(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (29/7/1930 - 29/7/2020), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành Quyết định số 3819-QĐ/TU, ngày 29/6/2020 biểu dương, khen thưởng 90 tổ chức Đảng và đảng viên tiêu biểu. Báo VH&ĐS giới thiệu một số gương tập thể, cá nhân điển hình trên các lĩnh vực được biểu dương, khen thưởng tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh sẽ diễn ra vào sáng 29/7 tại Trung tâm Hội nghị 25B (TP Thanh Hóa).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Các tổ chức đảng, đảng viên tiêu biểu

Nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (29/7/1930 - 29/7/2020), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành Quyết định số 3819-QĐ/TU, ngày 29/6/2020 biểu dương, khen thưởng 90 tổ chức Đảng và đảng viên tiêu biểu. Báo VH&ĐS giới thiệu một số gương tập thể, cá nhân điển hình trên các lĩnh vực được biểu dương, khen thưởng tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh sẽ diễn ra vào sáng 29/7 tại Trung tâm Hội nghị 25B (TP Thanh Hóa).

Trường THPT Lương Đắc Bằng: Nâng cao chất lượng dạy và học

Thầy, cô giáo Trường THPT Lương Đắc Bằng trong buổi lễ chia tay các bạn học sinh khối 12.

Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập, trong những năm qua, Trường THPT Lương Đắc Bằng (Hoằng Hóa) không ngừng đổi mới phương pháp dạy và học, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy, ngay từ đầu mỗi năm học, nhà trường đã quán triệt tinh thần chỉ đạo và hướng dẫn của ngành về xây dựng kế hoạch, thực hiện quy chế chuyên môn, đoàn kết nhất trí, không ngừng tự học, tự rèn luyện để nâng cao phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn trong đội ngũ cán bộ, giáo viên. Đồng thời, tích cực phối hợp với các tổ chức đoàn thể và phụ huynh học sinh (HS) trong việc quản lý, giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống cho HS. Nhà trường đã tổ chức các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành giáo dục.

Đặc biệt, với sự nỗ lực của mỗi thầy, cô giáo và các em HS, việc áp dụng các phương pháp dạy học mới, như: Dạy học phân hóa theo năng lực HS, kỹ năng tự học, tự nghiên cứu, học theo nhóm... đã diễn ra đều khắp ở các bộ môn, phát huy được tính tích cực, chủ động của HS trong mỗi giờ học. Qua đó, giáo viên không chỉ giúp cho HS nắm được những kiến thức trọng tâm trong chương trình mà còn hình thành cho các em phương pháp tự học hiệu quả. Ngoài xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên vững về chuyên môn, tâm huyết với nghề, Trường THPT Lương Đắc Bằng còn tập trung đổi mới mạnh mẽ phương thức kiểm tra, đánh giá theo hướng khuyến khích tinh thần tự học và sáng tạo của HS.

Thầy giáo Nguyễn Hữu Kỳ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Xác định rõ phương pháp giảng dạy của giáo viên có tác động trực tiếp đến hiệu quả học tập của HS, chất lượng giáo dục của nhà trường, vì vậy, ban giám hiệu nhà trường luôn quan tâm đến vấn đề này. Phương châm của nhà trường là khơi dậy tinh thần tự đổi mới của mỗi giáo viên, tổ chức các phong trào thi đua chuyên môn để nâng cao chất lượng dạy và học. Mỗi năm, nhà trường có từ 20 đến 25% HS xếp học lực giỏi, trên 60% xếp loại khá. Tỷ lệ đậu tốt nghiệp hằng năm luôn đạt 99,6% trở lên...

Với những thành tích đã đạt được, Trường THPT Lương Đắc Bằng được Chủ tịch nước tặng thưởng 4 Huân chương cao quý; 4 lần được nhận Cờ thi đua và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; nhiều năm liên tục được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng Cờ thi đua đơn vị dẫn đầu xuất sắc, được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen... Đặc biệt nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (29/7/1930 - 29/7/2020) nhà trường vinh dự được tuyên dương là một trong số tập thể, cá nhân tiêu biểu của tỉnh.

