(vhds.baothanhhoa.vn) - Một cảm nhận yên bình tại khu tái định cư (TĐC) của bà con Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn) trong lần trở lại. Tôi tin vùng đất đã được lựa chọn, thẩm định kỹ càng này sẽ không còn những đau thương, mất mát bởi thiên tai. Một sự hồi sinh hiện hữu từ những nếp nhà, đồi nương...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cuộc sống mới nơi tâm lũ Sa Ná

Một cảm nhận yên bình tại khu tái định cư (TĐC) của bà con Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn) trong lần trở lại. Tôi tin vùng đất đã được lựa chọn, thẩm định kỹ càng này sẽ không còn những đau thương, mất mát bởi thiên tai. Một sự hồi sinh hiện hữu từ những nếp nhà, đồi nương...

Dựng nhà sau lũ

Đáp huyện vùng biên trong cái se lạnh trời thu, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn Vũ Văn Đạt chia sẻ với tôi về tình hình ở Sa Ná, về tiến độ dự án khu TĐC và tâm lý bà con sau những mất mát, đau thương...

Ông Đạt khẳng định: “Khu Sa Ná mới sẽ có diện tích khoảng gần 6 ha, bố trí, sắp xếp cho 51 hộ dân bản bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Huyện đang nỗ lực phối hợp với các đơn vị thi công cố gắng xong trước ngày 31/11/2019 và dự kiến các hộ sẽ có nhà ở trước Tết âm lịch”.

Quả là một thông tin vui để cung đường đến với bà con Sa Ná ngắn lại. Dọc bên đường vào bản đương mùa thu hoạch lúa. Dẫu trên gương mặt bà con, đâu đó vẫn lẩn khuất nỗi đau về sự mất mát, song tôi cũng cảm nhận được sự nỗ lực, niềm tin cho một cuộc sống mới. Những bông lúa còn ngưng đọng màu của bùn lũ và những giọt sương mai. “Sản lượng vụ ni thấp là rõ! Mưa lũ càn qua, lúa ngô còn sót lại được bao nhiêu đó cũng xem như là cứu cánh còn lại, là hy vọng để người dân Sa Ná gắng gượng”, một người dân chia sẻ với chúng tôi.

Sự nhộn nhịp, những nếp nhà mới đang được cất dựng tại khu TĐC Sa Ná.

Vào sâu bên trong khu TĐC mới của bản Sa Ná (cách vị trí bản cũ khoảng 1 km), một sự nhộn nhịp, vui tươi thấy rõ! Tôi gọi đó là công trường của những nỗ lực, cố gắng. Tiếng máy san ủi mặt bằng rầm rầm, tiếng người dân í ới qua lại, những nóc nhà đang dần hình thành!... Tiếng đục đẽo, tiếng cưa cắt, máy móc rầm rầm bên tai, người dân đang tất bật để dựng lại nhà cửa mà chẳng kịp bận tâm tới những vị khách lạ như chúng tôi. Lãnh đạo xã Na Mèo cho biết, dù điều kiện còn nhiều khó khăn, song khu TĐC bản Sa Ná đã nhận được rất nhiều sự quan tâm từ lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, huyện cũng như các nhà hảo tâm. Khu bản TĐC được xây dựng giúp cho 51 hộ dân bị ảnh hưởng cơn bão số 3/2019 sẽ có chỗ ở mới an toàn hơn.

Cũng tại khu TĐC này tôi tình cờ bắt gặp hình ảnh anh Hà Văn Vân đang đẩy chiếc xe rùa chở đất đá. Hộ anh Vân có tới 6 thành viên bị lũ cuốn chết, để gượng dậy tiếp tục sống với anh là điều không dễ dàng. Tranh thủ phút giải lao, anh Vân quệt ngang dòng mồ hôi đang tứa ra tâm sự: “Còn bố, còn con chưa tìm thấy! Tôi vẫn ngóng, vẫn chờ, vẫn tìm kiếm họ, dù hy vọng là khó! Cũng trong lúc này, tôi cùng bà con cất dựng lại căn nhà cho tươm tất, cốt lấy chỗ đặt ban thờ cho vợ con, bố mẹ được khang trang hơn. Tôi muốn nói với họ rằng không còn phải lo bão lũ nữa!”.

Đó cũng đang là tâm trạng của nhiều hộ dân nơi đây. Nhận thức của người dân giờ đây đã được đổi thay. Họ sẽ không còn dựng nhà bên những con suối, bờ khe với những ẩn họa khôn lường của thiên tai. Và không chỉ họ thế hệ đương đại, mà con cháu đời sau cũng vậy!...

Nơi tình yêu thương được lan tỏa

Những mái nhà được dựng lên, khung cảnh tất bật nơi TĐC mới này dường như phần nào làm nhòa đi phần nào những đau thương, mất mát trước đó. Ông Vũ Văn Đạt - Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho rằng, Sa Ná không chỉ là sự quan tâm của chính quyền địa phương mà là của cả cộng đồng. Chính nơi đây, tình yêu thương, tinh thần dân tộc đang được lan tỏa. Hiện tại, ngoài lực lượng nhà thầu thi công, tổng lực lượng chung tay cùng bà con Sa Ná là gần 300 người. Trong đó, Quân khu 4 là 50 người; huyện đội và dân quân tự vệ 100 người; công an huyện, xã 30 người; bộ đội biên phòng 60 người; đoàn thanh niên 50 người... Ngoài ra, nhân lực bổ sung cũng được huy động từ nhân dân xã Na Mèo, Sơn Thủy, Sơn Điện, Mường Mìn...

10 phương tiện vận chuyển vật liệu, 2 máy xúc vật liệu tại chỗ, với phương châm vận chuyển liên tục 24/24h, đảm bảo an toàn giao thông. Các đơn vị bố trí mỗi nhà 1 tốp thợ gồm 5 thợ chính và 5 thợ phụ, giúp việc thi công nhanh chóng. Anh em thi công từ sáng sớm cho tới tận 21h đêm mỗi ngày. Mỗi nhà được dựng lên từ sự chung tay, yêu thương của mọi người.

Đặc biệt, ở đó hình ảnh từ những đoàn thanh niên tình nguyện để lại cho tôi nhiều ấn tượng. Họ là những thanh niên đang chung tay cùng người dân xây dựng nhà cửa. Khi hỏi về công việc, một đoàn viên từ xã Sơn Điện cho biết: “Đây là tinh thần của đoàn viên thanh niên. Không chỉ năm nay mà hễ năm nào, bà con vùng lũ bị thiên tai thì chúng tôi cũng có mặt tương trợ. Lý tưởng “đâu cần thanh niên có, nơi đâu khó có thanh niên”, nhiều đoàn viên thanh niên đi làm ăn xa nhưng khi nghe tin bão lũ gây thiệt hại cho quê hương họ cũng sẵn sàng gác mọi công việc để trở về tương trợ, giúp đỡ”.

Chia tay Sa Ná, dọc hai bên đường là những lùm tre, đồi luồng sau những ngày gồng mình trong bão lũ nay đã thẳng mình vươn xanh tốt. Một liên tưởng lóe lên, phải chăng đó cũng chính là biểu tượng cho sự hồi sinh của bản Sa Ná!

Đình Giang


Đình Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]