(vhds.baothanhhoa.vn) - Ông là Bảng nhãn Trịnh Thiết Trường người làng Si nay là thôn Đắc Chí, xã Định Bình, huyện Yên Định (có tài liệu viết ông người xã Hạnh Phúc, huyện Thọ Xuân), Thanh Hóa. Thuở nhỏ nổi tiếng thông minh thần đồng, lớn lên hai lần đỗ Tiến sĩ, đề danh bảng vàng. Con đường khoa cử và làm quan của ông đến nay vẫn được sử sách lưu danh và dân gian nhắc nhớ với những giai thoại thú vị.

Danh sĩ xứ Thanh hai lần đề tên bảng vàng

Ông là Bảng nhãn Trịnh Thiết Trường người làng Si nay là thôn Đắc Chí, xã Định Bình, huyện Yên Định (có tài liệu viết ông người xã Hạnh Phúc, huyện Thọ Xuân), Thanh Hóa. Thuở nhỏ nổi tiếng thông minh thần đồng, lớn lên hai lần đỗ Tiến sĩ, đề danh bảng vàng. Con đường khoa cử và làm quan của ông đến nay vẫn được sử sách lưu danh và dân gian nhắc nhớ với những giai thoại thú vị.

Danh sĩ xứ Thanh hai lần đề tên bảng vàngNăm 2023 đền thờ Bảng nhãn Trịnh Thiết Trường (xã Định Bình) hoàn thành việc tôn tạo.

Theo sách Đại Nam nhất thống chí, Trịnh Thiết Trường, người xã Đông Lý, huyện Yên Định, đỗ Đồng tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo nhưng vì không được Cập đệ nên từ chối không nhận. Đến khoa Mậu Thìn niên hiệu Thái Hòa thì thi đỗ Bảng nhãn, làm quan đến Thượng thư Công bộ, về hưu trí được phong tước Nghi Quốc công.

Lần theo sử liệu, hậu thế biết thêm nhiều điều thú vị về vị Bảng nhãn nổi tiếng thông minh, tài hoa xuất chúng của xứ Thanh. Thuở tóc còn để chỏm, cậu bé Trịnh Thiết Trường đã nổi bật trong đám bạn chăn trâu cắt cỏ. Chuyện kể rằng, do bố mất sớm, gia cảnh nghèo khó nên Trịnh Thiết Trường thường đi chăn trâu cho người trong làng để đỡ đần giúp mẹ. Bấy giờ, vào những buổi thả trâu ngoài đồng, Trịnh Thiết Trường thường cùng bọn trẻ con lấy đất sét nặn đồ chơi. Trong đó, con voi nặn bằng đất sét của cậu bé Trường còn biết đi lại, cử động.

Nguyên do, Trịnh Thiết Trường bắt 4 con cua gắn dưới chân voi, bắt con đỉa làm vòi voi, 2 con bướm làm tai voi. Nhờ đó mà con voi đất sét di chuyển, vẫy tai, ngoe nguẩy vòi thật sinh động. Lũ trẻ chăn trâu thích thú, đều học làm theo. Một hôm, có viên quan đi qua cánh đồng, thấy bọn trẻ vui đùa thích thú thì lấy làm lạ, dừng lại hỏi thì mới biết là do có con voi đất sét “biết đi”. Khi biết trò chơi do cậu bé Trịnh Thiết Trường nghĩ ra thì viên quan liền cho lính gọi lại. Thấy cậu bé chăn trâu mặt mũi sáng láng, đối đáp nhanh nhảu, viên quan liền ra vế đối: “Lũ trẻ chỉ mày khéo”, yêu cầu Thiết Trường đối lại. Vốn tính láu lỉnh, Thiết Trường đề nghị viên quan thưởng tiền cho mình trước, rồi thủng thẳng đối: “Quan huyện có ông hiền”. Vế đối chuẩn chỉnh khiến viên quan hài lòng. Khi biết Trịnh Thiết Trường gia cảnh nghèo khó, ông liền nhận giúp đỡ, hứa sẽ nuôi cho cậu ăn học thành tài.

