(vhds.baothanhhoa.vn) - Sinh ra ở làng Thượng Vôi, ven bờ sông Chu (xã Xuân Hòa, Thọ Xuân), anh yêu và gắn bó với âm nhạc từ khi còn trẻ. Cũng bởi bố anh từng là bộ đội nhưng rất đam mê với âm nhạc, có khả năng hát và chơi được một số loại nhạc cụ dân tộc; anh trai cả cũng từng hoạt động trong đoàn nghệ thuật bộ đội biên phòng... Đó là cơ duyên đầu tiên dẫn dụ Đỗ Hoài Nam đến với con đường nghệ thuật.

Đỗ Hoài Nam - người neo đậu vào âm nhạc

Sinh ra ở làng Thượng Vôi, ven bờ sông Chu (xã Xuân Hòa, Thọ Xuân), anh yêu và gắn bó với âm nhạc từ khi còn trẻ. Cũng bởi bố anh từng là bộ đội nhưng rất đam mê với âm nhạc, có khả năng hát và chơi được một số loại nhạc cụ dân tộc; anh trai cả cũng từng hoạt động trong đoàn nghệ thuật bộ đội biên phòng... Đó là cơ duyên đầu tiên dẫn dụ Đỗ Hoài Nam đến với con đường nghệ thuật.

Đỗ Hoài Nam - người neo đậu vào âm nhạcNhạc sĩ Đỗ Hoài Nam.

Ngay sau khi rời ghế nhà trường, gần 50 năm qua, Đỗ Hoài Nam luôn gắn bó với âm nhạc. Trải qua các cơ quan như: Ty Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quan Hóa, rồi Nhà văn hóa Trung tâm (nay là Trung tâm Văn hóa tỉnh), ngoài công việc hành chính, âm nhạc với anh là niềm vui, là sự đam mê.

Trong hầu hết tác phẩm tiêu biểu của anh, như các ca khúc: Tiếng hát từ núi rừng Thường Xuân, Mùa xuân Lam Sơn, Tiếng khèn mùa xuân, Niềm vui cô giáo trẻ, Trầu cay, Nghĩ suy trên biển, Sầm Sơn biển sáng, Kỷ niệm mái trường thân yêu (hợp xướng); hay các thể loại nhạc không lời như: Tiểu phẩm cho pian 1-2-3, Biến tấu cho FLute và dàn nhạc thính phòng, Sonate cho Trio piano, violo, violoncello, nhạc múa... âm nhạc dân gian luôn luôn là chất liệu chính.

Đỗ Hoài Nam vồn vã trong mọi chuyện, kể cả khi nói về âm nhạc và đời sống âm nhạc. Đã từng có người đặt câu hỏi: Tại sao Hoài Nam lại có thể làm trưởng ban Âm nhạc của Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa từ khóa VII, VIII, IX…? Bởi 15 năm đứng mũi chịu sào, Hoài Nam ở lại lâu vì anh đủ tài và đủ đức. Anh luôn khẳng định đời sống âm nhạc của Thanh Hóa khá sôi động, lực lượng hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp và không chuyên nằm trong số các tỉnh mạnh nhất cả nước. Hiện ban Âm nhạc có 50 nhạc sĩ, trong đó có 20 người là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Có được lực lượng hùng hậu ấy, vì Thanh Hóa có kho tàng âm nhạc dân gian phong phú đa dạng. Trong sự phong phú ấy, màu sắc của âm nhạc Thanh Hóa khác hẳn với các địa phương ở phía Bắc và các tỉnh Bắc miền Trung. Vừa hào hùng vừa sâu lắng, vừa tình cảm mà nồng đượm. Nhiều tên tuổi nhạc sỹ tiêu biểu đã khẳng định được vị trí của mình trong nền âm nhạc xứ Thanh và cả nước như: Lê Quang Nghệ, Nguyễn Trọng, Văn Hòe, Đồng Tâm, Xuân Liên, Mai Kiên, Hoàng Hải, Nguyễn Liên, Hoàng Thanh Nhung... và kế sau như: Thế Việt, Đỗ Hoài Nam, Xuân Chung, Mạnh Thống, Vũ Công Chí, Nguyễn Hoài Nam, Đoàn Dũng, Thúy Hạnh....

Trong gần 150 tác phẩm sáng tác của Đỗ Hoài Nam, những tác phẩm mang âm hưởng dân ca được đánh giá cao hơn cả. Có lẽ vì thế mà khi nói về hò sông Mã, về dân ca Đông Anh, Hoài Nam rất hào sảng. Một trong những tác phẩm anh tâm đắc và được giới nhạc sĩ đánh giá cao là Tiếng trống trò mùa xuân. Lấy chất liệu âm nhạc của trò Xuân Phả làm âm hưởng chủ đạo, dù được viết cách đây vài chục năm nhưng mỗi khi vang lên đều được người nghe chú ý. Rồi những bài như: Mùa xuân tình rừng, Hội xuân núi rừng… dựa trên chất liệu âm nhạc của người Thái Thanh Hóa người nghe hiểu được văn hóa tộc người. Hay gần đây nhất, Về quê em đi anh mang âm hưởng dân gian của Bắc miền Trung thật nhẹ nhàng: Có thể anh chưa về quê em/ Chỉ biết quê em qua câu ca ngàn đời/ Được mùa Nông Cống sống mọi nơi/ Câu ca ấy sao nao lòng đến thế/ Có thể anh chưa về quê em/ Chỉ biết quê em một miền quê huyền thoại/ Tiếng cồng Trinh Nương, tiếng voi gầm ra trận/ Hào khí ngàn Nưa còn vang vọng mãi đất trời. Về quê em đi anh đã có sức lan tỏa trong cả nước và đã đạt giải C Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, giai đoạn 2016-2020 của tỉnh; giải A Giải thưởng văn học nghệ thuật Lê Thánh Tông năm 2020. Dẫu biết âm nhạc là sự kết hợp tổng hòa giữa phần nhạc và phần lời, nhưng viết về một miền quê mà người nghe thấy được cái tình, ấy là quá đủ.

