(vhds.baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, để phục vụ cho các công trình, dự án đầu tư xây dựng, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), một diện tích lớn đất đã được thu hồi. Tuy nhiên, câu chuyện bố trí tái định cư (TĐC) cho người dân thuộc diện phải thu hồi đất đang bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đời sống người dân các khu tái định cư bị xem nhẹ (Kỳ 1): Đi cũng dở, ở cũng chẳng xong!

Thời gian qua, để phục vụ cho các công trình, dự án đầu tư xây dựng, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), một diện tích lớn đất đã được thu hồi. Tuy nhiên, câu chuyện bố trí tái định cư (TĐC) cho người dân thuộc diện phải thu hồi đất đang bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế.

Kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư được xem là giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phát triển KT-XH. Song, sự chậm trễ trong triển khai các dự án TĐC, sự thiếu trách nhiệm của các nhà đầu tư, chính quyền địa phương lại đang ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của những người buộc phải nhường đất cho dự án. Phải chăng, nhà đầu tư, chính quyền địa phương đang nợ người dân một câu trả lời?

Muôn kiểu “chờ”từ TĐC

Cái nắng như đổ lửa của tháng 6, khiến cho mặt đường và những bãi cỏ um tùm ở phường Nam Ngạn (TP Thanh Hóa) bị nhuộm màu vàng chóe. Cách đây chừng ba năm, viễn cảnh về một khu TĐC khang trang, sạch đẹp dành cho các hộ dân nhường đất cho những dự án trên địa bàn tỉnh đã được vẽ ra. Cho đến nay, những bãi đất trống, cỏ dại hết lớp này đến lớp khác đua nhau mọc chiếm cứ hơn chục ha “đất chết”, hẳn là câu trả lời cho dự án TĐC ở đây.

Dẫn chúng tôi đi thực địa một vòng quanh dự án, chị Nguyễn Thị Hiên, cán bộ địa chính phường Nam Ngạn (TP Thanh Hóa), không khỏi xót ruột: Trên địa bàn phường hiện có 6 mặt bằng TĐC, được bố trí từ rất lâu rồi. Tuy nhiên, trong số đó mới chỉ có 3 mặt bằng là 1167, 63, 08 là được bố trí hạ tầng hoàn thiện, có nhiều hộ dân đến sinh sống. Còn lại 3 mặt bằng 6275, 1474, 3037 là chưa hoàn chỉnh, thiếu thốn điện nước, vỉa hè, cũng như hố ga... khiến cho người dân gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có hộ đến xây nhà xong còn phải rời đi.

“Chúng tôi đã thực sự kỳ vọng vào những dự án TĐC này, bởi lẽ nó sẽ góp phần thúc đẩy KT-XH của địa phương, cũng như đảm bảo đời sống cho bà con những người thuộc diện nhường đất cho các dự án. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại thì những hứa hẹn đã không thực hiện được. Những năm trở lại đây, không còn kiên nhẫn chờ đợi, hoặc quá xót cho cả chục ha đất bị bỏ không, địa phương đã nhiều lần đề nghị lên chính quyền các cấp và các ngành liên quan, đốc thúc nhà đầu tư triển khai dự án; sớm hoàn thành hạ tầng khu TĐC để đảm bảo cuộc sống cho bà con nhưng hiện vẫn chưa có câu trả lời chính xác”- chị Hiên cho hay.

Những hố “tử thần” vẫn luôn rình rập, đe dọa đến tính mạng của người dân TĐC mặt bằng 6275, phường Nam Ngạn (TP Thanh Hóa).

Bi đát hơn, là dự án TĐC đường vành đai phía Tây TP Thanh Hóa được triển khai từ năm 2015, nhưng đến nay vẫn còn dang dở, hàng trăm hộ dân thuộc diện di dời vẫn chưa thể ổn định nơi ăn chốn ở sau khi đã bàn giao đất cho chủ đầu tư để xây dựng tuyến đường. Theo kế hoạch, tháng 7/2017, Dự án TĐC đường vành đai phía Tây TP Thanh Hóa sẽ hoàn thành và bàn giao cho các hộ gia đình để ổn định cuộc sống. Thế nhưng, cho đến nay, 2 mặt bằng TĐC thuộc địa bàn xã Quảng Thịnh và xã Đông Tân vẫn chưa có đường điện và cấp nước sinh hoạt, hệ thống cống thoát nước chưa hoàn thiện... Chậm trễ trong việc đầu tư xây dựng khu TĐC khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân bị thu hồi đất dự án đang hết sức khó khăn. Được biết, tại mặt bằng TĐC xã Quảng Thịnh có tổng số 197 lô (trong đó đã giao 85 lô cho các hộ). Mặt bằng TĐC xã Đông Tân có 172 lô, trong đó có 31 hộ dân đã đăng ký lấy đất.

