(vhds.baothanhhoa.vn) - Đi đền, chùa là để cầu may mắn, bình an nhưng cũng có những con người xem như đó là “bến đỗ” để làm cuộc mưu sinh, đặc biệt vào dịp lễ hội thì với họ cuộc mưu sinh ấy càng trở nên ý nghĩa, quan trọng hơn...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyện mưu sinh nơi lễ hội

Đi đền, chùa là để cầu may mắn, bình an nhưng cũng có những con người xem như đó là “bến đỗ” để làm cuộc mưu sinh, đặc biệt vào dịp lễ hội thì với họ cuộc mưu sinh ấy càng trở nên ý nghĩa, quan trọng hơn...

Thức dậy từ lúc 3h sáng để rửa, luộc hơn 1 tạ sắn dây, đến 11h trưa chị Nguyễn Thị Hồng, 42 tuổi, ở thôn 3, xã Xuân Du (Như Thanh) mang số sắn dây này ra lễ hội Phủ Na để bán cho du khách. Từ mùng 1 Tết, chị và nhiều người dân ở xã Xuân Du đã cùng về bên lễ hội để bán sắn dây, một thứ đặc sản quê nhà. Hôm nay là mùng 9 Tết, vậy là chị Hồng đã có 9 ngày ở lễ hội. Chị cho biết: Với 1 tạ sắn dây chín, sẽ bán được 2,5 triệu đồng, sắn dây sống bán được 1,5 triệu đồng. Trung bình mỗi ngày tôi bán được 1 tạ sắn, ngày cao nhất bán được khoảng 4 nồi sắn, mỗi nồi tương đương với 40 kg. Kết thúc lễ hội, tôi cũng bán được vài chục triệu sắn dây nhưng rất mệt, nhất là công đoạn rửa...

Được biết ở Xuân Du, hiện có gần 400 hộ trồng sắn dây và vào mỗi mùa lễ hội, nhiều người dân ở đây đã “giàu” lên nhờ loại đặc sản này. Cùng với sắn dây thì nhiều sản vật nông nghiệp khác như lá đắng, cây cảnh của người Xuân Du cũng được mang đến lễ hội để bán cho du khách. Ngoài ra còn nhiều sản phẩm cây nhà lá vườn của những người dân ở các vùng lân cận khác cũng đến góp mặt tại lễ hội. Câu chuyện của bà Lê Thị Đới ở xã Triệu Thành (Triệu Sơn) lại đưa đến một hình ảnh cảm động hơn khi giữa tiết trời của ngày mùng 9 Tết mưa phùn, se lạnh, bà Đới 71 tuổi, đầu đội nón, khoác một mảnh áo mưa mỏng để ngồi bán rau má và vài bó kiệu... Hàng ngày ở nhà bà Đới bán hàng tạp hoá, vào mùa lễ hội bà lại lên đồi tìm rau má mang về bán ở Phủ Na. Mấy ngày qua, trung bình mỗi ngày bà bán được khoảng 100 nghìn. Bà bảo, bán còn được hơn hàng tạp hoá ở nhà.

71 tuổi, bà Đới vẫn về lễ hội Phủ Na để bán rau má.

Những cuộc mưu sinh bình dị vào mùa lễ hội đã giúp cho nhiều con người có thu nhập khá hơn dù chỉ là trong khoảng một thời gian ngắn ngủi. Dù vậy, có những cuộc mưu sinh bằng tâm linh mà gần như ở các đền, chùa nào cũng có và tất nhiên cũng mang lại cho họ nhiều “lộc” trong dịp đầu năm này.

Có mặt tại một ngôi đền nổi tiếng của tỉnh Thanh Hóa, không khó khi tìm được những người cầm một chiếc đĩa và đồng tiền xu (tiền âm dương) trên tay. Họ tự xưng là “thầy” đi kêu thay bái đỡ, đi làm lễ cầu lộc, cầu tài cho du khách. Nếu “kêu” cho một tín chủ tại 1 cung của nhà đền sẽ có giá là 20 nghìn đồng. Như vậy là có những ông, bà “thầy”, có ngày kiếm được cả bạc triệu. Cùng với đi “kêu thay bái đỡ”, có những con người còn đi bán những mặt hàng cấm dưới hình thức rút thẻ với giá từ 10-15 nghìn đồng/thẻ. Cũng mới đây, một cán bộ của Ban Quản lý di tích đền Bà Triệu, xã Triệu Lộc (Hậu Lộc) cho biết: Trong dịp đầu Xuân này, Ban quản lý đã phải mua lại hàng trăm chiếc thẻ của các bà cụ đi bán ở ngoài cổng đền để đảm bảo cho việc văn minh, văn hoá lễ hội. Lại nhớ, có những địa phương đã phải “mời” rất nhiều người ăn mày về “sum họp” tại nhà văn hoá để cho họ ăn uống và quan trọng là tránh được sự làm phiền tới du khách...

Sẽ có rất nhiều cuộc mưu sinh trong mùa lễ hội, có những cuộc mưu sinh đúng luật và có cả những cuộc mưu sinh phạm luật bởi ở lễ hội, nhiều người vẫn cho nơi đấy mới dễ kiếm tiền...

Hoàng Việt Anh


Hoàng Việt Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]