(vhds.baothanhhoa.vn) - Nắng nóng diễn ra khốc liệt, nhiều hồ, đập ở mực "nước chết" khiến hàng nghìn ha đất lúa không thể gieo cấy. Nhiều diện tích lúa đã cấy vì thiếu nước đang có nguy cơ chết cháy. Thực trạng này khiến cho nông dân các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa gặp rất nhiều khó khăn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đồng ruộng khô hạn, nông dân “ngồi trên đống lửa”

Nắng nóng diễn ra khốc liệt, nhiều hồ, đập ở mực "nước chết" khiến hàng nghìn ha đất lúa không thể gieo cấy. Nhiều diện tích lúa đã cấy vì thiếu nước đang có nguy cơ chết cháy. Thực trạng này khiến cho nông dân các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa gặp rất nhiều khó khăn.

Ruộng lúa của bà con nông dân thôn Án Đình, xã Thạch Bình (Thạch Thành) bị khô hạn.

Hàng nghìn ha đất trồng lúa chờ chết

Xã Thành Yên (Thạch Thành) vụ hè thu năm nay phấn đấu gieo cấy 72 ha lúa, nhưng đến thời điểm này toàn xã mới gieo cấy được 10 ha. Nguyên nhân là do thiếu nước. Nếu vài ngày tới không có mưa, 60 ha đất lúa của xã sẽ phải chuyển sang trồng các loại cây trồng khác. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này không hề đơn giản, bởi lẽ diện tích đất này khi mưa xuống sẽ bị ngập úng.

Ông Trương Văn Đại - Chủ tịch UBND xã Thành Yên cho biết: Gần 2 tháng trên địa bàn xã hầu như không có mưa, các hồ, đập ở mực "nước chết", khiến việc sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Cây mạ đến thời điểm này cũng cháy lá vì thiếu nước và đã già ngày tuổi, nếu có nước để cấy năng suất lúa cũng không cao. Tình hình này khiến cuộc sống của người dân đối diện với nguy cơ thiếu lương thực.

Xã Thạch Bình, được xem là vựa lúa trọng điểm của huyện Thạch Thành,nhưng năm nay nắng hạn kéo dài, khiến 30 ha đất lúa không thể gieo cấy được và 35 ha phải chuyển sang trồng cây màu khác. Ông Phạm Văn Chuyên, thôn Án Đình (Thạch Bình) cho biết: Hơn tháng nay, ngày nào tôi cũng ra thăm ruộng chỉ mong có nước về hay tranh thủ chút nước thừa để gieo cấy. Nhưng 4 sào ruộng đã cày xong vẫn đang nằm chờ nước. Không biết thời gian tới sẽ trồng cây gì để vớt vát lại, lấy tiền trang trải cho cuộc sống và trả tiền công cày ruộng.

Theo báo cáo của UBND huyện Thạch Thành, đến thời điểm này toàn huyện vẫn còn trên 150 ha đất lúa chưa được gieo cấy tập trung, như Thành Yên, Thạch Bình, Ngọc Trạo, Vân Du, Thành Tân... Huyện đang chỉ đạo các xã, thị trấn chuyển đổi diện tích không gieo cấy được sang trồng các cây trồng khác, không để tình trạng đất lúa bị bỏ hoang.

Bà Đỗ Thị Phiến - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạch Thành, cho biết: Thời tiết có diễn biến phức tạp, hồ chứa nước do các xã quản lý hầu hết ở mực “nước chết”. Vì vậy, huyện đã chỉ đạo Xí nghiệp Thủy nông Sông Chu Thạch Thành có phương án bơm nước để tưới dưỡng lúa; chỉ đạo các xã, thị trấn thông báo cho người dân nắm được lịch tưới để người dân chủ động thăm đồng lấy nước vào ruộng. Đồng thời với diện tích chưa cấy được do thiếu nước, huyện cũng chỉ đạo các địa phương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tránh tình trạng để đất hoang.

