(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngư dân vùng biển huyện Hoằng Hóa rất quen thuộc với hình ảnh những người gác đèn ở Trạm đèn biển Lạch Trào (xã Hoằng Phụ). Bất kể ngày hay đêm, nắng hay mưa, họ như con ong chăm chỉ, thầm lặng giữ cho “mắt biển” luôn sáng để soi đường, chỉ lối cho tàu thuyền vươn khơi bám biển được an toàn.

Lặng thầm nghề “ gác đèn” nơi cửa biển Lạch Trào

Ngư dân vùng biển huyện Hoằng Hóa rất quen thuộc với hình ảnh những người gác đèn ở Trạm đèn biển Lạch Trào (xã Hoằng Phụ). Bất kể ngày hay đêm, nắng hay mưa, họ như con ong chăm chỉ, thầm lặng giữ cho “mắt biển” luôn sáng để soi đường, chỉ lối cho tàu thuyền vươn khơi bám biển được an toàn.

Lặng thầm nghề “ gác đèn” nơi cửa biển Lạch TràoAnh Nguyễn Văn Hòa (sinh năm 1986, xã Hoằng Đại, TP Thanh Hóa) nhân viên trạm Lạch Trào đang lau “mắt biển” ở độ cao gần 23m.

Trạm đèn biển Lạch Trào được xây dựng từ năm 1967. Trước đây, trạm đèn biển này thuộc Ty bảo đảm hàng hải, nay thuộc Tổng Công ty bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc. Nơi đây từng bị máy bay Mỹ bắn phá ác liệt, hơn 56 năm qua, người dân vẫn không thể nào quên được những ký ức về một thời oanh liệt ấy.

Trạm hiện có 4 cán bộ, nhân viên. Anh Nguyễn Đăng Sỹ, sinh năm 1969, trưởng trạm là người Hà Tĩnh. Ban ngày họ bảo trì, bảo dưỡng máy phát, kiểm tra tổ hợp điện, ắc quy và nạp điện vào bình ắc quy, lau chùi “đèn biển”; ban đêm túc trực gác cho đèn luôn sáng để soi đường, định vị, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền ra vào luồng, lạch.

Anh Sỹ kể, trước anh làm ở cảng Hới (phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn), tháng 2-2023 anh chính thức nhận nhiệm vụ ở trạm. Hơn 35 năm trong ngành bảo đảm hàng hải, anh đã đi khắp các trạm dọc từ Bắc chí Nam. Do đặc thù công việc phải thường xuyên xa nhà, thiếu thốn tình cảm là điều không tránh khỏi, đã có lúc anh buồn tủi với nghề, nhưng tình yêu với ngọn đèn biển đã thôi thúc anh cố gắng, nỗ lực để vượt qua mọi khó khăn, gian khó. Ở trạm Lạch Trào này, mỗi người một hoàn cảnh, một số phận, thế nhưng bằng tình yêu, trách nhiệm với nghề, họ luôn cố gắng để “mắt thần” luôn sáng giúp tàu thuyền qua lại an toàn trên biển.

Lặng thầm nghề “ gác đèn” nơi cửa biển Lạch TràoNhân viên Trạm đèn biển Lạch Trào kiểm tra máy móc trong khu vận hành.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống ba đời làm nghề bảo đảm hàng hải, thế nên mỗi lần hỏi về nghề, anh Nguyễn Văn Hòa (sinh năm 1986, xã Hoằng Đại, TP Thanh Hóa) nhân viên trạm Lạch Trào không khỏi xúc động, tự hào. Anh cho biết: Trước, ông nội rồi cha tôi làm nghề gác đèn biển và giờ đến lượt tôi nối nghiệp. Đối với nghề này, thường thì theo quy định của ngành sau 9 tháng trong năm, mỗi cán bộ gác đèn mới được nghỉ phép một lần là ba tháng. Vì vậy, dù gần nhà, nhưng anh Hòa ít có dịp về thăm gia đình, kể cả những ngày lễ, tết. Thành thử, mỗi lần bố mẹ già, vợ con không may ốm đau cũng chỉ biết trông chờ vào anh em, hàng xóm láng giềng ở quê thăm nom, chăm sóc. Trò chuyện hồi lâu, chúng tôi mới biết cũng nhờ công việc gác đèn mà anh Hòa đã nên duyên cùng vợ là người xã Hoằng Phụ. Cưới xong, anh để vợ ở quê rồi lại biền biệt khắp nơi, rồi lại quay về với trạm.