Nhờ chăm chỉ đèn sách, tiếng tăm văn hay chữ tốt của Trịnh Thiết Trường đã lan truyền khắp vùng. Bấy giờ, ông mở lớp dạy học tại quê nhà, học trò khắp nơi tìm về học thầy rất đông. “Đến năm Nhâm Tuất (1442) sau một thời gian ổn định, củng cố bộ máy chính quyền, nhà Hậu Lê đã cho mở khoa thi đầu tiên để kén chọn người tài. Trịnh Thiết Trường khi ấy mới quyết định đi thi. Ông cùng với học trò giỏi của mình là Nguyễn Nguyên Chẩn (người Hải Dương) trẩy kinh ứng thí. Hai thầy trò quyết tâm phải có tên trong hàng Tam khôi mới thỏa nguyện” (sách Những Bảng nhãn trong lịch sử Việt Nam).

Tuy nhiên, tại khoa thi này, Trịnh Thiết Trường lại chỉ đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân và trong số 23 người đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân thì Trịnh Thiết Trường chỉ xếp thứ 14, còn học trò của ông thì xếp cuối bảng. Điều này khiến cho hai thầy trò đều không khỏi thấy “ấm ức”. Ngày triều đình tổ chức lễ xướng danh người đỗ đạt, sau khi gọi tên đến 3 lần, Trịnh Thiết Trường mới lên tiếng: “Đội ơn bệ hạ thu nạp hiền tài. Thần đã gắng công đèn sách nhưng nay chỉ mới đỗ Đồng tiến sĩ, thế là cái sự học của thần còn nông cạn, chưa đủ để giúp quốc sự cho bệ hạ. Thần xin được trả lại danh vị và mũ áo bệ hạ ban để về nhà học thêm, khoa thi sau xin thi lại, khi đủ thực tài thần sẽ xin nhận”.

Chuyện hai thầy trò từ chối nhận học vị Tiến sĩ thời bấy giờ khiến chốn quan trường và sĩ tử khắp nơi kinh ngạc, râm ran luận bàn. Có người khen ngợi ông chí lớn, không chịu ăn quả “chưa chín”; lại có người dè bỉu ông “trèo cao”, lần sau đi thi chắc gì đã đỗ...

Thấm thoát thoi đưa, 6 năm sau vào khoa thi năm Mậu Thìn (1448), thầy trò Trịnh Thiết Trường lại lều chõng ra chốn kinh kỳ tranh tài. Quả nhiên, ở khoa thi này, Trịnh Thiết Trường đã thi đỗ Đệ nhất giáp, Đệ nhị danh - tức Bảng nhãn. Học trò của ông là Nguyễn Nguyên Chẩn cũng đỗ thứ hạng cao hơn. Câu chuyện thi đỗ Tiến sĩ lần thứ hai với thứ bậc cao của Bảng nhãn Trịnh Thiết Trường lại một lần nữa khiến dư luận xôn xao.

Sau khi đỗ đạt, Bảng nhãn Trịnh Thiết Trường dốc sức phụng sự dưới các triều vua Lê. Giữa chốn quan trường, ông vẫn giữ tính cách khẳng khái, hào sảng, ghét những điều ngang trái và thói xu nịnh. Ông từng thẳng thắn tấu xin vua Lê trị tội các quan lại lợi dụng chức quyền để tham nhũng, vì tình riêng mà tiến cử những người không xứng đáng...

“Trong cuộc đời quan nghiệp, Trịnh Thiết Trường đã từng trải qua nhiều chức vụ quan trọng như Trung thư xá nhân, An phủ sứ lộ Thanh Hóa, Hàn lâm viện thị giảng và cao nhất là Thượng thư Công bộ với tước Nghi Quốc công. Ngoài ra, do trình độ học vấn và tài ứng biến linh hoạt, Trịnh Thiết Trường còn được vua Lê Nhân tông, Lê Thánh tông cử đi sứ sang Trung Quốc để tăng cường sự hòa hiếu giữa nước ta với nhà Minh” (sách Địa chí huyện Yên Định).

