(vhds.baothanhhoa.vn) - Thực hiện Pháp lệnh ưu đãi đối với người có công, trong những năm qua, Thanh Hóa đã tổ chức truy tặng và phong tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam Anh hùng” cho 4.424 mẹ đảm bảo đúng quy định của Nhà nước. Đây không chỉ thể hiện đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc ta mà còn làm an lòng đối với các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Tuy nhiên, hiện vẫn còn những trường hợp đủ điều kiện để được truy tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam Anh hùng”; những trường hợp nạn nhân da cam đủ điều kiện để được hưởng chế độ ưu đãi nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận, khiến cho nhiều gia đình thân nhân băn khoăn và đặt nhiều dấu hỏi.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ngang dọc nỗi niềm tri ân (Bài cuối): Để linh hồn Mẹ sớm được... ngậm cười nơi chín suối

Thực hiện Pháp lệnh ưu đãi đối với người có công, trong những năm qua, Thanh Hóa đã tổ chức truy tặng và phong tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam Anh hùng” cho 4.424 mẹ đảm bảo đúng quy định của Nhà nước. Đây không chỉ thể hiện đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc ta mà còn làm an lòng đối với các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Tuy nhiên, hiện vẫn còn những trường hợp đủ điều kiện để được truy tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam Anh hùng”; những trường hợp nạn nhân da cam đủ điều kiện để được hưởng chế độ ưu đãi nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận, khiến cho nhiều gia đình thân nhân băn khoăn và đặt nhiều dấu hỏi.

Mòn mỏi chờ đợi

Anh Hoàng Đình Phương, thôn Luyện Phú, xã Hoằng Đạo - người được dòng họ Hoàng ủy quyền giao cho anh trọng trách làm các thủ tục giấy tờ có liên quan để đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng (MVNAH) cho bà Hoàng Thị Lan tỏ ra mệt mỏi và bức xúc cho biết: “Tôi không hiểu với trường hợp bà Hoàng Thị Lan còn vướng mắc vấn đề gì và tại sao Nhà nước vừa cấp Bằng công nhận MVNAH cho bà lại thu ngay? Và từ khi bị thu hồi đến nay đã gần 20 năm trôi qua, gia đình chúng tôi không được nhận lại, hay cấp lại và cũng không có bất cứ một lời giải thích nào từ phía các ban, ngành, chức năng”.

Theo anh Phương: Khi Nhà nước có chủ trương phong và truy tặng danh hiệu MVNAH, anh đã làm hồ sơ kê khai trường hợp bà Hoàng Thị Lan có 1 con trai duy nhất hy sinh thời kỳ chống Pháp - liệt sĩ Hoàng Đình Ái để bà Lan được Nhà nước truy tặng danh hiệu MVNAH. Sau khi nộp hồ sơ được 2 năm, gia đình anh có nhận được Bằng công nhận danh hiệu vào năm 2000 nhưng sau đó phải trả lại ngay và gia đình cũng không hiểu vì lý do gì. Từ khi bị thu hồi Quyết định công nhận, gia đình, dòng họ chúng tôi cứ trông chờ, hy vọng một ngày nào đó bà Lan sẽ được trả lại danh hiệu vinh dự Nhà nước MVNAH nhưng từ đó đến nay mọi việc đều rơi vào im lặng... đến khó hiểu.

Anh Hoàng Đình Phương đang ôm Huân chương Độc lập hạng 3 của Chủ tịch nướcvừa trao tặng cho ông bà Hoàng Đình Đài và Hoàng Thị Lan.

Mong... một lời giải thích

Nói về trường hợp này cũng như những mong muốn, kiến nghị từ phía gia đình thân nhân, ông Hoàng Đình Hợp - Chủ tịch UBND xã Hoằng Đạo cho biết: Địa phương đã xác nhận lâu rồi nhưng không hiểu sao đến nay vẫn chưa được công nhận. Với trách nhiệm của mình, địa phương đã nhiều lần có văn bản gửi lên huyện nhưng đến nay... đều rơi vào im lặng. Vậy nên, gia đình, dòng họ, thậm chí cả người dân địa phương đang băn khoăn và đặt dấu hỏi.

Vướng mắc xung quanh trường hợp của bà Lan, đại diện Phòng LĐ-TB&XH huyện Hoằng Hóa giãi bày: Việc bà Lan khi ấy được cấp Bằng MVNAH rồi thu lại như lời gia đình trình bày, Phòng không biết, vì khi ấy lĩnh vực này do Phòng Nội vụ đảm trách. Tuy nhiên, sau này khi được bàn giao đảm nhận lĩnh vực này và phía chính quyền xã Hoằng Đạo cũng như gia đình anh Phương có trình bày trường hợp bà Lan, huyện cũng đã nhiều lần đấu mối và có cả công văn gửi Sở LĐ-TB&XH giải quyết trường hợp bà Lan. Tuy nhiên, đến nay trường hợp bà Lan có được truy tặng hay không, Phòng LĐ-TB&XH huyện Hoằng Hóa cũng chưa nhận được bất kỳ thông tin gì.

Giải đáp những vướng mắc xung quanh việc bà Hoàng Thị Lan đến nay chưa được truy tặng danh hiệu MVNAH, bà Lê Thị Thủy - Phó Trưởng phòng Người có công - Sở LĐ-TB&XH cho biết: Trường hợp bà Lan vướng mắc đến ngày nay do gia đình cung cấp thông tin số Quyết định được công nhận danh hiệu MVNAH của bà Lan là số QĐ 676, ngày 25/12/2000 nhưng khi Ban Thi đua khen thưởng Trung ương tra cứu lại không thấy có tên bà Hoàng Thị Lan, xã Hoằng Đạo. Về trách nhiệm của Sở là đấu mối với Ban Thi đua khen thưởng của tỉnh. Khi được hỏi, trường hợp của bà Lan khi nào được giải quyết, bà Thủy cho hay, phải sau dịp 27/7, mới có thời gian cùng với Ban Thi đua khen thưởng tỉnh kiểm tra, xác minh lại.