Trớ trêu hơn, hơn 10 năm qua, 28 hộ dân ở thôn Tam Sơn, xã Tân Trường (Tĩnh Gia), nhường đất cho Nhà máy Xi măng Công Thanh để sang khu TĐC, đến nay vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Được biết, trước năm 2006, người dân ở thôn Tam Sơn, sinh sống và làm nông nghiệp trên đất đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Nhưng sau đó, do mục tiêu phát triển kinh tế, chính quyền địa phương đã kiểm kê để đền bù giải phóng mặt bằng xây dựng Nhà máy Xi măng Công Thanh. Người dân nhận tiền đền bù đất nông nghiệp, còn đất ở thì được đền bù theo hình thức đất đổi đất TĐC. Thế nhưng khi ra khu TĐC thì đất ở không được cấp sổ đỏ, ảnh hưởng đến đời sống của 28 hộ dân. Dễ thấy nhất là đời sống người dân nằm trong khu vực dự án đang bị đặt vào tình thế “đi thì cũng dở, ở không xong”.

Nỗi niềm của người dân TĐC

Khi chúng tôi tìm hiểu một số dự án TĐC trên địa bàn tỉnh, điều dễ thấy nhất là rất ít khu TĐC hoàn thiện được hạ tầng kỹ thuật để bàn giao cho địa phương. Xung quanh chuyện cuộc sống của người dân TĐC có không ít chuyện cười ra nước mắt. Hàng chục, thậm chí là hàng trăm hộ dân đón dự án từ khi con cái còn nhỏ đến khi chúng trưởng thành, dựng vợ gả chồng, nhưng vẫn phải xoay sở sống trong căn nhà xuống cấp, không được cải tạo, nâng cấp hay chuyển nhượng. Rồi thì đất đai, tài sản trên đất thiếu cơ sở để được thế chấp vay vốn phát triển kinh tế. Rồi tình hình an ninh trật tự tại một số địa phương ít nhiều phức tạp do tâm lý người dân không ổn định...

Chẳng nói đâu xa, mà ngay gia đình ông Nguyễn Hữu Trưng, Trưởng khu phố Tân Sơn 2, phường Nam Ngạn (TP Thanh Hóa), là hộ dân thuộc diện phải di dời bởi dự án cống ngầm thoát nước kết hợp với đường giao thông từ mặt bằng 85 đến sông Hạc, phường Nam Ngạn đã được TĐC tại mặt bằng 6275. Ông Trưng, chia sẻ: “Mặt bằng này, hiện có 50 hộ đã xây nhà ở, những tưởng sau khi nhường đất cho dự án chúng tôi sẽ được bố trí nơi ở phù hợp. Ai ngờ, khi chuyển đến đây, hạ tầng điện, nước, vỉa hè lại không có. Hàng ngày để có điện, nước sinh hoạt chúng tôi mấy chục hộ phải tự mua dây về kéo xin mắc nhờ nhà dân, chẳng những việc mua dây điện tốn kém mà giá điện cũng rất cao, bình quân phải 2.700 - 2.800 đ/1 số điện. Không chỉ có vậy, trước mặt nhà nào cũng có một hố “tử thần” đang trực chờ sẵn. Chẳng giấu gì, tính từ đầu năm 2018 đến nay đã có ít nhất 5 vụ tai nạn xảy ra do những hố “tử thần” này. Tuy chưa có thiệt hại về người nhưng hàng ngày vẫn đe dọa đến tính mạng những người đi đường. Nếu cứ tiếp tục phải sống cảnh tạm bợ thế này thì chúng tôi làm sao có thể ổn định cuộc sống”.

May mắn hơn nhiều gia đình khác thuộc diện bố trí TĐC, chị Lê Thị Thủy, ở xóm Cộng (xã Đông Tân, TP Thanh Hóa) vẫn còn ngôi nhà để ở tạm. Nhưng tới đây, chuẩn bị dựng vợ cho cậu con trai đầu lòng, chị lại lo lắng vì chưa biết sắp xếp cho con mình ở chỗ nào. Thuộc diện phải di dời để nhường đất cho Dự án đường vành đai phía Tây chị cũng đăng ký mua đất TĐC, nhưng đến nay, đã mấy năm trôi qua mà chị và nhiều gia đình khác vẫn phải mòn mỏi chờ đợi.

Có mặt tại Khu TĐC Tam Sơn, xã Tân Trường (Tĩnh Gia), chúng tôi mới cảm nhận được nỗi khó khăn mà người dân nơi đây đang phải hàng ngày, hàng giờ gánh chịu. Theo một số hộ dân, mặc dù đã TĐC từ hơn 10 năm nay nhưng hạ tầng đầu tư rất ít lại “treo” lâu ngày nên xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của họ.

“Đến nay đã hơn 10 năm. Giờ chúng tôi cần vốn làm ăn chỉ trông chờ vào cái sổ đỏ để thế chấp ngân hàng thế nhưng nhiều lần kiến nghị lên xã vẫn không thấy gì" - một người dân ở Khu TĐC Tam Sơn, xã Tân Trường (Tĩnh Gia) bức xúc.

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]