(vhds.baothanhhoa.vn) - Làm quan trải qua 5 đời vua Lê - 3 đời chúa Trịnh, văn võ toàn tài, Bảng nhãn Hà Tông Huân không chỉ là quan đại thần dưới thời Lê - Trịnh, ông còn được người đời đánh giá là “người thầy lớn” đóng góp cho việc dạy học đương thời.

Bảng nhãn Hà Tông Huân - Danh sĩ tài hoa xuất chúng

Làm quan trải qua 5 đời vua Lê - 3 đời chúa Trịnh, văn võ toàn tài, Bảng nhãn Hà Tông Huân không chỉ là quan đại thần dưới thời Lê - Trịnh, ông còn được người đời đánh giá là “người thầy lớn” đóng góp cho việc dạy học đương thời.

Bảng nhãn Hà Tông Huân - Danh sĩ tài hoa xuất chúngBia ký có nội dung về cuộc đời, sự nghiệp làm quan và công đức của Bảng nhãn Hà Tông Huân ở làng Kim Vực.

Ông Bảng Vàng làng Kim Vực

Làng Ngọc Vực xã Yên Thịnh (Yên Định) khi xưa còn được biết đến với tên Kim Vực, tên thường gọi là làng Vàng, đây cũng chính là quê hương của quan đại thần triều Lê - Trịnh Hà Tông Huân. Sinh ra trong gia cảnh nghèo khó, từ nhỏ cậu bé Hà Tông Huân đã thông minh xuất chúng, nổi tiếng thần đồng. Và trong dân gian làng Vàng đến nay còn lưu truyền nhiều chuyện kể về sự “hay chữ”, học đâu nhớ đó của vị Bảng nhãn tài hoa.

Chuyện kể rằng, từ nhỏ Hà Tông Huân đã thông minh, lanh lợi. Một lần cậu bé Hà Tông Huân được cha sai đi mua lịch, nhưng sau khi ra nơi bán mượn chủ tiệm quyển lịch để xem một lượt thì lại tay không trở về nhà, nói không cần phải mua lịch nữa vì đã thuộc hết rồi. Quả nhiên, đến khi người lớn giở cuốn lịch ra “kiểm tra” thì Hà Tông Huân trả lời không sai chữ nào.

Lại có lần nghịch ngợm, mải chơi, Hà Tông Huân bị cha trách phạt trói vào cây cau trước nhà. Người cha nói, nếu con trai có thể tả được cây cau chỉ với hai câu thơ đối nhau thì sẽ được tha đánh đòn, bằng không sẽ phải chịu phạt nghiêm khắc. Ngẫm nghĩ một lát, Hà Tông Huân bèn đọc: “Lưng đeo đai bạc bao nhiêu nén/ Đầu đội tàn xanh biết mấy tầng”. Không chỉ tả đúng hình dáng cây cau mà qua đó, Hà Tông Huân còn thể hiện ước mơ một ngày “lưng đeo đai bạc, đầu đội tàn xanh” vinh quy bái tổ.

Lớn lên, Hà Tông Huân theo học thầy Trần Ân Chiêm - người từng làm quan trong triều đình Lê - Trịnh thời bấy giờ, vì chán cảnh đấu đá tranh giành quyền lực nên ông cáo quan về quê dạy học. Có chuyện kể rằng, trong một lần học trò Hà Tông Huân theo thầy ra sông tắm mát, khi cởi áo vắt lên cành cây cổ thụ bên bến sông, thầy liền đọc, đại ý: Cổ thụ trăm năm thành giá áo; thầy vừa dứt lời, học trò liền đối lại: Sông dài muôn dặm hóa chậu con. Theo sách Văn tài võ lược xứ Thanh: “Ở lâu trong nhà thầy, Tông Huân được cả nhà thầy quý mến, vì đức siêng năng, cần cù lại sáng dạ và có chí, nhất là cô con gái lớn của thầy thì mê đắm và đã tỏ lòng kết tóc xe tơ. Ông bà Chiêm cũng đồng ý thu xếp cho Tông Huân ở lại nhà để tiện việc học hành… Bấy giờ đang thời vụ gieo cấy lúa mùa, mọi người đều ra đồng từ sáng sớm… Một hôm Tông Huân vác cuốc ra đồng, thấy vậy nhạc phụ khuyên Tông Huân hãy lo chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới, chàng bèn đáp: “Phụ canh tử nậu, kỳ thu bách mẫu chi công (cha con cày cuốc, để thu mùa màng trên trăm mẫu ruộng). Kỳ thi Hương năm ấy, Tông Huân đã đỗ Tứ trường”.

