(vhds.baothanhhoa.vn) - Theo số liệu thống kê, sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, Thanh Hóa sẽ giảm 76 xã, phường, đồng nghĩa sẽ thừa ra 76 công sở và 76 nhà hội trường.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Có lãng phí công sở sau sáp nhập xã?

Theo số liệu thống kê, sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, Thanh Hóa sẽ giảm 76 xã, phường, đồng nghĩa sẽ thừa ra 76 công sở và 76 nhà hội trường.

Công sở xã Các Sơn được sử dụng làm trụ sở sau khi sáp nhập với xã Hùng Sơn.

Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Thanh Hóa, khóa XVII đã thông qua Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã. Theo đó, sau khi sắp xếp 143 xã, phường, thị trấn và điều chỉnh địa giới hành chính 3 xã thành 67 xã, phường, thị trấn; thành lập 1 thị trấn mới trên cơ sở nguyên trạng xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, toàn tỉnh còn 559 ĐVHC cấp xã (giảm 76 đơn vị), gồm 496 xã, 34 phường và 29 thị trấn. Theo phương án tổng thể “Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1649/QĐ-UBND, ngày 4/5/2019, có nêu:“Không đầu tư xây mới, cải tạo, sửa chữa công sở, trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức tại các đơn vị hành chính cấp xã thuộc phạm vi sắp xếp... UBND các huyện, thị xã, thành phố xem xét, quyết định sử dụng công sở sau khi tham khảo ý kiến của UBND cấp xã, đảm bảo tất cả cơ sở vật chất phục vụ công việc của địa phương”... Điều này có nghĩa, việc sử dụng các công trình này thuộc thẩm quyền của UBND các huyện, thị, thành phố có đơn vị sáp nhập.

Theo phương án, xã Hà Phong, huyện Hà Trung sẽ sáp nhập vào thị trấn Hà Trung để mở rộng thị trấn Hà Trung. Phương án trước mắt vẫn sử dụng trụ sở cũ của thị trấn là nơi làm việc trong khi chờ phê duyệt kế hoạch xây dựng trụ sở tại địa điểm mới. Như vậy, trụ sở của xã Hà Phong thuộc diện dôi dư. Ông Nguyễn Văn Bảy - Chủ tịch UBND xã Hà Phong cho biết: “Hiện xã cũng chưa có phương án nào để sử dụng trụ sở sau sáp nhập, mà tập trung tất cả các bộ phận về làm việc tại trụ sở thị trấn thì quá chật chội”.

Thọ Xuân là huyện có số xã, thị trấn sáp nhập lớn nhất của tỉnh Thanh Hóa, khi giảm 11 xã, thị trấn, còn 9 đơn vị hành chính mới. Sau sáp nhập, sẽ có 11 công sở, kèm theo 11 hội trường trung tâm không được sử dụng. Đáng chú ý hơn, huyện đã hoàn thành Chương trình xây dựng NTM, hầu hết số công sở, nhà hội trường trên đều mới được đầu tư xây dựng với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Trong số các đơn vị sáp nhập, có 6 xã, thị trấn sáp nhập với nhau thành 3 thị trấn. Đó là xã Xuân Lam nhập vào thị trấn Lam Sơn, xã Hạnh Phúc nhập vào thị trấn Thọ Xuân và xã Xuân Thắng nhập vào thị trấn Sao Vàng.

Ông Lê Văn Tiến - Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Thọ Xuân, cho biết: “Sau sáp nhập công sở của 3 thị trấn mới, do xây dựng từ lâu nên đều chuyển về công sở mới được xây dựng của các xã. Nằm ở vị trí đẹp, thuận lợi về mọi mặt nên cả 3 khu đất có công sở này đều có thể cho doanh nghiệp thuê, tạo nguồn thu cho ngân sách, tránh được tình trạng bỏ không, lãng phí. Đối với các công sở, nhà hội trường khác, nếu không bán hoặc cho thuê được sẽ tìm cách đưa vào sử dụng một phần. Ví dụ như đối với các xã, thị trấn có tăng cường công an chính quy về cơ sở, có thể bố trí phòng làm việc cho lực lượng này vào trụ sở hay nhà hội trường trống, vì lâu nay, công an xã chỉ được bố trí một phòng làm việc, rất chật chội, không đáp ứng nhu cầu làm việc, nhất là các buổi họp của ban công an xã”.

Năm 2019, huyện Tĩnh Gia thực hiện sáp nhập 6 xã để thành lập 3 xã mới. Cụ thể, sáp nhập xã Hùng Sơn và xã Các Sơn để thành lập xã Các Sơn mới; sáp nhập xã Triêu Dương và xã Hải Ninh để thành lập xã Hải Ninh mới; sáp nhập xã Hải Hòa và thị trấn để mở rộng thị trấn Tĩnh Gia. Sau khi sáp nhập, huyện Tĩnh Gia còn 31 đơn vị hành chính trực thuộc (gồm 30 xã, 1 thị trấn), giảm 3 xã so với hiện tại. Huyện đưa ra 4 nguyên tắc để chọn trụ sở, gồm: Đáp ứng các điều kiện cho cán bộ, công chức, người lao động làm việc; có nhà văn hóa trung tâm cơ bản đáp ứng sinh hoạt, hoạt động cho đảng viên, nhân dân; diện tích trụ sở rộng, cơ bản là vị trí trung tâm để tạo thuận lợi cho người dân đến giao dịch; có điều kiện để phát triển trở thành đô thị trong tương lai. Căn cứ các tiêu chí trên, huyện Tĩnh Gia đã lựa chọn trụ sở làm việc của các đơn vị: Hải Ninh, Các Sơn, thị trấn Tĩnh Gia hiện nay để làm trụ sở chính của 2 xã và thị trấn mới.

Việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã trong tình hình hiện nay theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 37-NQ/TW là hết sức cần thiết, nhằm tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở. Tuy nhiên, việc sử dụng các công sở, nhà hội trường xã, thị trấn sau sáp nhập sao cho phù hợp, hạn chế thấp nhất sự lãng phí tiền của của Nhà nước và nhân dân vẫn đang là “bài toán” khó đối với hầu hết các huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Để sử dụng trụ sở dôi dư phù hợp, hiệu quả, các địa phương cũng mong muốn và đề nghị sớm có hướng dẫn cụ thể giúp các địa phương có căn cứ áp dụng, tránh tình trạng lúng túng như hiện nay.

Đông Hoàng


Đông Hoàng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]