(vhds.baothanhhoa.vn) - Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, ngày 12/3/1960, tại TX Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa), Lễ kết nghĩa giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam được tổ chức trọng thể. Sau đó, các huyện, thị xã của 2 tỉnh đã tổ chức kết nghĩa, góp phần tạo thành sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. 60 năm qua, Thanh Hóa - Quảng Nam đã gắn bó ruột thịt, keo sơn, nghĩa nặng tình sâu, đi qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cũng như giành thành tựu to lớn trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trở thành điểm sáng của cả nước. Hướng đến kỷ niệm Ngày kết nghĩa giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam, từ số báo này, Báo Văn hóa và Đời sống mở chuyên trang 60 năm Thanh Hóa - Quảng Nam nghĩa nặng tình sâu (12/3/1960 - 12/3/2020), nhằm cổ vũ và lan tỏa giá trị, góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ nghĩa tình giữa hai tỉnh; cùng Đảng bộ 2 tỉnh phát huy truyền thống văn hóa, yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, niềm tự hào dân tộc, tạo sự đoàn kết nhất

Tin liên quan

Đọc nhiều

Gửi về Quảng Nam

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, ngày 12/3/1960, tại TX Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa), Lễ kết nghĩa giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam được tổ chức trọng thể. Sau đó, các huyện, thị xã của 2 tỉnh đã tổ chức kết nghĩa, góp phần tạo thành sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. 60 năm qua, Thanh Hóa - Quảng Nam đã gắn bó ruột thịt, keo sơn, nghĩa nặng tình sâu, đi qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cũng như giành thành tựu to lớn trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trở thành điểm sáng của cả nước. Hướng đến kỷ niệm Ngày kết nghĩa giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam, từ số báo này, Báo Văn hóa và Đời sống mở chuyên trang 60 năm Thanh Hóa - Quảng Nam nghĩa nặng tình sâu (12/3/1960 - 12/3/2020), nhằm cổ vũ và lan tỏa giá trị, góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ nghĩa tình giữa hai tỉnh; cùng Đảng bộ 2 tỉnh phát huy truyền thống văn hóa, yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, niềm tự hào dân tộc, tạo sự đoàn kết nhất trí, đồng thuận và tin tưởng của nhân dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đường lối đổi mới, CNH, HĐH do Đảng lãnh đạo.

Quảng Nam với tôi như một lời hẹn. Không phải là người may mắn trong suốt cuộc chiến tranh yêu nước của dân tộc, bám trụ nơi mảnh đất anh dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ này. Thanh Hóa là tỉnh kết nghĩa với Quảng Nam trong thời kỳ đấu tranh thống nhất đất nước. Trên mảnh đất Thanh Hóa có nhiều tên, công viên, thư viện, đoàn văn công mang tên Thanh Quảng. Và dĩ nhiên nhiều cán bộ chiến sĩ trong kháng chiến chống Mỹ đã rời quê Thanh lên đường chi viện cho chiến trường Quảng Nam. Người Thanh Hóa khi nhìn dòng nước sông Chu, sông Mã là cuộn lên một nỗi nhớ sông Thu Bồn. Tôi có cái chung của tình kết nghĩa của người dân quê nhà lại có một nỗi niềm riêng. Không được đằm mình trong dòng nước Thu Bồn, không được sống trong lửa đạn của chiến tranh, bù lại được làm người viết đi tìm hiểu thực tế về Quảng Nam nhiều lần. Thật ra, nếu dành cả một đời đi khắp đất Quảng Nam, đi và "cày đi cày lại", thấm đẫm con người và sự tích, và ta không khỏi ngợp trong những câu chuyện bắt gặp. Gặp bất cứ một cán bộ nào, một vùng quê nào trong đất Quảng cũng cho ta một câu chuyện về thời kỳ chiến tranh trên quê hương mình. Nói không ngoa, trên mỗi thước đất, bờ cây ngọn cỏ đều thấm đẫm về "truyền thuyết Quảng Nam".

Một khúc sông Thu Bồn (Quảng Nam).

