(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Tình trạng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm việc ở một số huyện trong tỉnh ngày càng nở rộ. Đằng sau đó là những đứa trẻ sống thiếu vắng tình thương của bố mẹ với những hệ lụy đang tiềm ẩn khôn lường.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lao động “chui” tại Trung Quốc: Vết thương lòng con trẻ

(VH&ĐS) Tình trạng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm việc ở một số huyện trong tỉnh ngày càng nở rộ. Đằng sau đó là những đứa trẻ sống thiếu vắng tình thương của bố mẹ với những hệ lụy đang tiềm ẩn khôn lường.

Qua thống kê của Công an tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 9.000 lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Trong đó, “điểm nóng” là các huyện Quảng Xương (1.216 người), Hoằng Hóa (1.180 người), Hậu Lộc (1.090 người), Hà Trung (873 người)... Từ năm 2014 đến nay, đã có gần 100 trường hợp bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ và trả về Việt Nam, nhiều ngườibị chết, hoặc bị khởi tố.

Xã Quảng Nham (Quảng Xương) là một trong những xã ven biển luôn “nóng” tình trạng người dân đi lao động trái phép tại Trung Quốc. Hiện nay, cả xã có hơn 500 người đang làm việc tại Trung Quốc. Có mặt tại thôn Bình, thôn Tiến, khi hỏi đến việc lao động đi Trung Quốc, nhiều người dân kể vanh vách cho chúng tôi biết các trường hợp nào đang đi làm và những ai chuẩn bị có kế hoạch đi vào ngày nào. Riêng thôn Tiến có 380 hộ với 1.297 nhân khẩu, thì có hơn 100 người đi làm việc tại Trung Quốc theo con đường vượt biên trái phép. Nhiều gia đình có cả vợ và chồng cùng đi để lại con cái cho ông, bà chăm nuôi.

Nói về câu chuyện đi lao động chui tại Trung Quốc, ông Bùi Văn Nhung, xã Quảng Nham cho biết: “Vợ chồng kéo nhau đi hết, để lại cho ông bà già hai đứa cháu, thương nhất là những đứa trẻ xa mẹ, cháu nhỏ cứ nửa đêm đang ngủ cũng giật mình thon thót hỏi mẹ bao giờ về. Nhiều hôm đang ngủ, cháu khóc đòi mẹ, tôi phải nói là sáng mai mẹ về. Đến sáng không thấy mẹ đâu, tôi lại loanh quanh rằng mẹ đã về, mua kẹo cho cháu nhưng thấy cháu đang ngủ say nên lại đi rồi”.

Ngồi khép nép bên ông nội (ông Nhung), khi hỏi đến mẹ, bé Hoa sụt sùi: “Cháu nhớ mẹ lắm! Mẹ cháu cũng thường xuyên gọi điện về hỏi thăm tình hình sức khỏe của gia đình”. Hoa hào hứng khoe với chúng tôi: “Buổi tối hôm qua, mẹ cháu gọi điện về và hứa nếu cháu ngoan, học giỏi, tết năm nay mẹ cháu về sẽ mua cho chiếc xe đạp”.

Những đứa trẻ cần được sự chăm sóc của các bậc làm cha mẹ để phát triển một cách toàn diện.

Một hệ lụy khác, những đứa trẻ lớn lên thiếu sự chăm sóc của cha mẹ bị ảnh hưởng không nhỏ đến việc học hành. Thông thường là cha mẹ đi làm ăn xa với mong muốn cuộc sống của gia đình, trong đó cho con cái tốt hơn, có điều kiện học hành hơn. Tuy nhiên, việc học tập của trẻ em ở lại có thể bị ảnh hưởng do thiếu sự dạy dỗ, kèm cặp và giám sát hằng ngày của cha mẹ. Ngoài ra, những tác động tiêu cực đến tâm lý cũng có thể khiến trẻ em không có hứng thú học tập như khi có cha mẹ ở nhà.

Trường hợp của em Đ ở xã Ngư Lộc, Hậu Lộc là một bài học cảnh tỉnh cho những bậc cha mẹ mải mê đi làm ăn xa mà thiếu quan tâm đến con cái. Vì bà ngoại đã già yếu, nên chuyện học hành, sinh hoạt của 2 anh em đều do Đ tự lo. Thiếu sự quản lý của người lớn, Đ đã tự ý bỏ học. Để bà ngoại không nghi ngờ, hằng ngày Đ vẫn cắp sách đến trường, nhưng thực tế là đi chơi cùng bè bạn.

Câu chuyện của em Đ chỉ là một trong rất nhiều trường hợp đã và đang diễn ra từ hệ lụy của việc người lớn đi làm ăn xa, trẻ em thiếu sự quan tâm chăm sóc của ba mẹ. Những tình tiết trong các câu chuyện đều na ná nhau: bố, mẹ phải đi làm ăn kiếm tiền, gửi con cái lại cho ông bà, cô dì, chú bác chăm sóc… Tuy nhiên, mức độ hậu quả ở mỗi trường hợp khác nhau.

Ở xã Quảng Nham cũng từng xảy ra trường hợp bố mẹ đi làm ăn xa gửi lại con là cháu N cho bà ngoại. Nhiều lần cháu N có biểu hiện đau đầu dữ dội, nhưng ông bà già yếu chỉ biết ra hiệu thuốc Tây gần nhà mua thuốc giảm đau cho uống. Trong một lần do cơn đau kéo dài, không được đưa đi điều trị kịp thời, cháu N đã tử vong mà gia đình cũng không rõ nguyên nhân cháu bị bệnh gì. Chuyện không may xảy ra là điều không ai muốn, nhưng chắc chắn sẽ để lại nỗi đau, day dứt suốt cuộc đời đối với những bậc làm cha mẹ.

Chị Nguyễn Thị Hường - Giáo viên Trường Tiểu học Quảng Nham cho rằng, việc bố mẹ đi làm xa để con lại ở nhà cho ông bà khiến cho trẻ thiếu thốn tình cảm, thiếu cảm giác chở che. Học sinh của chị dù có những em đang còn rất nhỏ nhưng đã phải tự lập rất sớm. Thậm chí có những em còn thay nhiệm vụ của bố mẹ đưa đón em của mình mỗi khi đi học.

Thế nhưng, từng đoàn người vẫn cứ lần lượt tiếp tục vượt biên trái phép sang xứ người làm ăn bỏ lại sau lưng con nhỏ đang ngày đêm chống chọi với nghiệt ngã cuộc đời!?

Trần Thương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]