăng Bác Hồ, rồi đi biển... Không hiểu cu cậu nghĩ ở đâu ra nhiều kế hoạch thế. Tôi nói đùa, Thóc phải đợi bác có tiền đã rồi mới đi chơi được. Nghe vậy, thằng bé ra vẻ hiểu chuyện: “Vậy bác cố gắng kiếm nhiều tiền cho con đi chơi nhé”.

Nhưng rồi niềm vui nghỉ hè của Thóc chẳng được bao lâu, những kế hoạch vui chơi cũng chưa kịp thực hiện thì sang đầu tháng 6 cháu đã bắt đầu phải đi học hè. Ban đầu là 3 buổi, rồi 4 buổi và đến giờ là 6 buổi/tuần.

Tôi nói với mẹ Thóc về chuyện nên chăng để thằng bé được nghỉ ngơi, tự học, đọc sách ở nhà, cả năm học kín lịch rồi, nghỉ hè sao còn phải học nhiều thế? Thì mẹ cháu “lý giải”: Em cũng có muốn con phải đi học nhiều vậy đâu, nhưng cô giáo tổ chức chẳng nhẽ không cho con đi. Chưa kể tốn kém tiền bạc, các bạn cùng lớp với con học cả, nếu Thóc không đi nhỡ vào năm học bị “hổng” kiến thức, không theo kịp các bạn thì sao?! Thôi thì, con người ta đi học, con mình cũng phải học vậy, được chữ nào hay chữ đó...

Chuyện nghỉ hè nhưng lại phải đi học hè như Thóc cháu tôi có lẽ không phải là hiếm, nếu không muốn nói khá phổ biến. Chỉ thương Thóc và nhiều bạn nhỏ, chẳng có một kỳ nghỉ hè đúng nghĩa. Được vui chơi, nghỉ ngơi.

Còn với chị Trần Hồng Nhung phường Đông Sơn (TP Thanh Hóa) mỗi khi các con bước vào kỳ nghỉ hè kéo dài, chị lại đau đầu với việc tìm lớp tốt, cô giáo dạy giỏi cho các con đi học thêm. Thôi thì đủ cả các môn, từ toán, tiếng Việt, ngoại ngữ, võ, vẽ, bơi... Lý do là bởi, “ở nhà không có người trông coi”.

Chị Nhung cho biết: "Nhà tôi có hai con, cháu lớn học lớp 5, cháu bé lớp 3. Vợ chồng tôi đều là công chức nhà nước, thời gian đi làm cố định, không thể ở nhà trông con, ông bà ở quê thì nhiều việc nên không thể bỏ ruộng vườn lên trông cháu, cho các con về quê thời gian dài thì không yên tâm. Chẳng nhẽ lại “nhốt” con ở nhà làm bạn với ti vi, điện thoại... Thế nên, đành phải cho con đi học hè, xem như là giải pháp an toàn. Cuối tuần, hôm nào có thời gian thì cho các con đi chơi. Hôm thì siêu thị, nhà bóng, thi thoảng lại về quê thăm ông bà".

Vẫn biết, nghỉ hè nhiều bố mẹ lựa chọn cho con đi học hè cũng bởi yêu con và mong những điều tốt đẹp nhất cho con. Song thực tế hiệu quả lại chưa hẳn như chúng ta kỳ vọng. Chưa kể, việc học hè còn khiến nhiều bạn nhỏ không khỏi áp lực và đó chưa chắc đã là một kỳ nghỉ hè như mong muốn của con trẻ. Và có lẽ, hiểu theo cách nào đó, nhiều người lớn chúng ta liệu có đang “đánh cắp” mùa hè của các con.

Nghỉ hè: Vẫn lại chuyện đi học hay đi chơiNgười lớn hãy để con trẻ lớn lên với những mùa hè đáng nhớ.

Có một thực tế, không hiếm bạn nhỏ hiện nay có thể học kiến thức văn hóa trên trường lớp rất tốt nhưng lại xa lạ với những thứ tưởng chừng bình dị trong cuộc sống, ở ngay bên cạnh mình.

Chị Lê Thị Hiền, phường Nam Ngạn (TP Thanh Hóa) chia sẻ: “Vợ chồng tôi quê Hậu Lộc, đều lớn lên từ ruộng đồng, sau đó lập nghiệp trên thành phố. Thi thoảng cũng cho các con về quê chơi với ông bà. Hai cháu nhà tôi đều chăm ngoan, học tốt. Nhưng bản thân tôi cũng bất ngờ khi mới đây, trong một lần về quê, tôi có nhờ con trai (học lớp 9) ra vườn lấy ít lá chuối. Thấy cháu đi một lúc sau đó trở vào tay không, nói với mẹ rằng trong vườn nhà ông bà nhiều cây quá, không biết cây chuối thế nào?!”.

Chuyện chị Hiền kể, có lẽ ai đó sẽ nghĩ phải chăng là chuyện bịa... như thật. Nhưng tôi thì tin. Là bởi, ngay cháu gái tôi, sống giữa làng quê, học đến lớp 12 vẫn chưa một lần phải rửa bát, không phân biệt được rau tía tô và kinh giới, chưa từng một lần vào bếp nấu bữa cơm hoàn chỉnh... Việc duy nhất cô cháu gái của tôi biết, có lẽ là học. Nguyên do cũng là bởi, dù gia đình không quá khá giả nhưng từ nhỏ đến lớn mẹ cháu chẳng để con phải làm việc gì. Sang năm con bé sẽ hết THPT, vào đại học, tôi không rõ với cuộc sống một mình nơi phố thị, cháu tôi sẽ “xoay xở” thế nào?!

Quay lại chuyện nghỉ hè, cho trẻ đi học hè hay thỏa sức vui chơi, rèn luyện các kỹ năng cần thiết thì tốt hơn? Có lẽ, sẽ không có “mẫu số chung” cho tất cả các gia đình và những đứa trẻ. Hoặc có phải, cần có sự cân bằng giữa học hành và nghỉ ngơi, vui chơi.

Dẫu vậy, bên cạnh kiến thức sách vở, phải chăng việc để cho các con có những khoảng thời gian rảnh rỗi - tham gia các trò chơi thể thao, ra đồng làng thả diều, đá bóng... cũng không kém phần quan trọng. Bởi đôi khi, chơi đâu phải chỉ để chơi. Hãy để con trẻ có điều kiện để “làm bạn” với cuộc sống thực tế vốn dĩ muôn sắc màu. Đừng sợ con mình, chỉ vì bớt đi vài buổi học thêm hè với bạn bè cùng trang lứa mà học hành sẽ kém hơn. Vẫn biết, người lớn không thể chiều theo mọi sở thích, yêu cầu của các con. Nhưng có lẽ, việc “lắng nghe” con, cũng là điều cần thiết... Người lớn, yêu thương con trẻ - hãy để trẻ lớn lên với những mùa hè đáng nhớ.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]