Quảng Nam có sức cám dỗ đến lạ kỳ. Tôi không hiểu về mảnh đất này. Có thể đọc qua sách và tàng thư ở thư viện. Nhưng sự cám dỗ bậc nhất vẫn là con người. Quả thật, Quảng Nam đã để lại cho đất nước những con người kiệt xuất. Nếu ghi những tên tuổi đó sẽ kéo dài đến hôm nay. Tôi thấy mình gặp may. Nếu một bậc tiền bối nào đó, hay nói cách khác, đặt Thanh Hóa kết nghĩa với một tỉnh khác nhỉ. Thì tôi lại có những sự xúc động véo von khác sao? Đó là cái nét tương đồng về địa lý, lịch sử, con người mà có dịp đi dọc sông Thu Bồn, Vu Gia... Đi men theo những lũy tre gai, động cát, người lính như thể sự hiển hiện của quê nhà. Nhiều, rất nhiều người lính quê Thanh Hóa ngã xuống làm giàu thêm truyền thống Quảng Nam. Nếu họ mà còn sống sẽ viết cho ta đọc, nghe và nhìn thấy những sự tích thần kỳ. Cái oai hùng và cái bi thương. Nhưng họ nằm nơi đất Quảng và thúc giục ta viết...

Còn phong tục tập quán lại khác lắm. Ở quê Thanh thì người già dịp lễ hội "khăn xếp áo lương", nhưng đất Quảng thì áo dài màu xanh lam và khăn xếp dường như cũng khác. Đó là chưa nói giọng nói dường như cũng nhọc nhằn, đâu dễ thấm tháp như rượu Hồng Đào? Tre gai ở dọc sông Thu Bồn dường như cũng gai góc hơn nơi khác. Các tộc họ: Hồ, Lê, Nguyễn... ở Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn... làm cho tôi liên tưởng cách nay mấy thế kỷ dọc theo dải Trường Sơn bàn chân trần của người xứ Thanh vào phương Nam. Những truyền thuyết, huyền thoại lớp lớp sinh ra chưa kịp khai thác, ghi chép đã sa bồi chồng chất lên nhau. Và có nhiều người lính, người dân đã nằm lại đó, nếu linh hồn bất tử, thì đâu đây đang gọi ta. Việc phát động sưu tầm hiện vật và lịch sử của Quảng Nam có phải là việc làm lay động đến người sống và người chết không?

Thanh Hóa kết nghĩa với Quảng Nam mà tạo nên cho mình cái duyên viết về Truyền thuyết sông Thu Bồn. Đây là sự liều lĩnh trong đời cầm bút. Chắc là sự thúc giục của nghĩa tình và những lý do kể trên. Tôi được nghe, người ở Duy Tân, Duy Hòa nói mấy anh ở Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn muốn dựng tượng ở nơi xóm nhỏ Thu Bồn. Tiếc thay tôi chưa có dịp ngồi nơi chợ Phú Đa mà ăn món bánh ướt chấm mắm, ăn bát mỳ Quảng có các loại rau và ớt xanh sực lên da mặt... Có khi chỉ nghe nhân chứng mà gặp được trong những lần đi thực tế kể lại. Đành rằng văn học là hư cấu, nhưng không thể hư cấu nếu không có một mảnh đất Quảng Nam chứa trong lòng nó dòng Thu Bồn và rất nhiều dòng sông khác ngày đêm rên rĩ gọi ta hay thôi thúc ta viết, ghi chép về sự kiêu hùng của quá khứ... Thế là tôi đã liều mà làm việc này. Trại sáng tác văn học mà Quảng Nam mời đi dự hai tháng vào 6/1985... Tôi mắc nợ với nhiều người. Họ đã giúp đỡ cho tôi có điều kiện đi thực tế... Đại tá Lê Công Thạnh - Tỉnh đội phó Quảng Đà, Đại tá Trà Thanh Lợi - Giám đốc Bảo tàng khu 5, cô Thúy Hường, du kích Duy Tân, nhà văn Nguyễn Bá Thâm. Nhà văn Tiêu Đình và rất nhiều người khác, xứ Quảng... Có thể sắp tới tôi lại về lại Quảng Nam, nhưng có thể không làm được như sự bồng bột đã làm. Đó có lẽ là điều mà người làm văn chương bắt gặp sự hấp tấp đáng yêu là vậy.

Tôi hỏi Trà Thanh Lợi về tấm ảnh “bốn người còn lại” sau 1975. Anh cười, thằng Cảnh này sau làm tiểu đoàn phó, Nông chính trị viên, Hùng đi học, Ngoạn đi Căm Pu Chia...