Khi tôi hỏi: Viết nhiều về Thanh Hóa, anh không sợ tính địa phương bó hẹp? Đỗ Hoài Nam chia sẻ: "Tác phẩm lớn hay không lớn chính là giá trị tự thân của nó. Có những bài hát về một xã nào đó thôi nhưng được khán giả cả nước nghe, nhưng có những bài viết về Tổ quốc chưa chắc đã có ai hát. Tôi nghĩ, mình là người xứ Thanh thì hãy khai thác các chất liệu âm nhạc xứ Thanh, hãy viết về quê hương của mình bằng tất cả tình cảm và tri thức. Quan trọng hơn là tác phẩm đó có lan tỏa, có lay cảm người nghe; chất lượng tác phẩm có được giới chuyên nghiệp đánh giá cao không”.

Âm nhạc có sức mạnh riêng. Đỗ Hoài Nam cho biết: Một tác phẩm âm nhạc sống được thì phải bám vào hơi thở của đời sống, những bản sắc và kho tàng âm nhạc. Anh cũng chia sẻ rất thật: “Chính chúng tôi cũng đang chịu áp lực về việc thoát khỏi cái cũ, cái nhiều người làm”. Chẳng hạn viết về Thanh Hóa có quá nhiều bài hát hay của các tác giả nổi tiếng. Viết cái gì và viết thế nào là câu hỏi mà không riêng gì Đỗ Hoài Nam loay hoay, tìm tòi, suy nghĩ. Mặc dù biết, Hoài Nam viết đủ các thể loại, viết về nhiều vùng đất, nhưng mảnh đất xứ Thanh là máu thịt mà anh chưa khai phá hết.

Anh chia sẻ với tôi: “Để có những bài hát tương xứng là sự day dứt của các nhạc sĩ. Mỗi năm các hội viên Ban Âm nhạc của Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa cho ra đời gần 400 tác phẩm. Nhưng để tác phẩm đọng lại, xứng tầm với vùng đất truyền thống và phát triển như xứ Thanh, chưa có nhiều. Tôi cũng không muốn bàn đến nguyên nhân, lại càng không muốn lý giải thế nào là hay và chưa hay. Nhưng để âm nhạc đi vào được lòng người, đến được với công chúng, thật không dễ. Rõ ràng ở vào thời kỳ hiện đại, khi làn sóng âm nhạc phương Tây tràn ngập, giới trẻ hướng đến sự sôi động, tiết tấu nhanh, còn chưa kể là các phương tiện giải trí ngập tràn. Âm nhạc vừa mang chức năng tuyên truyền vừa là phương tiện giải trí. Không có con đường nào kết nối với nhau tốt hơn âm nhạc. Bởi thế, mỗi thời đại, gu thẩm mỹ có sự thay đổi và khác nhau. Giữa dòng chảy đa dạng ấy, âm nhạc truyền thống sống được, có người nghe, tôi nghĩ đó đã là thành công”.

Những trăn trở ấy đã khiến Đỗ Hoài Nam lo âu hơn. Nói về dự định của mình trong thời gian tới, anh ngập ngừng: “Tôi có mong muốn và đang tư duy, tích lũy sâu để viết ra được tác phẩm về xứ Thanh xứng tầm”. Thậm chí anh ấp ủ viết một tác phẩm giao hưởng không lời về dòng sông Mã, cầu Hàm Rồng với những con người anh hùng bằng chất liệu âm nhạc xứ Thanh thông qua giao hưởng.

Âm nhạc là thế giới nâng đỡ con người ta có thể bước đi từng ngày. Cuộc đời nhạc sĩ vốn được người ta gắn cho cái mác đa tình, còn với Đỗ Hoài Nam thì lại quá đa đoan. Đời sống tinh thần của anh cứ chầm chậm, buồn buồn. Tôi thầm nghĩ, nếu không có âm nhạc, những lúc cô đơn, anh biết neo đậu chốn nào?

Đường đời và đường nghề của anh còn dài, tôi chờ đợi những sáng tác của anh. Dẫu có thể chưa mang tầm thời đại thì chắc chắn một con người giàu tình cảm như anh sẽ tiếp tục cho ra mắt những bản nhạc tình thật sâu lắng, gửi gắm nhiều tâm sự về kiếp người.

Bài và ảnh: Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]