Đảng bộ xã Tượng Văn: Phát huy vai trò lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội

Mô hình trang trại cá lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao tại xã Tượng Văn.

Tượng Văn là xã nằm trong vùng 4 của huyện Nông Cống, với đặc trưng của một vùng "đồng chua, nước mặn", "chiêm khê, mùa thối", kinh tế gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng đó, Đảng bộ xã Tượng Văn luôn xác định làm tốt công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, nhằm tạo bước chuyển biến mới trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống của người dân địa phương.

Để nhân dân phát triển kinh tế, ngay từ đầu năm, Đảng ủy xã đã xây dựng nghị quyết phát triển kinh tế, đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; chỉ đạo UBND xã, các ban, ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và đưa những cây, con giống mới năng suất cao vào sản xuất; đầu tư phát triển các mô hình trang trại, gia trại. Bám sát vào nghị quyết phát triển kinh tế của đảng ủy, các chi bộ, đảng viên trong xã nêu cao tinh thần, phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu trong chuyển đổi phát triển kinh tế, từ đó làm gương sáng để nhiều người dân vận động áp dụng theo...

Dưới sự lãnh đạo sát sao của Đảng ủy xã, sự triển khai chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của chính quyền về phát triển kinh tế, đã phát huy tiềm năng và thế mạnh của vùng, tập trung phát triển kinh tế hộ gia đình. Văn hóa, giáo dục, y tế đạt được nhiều thành tựu xuất sắc; 8/8 thôn làng và 3 cơ quan trường học đạt danh hiệu văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa; an ninh trật tự, an toàn xã hội luôn giữ vững. Các đoàn thể chính trị phối kết hợp với chính quyền thực hiện tốt nhiệm vụ kinh tế, chính trị ở địa phương, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xã nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng dân cư.

Đảng bộ xã có 365 đảng viên sinh hoạt ở 11 chi bộ trực thuộc. Đảng bộ liên tục được công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Đây là xã điển hình trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (nay là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh) được dự cuộc gặp mặt toàn quốc năm 2010. Năm 2013 Tượng Văn được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của huyện Nông Cống và xã thứ 6 của tỉnh. Xã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Những thành quả ấy càng làm tăng thêm niềm tin tưởng của nhân dân vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Những kết quả đó đang tạo thế và lực mới để Tượng Văn tiếp tục phát huy, gặt hái thêm nhiều thắng lợi mới trên chặng đường phát triển.

Ông Lê Tiến Toàn - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Thanh Hóa:Yếu tố con người phải được quan tâm hàng đầu

Kể từ khi về nhận nhiệm vụ Giám đốc, bác sĩ Lê Tiến Toàn đã làm thay đổi bộ mặt Bệnh viện Đa Khoa TP Thanh Hóa - vốn là nơi mà trước đây bị người dân mặc định xấu về thái độ phục vụ, nhếch nhác về cơ sở hạ tầng. Nơi đây giờ đã là một trong những đơn vị dẫn đầu về “5S - Sàng lọc, Sắp xếp, Sạch sẽ, Săn sóc, Sẵn sàng” với điều kiện sinh hoạt của bệnh nhân, trang thiết bị và chất lượng chuyên môn cải thiện. Chính vì thế số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh ngày càng cao, đặc biệt đa tuyến đến chiếm 40% nhu cầu khám chữa bệnh.

Theo chia sẻ của bác sĩ Lê Tiến Toàn: “Tôi về đây làm giám đốc đã 8 năm. Ban đầu, tôi được nhận bàn giao một món nợ hơn 5 tỷ đồng và nguồn thu bảo hiểm y tế lúc đó chỉ khoảng 20 tỷ/năm, thu viện phí một ngày vài triệu, và một đội ngũ nhân viên cũng như cơ sở vật chất kém, bệ rạc”. Hiểu được sự khó khăn đó, ông quyết tâm cải tạo lại bệnh viện từ ngoài vào trong, quản lý từng viên thuốc, sắp xếp lại vị trí, yêu cầu các bác sĩ chặt chẽ về thời gian.