Làm sao tìm được mấy người này? - Tôi hỏi.

Ngò Tiến Cảnh bây giờ là cán bộ ở Học viện Đà Lạt.

Đầu mối về Tiểu đoàn Lam Sơn cũng được hé mở. Anh Trà Thanh Lợi đưa tôi đến gặp cô Phan Thúy Hường, y tá của đội Phẩu, gắn bó với Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn, cô có người anh em kết nghĩa quê ở Thọ Xuân quê tôi, đã ngã xuống mảnh đất chôn rau cắt rốn của Hường. Thúy Hường cũng có tấm hình chụp của: "bốn người còn lại” tặng.

Tôi cũng gặp được Trần Đình Tẫn lên xin kinh phí để làm nghĩa trang liệt sĩ. Anh sinh năm 1947 quê ở xã Duy Tân (xã Xuyên Thu cũ), năm 1964 mới 17 tuổi đã được kết nạp vào Đảng. Hoạt động cách mạng từ 1960. Bố, mẹ đều hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Thời kỳ này căn cứ An Hòa, Đức Dục, Kiểm Lâm... là nơi Mỹ tập trung đổ quân xây dựng khu liên hợp lớn, xúc tác dân dồn cư hòng cắt đứt nơi đứng chân của bộ đội ta. Đánh bật bộ đội khỏi vùng Đông và Tây Thu Bồn. Căn cứ Mỹ Sơn là nơi đồng chí Trần Thận Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên, đồng chí Hồ Nghinh Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam thường xuyên bám trụ chỉ đạo chiến đấu. Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn từng hợp đồng cùng dân ven bờ Thu Bồn đánh vào căn cứ An Hòa, chi khu quân sự Đức Dục, hoặc đồn Kiểm Lâm. Ở ngay đập Thạch Bàn này, hay Chợ Được, Vĩnh Trinh còn thắm máu người chiến sĩ cộng sản trong vụ thảm sát của Ngô Đình Diệm.

Tôi theo anh Tẫn ra nghĩa trang Duy Tân. Hàng ngàn ngôi mộ của quân và dân nằm lại trên bãi cát ven sông Thu Bồn. Đó là mới một xã như Duy Tân, còn các xã khác như Duy Hòa, Duy An... biết bao người hy sinh trong cuộc kháng chiến của dân tộc... Tôi nhờ người chở mình bằng xe đạp thồ vào khu An Hòa. Lô cốt, sân bay, hầm hào... những phế tích của chiến tranh còn đó. Những con người của Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn bây giờ ở đâu, bốn người trong tấm ảnh này?

Tôi về huyện lỵ Duy Xuyên. Xưa bộ đội ta đánh quận lỵ này rất khó. Không chỉ quân của địch bố phòng cẩn mật mà chúng có thể gọi phi pháo ở các căn cứ núi Quế, Bồ Bồ; quân lính từ Hội An, Trung Phước, Đà Nẵng... chi viện cho huyện lỵ này khi bị tấn công. Ở đây tiện sang Điện Bàn quan sát vùng Gò Nổi, bộ đội Đặc công 91 (tên phiên hiệu của Tiểu đoàn Lam Sơn khi vào mặt trận 4). Tôi nhờ người chở về Ai Nghĩa nơi quận lỵ huyện Đại Lộc. Quận lỵ này được xây dựng từ xưa, thời Pháp và sau này Mỹ ngụy cũng làm nơi đặt quận lỵ. Đứng ở trên vị trí “đắc địa” này quan sát được tàu bè từ xa. Nơi hợp lưu của dòng Vu Gia và Thu Bồn. Địch thường rêu rao bao giờ nước Vu Gia chảy ngược thì Việt Cộng mới đánh được Đồn Đen và Cồn Cao. Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn đã đánh vào rồi đó, mặc dù nước Vu Gia vẫn xuôi dòng.

Duy Xuyên, Điện Bàn hay Đại Lộc, Hòa Vang được nghe kể về những sự tích thần kỳ của người đất Quảng.

