(vhds.baothanhhoa.vn) - Hôm bữa, tình cờ xem trên tivi được nghe các bác cựu TNXP kể chuyện tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Các bác kể chuyện gánh lương, đắp đường, chuyện băng rừng vượt núi, chuyện bị kẻ thù dội bom đánh phá, chuyện người bị thương, người thì hy sinh... những câu chuyện thật cảm động, hào hùng, hừng hực khí thế của ngọn lửa yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ngoại tôi là dân công hỏa tuyến!

Hôm bữa, tình cờ xem trên tivi được nghe các bác cựu TNXP kể chuyện tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Các bác kể chuyện gánh lương, đắp đường, chuyện băng rừng vượt núi, chuyện bị kẻ thù dội bom đánh phá, chuyện người bị thương, người thì hy sinh... những câu chuyện thật cảm động, hào hùng, hừng hực khí thế của ngọn lửa yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Ngoại tôi là dân công hỏa tuyến!

(Minh họa của Bùi Quang Đức).

Khi nghe đến câu chuyện của một bác gái là cựu TNXP tải lương trên tuyến đường từ Thọ Xuân lên Lang Chánh (Thanh Hóa) rồi tập kết ở Hồi Xuân để đội khác tiếp đó đưa lương thực ra mặt trận. Tôi lại nhớ đến câu chuyện của bà ngoại vẫn thường kể tôi nghe về cung đường ấy, cung đường mà một thời son trẻ bà đã trải qua. Ngoại tôi không là TNXP mà là dân công hỏa tuyến, trong câu chuyện bà kể có nhiều mồ hôi và cả nước mắt.

Hồi ấy, bà mới mười sáu, mười bảy tuổi, cán bộ xuống tận làng, từng nhà để vận động, làng có bao nhiêu thanh niên đều tình nguyện lên đường đi kháng chiến. Con trai thì tham gia bộ đội, con gái thì tham gia TNXP, dân công hỏa tuyến, nhà ngoại tôi có năm anh em thì lần lượt đi cả. Nhà có mỗi bà là con gái, lại là gái út trong nhà, nấn ná bởi đi phục vụ kháng chiến thì công điểm ở nhà ai lo, gia đình đông con, nghèo khó, còn bố mẹ già nữa. Nhưng với khí thế hừng hực nơi chiến tuyến, ngọn lửa bùng cháy của tuổi trẻ quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh và với sự động viên của bố mẹ, bà đã đăng ký tham gia. Chỉ vài bộ quần áo, đôi dép cao su, đôi quang gánh thế là lên đường, bà vẫn nhớ như in cái mùa đông năm 1953 trời rét như cắt da cắt thịt, đấy là lần đầu tiên bà rời xa nhà, xa làng.

Ở cái tuổi ngoài chín mươi, những kỷ niệm của thời con gái của ngoại dường như đã không còn rõ ràng, câu chuyện về những ngày tham gia dân công hỏa tuyến cũng chập chờn, le lói, khi mờ khi tỏ. Con gái miền xuôi, quen với đồng áng, quen với rơm rạ, nào đã bao giờ ra khỏi làng. Ấy thế mà lần đầu đi xa đã lên với rừng núi, lên với suối thác, bàn chân quen với bùn non đất xốp ruộng vườn nay dẫm lên những sắc lẹm của đá núi mà đi. Con đường tải lương là con đường xuyên rừng, là con đường vượt suối, là con đường “đêm đêm rầm rập như là đất rung” của từng đoàn người dài đến vô tận nối nhau đi. Cứ hai người một xe thồ, hai người gánh phiên, người đeo gùi thì một mình... dòng người cứ vậy bước đi trong đêm một cách trật tự, lặng lẽ, đi trong tiếng thở, đi bằng lòng quyết tâm và sức trẻ.

Trong tâm trí của bà, cái thứ ánh sáng chói lòa của pháo sáng quân giặc thả từ máy bay, cái thứ ánh chớp đỏ lừ từ bom đạn nổ, tiếng chỉ huy hét lớn ra lệnh cho mọi người ẩn nấp mỗi khi máy bay đánh phá, tiếng rên la đau đớn của người bị thương, tiếng khóc thút thít khi có người tử trận... là những thứ ám ảnh nhất, rõ rệt nhất và đau buồn nhất. Lần nào kể chuyện, mắt bà cũng rưng rưng, giọng bà cũng run run, tiếng thở nơi lồng ngực bà vẫn thường ngắt quãng, nấc nghẹn mà vì thế chưa lần nào câu chuyện bà kể đến được đoạn cuối.

Ánh mắt bà vui hơn mỗi khi kể đến đoạn được bà con bản địa cho nước uống, cho khoai, cho sắn, cho chuối, cho ngô ăn dọc đường; kể về nhóm thanh niên trong làng gặp lại nhau ở mỗi nút giao mừng mừng tủi tủi; rồi ánh mắt lại nhanh chóng trở lại vẻ lo âu, sợ sệt khi kể đến chuyện ngủ rừng, chuyện ốm đau, chuyện rét mướt, gió mưa nơi núi rừng... Ở cái tuổi ngoài chín mươi, cái tuổi gần đất xa trời, cái tuổi móm mém nói cười không cho phép bà có thể rõ ràng, rành mạch hết thảy mọi thứ. Nơi mắt bà, tôi vẫn thấy rõ được niềm tự hào lớn lao mỗi khi nói về chuyện tham gia dân công hỏa tuyến góp sức mình vào cuộc đấu tranh vĩ đại của dân tộc.

Ngoại đã về với miền mây trắng, kỷ vật ngày ấy của bà cũng chẳng còn gì, thứ còn lại là câu chuyện bà kể vẫn in trong trí nhớ của tôi về những lần tải lương nơi tuyến lửa xen lẫn nụ cười và nước mắt của ngoại - người dân công hỏa tuyến!.

Hà Hải


Hà Hải

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]