Theo ông, một bác sĩ giỏi là người có chuyên môn, có kiến thức và phải có cái tâm. Xuất phát từ cái tâm và đạo đức nghề nghiệp thì chúng tôi sẽ làm được rất nhiều việc. “Tôi thường nói với đồng nghiệp, trước tiên, chúng ta hãy đóng vai người bệnh và người nhà của họ để nhận thấy cái gì là bức xúc, và cân nhắc khi cho bệnh nhân dùng thuốc gì để đạt hiệu quả cao, đồng thời chia sẻ với bệnh nhân như người thân. Từ đó quan hệ của bác sĩ với bệnh nhân sẽ thân thiện và hỗ trợ nhau”.

Xuất phát từ chuyên môn, rồi được đồng nghiệp tín nhiệm và cấp trên quan tâm, bác sĩ Toàn có 15 năm làm giám đốc. Thực tế ông chia sẻ: “Làm quản lý khó mà cũng không khó. Kinh nghiệm của tôi là phải biết quan sát từ đầu cổng cho tới cuối bệnh viện để ghi nhận thông tin, sau đó có cách xử lý. Tiếp theo là đánh giá cán bộ, từ năng lực sở trường, tâm tư nguyện vọng, hoàn cảnh gia đình để sắp xếp vị trí đúng giúp họ phát huy tối đa hiệu quả, và có khen thưởng kịp thời. Ngoài ra, phải chặt chẽ trong quản lý tài chính giữa nguồn thu, chi từ quỹ Bảo hiểm y tế, và viện phí”.

Với sự tâm huyết ấy mà bác sĩ Lê Tiến Toàn thu phục được đồng nghiệp. Ông cho rằng yếu tố con người phải được quan tâm hàng đầu. Chính vì thế, bằng cách hạch toán kinh tế với từng bác sĩ, ban giám đốc bệnh viện đã tạo nên nguồn thu nhập tăng thêm, tạo động lực làm việc và cống hiến cho các y bác sĩ trong bệnh viện.

Cùng với sự nỗ lực của cá nhân, sự chia sẻ của đồng nghiệp, bác sĩ Lê Tiến Toàn đã giành nhiều thành tích và giấy khen, bằng khen của ngành y tế, của UBND thành phố và của tỉnh Thanh Hóa.

Sức sống mới ở thị trấn vùng cao

Diện mạo thị trấn Cành Nàng (Bá Thước) từng ngày được đổi thay.

Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, cùng với sự nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền và đồng bào các dân tộc, diện mạo thị trấn Cành Nàng (Bá Thước) có nhiều đổi thay rõ nét, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.

Trong kí ức của những người dân sống lâu năm ở thị trấn Cành Nàng, cách đây hơn 20 năm về trước, tiếng là ở thị trấn, nhưng cuộc sống của người dân nơi đây vẫn còn gặp vô vàn khó khăn, thiếu thốn, từ nước sạch sinh hoạt, cho đến đường giao thông và các công trình công cộng khác. Nhưng sau hơn hai thập kỷ xây dựng và phát triển, diện mạo của thị trấn đổi thay rõ nét, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ thị trấn Cành Nàng, KT-XH có nhiều đổi thay, đặc biệt giai đoạn 2015 - 2020 có những bước tiến rất đáng ghi nhận. Quy mô nền kinh tế thị trấn năm 2020 tăng gấp 1,69 lần so với năm 2015; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 45 triệu đồng/người. Sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá,giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 20%/năm. Trong thời gian qua, nhiều dự án mới vềđường giao thông, trụ sở, hội trường, nhà văn hoá, trạm y tế, trường học... đã được triển khai thực hiện, nhiều công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần quan trọng vào sự phát triển KT-XH của thị trấn.

