(vhds.baothanhhoa.vn) - Những người phụ nữ trong bài viết này đều là những người đã từng bị lừa bán sang Trung Quốc. Nơi đất khách, người bị bán làm vợ, người bị bán vào nhà thổ. Đến bây giờ thì họ đều đã được trở về Việt Nam. Được trở về, tôi tin, với những người phụ nữ này thì đó là một niềm hạnh phúc lớn, một sự tự do lớn nhưng khi đã được về sống ngay trên mảnh đất quê mình thì trong số họ vẫn còn có những con người sống tiếp một cuộc sống nghèo khổ và buồn tủi...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ngày về... (Kỳ 1): Mơ hoang

Những người phụ nữ trong bài viết này đều là những người đã từng bị lừa bán sang Trung Quốc. Nơi đất khách, người bị bán làm vợ, người bị bán vào nhà thổ. Đến bây giờ thì họ đều đã được trở về Việt Nam. Được trở về, tôi tin, với những người phụ nữ này thì đó là một niềm hạnh phúc lớn, một sự tự do lớn nhưng khi đã được về sống ngay trên mảnh đất quê mình thì trong số họ vẫn còn có những con người sống tiếp một cuộc sống nghèo khổ và buồn tủi...

Không có một cuộc sống giàu sang, không có một tổ ấm hạnh phúc, tất cả chỉ là lời hứa ảo để đánh lừa những người phụ nữ nghèo. Để rồi họ đi khi tay không mà lúc về thì vẫn là tay trắng...

Đi trong bóng đêm, về trong bóng tối

Người phụ nữ tôi gặp đầu tiên hơn tôi 3 tuổi. Chị sinh năm 1976, tên là Nguyễn Thị May, quê ở thị trấn Nông Cống (huyện Nông Cống). Đó là một người phụ nữ cũng khá xinh đẹp và có lẽ là người biết nói chuyện nhất trong những người phụ nữ mà tôi đã gặp. Chị May đã bị lừa bán sang Trung Quốc vào năm 1990, khi đó chị mới 14 tuổi.

Nguyễn Thị May sinh ra trong một gia đình nghèo. Do không có điều kiện đến trường nên chị phải ở nhà để đi mò cua bắt ốc, bán rau để phụ giúp bố mẹ. Một buổi tối mùa đông, chị được một người bạn rủ đến một đám cưới thì cũng tại đây chị đã được một người quen giới thiệu việc làm ở dưới thành phố Thanh Hoá với đồng lương cao hơn là đi làm ở nhà. Gật đầu đồng ý, cô bé May của ngày đó đã rất vô tư nghĩ rằng: làm được tiền nhiều hơn thì gia đình cũng sẽ đỡ khổ hơn. Và cái buổi tối ấy đã trở thành định mệnh với Nguyễn Thị May. Ngay tối hôm đấy khi xuống tới thành phố Thanh Hoá, chị đã được mời uống một cốc sữa và chị chìm ngay vào giấc ngủ khi uống cốc sữa đó. Khi tỉnh dậy, thì trước mặt chị đã là đất Lạng Sơn. Sau đó, chị bị bán sang Trung Quốc và cuộc đời của Nguyễn Thị May từ đây chuyển sang một trang mới nhưng u tối và đầy cay đắng.

Tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, chị đã bị bán làm vợ cho một người đàn ông hơn chị 30 tuổi. Sau 10 năm chung sống với người đàn ông này, năm 2000, chị bị lừa bán vào nhà thổ, khi đó chị May 24 tuổi. Năm 2002, chị được người quen cứu ra khỏi nhà thổ này và chị tiếp tục quay trở về sống với người chồng Quảng Tây. Chị May nhớ lại: “Tôi muốn trở về Việt Nam thăm bố mẹ và các em, chồng tôi cũng đồng ý nhưng sự thật thì tôi bị lừa đi làm gái mại dâm. Đó là quãng thời gian đầy tủi nhục. Khi tôi quay về với chồng thì vẫn được ông ấy chấp nhận, có lẽ vì ông ấy không hề biết là tôi đã ở trong nhà thổ. Sống với chồng thêm được vài năm nữa thì năm 2010, tôi lại xin chồng trở về Việt Nam và ở lại cho đến bây giờ”.

