(vhds.baothanhhoa.vn) - Sôi nổi, nhiệt huyết, vừa giỏi việc nước lại đảm việc nhà, là ấn tượng của những nữ thủ lĩnh đoàn mà chúng tôi gặp.

“Bóng hồng” thủ lĩnh đoàn

Sôi nổi, nhiệt huyết, vừa giỏi việc nước lại đảm việc nhà, là ấn tượng của những nữ thủ lĩnh đoàn mà chúng tôi gặp.

“Bóng hồng” thủ lĩnh đoànChị Trịnh Lan Hồng (người cầm hoa hàng đầu) đạt giải Nhất Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên tỉnh Thanh Hóa lần thứ 8.

Người “truyền lửa” khởi nghiệp cho sinh viên

Đã từng tham dự, đưa tin nhiều hoạt động phong trào đoàn của Trường Đại học Hồng Đức, biết nhiều gương mặt thanh niên tiêu biểu, nhưng tôi ấn tượng nhiều hơn với chị Trịnh Lan Hồng, Bí thư Liên chi đoàn Khoa Nông - Lâm - Ngư nghiệp. Chị Hồng được biết đến là một nữ thủ lĩnh đoàn xuất sắc không chỉ vì bề dày thành tích, mà còn là người truyền đam mê, động lực, “lửa” khởi nghiệp cho sinh viên.

Trong căn phòng có diện tích khiêm tốn nơi chị Hồng làm việc, nhiều tấm bằng khen, giấy chứng nhận được xếp ngay ngắn, gọn gàng. Ngắm nhìn từng phần thưởng, danh hiệu ấy, tôi hiểu vì sao nữ thủ lĩnh đoàn này được nhiều người yêu mến, khen ngợi. Năm 2005, khi đang học lớp 12 Trường THPT Thạch Thành 3, Trịnh Lan Hồng đã vinh dự được nhận giải Lý Tự Trọng – giải thưởng giành cho cán bộ Đoàn xuất sắc. Năm 2016, Hồng đạt giải Khuyến khích trong Hội thi Khoa học - Kỹ thuật tuổi trẻ các trường đại học, cao đẳng khối Nông - Lâm - Ngư nghiệp toàn quốc. Tiếp đó là Bằng khen của Trung ương Đoàn trong năm học 2020-2021; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh năm 2021 cho ý tưởng đạt giải Nhất cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên tỉnh Thanh Hóa”...

Trong hoạt động đoàn, Trịnh Lan Hồng luôn sôi nổi, nhiệt tình thì khi nói về bản thân chị lại rất khiêm tốn. Chị bộc bạch: “Mình luôn mong muốn mang đến những điều tốt đẹp, truyền đạt những kiến thức tốt nhất và đặc biệt là khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên”. Xuyên suốt trong những bài giảng của chị là gương khởi nghiệp của thanh niên trên khắp mọi miền Tổ quốc, trong đó có cả những cựu sinh viên Trường Đại học Hồng Đức với những mô hình dù thành công, hay thất bại... nhưng đều khẳng định ý chí dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận khó khăn.

Bên cạnh truyền đạt những câu chuyện thuyết phục về những thanh niên khởi nghiệp, Trịnh Lan Hồng cũng là tấm gương sáng về tinh thần tự tìm hiểu, nghiên cứu để tìm ra những ý tưởng khởi nghiệp. Năm 2021, dự án khởi nghiệp “Sản xuất trà Linh Chi Hồng Đức với quy trình khép kín từ nuôi trồng nấm đến chế biến sản phẩm” do chị làm trưởng nhóm đã đạt giải Nhất cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo trong đoàn viên thanh niên tỉnh Thanh Hóa” lần thứ 8. Đây là lần đầu tiên Trường Đại học Hồng Đức đạt giải cao nhất tại cuộc thi này. Trong dự án này, nhóm của Hồng đã thực hiện quy trình từ việc trồng nấm, nghiên cứu cách chế biến nhằm giữ lại hàm lượng chất dinh dưỡng cao nhất, thực hiện quy trình khép kín, theo chuỗi, đảm bảo sản phẩm đạt đúng tiêu chuẩn chất lượng cho phép. Thông qua dự án, Hồng muốn truyền đi thông điệp “ở bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể khởi nghiệp được. Ý tưởng ở quanh ta đôi khi là những điều đã cũ nhưng nó sẽ mới bằng quy trình, phương pháp sản xuất”.

“Điều tôi mong muốn nhất ở các bạn sinh viên là sự nỗ lực, phấn đấu hết mình, dám nghĩ, dám làm. Đừng sợ thất bại, bởi đằng sau mỗi thất bại là những bài học vô cùng quý giá, là kinh nghiệm quý báu cho những thành công sắp tới”, Trịnh Lan Hồng chia sẻ.