Trong lĩnh vực dịch vụ có bước phát triển vượt bậc, tăng nhanh cả về quy mô, chất lượng và loại hình. Giá trị sản xuất ngành dịch vụ tăng bình quân hàng năm giai đoạn 2016 - 2020 đạt 20,3%. Bên cạnh đó, Đảng bộ thị trấn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư phát triển hạ tầng du lịch. Thời gian qua lượng khách đến thăm quan tại các điểm du lịch trên địa bàn huyện đã lưu trú tại thị trấn tăng nhanh qua từng năm, giai đoạn 2016 - 2020 đã đón 3.646 lượt khách, tăng gấp 5 lần so với giai đoạn 2011 - 2015.

Để đạt được những kết quả trên, Đảng bộ thị trấn Cành Nàng đã xây dựng kế hoạch cụ thể, ban hành các nghị quyết chuyên đề lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ. Từ đó, đưa vào nội dung sinh hoạt ở các chi bộ để các đồng chí đảng ủy viên nắm chắc tình hình dưới cơ sở, nâng cao chất lượng công tác tham mưu, giúp Đảng ủy thị trấn có sự định hướng đúng đắn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành các nghị quyết sát với thực tiễn ở cơ sở; kịp thời tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc...

Niềm tin yêu của nhân dân chính là động lực để Đảng bộ thị trấn Cành Nàng vượt qua những khó khăn để lãnh đạo, chỉ đạo đưa các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, góp phần đưa thị trấn Cành Nàng phát triển nhanh chóng trên tất cả các lĩnh vực, tô điểm vào bức tranh KT-XH của miền Tây xứ Thanh ngày càng khởi sắc.

Đảng bộ xã Hưng Lộc: Huy động sức dân để phát triển địa phương

Nhờ quyết tâm xây dựng các trang trại chăn nuôi của Đảng bộ xã Hưng Lộc mà nhiều hộ gia đình đã có kinh tế phát triển trong đó có trang trại của gia đình anh Mai Văn Hải.

Là xã bãi ngang ven biển, 70% dân số làm nông nghiệp và 30% làm ngư nghiệp, xã Hưng Lộc trước kia rất khó khăn, việc huy động đóng góp từ nhân dân bị hạn chế. Xác định vai trò của nhân dân, Đảng bộ xã Hưng Lộc đã có cách làm sáng tạo trong lựa chọn công trình và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; huy động các nguồn lực đầu tư ­ xây dựng cơ sở hạ tầng, đáp ứng tiến độ thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM).

Cụ thể, trong giai đoạn 2011 - 2018 xã đã đầu tư gần 202 tỷ đồng xây dựng NTM, trong đó nhân dân đóng góp gần 103 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Hưng Lộc đã áp dụng cơ chế giao quyền chủ động cho người dân và cộng đồng tại thôn, xóm... trong tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng. Từ đó, tạo nên sự mạnh dạn trong ban hành chính sách thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh như tạo mặt bằng sạch, thủ tục hành chính nhanh gọn... Kết quả, đến nay, trên địa bàn xã có 10 doanh nghiệp đã xây dựng nhà xưởng phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Nông nghiệp chính là thế mạnh của Hưng Lộc, vì thế, lãnh đạo xã đã đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Nổi bật là quy hoạch chi tiết các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương; tập trung chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi, đưa nhiều loại cây trồng hàng hóa có giá trị kinh tế cao vào sản xuất như trồng ngô ngọt trên diện tích 20 ha, cho thu nhập 240 triệu đồng/ha/năm; trồng 20 ha cây khoai tây, năng suất bình quân đạt 30 tấn/ha, tạo thu nhập 180 triệu đồng/ha/năm; trồng măng tây cho thu nhập 200 triệu đồng/ha/năm... Cùng với trồng trọt, trong chăn nuôi phát triển mạnh đàn gia súc, gia cầm, mở rộng các trang trại theo quy mô vừa và nhỏ. Xã đã chuyển đổi 12,5 ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả vì nhiễm mặn do cơn bão số 7 (năm 2005) làm vỡ đê biển, thường hay ngập úng vụ mùa sang các mô hình trang trại tổng hợp, mô hình cá - lúa. Đến nay, xã Hưng Lộc đã có 26 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế khá cao còn tạo thêm nhiều việc làm cho người dân...