Còn cô gái Sùng Thị Chá ở xã Tam Chung, huyện Mường Lát là một cô gái hãy còn trẻ, mới sinh năm 1999. Tháng 11 năm 2015, em được giới thiệu làm quen qua Facebook với một chàng trai người Mông ở Lào Cai. Chỉ trong một thời gian ngắn, chàng trai này hứa hẹn đủ điều và hứa sẽ lấy Sùng Thị Chá làm vợ và cho một cuộc sống sung sướng. Nhưng đó hoàn toàn chỉ là sự bịa đặt. Sùng Thị Chá đã bị lừa bán sang làm vợ một người đàn ông Trung Quốc. Tại đây, em luôn bị đánh đập và doạ giết nếu bỏ trốn. 4 tháng sau đó, Chá cũng đã bỏ trốn và đến trình báo với Công an Trung Quốc. Từ đây, Bộ đội Biên phòng Thanh Hoá đã phối hợp với các ban, ngành chức năng nước bạn giải cứu và đưa Sùng Thị Chá trở về Việt Nam. Ngày trở về, Sùng Thị Chá và người thân đã không cầm được nước mắt. Em khóc nghẹn, nói với người bố của mình: “Con xin lỗi bố, con biết sai rồi! Xin bố mẹ tha lỗi cho con!”.

Vậy là đã không có miền đất hứa cho những người phụ nữ này. Thực tế là họ muốn đi tìm một cuộc sống đẹp hơn, tốt hơn nhưng điều đó đã hoàn toàn ngược lại. Họ đi tay không mà về cũng tay trắng. Một giấc mơ đã không thành hiện thực.

Những đứa con bỏ lại

Ám ảnh tôi nhiều hơn qua những câu chuyện của những người phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc đó là hình ảnh những đứa trẻ không được theo mẹ trở về Việt Nam, trở về với quê ngoại. Những người phụ nữ này bị coi như một thứ công cụ đẻ thuê và trong bất cứ hoàn cảnh nào, họ cũng không được mang con đi. Chính vì vậy mà khi cuộc sống quá ngột ngạt, tù túng, khổ sở, điều họ nghĩ đến đầu tiên đấy là thoát thân và đắng lòng bỏ lại Trung Quốc những đứa con mình đứt ruột đẻ đau.

Trong số những phụ nữ mà tôi đã gặp, Sùng Thị Chá là người duy nhất chưa có con với người đàn ông Trung Quốc. Còn Nguyễn Thị May sinh với người đàn ông ở Quảng Tây 2 người con, 1 trai và 1 gái. Dù vậy, khi xin cho con trở về Việt Nam, người chồng này nhất quyết không cho con về cùng mẹ. Đã 6 năm về nước, chị May không liên lạc được với các con, không một dòng tin tức. Nhớ con, thương con mà chị không thể làm được gì. Chị cũng muốn sang thăm con nhưng tiền lại không có. Cứ mỗi năm mới đến, chị lại ngồi tính nhẩm tuổi con. Đã lại sắp qua một năm, đứa con đầu của chị sẽ bước sang tuổi 24 và đứa thứ hai là 23 tuổi, không biết có đứa nào đã lấy chồng, lấy vợ?

Bà Đỗ Thị Phán (áo trắng), xã Thành Kim (Thạch Thành) trở về Việt Nam sau 26 năm bị lừa bán sang Trung Quốc.

