(vhds.baothanhhoa.vn) - Sống ở đời ai cũng mong mình có một hình hài toàn vẹn. Nhưng ngay cả khi cơ thể bị khiếm khuyết thì khát vọng ‘tàn nhưng không phế’ vẫn thôi thúc những con người không may mắn sống để trở thành người có ích cho gia đình, xã hội.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hoa giữa đời thường

Sống ở đời ai cũng mong mình có một hình hài toàn vẹn. Nhưng ngay cả khi cơ thể bị khiếm khuyết thì khát vọng ‘tàn nhưng không phế’ vẫn thôi thúc những con người không may mắn sống để trở thành người có ích cho gia đình, xã hội.

Không đầu hàng số phận

Sinh ra với một cơ thể lành lặn, có một sự nghiệp ngỡ như hoa và một gia đình hạnh phúc viên mãn. Bỗng chỉ một khoảnh khắc, thức dậy trên giường bệnh bệnh viện, với những cơn đau hành hạ và biết đến một sự thật đau đớn: hai chân bị liệt hoàn toàn! Đó là nỗi bất hạnh ập đến với anh Nguyễn Tuấn Hùng (sinh năm 1982, số nhà 79, Nguyễn Thiếp, phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa) sau tai nạn tàu hỏa. Đó cũng là thời điểm vợ anh mang bầu đứa con thứ hai.

Trước đó, năm 2009, anh đã thành lập Công ty CP Tự động hóa Tân Hoàng - công ty tự động hóa công nghệ cao đầu tiên tại Thanh Hóa sau khi tốt nghiệp tới 2 trường đại học.

Xuất viện với nỗi đau đớn thể xác, sự mặc cảm tinh thần và kiệt quệ tài chính với khoản nợ khổng lồ vì chi phí điều trị khiến anh không thể tiếp tục theo đuổi công việc cũ. Nhưng dường như, cuộc sống luôn có những lý lẽ, sự tình cờ mà con người vẫn thường gọi là “duyên”. Đó là khoảng thời gian điều trị tại Trung tâm Phục hồi chức năng (TP Sầm Sơn), anh đã nhận dạy kèm luyện thi cho một nhóm học sinh ôn thi đại học và đạt được kết quả cao. Điều đó giống như ánh sáng cuối con đường. Dù chia sẻ rất thật “Vốn không thích nghề giáo nhưng hình như dạy học với mình là nghiệp”, nên kể từ đó, anh đã dành toàn tâm cho việc dạy học, luyện thi tại nhà hai môn toán, lý cho các em từ lớp 10 đến lớp 12. Đến nay, sau 5 năm đã có khoảng 100 học sinh được anh bồi dưỡng thi đỗ đại học.

Lớp học của anh Lê Tuấn Hùng tại số nhà 79 Nguyễn Thiếp (TP Thanh Hóa).

Nhiều người hẳn sẽ khâm phục hơn khi biết anh từng tự hoàn thành bản vẽ thiết kế xe lăn cho người khuyết tật. Bản vẽ đó, anh không bán mà tặng cho một người bạn làm cơ khí tại Ninh Bình để chế tạo xe dành cho những người khuyết tật như anh. Nói về việc tặng chứ không bán, anh Hùng cho biết: “Mình không muốn kiếm tiền từ những người không may mắn giống mình”.

Hạnh phúc nhờ khát vọng

Nguyễn Thị Luyến (sinh năm 1990) đang sinh sống tại thôn Lý Yên, xã Định Tường (Yên Định) bất hạnh từ khi còn là một đứa bé. Chưa đầy 1 tuổi, trong một cơn sốt khiến em co giật, dẫn đến hai chân và tay trái bị teo dần, đi lại vô cùng khó khăn. Bù lại, Luyến luôn là học sinh nổi bật, liên tục nhiều năm liền đạt thành tích cao trong học tập, trong đó em từng đạt giải nhất huyện và khuyến khích cấp tỉnh trong kỳ thi học sinh giỏi môn Tiếng Anh. Đặc biệt, em là một trong 5 sinh viên có số điểm đỗ cao nhất ở khoa Kinh tế - Chính trị ngành Tài chính Ngân hàng của Trường Đại học Hồng Đức và tốt nghiệp với tấm bằng giỏi.