Theo chân anh Hòa leo gần 94 bậc cầu thang xoắn ốc, cao gần 23m, có đoạn dựng thẳng đứng, chúng tôi được biết hàng ngày nhân viên trong trạm ít nhất phải lên, xuống 2 lần để trực, kiểm tra máy móc. Công việc gác biển vất vả bởi diễn ra trên cao, cần phải đặc biệt chú ý an toàn, anh em trước khi vào ca, ai cũng phải tuân thủ an toàn kỹ thuật theo quy định. Ngoài ra, giờ hoạt động của trạm đèn bắt đầu từ lúc 18 giờ khi hoàng hôn buông xuống đến 6 giờ sáng hôm sau khi bình minh ló rạng. Gian khổ nhất là vào mùa mưa bão, những đêm lạnh giá, rét run, nhưng anh em nhân viên vẫn phải cần mẫn dõi theo để cho “mắt biển” không được tắt, phải phát sáng liên tục để làm hướng đi cho những con tàu đang ngoài khơi xa tìm đường vào bến. Những lúc cấp thiết, anh em sẵn sàng phối hợp với lực lượng hải quân tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển.

Lặng thầm nghề “ gác đèn” nơi cửa biển Lạch TràoMột góc Trạm đèn biển Lạch Trào, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa.

Đối với nhân viên gác đèn biển, đằng sau công việc vất vả, thầm lặng còn là những tâm tư, tình cảm khó giãi bày, trường hợp của anh Nguyễn Tiến Thường (sinh năm 1984, xã Hoằng Đại, TP Thanh Hóa) ai nghe cũng thấy xót thương và cảm phục. Kết hôn hơn 10 năm trước với người vợ quê Nam Định, dù cách nhà hơn 20 cây số nhưng ít khi anh được về thăm vợ con. Năm 2019, tai họa ập đến với anh Thường khi hay tin vợ phát hiện bị ung thư rồi qua đời. Mình anh “gà trống nuôi con” đằng đẵng suốt hơn 3 năm trời. Để thuận tiện giữa công việc và gia đình, giữa năm 2021, anh Thường đã thuê một căn nhà nhỏ ở cạnh Trạm đèn biển Lạch Trào rồi chuyển con cái xuống ăn học. Vậy nên, ngoài những lúc làm việc, anh tranh thủ từng giờ chạy qua, chạy lại chăm sóc cho hai con nhỏ.

Theo trạm trưởng Nguyễn Đăng Sỹ, quãng thời gian anh em trong trạm ở với nhau còn nhiều hơn ở với vợ con, thế nên mỗi khi ốm đau thường nương tựa, giúp đỡ, coi nhau như người thân trong gia đình. Sau giờ làm, để cải thiện đời sống, anh em cùng nhau cải tạo mảnh vườn trong khuôn viên trạm làm chỗ tăng gia, trồng ít rau, nuôi vài con gà.

Thanh Hóa hiện có 3 trạm đèn biển và 2 trạm quản lý báo hiệu hàng hải, trong đó có Trạm đèn biển Lạch Trào. Với lòng yêu ngành, yêu nghề, bằng sự tận tâm, cẩn trọng và ý thức kỷ luật trong quá trình làm việc, nhân viên gác đèn biển còn kịp thời xử lý, khắc phục những sự cố đột xuất xảy ra tại trạm... Dẫu cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng anh em luôn tự hào với công việc của mình đang làm và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đồng thời thắp sáng lên niềm tin, an toàn cho những người bám biển, vươn khơi.

Bài và ảnh: Trung Lê



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]