Và trong câu chuyện đi sứ nhà Minh của vị Bảng nhãn xứ Thanh cũng gắn với những giai thoại được đời sau nhắc nhớ. Dưới triều vua Lê Nhân tông, Bảng nhãn Trịnh Thiết Trường và Trạng nguyên Nguyễn Trực cùng phụng mệnh vua Lê đi sứ sang phương Bắc. Bấy giờ nhà Minh mở khoa thi, đã hạ lệnh cho sứ thần các nước cùng tham gia. Bảng nhãn xứ Thanh Trịnh Thiết Trường vốn tự tin vào văn tài của bản thân. Tuy nhiên, khi vào thi ông đã cố tình “nhường” để Trạng nguyên Nguyễn Trực đỗ cao hơn.

Danh sĩ xứ Thanh hai lần đề tên bảng vàngNgười dân địa phương về đền thờ Bảng nhãn Trịnh Thiết Trường dâng hương bày tỏ niềm kính ngưỡng với tiền nhân.

Trong bài thi của mình, Trịnh Thiết Trường có câu “Nam chi chu, Bắc chi mã” với ý nói “thuyền phương Nam, ngựa phương Bắc”. “Nhân đấy, Thiết Trường xóa chữ “mã” đi mà chữa chữ “mã” khác ở ngoài dòng chữ. Chữ “mã” mới chữa này Thiết Trường chỉ viết có 3 nét chấm. Đến lúc khảo quan duyệt quyển thi, các quyển văn làm đều kém, chỉ có văn của Thiết Trường đáng đỗ Trạng nguyên... Nhưng bài của Thiết Trường viết nhầm một chữ, lại cho ngựa phương Bắc ba chân, thành ra ngựa què, có ý khinh nhờn Trung Quốc, bèn thay đổi thứ tự, lấy Nguyễn Trực đỗ Trạng nguyên hai nước và Thiết Trường đỗ Bảng nhãn hai nước, đều cho vinh quy” (sách Địa chí huyện Yên Định).

Tuy nhiên, vì chưa quên việc Bảng nhãn Trịnh Thiết Trường trong bài thi có ý khinh nhờn ngựa phương Bắc nên nhà Minh đã ban cho ông con ngựa chỉ có 3 chân lành còn 1 chân bị què để ông lên đường về nước và hạ lệnh nếu không làm cho ngựa bị què đi được thì phải ở lại phương Bắc. Trong tình thế ấy, Trịnh Thiết Trường đã bình tĩnh sai người lấy đoạn gỗ buộc vào chân bị đau của ngựa rồi ung dung lên đường, nhờ thế mà ngựa dù què vẫn tập tễnh bước đi được. Tài ứng biến của vị Bảng nhãn đất phương Nam một lần nữa khiến quan quân nhà Minh phải thán phục.

Cuộc đời cùng sự nghiệp làm quan của Bảng nhãn Trịnh Thiết Trường không chỉ được nhắc đến trong sử liệu mà còn cả những giai thoại được lưu truyền trong dân gian với sự cảm mến của người đương thời và hậu thế...

Ông Thiều Sỹ Khoa, công chức văn hóa xã hội xã Định Bình, cho biết: “Sau khi Bảng nhãn Trịnh Thiết Trường qua đời, trên quê hương Định Bình người dân đã lập đền thờ phụng. Tuy nhiên, qua biến thiên thời gian, đền thờ vị Bảng nhãn hai lần ghi danh bảng vàng đã không còn. Năm 2023, trên nền móng đền thờ cũ, chính quyền địa phương và người dân đã cùng nhau chung tay đóng góp kinh phí tôn tạo lại đền thờ Bảng nhãn Trịnh Thiết Trường với tổng kinh phí hơn 6 tỷ đồng. Vào ngày rằm tháng Giêng, người dân trong xã lại cùng nhau trở về đền thờ làm lễ dâng hương tưởng nhớ, bày tỏ niềm kính ngưỡng với vị Bảng nhãn tài danh”.

(Bài viết có tham khảo, sử dụng nội dung trong các sách: Địa chí huyện Yên Định; Những Bảng nhãn trong lịch sử Việt Nam; Văn tài võ lược xứ Thanh).

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]