Việc bà Hoàng Thị Lan... im lặng chờ đợi gần 20 năm mà chưa được nhận danh hiệu hay một lời giải thích đây có phải là vấn đề “khó” vượt quá khả năng giải quyết hay đó là thói tắc trách, vô cảm của một ai đó đang thực thi công vụ? Nếu vì những lý do trên, mong rằng những người có trách nhiệm nên suy nghĩ và vào cuộc ngay, có như vậy, linh hồn mẹ Lan mới được ngậm cười nơi chín suối.

Những nạn nhân da cam chờ chế độ

Theo thống kê của Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin, tỉnh Thanh Hóa có 22.855 người bị phơi nhiễm CĐDC, trong đó có 16.108 người được hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi hằng tháng theo quy định của Nhà nước. Hiện đang chi trả chế độ cho 13.700 người, gần 3.000 người đã chết. Còn lại một bộ phận không nhỏ nạn nhân mang trong mình di chứng chiến tranh, với những căn bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sinh hoạt và di truyền sang thế hệ con, cháu nhưng họ vẫn chưa được xác nhận và hưởng chế độ ưu đãi dành cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐDC.

Theo quy định tại khoản 2, điều 57, Thông tư 05 của Bộ LĐ-TB&XH, hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐDC là “một trong những giấy tờ chứng minh thời gian tham gia hoạt động kháng chiến tại vùng mà quân đội Mỹ sử dụng CĐDC: Quyết định phục viên, xuất ngũ; giấy chuyển thương, chuyển viện, giấy điều trị; giấy tờ khác chứng minh có tham gia hoạt động kháng chiến tại vùng mà quân đội Mỹ sử dụng CĐDC được xác lập từ ngày 30/4/1975 trở về trước”. Tuy nhiên, trên thực tế các giấy tờ trên chỉ ghi phiên hiệu đơn vị mà không ghi rõ địa điểm đơn vị đóng quân, chiến đấu; do vậy khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan chức năng không có căn cứ xác nhận thời gian tham gia hoạt động kháng chiến của đối tượng tại vùng mà quân đội Mỹ sử dụng CĐDC để làm cơ sở tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ ưu đãi.

Ngoài ra, cho đến nay vẫn chưa có tiêu chí cụ thể xác định người bị nhiễm CĐDC. Pháp lệnh Ưu đãi người có công quy định là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐDC, còn Bộ Y tế hiện vẫn khẳng định không thể xác định được ai là người bị nhiễm CĐDC. Hơn nữa, trong danh mục 17 loại bệnh tật do Bộ Y tế quy định, có những loại bệnh không nằm trong danh mục nên Hội đồng giám định y khoa không thể xác nhận bệnh tật… Một nguyên nhân nữa, đó là việc đi giám định làm các thủ tục, phải tốn nhiều thời gian, tiền bạc, trong khi đó bệnh nhân hầu hết là người nghèo, cận nghèo, xa trung tâm thành phố, đi lại ăn ở gặp rất nhiều khó khăn.

Theo phản ánh của nhiều nạn nhân CĐDC, họ bị mắc nhiều bệnh hiểm nghèo, thậm chí bị ung thư nhưng các bệnh này không nằm trong danh mục bệnh tật liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học mà Thông tư 41 liên Bộ Y tế và Bộ LĐ-TB&XH đã nêu, nên hồ sơ không được xác nhận.

Vì vậy, đã có chuyện con được hưởng chính sách nhưng cha thì không, chỉ vì cha không thu thập đủ giấy tờ, do thất lạc, đơn vị cũ đã giải tán hoặc đổi phiên hiệu không tìm lại được để xin chứng thực thời gian và địa điểm đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Hoặc bố được hưởng nhưng con dị tật chưa được hưởng.

Ở độ tuổi 75, ông Hoàng Văn Tường vẫn phải mòn mỏi chờ được hưởng chế độ chất độc da cam.

Như trường hợp của ông Hoàng Văn Tường, xã Quảng Nham, Quảng Xương tham gia chiến đấu vào thời gian quân đội Mỹ rải chất độc hóa học nhiều nhất. Vợ chồng ông sinh con đều bị di chứng CĐDC (câm điếc bẩm sinh) được hưởng chế độ CĐDC thuộc đối tượng con của người tham gia kháng chiến. Nhưng ông lại không được hưởng chế độ. Theo Hội đồng Y khoa, bệnh tật mà ông mắc phải lại không nằm trong danh mục để công nhận bị nhiễm CĐDC.

Việc thực hiện giải quyết chế độ với nạn nhân bị nhiễm CĐDC/dioxin là một chính sách mang ý nghĩa nhân văn của Đảng và Nhà nước, thể hiện sự tri ân công lao của những người tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần tiếp tục khắc phục những tồn tại, vướng mắc, vừa linh hoạt, vừa chặt chẽ trong quá trình xác nhận, thẩm định, không chậm trễ để những đối tượng là nạn nhân bị nhiễm CĐDC được thụ hưởng chính sách xứng đáng với công lao mà họ đã cống hiến trong thời gian tham gia kháng chiến.

Minh Lý - Hoàng Lan


Minh Lý - Hoàng Lan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]