Theo ông Nguyễn Văn Biển - Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch UBND xã Hưng Lộc: Bài học xuyên suốt và thấm nhuần của Đảng bộ xã Hưng Lộc là phải tạo được sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong toàn Đảng bộ và nhân dân, thực hiện phương châm “dân làm, dân hưởng thụ, lấy sức dân để lo cho dân”. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đội ngũ cán bộ lãnh đạo xã, thôn, đảng viên gương mẫu, chủ động, tiên phong thực hiện tốt. Cấp ủy Đảng, chính quyền đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn, chỉ đạo và hỗ trợ triển khai thực hiện. Chúng tôi thật sự vui là 1 trong 90 tổ chức Đảng và đảng viên tiêu biểu được biểu dương khen thưởng. Chắc chắn sẽ còn nhiều nhiệm vụ trước mắt, mà Đảng bộ xã Hưng Lộc quyết tâm phát huy tốt tính đoàn kết, nhất trí; quy chế dân chủ công khai, minh bạch, tạo niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Gương sáng cô giáo Ngô Thị Lý - Bí thư chi bộ Trường Mầm non thị trấn Yên Cát

Bắt đầu từ năm học 2016, cô giáo Ngô Thị Lý được luân chuyển điều động về đơn vị Trường Mầm non thị trấn Yên Cát. Cô đã cùng Ban giám hiệu nhà trường tham mưu xây dựng kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia mức độ 2. Thật vui mừng, vào tháng 12/2019, trường đã hoàn thành kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, kiểm định chất lượng cấp độ 3. Có được cơ ngơi đẹp và đạt tiêu chuẩn giáo dục có sự góp sức không nhỏ của cô giáo hiệu trưởng Ngô Thị Lý.

Nhìn vào số học sinh năm học 2013 - 2014, Trường Mầm non Yên Cát chỉ có 276 em thì nay số học sinh đã hơn 400 em. Cô Ngô Thị Lý chia sẻ: Ở trên địa bàn huyện miền núi Như Xuân với không ít khó khăn nhưng là một bí thư chi bộ, hiệu trưởng tôi nhận thấy rằng cần có bản lĩnh chính trị vững vàng, gương mẫu chuẩn mực về phong cách và thực sự yêu nghề tận tụy với công việc. Xác định vai trò của người đứng đầu trong đơn vị, nhất là phải có năng lực chuyên môn vững vàng, am hiểu về lĩnh vực sư phạm và bậc học, có năng lực điều hành các hoạt động trong nhà trường một cách linh hoạt, hiệu quả, biết sử dụng khai thác năng lực sở trường của cán bộ giáo viên. Và xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh an toàn, biết lắng nghe ý kiến của cán bộ giáo viên, tạo điều kiện để họ yên tâm công tác, phát huy tốt trình độ năng lực của bản thân. Điều quan trọng nữa là phải tạo được mối quan hệ tốt với hội cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội và truyền thông. Có được tất cả những điều đó thì vai trò lãnh đạo của bí thư chi bộ, hiệu trưởng nhà trường sẽ thành công.

Với nhiều năm liên tục đạt các thành tích cao như điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 - 2020 của công đoàn tỉnh; liên tục đạt đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng bộ xã, thị trấn và Huyện ủy Như Xuân khen thưởng; Giải Nhất hội thi “Tuyên truyền viên giỏi” lần thứ nhất do Đảng bộ xã Yên Lễ tổ chức... cô giáo Ngô Thị Lý đã được biểu dương khen thưởng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa. Chia sẻ niềm vui ấy, cô nói: “Đây chính là động lực để tôi tiếp tục cống hiến và làm việc, mong góp một phần nhỏ vào sự phát triển của ngành giáo dục nói chung và xây dựng Trường Mầm non Yên Cát trở thành ngôi trường chất lượng của huyện Như Xuân”.

