(vhds.baothanhhoa.vn) - Những cơn mưa trắng trời vùng biên, lũ ống, lũ quét kèm sạt lở đất đá từ ngày 28 đến ngày 31/8 đã khiến cho nhiều bản làng Mường Lát tan hoang. Hàng trăm gia đình, tài sản thứ còn lại duy nhất là bộ quần áo khoác trên mình lấm lem bùn đất. Nhưng trong biển lũ tang thương đó, không một ai phải chịu đói, chịu rét, chịu khát,... những hình ảnh gói mì tôm bẻ nửa, bát gạo san đôi ấm tình quân dân, cộng đồng đã phần nào cộng hưởng tiếp thêm sức mạnh để người dân Mường Lát chống chịu, gượng dậy hồi sinh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mường Lát rồi sẽ hồi sinh (Bài cuối): Nghĩa tình quân dân nơi biển lũ tang thương

Những cơn mưa trắng trời vùng biên, lũ ống, lũ quét kèm sạt lở đất đá từ ngày 28 đến ngày 31/8 đã khiến cho nhiều bản làng Mường Lát tan hoang. Hàng trăm gia đình, tài sản thứ còn lại duy nhất là bộ quần áo khoác trên mình lấm lem bùn đất. Nhưng trong biển lũ tang thương đó, không một ai phải chịu đói, chịu rét, chịu khát,... những hình ảnh gói mì tôm bẻ nửa, bát gạo san đôi ấm tình quân dân, cộng đồng đã phần nào cộng hưởng tiếp thêm sức mạnh để người dân Mường Lát chống chịu, gượng dậy hồi sinh.

Đến với Mường Lát từ khi con đường độc đạo QL15C chưa được thông tuyến. Mường Lát đang cô lập. Dừng chân ở xã Trung Lý, tôi cùng nhiều đồng nghiệp chính thức bị mắc kẹt. Chị Hà Thị Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện trực tiếp nằm vùng bơ phờ: “Gần 10 ngày qua sau lũ, chị cùng các anh em ở lại đây để tiếp nhận cứu trợ. Mường Lát bị cô lập, lương thực, thuốc men cho tới xăng dầu đều đang cạn kiệt, không thể tiếp tế! Tính đến thời điểm này, nhân dân Mường Lát đã tiếp nhận hơn 40 tấn gạo, hàng nghìn thùng mì tôm, nhưng không thể nào vận chuyển vào được cho bà con vùng lũ!”.

Dù đã huy động mọi lực lượng, vận chuyển khuân vác, đèo thồ theo nhiều con đường để lên Mường Lý rồi ngược sông Mã vào vùng tâm lũ. Song, đường từ đây lên Mường Lý cũng khó khăn, cách trở không kém. Nhiều điểm sạt lở, con đường mất vai trò, cán bộ chiến sỹ lại phải lội suối, vượt lên những đống bùn đất để mang, vác... Hơn 40 tấn gạo nhưng chỉ đưa vào được 4,1 tấn cùng vài trăm thùng mì tôm, giờ giải pháp là gì, thưa chị? - “Phải tập trung thông tuyến thôi! Thông được tuyến mới giải quyết được mọi vấn đề” chị Hoa khẳng định. Nhưng xăng dầu phục vụ máy móc vận chuyển, thông tuyến nghe đâu đã cạn? - Chị Hoa thở dài: “1 xe xăng, xe dầu tương đương 32 nghìn lít đang được vận chuyển từ Hải Phòng ngược lên Sơn La, qua cửa khẩu sang huyện Sốp Bâu đất bạn Lào rồi vòng về cửa khẩu Tén Tằn tiếp tế. Cung đường khó khăn chỉ sợ mất nhiều thời gian, công tác cứu trợ thông tuyến gặp khó!”.

Sáng hôm sau, cùng bộ đội, biên phòng vận chuyển lương thực vào vùng cô lập, lời chị Hoa nói giờ tôi đã hiểu. Từng thùng mì tôm, từng bao gạo để đến được với bà con vùng lũ, phải vượt lên những đống bùn đất, ngấm vào mình những dòng nước lũ và cả những giọt mồ hôi, nước mắt của cán bộ chiến sỹ, bộ đội, biên phòng. 13km đường sông chạy ngược nhưng không một ai than thở, bởi trong sự trông ngóng đó còn có cả gia đình của họ.

