(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Nhiều năm qua, hình ảnh những nam thanh niên làm nghề vẫy thực khách vào quán cơm đã không còn xa lạ trên các tuyến quốc lộ. Đó gần như đã trở thành một nghề thịnh hành ở hầu khắp các tỉnh thành, nhất là ở các tuyến quốc lộ, nơi xe tải, xe khách qua lại nhiều.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bất cập từ ‘cò’ cơm

(VH&ĐS) Nhiều năm qua, hình ảnh những nam thanh niên làm nghề vẫy thực khách vào quán cơm đã không còn xa lạ trên các tuyến quốc lộ. Đó gần như đã trở thành một nghề thịnh hành ở hầu khắp các tỉnh thành, nhất là ở các tuyến quốc lộ, nơi xe tải, xe khách qua lại nhiều.

“Cò” cơm - nghề thịnh hành

Thanh Hóa với vị trí là cầu nối giữa miền Bắc - miền Trung, là cửa ngõ của vùng Bắc Trung Bộ, lưu lượng xe Bắc Nam qua lại lớn thì việc xuất hiện những anh “cò” cơm trên đường là điều không tránh khỏi. Theo quan sát của phóng viên, nơi tập trung các quán ăn phục vụ xe khách đường dài dọc Quốc lộ 1A qua địa bàn các huyện Tĩnh Gia, Quảng Xương, Hoằng Hóa, Hà Trung, Bỉm Sơn và trên tuyến đường tránh thành phố chính là địa bàn hoạt động của các “cò” cơm này. Theo anh Nguyễn Tiến Dũng, chủ một nhà hàng ăn trên địa bàn xã Quảng Ninh (Quảng Xương) thì sự cần thiết phải có các nhân viên làm nhiệm vụ “cò” khách là do càng ngày hàng quán mọc lên càng nhiều, sự cạnh tranh cao. Vì vậy các quán ăn đều cắt cử một người ra mời chào khách. Hơn nữa, tốc độ di chuyển của xe khách, xe tải trên đường quốc lộ, đường tránh rất cao nên người đứng vẫy sẽ thu hút và báo hiệu trước cho tài xế rằng địa điểm này có quán ăn để dừng lại.

Chính vì sự tiện lợi đó mà hầu như quán ăn nào phục vụ xe đường dài cũng đều có 1-2 nhân viên làm nhiệm vụ vẫy khách. Những người được chọn vào vị trí này hầu hết đều là các nam thanh niên tuổi đời trẻ, có sức khỏe, bền bỉ. Bởi không có sức khỏe thì khó có thể gắn bó lâu dài với công việc này.

“Cò” cơm trên đường tránh TP Thanh Hóa.

Anh Nguyễn Hữu Huy, một “cò” cơm cho hay: Cái nghề này tưởng đơn giản nhưng thực ra vất vả lắm. Không kể trời nắng trời mưa, trời mùa hè hay mùa đông, lúc nào cũng phải phơi mặt ngoài đường vẫy mời khách. Nhưng dù sao trời lạnh vẫn cứ dễ chịu hơn trời nóng. Mùa hè thì lúc nào cũng đứng ngoài đường, sức nóng và hơi nhựa đường bốc lên ngùn ngụt.

Chưa kể, nguy cơ mất an toàn giao thông khi vẫy khách dưới lòng đường là điều không chỉ các "cò" cơm mà chính người đi đường cũng rất lo ngại. Đứng trong sân, trên khu vực vỉa hè thì sợ thực khách khó thấy, các cò cơm đều chọn cách đứng, ngồi ngay trên lòng đường. Ban ngày nắng nóng thì vẫy bằng tay, ban đêm thì dùng đèn pin để ra hiệu. Chu đáo hơn thì có trang bị thêm 1 ghế nhựa để ngồi và cây dù lớn.

Chị Võ Thị Huyền Trang, một người tham gia giao thông cho biết: “Ngày nào tôi cũng đi làm qua tuyến đường tránh từ hướng Quảng Xương lên thành phố, nhiều hôm đang đi thì giật mình hốt hoảng vì từ đâu xuất hiện một người đứng giữa đường. Đi qua mới biết đó là người nhà của các quán ăn đứng vẫy khách vào giờ cơm”.

“Cò” xuất hiện ngày càng nhiều

Tương tự như vậy, trong nội thành TP Thanh Hóa, nghề “cò” cũng đang trở nên thịnh hành trên một số tuyến đường tập trung nhiều quán ăn như Hàng Đồng, Đại lộ Lê Lợi đoạn đi qua các quán nướng, thịt chó gần cầu Đông Hương... Với tuyến đường nhỏ, chật hẹp và đông xe cộ qua lại như Hàng Đồng, chuyện "cò" cơm đứng giữa lòng đường vẫy khách làm cản trở giao thông nghiêm trọng. Nhiều người điều khiển phương tiện giao thông qua đoạn đường này phải khéo léo lách qua những thanh niên đứng dưới lòng đường mời chào khách vào quán dùng cơm.

Trên tuyến đường Nguyễn Du giao cắt với Hàng Đồng, khu vực tập trung hàng loạt các quán karaoke, “cò” cũng xuất hiện, vừa làm nhiệm vụ mời khách, các nhân viên này vừa kiêm luôn dắt xe, trông giữ xe. Hay một dạng khác nữa là “cò” gửi xe ở khu vực một số đền, chùa. Không chỉ gây mất an toàn giao thông mà kiểu mời khách này còn gây khó chịu cho người qua lại.

Trên thực tế, đã từng xảy ra một số vụ tai nạn đáng tiếc cướp đi sinh mệnh của những người làm nghề “cò” cơm. Đó là tiếng chuông cảnh tỉnh cho người lao động khi lựa chọn công việc cũng như các cơ quan nhà nước trong việc quản lý trật tự an toàn giao thông.

Nguyên Mai



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]