Đảng bộ thị trấn Nga Sơn: Quyết tâm làm đẹp và giữ cho đẹp

Được thành lập theo Quyết định số 786 ngày 16/10/2019 trên cơ sở sáp nhập 3 đơn vị hành chính gồm xã Nga Hưng, Nga Mỹ và TT Nga Sơn. Từ ngày đầu mới thành lập, Đảng bộ có 3 chi bộ và 74 đảng viên; đến nay sau sáp nhập có 26 chi bộ và 868 đảng viên, trong đó có hơn 300 đảng viên được nhận huy hiệu từ 70 đến 30 năm tuổi đảng.

Kể từ khi kè sông Hưng Long, diện mạo thị trấn Nga Sơn khang trang hơn nhiều.

Nhận thức và hành động với phương châm “Tất cả vì lợi ích chung của Đảng bộ và nhân dân”, việc đầu tiên mà Ban Chấp hành đảng bộ xác định là nâng cao chất lượng chi bộ đảng, phối hợp vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ đảng viên, nên khi các nhiệm vụ triển khai đều được đông đảo đảng viên và người dân ủng hộ. Vì thế mà các nghị quyết của Đảng bộ đều được thựchiện tốt. Đáng kể là Nghị quyết về phấn đấu xây dựng thị trấn đạt chuẩn văn minhđô thị và Nghị quyết chuyên đề phát động xây dựng các danh hiệu kiểu mẫu. Với sự quyết tâm nỗ lực của đảng bộ và nhân dân mà đời sống của người dân từng bước được cải thiện và ngày càng được nâng lên. Số hộ giàu khá 789 hộ, chiếm 79.5%; hộ nghèo là 17 hộ, chiếm 1,7%; hộ cận nghèo là 17 hộ, chiếm 1.7%. Tình hình an ninh chính trị cơ bản ổn định, năm 2019 cán bộ và nhân dân thị trấn được Công an tỉnh Thanh Hóa tặng danh hiệu đơn vị có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc. Công tác Quốc phòng được huyện đề nghị Quân khu 4 tặng cờ đơn vị quyết thắng.

Thành công luôn đi cùng những thách thức, theo Bí thư đảng ủy thị trấn Nga Sơn, Trịnh Văn Tiến: Thời điểm 2016 – 2017, chúng tôi đã phải trải qua nhiều khó khăn. Đó là việc phối hợp với các phòng ban của UBND huyện trong việc chuyển đổi mô hình chợ. Sau khi rà soát số tiểu thương, phân loại, tuyên truyền, phản ánh để thuyết phục được mỗi thành viên, tháng 9/2016 chợ huyện mới của Nga Sơn đã thành công mỹ mãn với sự nhất trí cao của các tiểu thương. Ngoài ra công tác giải phóng hành lang để kè sông Hưng Long, buộc di dời 50 hộ dân sang vị trí mới cũng được triển khai nhanh và hiệu quả.

Nhiệm kỳ 2020 – 2025 đặt ra nhiều mục tiêu, nhưng mục tiêu quan trọng nhất là tập trung phối hợp với các ngành, cơ quan chức năng để hoàn thành quy hoạch chi tiết địa giới thị trấn. Từ đó tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ để thu hẹp sự chênh lệch về bộ mặt đô thị giữa các đơn vị cũ với đơn vị mới. Ngoài ra, sau khi sáp nhập, địa bàn thị trấn với 7,08 km2tương đương 708 ha, dân số gần 13 nghìn người, diện tích đất nông nghiệp khoảng 400 ha, chúng tôi xác định nông nghiệp đô thị là cơ hội của thị trấn, vì thế việc tập trung quy hoạch vùng chuyên canh cây trồng có giá trị kinh tế cao cũng đang được UBND huyện xây dựng và ban hành đề án. Hiện tại Nga Sơn đã có mô hình nhà kính, và trong thời gian tới đảng bộ sẽ vận động nhân dân phát triển theo hướng này. Để chỉ đạo tích tụ ruộng đất, đảng bộ TT Nga Sơn đã nghiên cứu để có kế hoạch hỗ trợ người dân như đầu tư đường giao thông, xay mới kênh tiêu, kênh tưới, hỗ trợ đường điện ra vùng sản xuất.