Lũ trên sông Mã lúc này đã không còn dữ dằn như cách đây một vài hôm, nhưng vẫn gầm gào thách thức với những dòng nước xiết, ngầu đục y như con thủy quái liên tục ngóc đầu trước mui xuồng đe dọa sẽ nuốt chửng chúng tôi. Sau chặng ngược dòng, lương thực thực phẩm cập bến xã Tam Chung, từ đây gạo, mì tôm cùng các nhu yếu phẩm khác được vận chuyển bằng xe máy lên các xã bản Tam Chung, Tén Tằn, Quang Chiểu... Duy Mường Chanh bấy giờ vẫn bị cô lập, chia cắt. Phút chốc lấy lại bình tĩnh sau cuộc chiến với thủy thần, đồng nghiệp của tôi lại gọi điện thông báo: “Tại Nhi Sơn, Pù Nhi tang thương, mất mát quá anh ơi! 2 người chết, mất tích và bị thương 3 người, hàng chục hộ nhà bị đổ sập, hàng trăm hộ bị ảnh hưởng phải di dời... Công tác cứu hộ vẫn đang được các lực lượng chức năng nỗ lực, nhưng e rằng phải 2 ngày nữa mới thông được tuyến”...

Không ngần ngại, tôi xin đoàn cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Mường Lát đồng hành ngược Mường Chanh - xã xa xôi nhất đang bị cô lập, chia cắt. Khởi hành từ lúc 7 giờ sáng, chúng tôi đã đi bằng cái cách mà bản thân cũng không thể tưởng tượng được. Một bên là vực thẳm, một bên là núi lở... Xe gằn máy, người kéo, người lôi để cùng trườn bò lên những đống bùn đất tanh hôi mùi xác chết. Con đường vỏn vẹn 7km từ Quang Chiểu lên Mường Chanh nhưng chưa bao giờ tôi thấy nó dài và đi mất nhiều thời gian đến thế!...

Và rồi, khi mà đôi chân đã không còn muốn bước thì đập tràn Na Chừa tan hoang, với những tảng khối bê tông gẫy đổ hiện ra trước mặt. Một lần nữa chúng tôi lại phải bỏ lại xe bên bờ suối Sim để leo mảng túm dây vượt suối. Nói không quá chứ “tử thần” đã ở trước mặt. Vào được Mường Chanh, Chủ tịch UBND xã Lê Thế Thọ chưa kịp nhìn đủ mặt người đã vội mếu máo: Lũ dữ kèm sạt lở đã khiến cho Mường Chanh thiệt hại nghiêm trọng, tang thương quá!. 17 nhà bị đổ sập, hàng chục nhà phải di dời. Đập Na Chừa qua suối Sim bị cuốn trôi, chia cắt và cô lập Mường Chanh. Trong đó bản Ngố chịu thiệt hại nặng nề nhất với 12 hộ có nhà bị sập đổ phải đi sống nhờ... Đó là chuyện của những ngày lũ dữ, còn trước mắt, mọi vấn đề từ giao thông chia cắt đến lương thảo, xăng dầu gần như đã cạn kiệt... Song, trong tình cảnh đó, những hình ảnh chia sẻ xăng dầu, quần áo, lương thảo, hay bộ đội tích cực giúp dân làm cầu tre thông tuyến... lại cho tôi thấy những nghĩa tình, đằm thắm, tình quân dân cá nước!

