(vhds.baothanhhoa.vn) - Sinh năm 1947, tại xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân, ông đến với thơ từ khi còn trẻ nhưng định vị tên tuổi trong lòng bạn bè văn giới và bạn đọc là ở các tác phẩm truyện thiếu nhi. Ông là nhà văn Đào Hữu Phương.

Đào Hữu Phương: Buồn vui sau trang viết

Sinh năm 1947, tại xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân, ông đến với thơ từ khi còn trẻ nhưng định vị tên tuổi trong lòng bạn bè văn giới và bạn đọc là ở các tác phẩm truyện thiếu nhi. Ông là nhà văn Đào Hữu Phương.

Đào Hữu Phương: Buồn vui sau trang viết

Vốn là người quắc thước, có vóc dáng to cao, nhưng nhà văn Đào Hữu Phương không phải tạng ăn sóng nói gió, ông lúc nào cũng nhẹ nhàng, khiêm tốn; cặp mày ngài nhưng lại ẩn sâu những nỗi buồn riêng mà có muốn giấu cũng khó.

Năm 1964, học hết lớp 7, trong thời gian chờ đủ tuổi đi bộ đội, ông xin vào làm việc tại HTX sản xuất giấy và bất ngờ vì tai nạn lao động, ông phải cắt bỏ tay trái. Từ đây ông bắt đầu quãng thời gian hơn 10 năm dạy vỡ lòng rồi đi học trung cấp kế toán về làm việc trong HTX thủ công nghiệp của địa phương cho đến khi mô hình tập thể này giải tán.

Văn chương với Đào Hữu Phương không phải là con đường may mắn, nó là sự cần mẫn, thủy chung. Truyện ngắn đầu tiên viết cho thiếu nhi của nhà văn Đào Hữu Phương được in trong tập san Người bạn văn hóa (sau này là tạp chí Văn nghệ xứ Thanh) năm 1966. Ông là một trong số nhiều cây bút hoạt động tích cực suốt thời kỳ ban vận động thành lập hội văn nghệ và trở thành lớp hội viên đầu tiên của Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa. Tiếp sau đó là truyện dài “Chuyện nơi phố nhỏ”. “Viết xong tôi mang xuống bộ phận văn học của Ty Văn hóa Thanh Hóa, nhà văn Lê Sỹ Oanh hỏi tôi nhiều về tính Đảng, tính giáo dục, tính tuyên truyền... tôi viết thì cứ viết chứ đâu hiểu rằng phải thế nọ thế kia. Tóm lại, truyện dài đó không được sử dụng". Đến năm 1976, “Người bạn chí thân” may mắn hơn và được chấp nhận ngay. Có lẽ lúc đó yêu cầu của bạn đọc với văn chương chỉ là phản ánh thực tế đời sống.

Phải nói là nhờ sự giải tán của mô hình tập thể mà ngày nay mới có một nhà văn Đào Hữu Phương. Thất nghiệp, để chống chọi với việc kiếm tiền nuôi con, ông lăn ra viết. Trong khoảng 15 năm từ 1986-2001, ông đã in được 10 cuốn sách. “15 năm chống chọi để nuôi con và cũng là 15 năm lăn ra viết, đó là may mắn của tôi”, nhà văn Đào Hữu Phương chia sẻ. Thời điểm đó tác phẩm của ông in nhiều ở các báo Trung ương, Nhà xuất bản Kim Đồng. Như cách tính của ông: “Nếu lương của một biên tập viên nhà xuất bản lúc đó khoảng 200 đồng thì bình quân lương một tháng của tôi là 600 - 700 đồng. Nói lương cho oai, thực chất đó là nhuận bút, tiền tài trợ, tiền giải thưởng tôi gộp vào rồi chia bình quân. Có thế tôi mới ổn định được cuộc sống”.