Tại huyện Như Thanh nắng nóng khiến khoảng 600 ha trồng lúa chưa thể gieo cấy. Huyện này có 113 hồ, đập chứa nước, nhưng hiện tại 86 hồ, đập nằm dưới mực “nước chết”. Xã Phú Nhuận có diện tích trồng lúa lớn, năm nay nắng hạn kéo dài, hồ đập trơ đáy khiến cho cả cánh đồng rộng hàng trăm ha không có nước để cấy, đối diện với một vụ mùa thất bát. Dưới cái nắng như thiêu đốt, những tảng đất lật lên lổm chổm, bạc phếch, những gốc rạ của vụ trước còn sót lại cháy khô. Cả cánh đồng hơn 200 ha của xã Phú Nhuận hiện lên một màu xám xịt, không một giọt nước.

Ngoài Thạch Thành, Như Thanh, các huyện Quan Hoá, Quan Sơn, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc... cũng có diện tích đất lúa do thiếu nước không thể gieo cấy như: Quan Sơn (558 ha), Quan Hóa (500 ha)...

Lúa chết sẽ khiến nông dân thiệt hại “kép”

Không có nước để cấy lúa người nông dân chỉ mất tiền mua giống nhưng khi cấy rồi, cây lúa bị chết hạn họ sẽ bị thiệt “kép”. Điều này, khiến nhiều hộ dân như ngồi trên đống lửa khi từng ngày nhìn thấy ruộng lúa của nhà mình bị rụi rồi chết dần đi.

Ông Lê Văn Trung, thôn Án Đình, xã Thạch Bình (Thạch Thành) cho biết: "Từ khi cấy xong đến giờ, tôi thường xuyên ra thăm ruộng chỉ mong có nước về để cây lúa sinh trưởng nhanh chóng. Nhưng do nắng nóng kéo dài 7 sào ruộng của nhà đất đã khô cứng, nứt nẻ, khiến cây lúa đang có nguy cơ chết. Mong những ngày tới trời sẽ mưađể vớt vát lại, lấy chi phí trả tiền đầu tư mua giống, thuốc trừ cỏ, trừ sâu, công cày bừa".

Ông Vũ Văn Đạo - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Bình (Thạch Thành), cho hay: Nắng nóng gay gắt đang diễn ra khiến cho nhiều ruộng lúa đã cấy có khả chết. Ruộng chưa cấy được khiến người dân bị thiệt đơn, nhưng khi cấy rồi sẽ thiệt kép, khiến cuộc sống của nhân dân gặp không ít những khó khăn.

Xã Cẩm Tâm (Cẩm Thủy) mặc dù đã gieo cấy đạt kế hoạch đề ra nhưng hiện nay nắng nóng, hạn hán khiến nhiều diện tích lúa đã bị cạn kiệt nước, có nguy cơ chết rụi. Trong khi đó, 3 hồ thủy lợi của xã đã cạn kiệt nước không có khả năng tưới. Bà Phạm Thi Thơm - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Tâm, nhận định: Nếu nắng nóng kéo dài trong những ngày tới nhiều diện tích lúa đang đứng trước nguy cơ mất trắng ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân, cũng như đe dọa đến an ninh lương thực của địa phương. Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn trước mắt, xã đang tiến hành rà soát diện tích lúa đã chết, có cơ chế chính sách hỗ trợ một phần nào đó cho những hộ có diện tích bị thiệt hại do nắng nóng.

Nắng nóng kéo dài nên mực nước tại các hồ chứa thủy lợi và các ao, hồ, sông, suối trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa hạ xuống thấp nên vụ hè thu 2020 các địa phương đang đối mặt với tình trạng thiếu nước sản xuất nghiêm trọng. Để chủ động phòng, chống hạn hán cho cây trồng vụ hè thu 2020, các huyện cần chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt giải pháp phòng, chống hạn hán; tăng cường tuyên truyền về tình hình hạn hán có thể xảy ra để người dân có ý thức, chủ động thực hiện biện pháp tiết kiệm nước trong sinh hoạt và sản xuất; chủ động chuyển đổi cây trồng thích hợp trên vùng đất bị khô hạn, sử dụng các giống cây trồng cạn ngắn ngày, có khả năng chống chịu hạn trên đất chuyển đổi như: ngô, đậu xanh, dưa, vừng, khoai lang. Ngoài ra, tỉnh cũng tổ chức toàn dân làm thủy lợi như: tu sửa, nạo vét kênh mương; sửa chữa trạm bơm, công trình thủy lợi; chuẩn bị máy bơm dã chiến để bơm tận dụng các nguồn nước đảm bảo phục vụ tưới...

Hải Anh


Hải Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]