(vhds.baothanhhoa.vn) - Được ví như “pho sử sống của làng”, suốt mấy chục năm qua, bằng tất cả tâm huyết và niềm đam mê, ông Lê Văn Sự, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Vĩnh Lộc vẫn ngày đêm tìm tòi, ghi chép lưu trữ lại những sự kiện, nhân vật lịch sử gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển quê hương.

Người đam mê chép sử làng

Được ví như “pho sử sống của làng”, suốt mấy chục năm qua, bằng tất cả tâm huyết và niềm đam mê, ông Lê Văn Sự, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Vĩnh Lộc vẫn ngày đêm tìm tòi, ghi chép lưu trữ lại những sự kiện, nhân vật lịch sử gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển quê hương.

Người đam mê chép sử làng

Ông Lê Văn Sự, người đam mê chép sử làng.

Sau nhiều lần đặt lịch, chúng tôi mới sắp xếp được buổi gặp gỡ với ông Lê Văn Sự, người luôn được nhắc đến với cái tên là “nhà sử học” của vùng đất Vĩnh Lộc. Tháng 6, trời nắng gay gắt, nhưng như đã hẹn, ông Sự vẫn nhiệt tình dẫn chúng tôi đi tham quan một số di tích, địa danh lịch sử trên địa bàn huyện. Khi dừng chân và tham quan chùa Báo Ân (xã Vĩnh Hùng) ông vui vẻ kể cho chúng tôi nghe về “cơ duyên” của mình khi đến với lịch sử làng. Sinh ra và lớn lên ở làng Bồng Thượng (xã Vĩnh Hùng) - nơi có bề dày trầm tích văn hóa nên ông sớm đã mang trong mình niềm đam mê tìm tòi, nghiên cứu về lịch sử địa phương. Niềm đam mê ấy lại càng được hun đúc sau khi ông tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I (1979) và làm giáo viên tại trường văn hóa tập trung, rồi trường bồi dưỡng chính trị của huyện. Đến khi chuyển công tác về phòng giáo dục và đào tạo (năm 1987) sau đó về làm trưởng phòng văn hóa thông tin huyện thì ông lại càng có điều kiện thỏa sức “tung hoành” với niềm say mê ấy.

Nghĩ là làm, suốt mấy chục năm qua, ông lặn lội khắp các làng quê trong huyện để ghi chép lịch sử từ lời kể của người dân địa phương hay từ bia đá, câu đối, truyền thuyết... Đồng thời, ông tham khảo, tra cứu nhiều tài liệu lịch sử từ nhiều nguồn khác nhau, sau đó gạn lọc, đối chiếu rồi biên soạn. Ông quan tâm đặc biệt đến công trạng của các nhân vật lịch sử, các dòng họ, những người có đóng góp lớn cho quê hương, đất nước. Từ đó, những tập thơ ca, nhiều cuốn sách với những đề tài đa dạng, phong phú phản ánh đậm chất hơi thở cuộc sống, có giá trị sâu sắc về lịch sử, văn hóa của địa phương do ông viết lần lượt ra đời và được độc giả đánh giá cao. Ông đã xuất bản nhiều tập thơ như: Về một vùng quê (1992); Dáng mẹ chiều mưa (1995); Nỗi niềm (1998); Miền thương nhớ (2004)... Đặc biệt, tác phẩm Thanh Hóa Vĩnh Lộc huyện chí (2010) giới thiệu đến bạn đọc về vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi từng ghi dấu nhiều chứng tích lịch sử... Nói về tác phẩm ông cho biết: Sau nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu tôi đã cùng Thạc sĩ Hán Nôm Nguyễn Văn Hải, xuất bản cuốn sách này. Cuốn sách là sự khái quát toàn bộ lịch sử của huyện Vĩnh Lộc, từ tên đất, tên làng, ngọn núi, dòng sông đến những địa danh văn hóa, lễ hội, trò chơi dân gian. Chúng tôi lựa chọn cách viết kết hợp giữa truyền thuyết, huyền tích với cứ liệu sử học và kết quả khảo cổ; tư liệu trong sử sách và tư liệu còn bảo tồn trong lòng dân, để viết nên những câu chuyện sinh động, có sức thuyết phục về truyền thống dựng nước, giữ nước và những nét sinh hoạt của người dân Vĩnh Lộc trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Cụ thể từ thời đồ đá mới, với Di tích khảo cổ học Đa Bút (xã Vĩnh Tân) cùng với di chỉ Bản Thủy (xã Vĩnh Thịnh), di chỉ làng Còng (xã Vĩnh Hưng); rồi đến thời kỳ phong kiến tự chủ Vĩnh Lộc là kinh đô của nước Đại Ngu dưới vương triều Hồ (1400-1407); đồng thời là nơi phát tích của chúa Trịnh với các đời chúa nối nhau điều hành đất nước...

Trong câu chuyện với ông chúng tôi cảm nhận được tâm huyết, niềm đam mê nghiên cứu lịch sử. Đối với ông, đây là vinh dự và bổn phận của mình. Hầu hết, các công trình nghiên cứu, sưu tầm của ông, nội dung được chia thành từng chương, mục khoa học, có chú giải rõ ràng. Nhiều cuốn sách do ông biên soạn được đánh giá là những công trình công phu, dày dặn và có giá trị lịch sử sâu sắc. Các tác phẩm đều là cầu nối để thế hệ cháu con luôn ghi nhớ về các bậc tiền hiền đã có công lập làng, mở mang bờ cõi, chống giặc ngoại xâm...

Niềm đam mê sưu tầm, nghiên cứu lịch sử ở các làng quê của ông Sự đã góp phần không nhỏ trong việc lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống, giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về cội nguồn lịch sử địa phương. “Quãng đời còn lại của mình, tôi vẫn muốn tranh thủ sưu tầm và nghiên cứu tài liệu. Mong rằng có đủ thời gian để viết tiếp những công trình, những cuốn sách còn dang dở”..., ông Sự bộc bạch.

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]