Ngôi làng cổ “đẹp nhất” Việt Nam
Làng cổ Đông Sơn (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa) là một thung lũng được bồi đắp bởi phù sa sông Mã và sông Chu, lại được bao bọc bởi các ngọn núi, tạo cho làng thế đất khép kín, vững chãi. Ngôi làng mang vẻ đẹp cổ kính thật đặc biệt, từ không gian cảnh quan đến thiết kế kiến trúc, thể hiện sự tài hoa, tâm huyết và trí tuệ của người xưa.
Di tích đền Đức Thánh Cả là một trong những điểm nhấn tham quan, chiêm bái của du khách khi về làng cổ Đông Sơn.
Làng cổ Đông Sơn dựa lưng vào núi Rồng (người dân địa phương thường gọi là núi Sau Làng), “ngoảnh mặt” hướng Tây; phía Bắc là núi Voi, núi Tràng Tiền; phía Nam là núi Mã Yên, núi Vàng, núi Cuộc, núi Cánh Tiên... Người xưa thật khéo léo khi chọn địa thế lập làng: ba mặt là núi, sau núi có sông, phía Tây có đồng bằng màu mỡ. “Bao bọc quanh làng là những ngọn núi đá lớn nhỏ xen lẫn với đồi đất thấp, tạo ra nhiều hình thù độc đáo và đa dạng. Có người còn ví nơi đây như một Vịnh Hạ Long trên cạn... “Phía Đông và phía Bắc của làng là hệ thống núi đất xen kẽ đá kéo dài từ làng Dương Xá - nơi dòng sông Chu hòa mình vào với dòng sông Mã trước khi về với biển cả, uốn khúc nhấp nhô dọc theo bờ sông Mã đến cầu Hàm Rồng nhô cao rồi chúc xuống bờ sông. Tới đây một phần núi đá có hình đầu rồng, có hang động như mắt rồng... cảnh quan nơi đây tạo nên bức tranh thiên nhiên Rồng vờn Ngọc, đẹp đến mê lòng” (sách Làng cổ Đông Sơn).
Ngợi ca cảnh sắc thiên nhiên trên đất làng Đông Sơn, sách Đại Nam nhất thống chí cũng chép: “Núi Hàm Rồng tức núi Long Hạm tên cũ là Đông Sơn. Mạch núi từ ngũ hoa xã Dương Xá chạy dài liên tiếp như hình con rồng, cuối cùng nổi vọt lên ngọn núi cao, lớp đá chồng chất. Trên núi có động Long Quang. Dưới núi có mỏm đá nhô ra bên sông trông như hàm rồng ngậm đá phun nước. Thật là một giai cảnh”. Đứng trên cầu Hàm Rồng nhìn về, làng cổ Đông Sơn núi nối núi trùng điệp, sông Mã uốn quanh... tạo nên vẻ đẹp vừa hùng vĩ mà không kém phần mềm mại, tựa bức tranh sơn thủy.
Cách ngày nay vừa tròn 100 năm, một sự kiện xảy ra đã kéo theo những đổi thay trong sự “định danh” của làng cổ Đông Sơn. Nhiều cổ vật, trong đó chủ yếu là cổ vật bằng đồng đã được người dân làng Đông Sơn phát hiện. Căn cứ trên những hiện vật tìm thấy, các nhà khoa học tin rằng, cách ngày nay hàng nghìn năm, vùng đất này đã có người Việt cổ đến cư ngụ. Chính họ đã góp phần làm ra các dụng cụ sản xuất, sinh hoạt bằng đồng, bằng gốm... những hiện vật tiêu biểu, “gọi tên” nền văn minh - văn hóa Đông Sơn.
Nằm bên bờ sông Mã, làng cổ Đông Sơn (TP Thanh Hóa) mang vẻ đẹp cổ kính với những dấu tích văn hóa, lịch sử và chứa đựng trí tuệ của người xưa. Làng Đông Sơn cũng từng được bình chọn là 1 trong 10 làng cổ đẹp nhất Việt Nam... Tuy nhiên, câu chuyện gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị làng cổ Đông Sơn hiện nay đang có nhiều vấn đề được đặt ra. |
Trải qua biến thiên thời gian, thăng trầm lịch sử, làng Đông Sơn hiện nay được xác định mang dấu ấn kiến trúc thời Lê - Trịnh, gắn liền với công lao của Cẩm hoa thị vệ Trịnh Thế Lợi. Theo lưu truyền, ông làm quan nhà Lê, phụng mệnh nhà vua về xứ Thanh tìm một thế đất hiểm yếu, vừa có thể xây dựng làng mạc, phát triển kinh tế, lại có thể tạo nên một “chiến khu” chống thù trong giặc ngoại khi binh biến xảy ra. Sau khi khảo sát kỹ, viên quan nhà Lê đã quyết định chọn vùng đất cổ bên hữu ngạn sông Mã làm nơi lập “chiến khu” - chính là làng Đông Sơn.
Vừa dẫn chúng tôi đi tham quan làng cổ, ông Nguyễn Văn Vệ, Trưởng làng Đông Sơn tự hào giới thiệu: “Làng cổ Đông Sơn được “thiết kế” nhờ sự thông thái vượt bậc của những công trình sư giỏi, hiểu biết về phong thủy, thông thạo địa hình, phân chia, quy hoạch khoa học và hợp lý. Vừa có thể chống thú dữ, trộm cướp, chống kẻ địch tấn công vào làng; lại vừa khép kín, khó bị phát hiện. Có lẽ vì thế mà trong suốt thời gian dài ít người biết đến ngôi làng cổ. Chỉ từ năm 1924 - những hiện vật đầu tiên được tìm thấy và sau đó là nhiều lần khai quật, làng Đông Sơn mới thực sự “mở rộng” với bên ngoài”.