Bộ mặt thị trấn Nga Sơn đã có nhiều thay đổi, mỗi người dân đều đã đăng ký từ 1 đến 2 việc cụ thể để góp phần vào việc làm sạch đẹp đô thị. Tuy nhiên, nói như ông Trịnh Văn Tiến: Làm đẹp đã khó rồi, nhưng giữ cho thị trấn có một bộ mặt đẹp, với những mục tiêu sẽ hoàn thành, đó thật sự là mong muốn của mỗi cán bộ đảng viên trong Đảng bộ TT Nga Sơn.

Vững chắc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Xương được tái thành lập trên cơ sở từ Trung tâm Y tế huyện theo Quyết định số 660/QĐ-UBND ngày 10/03/2006 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Là bệnh viện hạng II tuyến huyện với 180 giường bệnh năm 2019; hiện đơn vị có 244 cán bộ y bác sĩ và người lao động. Trong những năm qua, với tinh thần không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Toàn thể cán bộ viên chức bệnh viện đã nêu cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ thầy thuốc và nhân viên y tế, thực hiện nghiêm túc các quy chế, chế độ chuyên môn. Nhiều kỹ thuật mới được áp dụng triển khai như: Phẫu thuật thay khớp gối, khớp háng; Phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng khớp gối; Phẫu thuật kết hợp xương bằng đóng đinh nội tủy hoặc nẹp vít. Phẫu thuật nối thần kinh, mạch máu; Phẫu thuật Nội soi Cắt đốt U xơ tiền liệt tuyến; Chọc hút tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏ, Nội soi dạ dày gây mê; Siêu âm đầu dò âm đạo…

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo huyện Quảng Xương tặng hoa chúc mừng BCH Đảng bộ BV Đa khoa huyện Quảng Xương khóa IX.

Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Xương trong 05 năm qua và đặc biệt năm 2019 vừa qua đã đặc biệt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhất cho người dân khi đến khám chữa bệnh. Trung bình mỗi ngày, khoa khám bệnh của Bệnh viện tiếp nhận từ 400 đến 500 lượt khám bệnh, trong đó có đến 90% người bệnh khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT. Do đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh thì người bệnh là đối tượng được hưởng lợi đầu tiên.

Ngoài ra, công tác nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào hoạt động KCB cũng được thường xuyên được quan tâm; góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng chuyên môn của Bệnh viện. Bệnh viện được ngành đánh giá là cơ sở tuyến huyện có phong trào nghiên cứu khoa học và nhiều đề tài được công bố có tính ứng dụng cao trong thực tiễn.Việc ứng dụng các nghiên cứu khoa học vào thực tiễn đem lại hiệu quả cao đối với đơn vị, địa phương và cho người dân trong huyện và các vùng lân cận.Cùng với đó, bệnh viện luôn xác định trình độ chuyên ôn là yếu tố then chốt để phát triển Bệnh viện; nên công tác đào tạo nâng cao nguồn nhân lực được đặc biệt quan tâm bồi dưỡng.Việc xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị luôn được đáp ứng tốt việc cấp cứu, khám và điều trị.

Ngoài công tác chuyên môn, đơn vị cũng luôn đẩy mạnh các phong trào thi đua, như: Phong trào “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ Y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”; Phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh”; Phong trào “Xây dựng những tập thể khoa/phòng và cá nhân điển hình tiên tiến”… Các hoạt động thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước và xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị luôn được quan tâm thực hiện có hiệu quả.

Với bề dày kinh nghiệm và kết quả hoạt động tốt, trong nhiều năm qua; Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Xương đã được tặng thưởng những danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương cũng như của các cấp, ngành chuyên môn.

Nhóm P.V


Nhóm P.V

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]