Gặp được anh Đàm Quang Y. Ông quê ở Đà Nẵng. Tham gia cách mạng năm 1949. Làm liên lạc dân chính. Cuối 1953 đầu 1954 tập kết ra Bắc. Lên tàu từ bến Sầm Sơn về Tĩnh Gia - Sư 305, sau chuyển ra Vĩnh Phú. Từ 1958 - 1960 chuẩn bị đi Nam, ông sang quân dù. Năm 1965 - 1966 tham gia bảo vệ Thủ Đô. Tháng 6 năm 1966 ông được cử đi học sĩ quan đặc công. Đây là khóa huấn luyện sĩ quan đặc công đầu tiên ở Hà Tây. Ông thành lập khung tiểu đoàn 2 để huấn luyện chiến sĩ đặc công chi viện cho các chiến trường... Ông Đàm Quang Y kể lại: Tháng 11 và 12 năm 1967 hành quân từ Chương Mỹ (Hà Tây) về Thanh Hóa, an dưỡng một tháng trời ở một làng có con kênh xanh. Vào mùa lạnh tiểu đoàn tập trung ở một sân hợp tác rộng, làm lễ xuất quân. Có đại diện Bộ Tư lệnh Đặc công, ông Ngô Thuyền Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa trao cờ “Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn - Đơn vị kết nghĩa Thanh Hóa Quảng Nam” và tặng sổ vàng. Đi từ 21/1/1968, ban đầu hành quân bằng cơ giới, nhưng sau địch đánh dữ quá phải đi bộ. Tháng 3/1968 vào đến Tây Đại Lộc, dốc ông Huỳnh Thủ. Đại đội của Đàm Quang Y được bàn giao cho cánh Nam. Bộ tư lệnh mặt trận xuống đón, có ông Bình tức Trung tướng Nguyễn Chánh, ông Ngọc tức Giáp Văn Cương...

Tôi “hành quân” về Tam Kỳ, sau giải phóng tách một số xã ra thành lập huyện Núi Thành. Không thể không qua huyện Núi Thành, nơi có trận đánh Mỹ đầu tiên khi chúng hùng hổ đổ quân xuống Chu Lai và Đà Nẵng. Lần lại lịch sử đấu tranh của dân tộc, người Quảng Nam bao giờ cũng đi tiên phong trong chiến đấu với ngoại xâm. Tiếng súng của hạm đội Pháp nổ vào Đà Nẵng năm 1858, hơn 100 năm sau Mỹ lại đổ bộ vào Quảng Nam - Đà Nẵng, hai tên xâm lược đều chọn Đà Nẵng làm nơi nổ súng, hòng chia cắt Nam và Bắc Việt Nam ở nơi trọng yếu nhất. Đánh Mỹ là một thách thức với người dân Việt Nam lúc này. Những nước lớn còn sợ Mỹ, lúc cho rằng “Mỹ là con hổ giấy” nhưng “hổ giấy” có nanh vuốt nguyên tử... Giặc Mỹ đổ quân ở Kỳ Liên với lực lượng rầm rộ và hiện đại bậc nhất lúc bấy giờ. Trận đánh Núi Thành mở màn cho ta có quyết tâm “đánh cho Mỹ cút”, cũng là những chiến sĩ Quảng Nam vận dụng những kiến thức “đặc công” để sau này ra đời thuật ngữ đầy sáng tạo và quả cảm “nắm thắt lưng giặc mà đánh”. Đi tìm “Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn” nhưng lạc vào vô số những sự kiện “ly kỳ” mà gặp cán bộ nào của Quảng Nam cũng có một trang hồi ký đầy sự tích anh hùng. Sau này có đi lại, ngồi trên thuyền gắn máy lên Hòn Kẽm, lúc lênh đênh giải khát bia với cá sông Thu Bồn cũng được nghe kể về thời thơ ấu đi du kích của mỗi người...

Thật ra, Quảng Nam - Đà Nẵng là một đề tài lớn. Từ thủa cha ông đi mở cõi, đã chọn đất này để đứng chân.

Tôi muốn gửi về Quảng Nam những lời biết ơn sâu nặng, vì những sự tích, những câu chuyện mà tôi gặp tôi nghe, đã giúp tôi viết nên bao câu chuyện có ý nghĩa.

Tôi lại muốn khoác ba lô lên đường về với Quảng Nam, như câu ca từ thời chống Mỹ đã để lại

Quảng Nam - Thanh Hóa một nhà

Đường dài muôn dặm tuy xa mà gần.

Nhà văn Từ Nguyên Tĩnh


Nhà văn Từ Nguyên Tĩnh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]