Theo ông Lương Đại Dũng - một người làng Đông Sơn, cũng đồng thời là tác giả sách “Làng cổ Đông Sơn”: Chiều ngang làng chạy từ Nam qua Bắc. Những người Đông Sơn cổ đã chôn đầu làng một hòn đá Cõi, nơi dựng con Xe (phía Nam), cuối làng một hòn đá Cõi, nơi dựng con Pháo (phía Bắc) để làm mốc khống chế, dân làng không được làm nhà vượt ra ngoài phạm vi đó. Sau này thành hai vệt khống chế tự nhiên là cống Đình, cống Chùa. Chiều dọc làng từ Đông chạy xuôi về Tây liền mạch... Trên cơ sở địa hình kết cấu mái dốc tự nhiên của núi Sau Làng, các khu dân cư được bố trí theo hướng đường phân thủy. Làng được chia thành các ngõ xóm Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng... Người xưa khéo léo bố trí các ngõ thông trùng với các điểm tụ thủy của núi Sau Làng (tức núi Rồng).
Trước vẻ đẹp thiên nhiên và bàn tay tạo tác tài hoa của con người, cư dân làng cổ Đông Sơn đã “nương” theo đó để đặt tên cho đất, núi, hang động, đường làng, ngõ xóm... Những tên gọi mang nhiều ý nghĩa, như: núi Mã Yên; núi Con Công; núi Voi; núi Hùm; hang Mắt Rồng; Cửa Trổng; Cửa Lũy... Mỗi tên gọi lại gắn với những truyền thuyết, lý giải thể hiện sự sáng tạo và tư duy logic đầy minh triết của những thế hệ người dân làng cổ.
Theo các tài liệu lưu giữ, năm 1924, ông Nguyễn Văn Nắm, người dân làng Đông Sơn đã tình cờ phát hiện thấy một số hiện vật bằng đồng bên bờ sông Mã, trong đó có trống đồng. Sự việc nhanh chóng lan truyền, thu hút sự quan tâm của những người yêu cổ vật cả trong và ngoài nước tìm đến. Từ những hiện vật ban đầu, các nhà khảo cổ học đã tiến hành nhiều cuộc khai quật sau đó, tìm thấy thêm nhiều hiện vật bằng đồng có giá trị lớn - minh chứng cho một giai đoạn phát triển rực rỡ của văn minh Việt cổ. Tên di chỉ khảo cổ học - làng Đông Sơn đã được các nhà khoa học “định danh” cho nền văn minh - văn hóa Đông Sơn. |
Đi qua thời gian, cùng với nỗ lực mưu sinh, xây dựng xóm làng, người dân làng cổ Đông Sơn cũng không ngừng bồi đắp, tạo nên hệ thống những công trình văn hóa - tín ngưỡng mang đậm dấu ấn kiến trúc.
Là đền Đức Thánh Cả - một trong những công trình kiến trúc nổi bật với nhiều mảng chạm khắc tinh xảo; Phủ Mẫu; Miếu Nhị; Am Vân Tự - chùa Phạm Thông (chùa Đông Sơn); Văn thánh; Văn chỉ; Võ chỉ; Đình Trung; Miếu Nhà Bà; Đền thờ nhà Lê; Văn bia; cổng làng; giếng cổ... Cùng với cảnh quan thiên nhiên đã tạo nên vẻ đẹp cổ kính, tiêu biểu của làng quê Việt truyền thống.
Dù cách trung tâm TP Thanh Hóa chỉ khoảng 5 phút di chuyển bằng xe máy, nhưng khi ghé thăm làng cổ Đông Sơn, du khách có những xúc cảm thật đặc biệt. Núi non bao quanh, cây cối mát lành, con người thân thiện... dường như ít chịu tác động từ bên ngoài, “tách biệt” hoàn toàn với phố thị náo nhiệt. Và cũng chính sự tách biệt tưởng chừng như biệt lập ấy đã tạo nên những giá trị riêng có của làng cổ Đông Sơn. Khiến du khách mải mê khám phá, lặng lẽ quan sát và không khỏi trầm trồ, thán phục trước sự tài hoa, tâm huyết và trí tuệ của người xưa.
Bài và ảnh: Khánh Lộc
{name} - {time}
-
2024-11-21 09:06:00
Trao giải các tiết mục xuất sắc nhất Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024
-
2024-11-21 09:04:00
Xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới với Óc Eo-Ba Thê
-
2024-06-07 06:31:00
Bình chọn cho Du lịch Việt Nam tại World Travel Awards 2024!
Khi người dân chung tay xây dựng khu dân cư văn hóa
Câu hỏi vĩ đại thay đổi con tôi
Tri ân cuộc đời cao đẹp và đạo đức cách mạng của cụ Nguyễn Văn Tố
“Mỗi người một nắm thời đắm đò ông”
Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa: Lo ngại quá sức ngân sách
Hoằng Hóa - điểm sáng trong giáo dục lịch sử địa phương
Cận cảnh Bảo vật Quốc gia Bộ chân đèn và lư hương gốm men thời Mạc
Liên hoan phim hoạt hình quốc tế Trung Quốc thu hút hơn 9 triệu lượt khách
Nhà của Mén