Cũng phải nói rằng đó là giai đoạn văn chương rất thịnh. Các cuốn sách của ông được in với số lượng bản lớn, vì thế mà tiền nhuận bút kha khá. Đã thế, ông còn thâm canh từ sách sang báo, hoặc tập hợp từ báo sang sách. “Chuyện nơi phố nhỏ” sau lần in thứ nhất (10.000 bản) phát hành trong tỉnh và các tỉnh phía Bắc đã được Nhà xuất bản Thanh Hóa tái bản (liên kết với Công ty Phát hành sách Đắk Lắk) in 40.000 bản phát hành trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Trong số 6 tác phẩm in ở Nhà xuất bản Kim Đồng ông có 3 tác phẩm được chọn in trong chương trình “Sách Nhà nước tài trợ cho học sinh các trường THCS miền núi - vùng sâu - vùng xa” với số lượng ấn phẩm gần 25.000 bản.

Nhưng tại sao chỉ có 15 năm ấy. Một phần được ông lý giải là vốn sống của ông có hạn, viết mãi cũng vơi, cũng cạn. "Nếu lấy Xuân Bái nơi tôi ở là trung tâm thì vùng quan sát của tôi loanh quanh trong bán kính 10km2. Lam Kinh tôi có “Báu vật trở về”; Mục Sơn (thị trấn Thọ Xuân bây giờ) có “Những người bạn chí thân”; Bái Thượng nơi tôi ở thì có “Chuyện nơi phố nhỏ”... Xa thêm chút là Xuân Chinh, Xuân Lẹ có "Giấc mộng rừng xanh...”. Nghe cách ông nói chuyện tôi chỉ nghĩ, trong khi giờ đây người ta thích khoe, thậm chí khoe quá lên đủ thứ, từ gia đình, cuộc sống, tiền bạc, ông lại khiêm tốn và nhẹ nhàng hết sức. Văn chương của Đào Hữu Phương cũng nhẹ nhàng như con người ông vậy.

Cơm áo gạo tiền không đùa với khách văn, và Đào Hữu Phương thấu hiểu điều đó. Vì thế mà ông luôn chú tâm vào từng nhân vật, từng con chữ. Viết cho thiếu nhi nhiều khi ngoài cái đam mê rồi sau này thêm trách nhiệm của người cầm bút. Không có điều kiện đi nhiều nơi thì ông mở rộng không gian... nhờ đọc sách.

“Nếu chỉ dựa vào cái vốn văn hóa lớp 7/10 (tốt nghiệp cấp 2) thì chắc là khó viết được một truyện ngắn hoặc một bài thơ nên hồn. Tôi viết và đủ sức theo đuổi niềm đam mê văn chương đến bây giờ là nhờ được đọc nhiều. Thời bao cấp, thứ gì cũng thiếu, muốn mua phải có tem phiếu, nhưng riêng sách báo thì không thiếu, được mua tự do mà giá lại... mềm. Hồi ấy mỗi tác phẩm văn học được xuất bản, ở Hà Nội và các thành phố lớn có cuốn nào thì những địa phương đông dân như chỗ tôi đều có cuốn ấy. Tôi lại là khách quen và có chút ơn huệ với ông chủ hiệu sách Nhân dân ở cái phố Bái Thượng của mình nên có tác phẩm nào mới ông đều cho tôi đọc miễn phí. Quan trọng hơn, 10 năm dạy vỡ lòng, tôi thường xuyên tiếp xúc những gương mặt hồn nhiên, ngây thơ của nhiều lớp trẻ. Mỗi tuần, vào tiết học cuối của ngày thứ bảy tôi đều dành thời gian kể cho các em nghe một chuyện cổ tích hoặc đọc cho các em nghe một số trang trong những cuốn sách mình yêu thích mà hợp lứa tuổi các em như “Dế mèn phiêu lưu ký”, “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, “Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công”, “Chú đất nung”... Các em nghe và đều tỏ ra rất thích thú. Vì vậy mỗi khi cầm bút tôi đều ý thức cố gắng tìm một cốt truyện hay, những chi tiết lạ để khi tác phẩm in ra được các em đón đọc và chấp nhận.

Tôi phải cảm ơn giai đoạn đó. Bởi tôi đã nuôi được 5 đứa con, nhưng hơn hết tôi được sống với đam mê của mình. Nếu không có giai đoạn ấy thì làm gì ai biết đến một ông Đào Hữu Phương ở Xuân Bái nơi rừng núi này”, nhà văn Đào Hữu Phương cho biết.