Năm 1724 đời vua Lê Dụ tông, Hà Tông Huân ra kinh đô thi Hội và đỗ đầu với danh hiệu Bảng nhãn. Khoa thi này không lấy Trạng nguyên nên tên ông xếp đầu bảng vàng. Theo các cụ cao niên trong làng, cũng bởi quan đại thần Hà Tông Huân khi xưa đỗ đầu, lại là người làng Vàng nên khi vinh quy về làng, người dân địa phương vẫn thường gọi: ông Bảng Vàng nhằm thể hiện sự dân dã, gần gũi mà vẫn tôn kính.

Và danh thơm để lại cho đời

Trong sự nghiệp làm quan, Hà Tông Huân đã trải qua nhiều cương vị, đảm nhiệm nhiều trọng trách với nhiều lĩnh vực khác nhau: quân sự, ngoại giao, giáo dục… ở vị trí nào ông cũng khẳng định tài năng của mình. Theo sách Địa chí huyện Yên Định: Sau khi đỗ đạt, ông đã từng làm Thị thư viện Hàn lâm, rồi làm Đốc đồng xứ Sơn Nam, kế tiếp lại làm Đốc trấn An Quảng. Ở đây với tài ngoại giao, ông đã giải quyết tốt việc an ninh ở biên giới khiến nhà Thanh ở phương Bắc phải kính nể. Khi được điều về triều đình, ông giữ chức Tham tụng, tước Kim khê bá để tham mưu cho nhà Chúa việc quân quốc, cơ yếu. Một thời gian sau, ông đổi sang hàng võ giữ chức Tham đốc. Gặp khi miền núi trấn Thanh Hoa có giặc, ông lại làm Đại tướng quân thống lĩnh Tây đạo dẹp yên vùng biên giới. Nhờ công lao này mà ông được triều đình phong Thượng thư Bộ Binh làm Chính Tham tụng kiêm chức tu soạn ở Viện Quốc sử và dạy kinh sách ở Quốc Tử Giám.

Bảng nhãn Hà Tông Huân - Danh sĩ tài hoa xuất chúngNgôi đền nhỏ thờ vị Bảng nhãn tài hoa được hậu thế lập dựng để chăm lo hương khói cho tiền nhân.

Đặc biệt, khi dạy học tại Quốc Tử Giám, ông Bảng Vàng Hà Tông Huân được người đời đánh giá là “bậc tôn sư” (tức người thầy lớn). Theo sách Văn tài võ lược xứ Thanh sau 38 năm làm quan ông dâng khải xin chúa Trịnh cho về nghỉ ngơi. Ở quê chưa được bao lâu thì vua Lê và chúa Trịnh lại triệu ông về kinh giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám và đặc cách mời ông tham gia việc triều chính. Trong thời gian này, Hà Tông Huân trực tiếp chỉ đạo việc biên soạn lại Cửu kinh (9 bộ sách Nho học) để giảng dạy ở Quốc Tử Giám, đồng thời làm giám khảo kỳ thi Hội, thi Đình để chọn nhân tài. Không chỉ là bậc tôn sư được người đời kính trọng, Bảng nhãn Hà Tông Huân còn được ngợi ca là người không tham quyền cố vị, luôn tạo điều kiện để hậu bối phát huy tài năng.

Trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, khi nhận xét về ông, học giả Phan Huy Chú đã không tiếc lời ngợi ca: “Ông bụng dạ thản nhiên, rộng rãi, không câu nệ việc nhỏ nhặt. Khi thi thố những công việc to tát, việc gì cũng xong. Ở triều hơn 30 năm, trải làm tướng văn, tướng võ, công danh hiển hách. Lại thích tác thành cho người hậu tiến, học trò của ông đỗ rất nhiều”.

Hiển hách trong sự nghiệp quan trường, tài đức vẹn tròn, quan đại thần Hà Tông Huân được vua Lê chúa Trịnh nể trọng, người đời tôn kính. Bởi vậy, khi ông mất tại quê nhà làng Kim Vực, triều đình đã cử quan Bộ Lễ về tổ chức tang lễ, đồng thời có đôi câu đối ca ngợi với nội dung: Sự nghiệp Tam khôi thần báo mộng, văn chương bậc nhất được vua khen.

Bà Vũ Thị Nhũ - con dâu dòng họ Hà hiện trông coi tại đền thờ và bia ký Hà Tông Huân trăn trở: Theo cha ông kể lại, sau khi ông (tức Bảng nhãn Hà Tông Huân) mất thì đền thờ, lăng mộ được xây dựng khá quy mô, bề thế. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên do khiến khu đền thờ xưa giờ chỉ còn lại văn bia ghi chép tiểu sử và công đức của “ông Bảng Vàng” và đền thờ nhỏ mới được con cháu lập dựng lại để hương khói cho tiền nhân. Địa điểm đền thờ và bia ký Hà Tông Huân đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Gia đình hy vọng, di tích sớm được các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn hỗ trợ cùng gia đình để trùng tu di tích xứng tầm công trạng tiền nhân.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]