Chiều 8/9, sau những nỗ lực, cùng những chuyến tăng bo bằng xe máy của cán bộ, chiến sỹ đã chở đoàn lãnh đạo của tỉnh, của TW do đồng chí Phạm Minh Chính - Trưởng ban Tổ chức Trung ương dẫn đầu vào thăm hỏi, động viên bà con dân bản các xã Pù Nhi, Nhi Sơn, Quang Chiểu... Không ngần ngại, các đồng chí lãnh đạo đã xắn quần, lội lên những đống bùn đất sâu tới đầu gối để vào với bản Pọong (xã Tam Chung) - xã bản chịu thiệt hại nặng nề nhất do mưa lũ và sạt lở đất. Trên con đường vào bản, dọc hai bên tuyến đường là hình ảnh các anh bộ đội Cụ Hồ mặt lấm lem, áo ướt sũng mồ hôi đang lăn lộn giúp bà con tẩy rửa bùn đất, dựng lại những nóc nhà. Càng đi sâu vào bản, tất cả chỉ còn là những đống bùn đất, thỉnh thoảng lại ngoi nhô vài cái cột gỗ, nóc sàn...

Lực lượng bộ đội biên phòng giúp dân dọn dẹp nhà cửa, làm cầu tre thông tuyến các bản làng.

Kể lại ký ức kinh hoàng những ngày lũ dữ kèm sạt lở đất cho các đồng chí lãnh đạo, câu chuyện như mới hôm qua với người dân bản Pọong. Nói dại, nếu sạt lở xảy ra trong đêm thì hàng chục hộ gia đình với hàng trăm nhân khẩu bản Pọong nói riêng, hàng chục học sinh Trường Trung học phổ thông dân tộc bán trú (THPTDTBT) xã Tam Chung sẽ bị cuốn trôi theo biển lũ,... Trong đó, câu chuyện của Trung tá Hoàng Văn Linh - Chính trị viên phó, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mường Lát kể lại thời khắc sinh tử cận kề khiến chúng tôi sợ hãi. Đó là khoảng hơn 23 giờ đêm 30/8, khi cán bộ chiến sỹ tiếp cận, giữa những dòng thác lũ, hình ảnh bà con đang nhốn nháo trên hai mô đất bấu víu, ôm nhau gào khóc trong biển nước vô vọng... Và, rồi lại mừng rỡ như được cứu sống khi thấy bộ đội!... cứu bà con với bộ đội ơi!...

Lời đồng chí Phạm Minh Chính - Trưởng ban Tổ chức Trung ương như thôi thúc cán bộ chiến sỹ nỗ lực hơn nữa. Lũ dữ đã qua đi, nhưng để có thể sớm khắc phục những hậu quả sau lũ thì ngoài người dân, chính quyền, lực lượng biên phòng, bộ đội, công an... phải đảm trách vai trò to lớn. Trong lũ chúng ta đã nỗ lực hạn chế tối đa mất mát, sau lũ còn đó những nỗi lo về dịch bệnh, nhà cửa, lương thảo cho đến nước nôi, đường sá... Những ngày mưa lũ kèm sạt lở hàng nghìn cán bộ bộ đội biên phòng, lực lượng công an, dân quân tự vệ đã nhanh chóng, kịp thời giúp dân sơ tán và giờ là nỗ lực trong công tác cứu trợ dọn dẹp nhà cửa, thông tuyến mở đường. Trong biển lũ của thiên tai, có những câu chuyện cảm động về tình người chiến sỹ. Quân lệnh nêu ra, không một phút nản lòng, giúp dân, giúp bản rồi lại đau xót nhận tin nhà cửa cũng bị đổ sập, cuốn trôi. Rồi đó là những cân gạo, gói bánh, gói mì chung chia với người dân.

Sau hơn 10 ngày cô lập QL 15C đã được thông tuyến trở lại, mọi nhu yếu phẩm, xăng dầu được vận chuyển vào với bà con. Con đường chúng tôi trở về với phố thị không dám quay mặt lại phía sau vì sợ mình sẽ khóc và không thể đi tiếp. Sau lưng là những tang thương, là đống đổ nát không biết bao giờ mới có thể hồi sinh. Song niềm hy vọng còn đó khi bên tai, tiếng trống trường đã điểm; con đường trước mặt là những chuyến xe cứu trợ với băng zôn, khẩu hiệu “chung tay cứu trợ đồng bào vùng lũ Mường Lát”...

Mường Lát rồi sẽ hồi sinh!

Sơn Đình


Sơn Đình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]