Năm 2012, truyện dài “Tiếng vọng rừng xanh” ra đời và cũng là tác phẩm cuối cùng của ông về đề tài thiếu nhi. Chuyện kể lại một chuyến về thăm quê nội với nhiều chuyện bất ngờ và lý thú của Tuấn Minh. Cùng với Tú, đứa em họ ở quê, Tuấn Minh đã có công giúp công an phá được một vụ chiếm đoạt trống đồng, vạch trần chân tướng một tên tội phạm đang bị truy nã trong cái lốt của người em song sinh. Hai anh em cũng đã rất kỳ công tìm hiểu và đưa ra ánh sáng một câu chuyện xảy ra từ rất lâu để minh oan cho hai mẹ con bà thím...

“Có tuổi rồi, tôi thấy những điều mình nghĩ, viết, không còn thích hợp với trẻ nhỏ. Vì thế hơn 10 năm nay tôi chỉ viết truyện ngắn “người lớn”. Có thể chưa hài lòng nhưng đó là nghề.

Gặp Đào Hữu Phương lần nào cũng vậy, ông hỏi tôi về hết người này người khác, vì ông ở xa lại không thường xuyên “xuống thành phố”. Gần đây ông mới cài facebook nên cũng biết chút ít thông tin các văn nghệ sĩ trong và ngoài xứ Thanh.

Cuộc sống của ông đã nhàn hơn nhiều. Những đứa con đã lớn, lập gia đình, điều kiện kinh tế cũng khá ổn định. Song, là một người vốn chăm chỉ, hiện ông vẫn nhận làm kế toán cho 8 doanh nghiệp. “Mang tiếng 8 doanh nghiệp nhưng chỉ có 1 công ty lớn, tôi làm với nhiệm vụ, ký chữ ký kế toán trưởng, kiểm tra kiểm soát để giám đốc yên tâm, còn các cháu hoàn thiện nốt. Rồi quán bia, cây xăng dầu và 5 doanh nghiệp siêu nhỏ. Họ thuê tôi lâu dài vì tôi lấy tiền công siêu thấp, lại thêm cẩn thận, có trách nhiệm". Cùng với số tiền lương hưu hiện được gần 2,5 triệu, tổng cộng hiện ông có thu nhập là 12 triệu/tháng. Thế cũng đủ để không đứa con nào phải nuôi vợ chồng ông.

Nhưng nếu chỉ có thế thì đó chưa phải là cuộc sống của một nhà văn. Đào Hữu Phương vốn hay nghĩ, nghĩ tới nghĩ lui, làm sao để không làm ai buồn. Nhưng chính ông lại mang buồn vào thân. Kể từ ngày vợ ốm, lại thêm tuổi cao hơn, ông ít đi lại hẳn, quanh quẩn ở nhà. Với một người có tuổi như ông tưởng chẳng gì có thể làm ông buồn hơn được. Ấy thế mà sau khi vợ mất, lần gần đây nhất gặp lại, thấy ông sụt sùi nhưng tôi hỏi thì ông đều nói tránh đi. Tôi dặn ông giữ gìn sức khỏe, ông nói: Từ khi cô mất, chú thấy người không đâu vào đâu, lạ lắm. Tôi nhận được tin nhắn của ông mấy dòng thơ: “Ta một đời theo đuổi văn chương/ Cái danh hão chẳng đổi màu số phận/ Đồng nhuận bút còm không đầy thêm nồi cơm của vợ/ Để vợ một đời vất vả lo toan/ Giờ vợ đi rồi còn lại mình ta/ Ngày trống vắng đêm thì dài rộng/ Ta cô đơn, góa bụa trước bóng mình"... nhưng rồi cũng không biết an ủi ông cách nào. Cô đơn cũng là khoảng thời gian để mỗi người nhận ra những buồn vui của đời mình.

Theo kế hoạch, nhà văn Đào Hữu Phương sẽ in tập “Bạn vong niên” với khoảng 15 truyện trong năm 2024. Chưa biết khi nào bạn đọc sẽ được cầm trên tay cuốn sách thơm mùi giấy mới, nhưng tôi vẫn luôn mong ông thật nhiều sức khỏe, tiếp tục lấy việc sáng tác làm niềm vui.

Bài và ảnh: KIỀU HUYỀN



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]