Cũng như Nguyễn Thị May, người phụ nữ có tên là Đỗ Thị Phán, ở thôn Phú Sơn, xã Thành Kim (Thạch Thành) cũng phải bỏ 2 người con trai ở lại Trung Quốc. Bà Phán (SN 1958) và bị lừa bán sang Trung Quốc tháng 12/1990. Mãi đến năm 2016, tức là sau 26 năm làm vợ người đàn ông Trung Quốc, bà mới được trở về Việt Nam. Thời điểm bà trở về khi đấy bà đã bị tai biến mạch máu não. Bà Phán kể lại: “Lúc đấy, tôi chỉ nghĩ được một điều là tôi muốn quay về Việt Nam vì hơn 20 năm ở bên đấy, tôi lúc nào cũng thấy cô đơn. 2 đứa con sinh ra, chỉ được vài tháng là nhà chồng mang con tôi đi, đi đâu tôi cũng không biết được. Tôi chỉ biết làm việc và cứ quanh quẩn ở nhà. Đến khi tôi bị bệnh, chữa trị được một thời gian thì tôi xin chồng tôi về. Tôi bảo, giờ tôi cũng già yếu rồi, còn có bệnh trong người, hãy cho tôi về quê của tôi để còn có anh em, họ hàng. Chồng tôi cũng đồng ý. Còn các con tôi, tôi không được gần chúng nhiều, không được chăm sóc, dạy dỗ nên giờ cũng không biết ra sao, có gặp lại cũng không thể nào nhận ra được”.

Khi tôi về xã Ngư Lộc (Hậu Lộc) được gặp Đồng Thị Lục thì tôinghĩ đây là một người đàn bà còn may mắn hơn những người khác vì chị còn có cơ hội được mang con về nước. Năm nay, Đồng Thị Lục 40 tuổi. Năm chị 23 tuổi, chị bị lừa bán sang Trung Quốc, lấy người đàn ông Trung Quốc và sinh được 2 con: 1 trai, 1 gái. Năm 2010, chị và 2 con về Việt Nam vì bố mẹ chồng và chồng đều mất do bị bệnh. Khi về nước, con trai đầu của chị mới 8 tuổi, bé thứ hai 7 tuổi. Lúc đấy, chị xin cho các con đi học ở lớp học tình thương tại xã. Nhưng đáng buồn là chị Lục lại bỏ rơi con mình ngay trên đất quê mình. Khi cháu đầu lên 10 tuổi thì chị cho cháu về lại Trung Quốc. Một chuyện tưởng như không thể xảy ra được nữa thì đã xảy ra. Khi nhắc đến đứa con trai của mình, gương mặt chị Lục vừa lạnh lạnh lại vừa buồn buồn. Chị nói: “Giờ không biết cháu ở đâu nữa. Nó đi cũng đã 6 năm rồi. Ngày ấy, nó tủi thân vì không được quan tâm nhiều, cũng có người trong gia đình tôi không ưng cháu. Rồi ở gần nhà tôi có người sang Trung Quốc, nó bảo cho con đi cùng. Tôi cũng để cho nó đi. Nó cứ đòi đi thì biết làm sao được. Nó bảo sang Trung Quốc tìm anh em, họ hàng bên nội. Nó tìm được hay không, tôi cũng không biết được...”.

Tôi và người cán bộ chính sách rồi đến chủ tịch hội phụ nữ xã Ngư Lộc chỉ biết ngồi lặng nghe chị Lục kể chuyện nhưng thực sự chúng tôi thấy lòng đau. Tôi không thể hình dung được một cậu bé 10 tuổi đi sang Trung Quốc một mình rồi sẽ ra sao, làm sao tránh được những bất trắc? Tất cả thật mong manh...

Được trở về, tôi tin, với những người phụ nữ đã từng bị lừa bán sang Trung Quốc thì đó là một niềm hạnh phúc lớn, một sự tự do lớn nhưng khi đã được về sống ngay trên mảnh đất quê mình thì trong số họ vẫn có những con người sống tiếp một cuộc sống khổ và buồn tủi...

-----

Trong bài viết, có một số nhân vật đã được đổi tên.

Hoàng Việt Anh


Hoàng Việt Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]