Song số phận lại tiếp tục thử thách cô gái bé nhỏ khi mà tất cả đơn vị tuyển dụng đều lắc đầu chua chát. Vậy là, với tất cả sự háo hức khi ra trường, Luyến đành ngậm ngùi xin làm nhân viên đánh máy cho một công ty tư nhân. Rồi sau đó, em nhận dạy thêm, ôn thi cho các em học sinh vào cấp 3. Đã có những thời điểm, lớp học nhỏ của Luyến có đến 20 học sinh.

Thời gian thấm thoát, đến thời điểm hiện tại, cô gái khuyết tật bé nhỏ đã có một mái ấm hạnh phúc cùng chồng là anh Lê Quang Mẫn cũng là một người khuyết tật và cô con gái nhỏ gần 2 tuổi. Tôi hiểu hạnh phúc đó với em là không dễ dàng.

Tham gia CLB Thanh niên sinh viên khuyết tật, Luyến và Mẫn đã đại diện cho tỉnh tham gia hội thi “Tiếng hát người khuyết tật toàn quốc” và vinh dự giành giải nhất. Thấu hiểu nỗi đau và đồng cảm với hoàn cảnh của nhau, đôi bạn trẻ đã quyết tâm nên duyên vợ chồng. Song, họ lại không được gia đình ủng hộ. Bởi lúc đó, cả hai vợ chồng đều không có công việc, nguồn thu ổn định.

Ngày ấy, khi 2 người quyết định đến với nhau nhưng bị gia đình phản đối vì đều không có việc làm ổn định. Nhưng với quyết tâm, cuối cùng đôi bạn trẻ đã về chung một mái nhà. Bắt đầu từ việc Luyến học cách bán hàng online. Mới đầu, mỗi tháng cô chỉ kiếm được vài trăm nghìn. Nhưng điều đó không làm cô nản chí.

Và tháng 4/2017, tham gia chương trình “Hôm nay ai đến” trên VTV6, cô đã được một công ty tài trợ biển hiệu, kệ hàng và hỗ trợ khai trương cửa hàng bán đồ gia dụng. Với sự giúp sức đó, đôi vợ chồng trẻ vay thêm 40 triệu để kinh doanh, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Đồng thời tạo việc làm cho khoảng 50 cộng tác viên bán hàng qua mạng trong toàn quốc.

Nở hoa cho đời

Được biết, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh đã ghi nhận trên 300 trường hợp thanh niên khuyết tật khởi nghiệp và lập nghiệp gặt hái được thành quả nhất định. Trong đó, tập trung ở các địa phương: Hà Trung 50 trường hợp; Hậu Lộc 60 trường hợp; Hoằng Hóa 70 trường hợp…

Điển hình, như: Vợ chồng Đinh Văn Ưng ở Hà Yên (Hà Trung) đều bị khuyết tật. Nhưng với quyết tâm vươn lên, đến nay gia đình anh không chỉ có cuộc sống ổn định khi mở cửa hàng điện dân dụng, đào tạo nghề miễn phí cho 20 thanh niên bị khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động; Trần Văn Tuấn ở Lộc Tân (Hậu Lộc) thành lập trung tâm dạy nghề từ thiện sửa chữa dân dụng cho hàng chục thanh niên bị khuyết tật; Rồi câu chuyện của chàng trai trẻ Nguyễn Văn Tuân ở Quảng Tân (Quảng Xương), từng là cử nhân Văn học. Hiện tại, anh đang làm chủ cơ sở sản xuất tranh gạo rang…

Mỗi một nỗ lực, quyết tâm sống, vươn lên của những con người khuyết tật bất hạnh là những gánh nặng được giảm bớt cho gia đình, người thân, xã hội. Họ không chỉ khẳng định mình “tàn nhưng không phế”, là tấm gương sáng cho những người xung quanh. Và góp phần tạo nên những bông hoa đẹp muôn màu, đa sắc cho cuộc sống.

Toàn tỉnh hiện có 217.000 người khuyết tật, chiếm 6,2% dân số. Trong đó, 62.000 người là thương bệnh binh; 18.246 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; 4.500 người bị tai nạn lao động; 31.000 người bị tai nạn giao thông; 31.754 người khuyết tật bẩm sinh; 31.500 người khuyết tật do ốm đau; và 38.000 người bị khuyết tật do các nguyên nhân khác.

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]