Đoàn kết, tập hợp thanh niên dưới mái nhà chung

Với chị Hà Thị Thu Huyền, Bí thư Huyện đoàn Quan Hóa thì việc thành công nhất trên cương vị người thủ lĩnh của đoàn là tập hợp, đoàn kết lực lượng thanh niên địa phương, phát huy tinh thần xung kích vì cộng đồng.

Huyện Quan Hóa có số đông đoàn viên thanh niên nông thôn nhưng phần lớn lại đi làm ăn xa, đội ngũ ban chấp hành đoàn xã thường biến động, công tác sinh hoạt đoàn không được thường xuyên, liên tục... Những tồn tại đặt ra yêu cầu phải thay đổi phương thức, cách thức tập hợp thanh niên của Ban Chấp hành Huyện đoàn nhằm phát huy trí tuệ, sức cống hiến của tuổi trẻ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương. Đặc biệt, với sự bùng nổ của khoa học công nghệ, việc thay đổi phương thức tổ chức, nội dung sinh hoạt, bám sát thực tiễn của đoàn viên, thanh niên rất cần thiết và quan trọng. “Qua theo dõi tôi nhận thấy nhiều tổ chức đã và đang gắn kết, liên kết sức mạnh trí tuệ thông qua mạng xã hội... Vậy có nên chăng, tổ chức đoàn, nhất là cấp cơ sở cần sớm vận dụng để thông qua đó tập hợp sức mạnh tập thể của đoàn viên thanh niên”, chị Huyền chia sẻ.

Theo đó, Ban Thường vụ Huyện đoàn Quan Hóa đã chỉ đạo mỗi tổ chức chi đoàn cơ sở xây dựng hội, nhóm trên mạng xã hội, liên kết, tập hợp toàn bộ thanh niên địa phương kể cả những thanh niên đi làm ăn xa. Nhóm là nơi tập hợp, cũng là diễn đàn lắng nghe tâm sự, nguyện vọng, đề xuất của thanh niên trong quá trình sinh hoạt đoàn. Trong mỗi nhóm đều có đoàn viên là những tuyên truyền viên tích cực, biết chia sẻ thông tin hữu ích, viết bài tuyên truyền nhằm tạo chuyển biến nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi của đoàn viên thanh niên trong các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Nhờ đó, đã có 5.937 đoàn viên thanh niên trong huyện chủ động sinh hoạt tại 31 tổ chức cơ sở đoàn. Tỷ lệ đoàn kết tập hợp thanh niên đạt 70,4%. Trong đó, thanh niên đi làm ăn xa vẫn được kết nối với chi đoàn cơ sở, tham gia phong trào bằng nhiều hành động cụ thể, thiết thực.

Là “phái yếu” nhưng nữ giới vẫn tỏ rõ sức mạnh, khả năng và trí tuệ khi đứng ở vai trò thủ lĩnh. "Tôi thích ý tưởng Đoàn - Ngôi nhà của thanh niên. Phải làm sao để họ cảm thấy đến với đoàn như trở về nhà, về mái ấm của chính mình. Để ngôi nhà vững chắc, người thủ lĩnh đoàn phải biết dẫn dắt, lôi cuốn và định hướng mang đến những điều tốt đẹp hơn cho đoàn viên”, chị Huyền cho biết.

Bên cạnh chị Hồng, chị Huyền, còn có rất nhiều thủ lĩnh đoàn tài năng, bản lĩnh, như chị Nguyễn Thị Bích Phương, người đưa phòng trào đoàn ở huyện Thọ Xuân vươn lên lớn mạnh nhất trong tỉnh; chị Nguyễn Hồng Anh (Bí thư Huyện đoàn Quảng Xương) với mô hình dân vận khéo giúp trẻ em của 26 xã, thị trấn có điểm vui chơi riêng tại thôn, khu phố... Đánh giá về vai trò của các “thủ lĩnh”, chị Phùng Tố Linh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, cho biết: “Cán bộ đoàn rất vất vả, nữ cán bộ đoàn còn vất vả hơn. Muốn tổ chức hiệu quả các phong trào, hoạt động, đòi hỏi người cán bộ đoàn phải phát huy cao nhất trách nhiệm, gương mẫu, xông xáo và nói đi đôi với làm. Tinh thần, nhiệt huyết đã giúp các nữ thủ lĩnh khắc phục khó khăn, phát huy trí tuệ, xây dựng nhiều mô hình hoạt động đoàn hiệu quả, và có ý nghĩa thiết thực với thanh niên, với cộng đồng xã hội”.

Bài và ảnh: Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]