(vhds.baothanhhoa.vn) - Tôi từng tiếp xúc với một vài người, họ không khác gì cơn gió Lào tràn qua hắt cái nóng oi ả đến khó chịu, khiến mình mong muốn được thoát ra. Và cũng đã gặp những người dù chỉ thoáng qua mà cảm giác như mang theo cơn mưa chiều hạ nhiệt giúp ta nhẹ nhõm, an lành. Cô giáo Phạm Thủy là một trong những người thuộc nhóm thứ 2, với tôi.

Người dạy mỹ thuật phải biết kích thích trí tưởng tượng, cảm xúc của học sinh

Tôi từng tiếp xúc với một vài người, họ không khác gì cơn gió Lào tràn qua hắt cái nóng oi ả đến khó chịu, khiến mình mong muốn được thoát ra. Và cũng đã gặp những người dù chỉ thoáng qua mà cảm giác như mang theo cơn mưa chiều hạ nhiệt giúp ta nhẹ nhõm, an lành. Cô giáo Phạm Thủy là một trong những người thuộc nhóm thứ 2, với tôi.

Người dạy mỹ thuật phải biết kích thích trí tưởng tượng, cảm xúc của học sinhCô giáo Phạm Thủy.

Thuộc số ít những cô giáo dạy mỹ thuật trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có lượng lớn học sinh (HS) đạt các giải thưởng mỹ thuật quy mô cấp tỉnh và toàn quốc, Phạm Thủy (sinh năm 1976), giáo viên mỹ thuật Trường Tiểu học Điện Biên 1 (TP Thanh Hóa), không chỉ có kinh nghiệm giảng dạy, mà hơn hết chị biết khơi gợi niềm yêu thích của HS.

Bởi với chị, giữa cuộc sống bộn bề bon chen, chả có niềm vui nào bằng sự chân thật đến tan chảy trái tim khi ở bên những đứa trẻ. Mỗi ngày bọn nhỏ đều tặng chị những bài học để chị tin rằng trao đi sẽ được nhận lại xứng đáng. Tình yêu đó, khiến chị đến với bọn trẻ vừa dịu dàng vừa khoáng đạt...

Sau khi chuyển về từ Trường THCS Đông Xuân (huyện Đông Sơn), kể từ năm 2002 đến nay chị là giáo viên mỹ thuật của Trường Tiểu học Điện Biên 1. Chừng ấy thời gian trong nghề, chị có nhiều năm tham gia dạy chuyên đề, là giáo viên cốt cán của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của tỉnh rồi tham gia viết sách... Chính bởi thế, chị thấu hiểu những điểm mạnh, điểm hạn chế của HS, đặc biệt là HS ở thành phố; biết nhiều hơn sự thay đổi về gu thẩm mỹ, xu hướng và sự phát triển của trẻ nhỏ.

“Trẻ học THCS hiện nay thường vẽ theo khuynh hướng và các hoạt động của game, mang nhiều yếu tố của mỹ thuật Nhật Bản. Vì thế mà chúng thích vẽ tranh động trên phần mềm máy tính. Còn các em nhỏ ở bậc tiểu học thì vẫn nghiêng về cảm xúc. Vì thế ngoài nội dung bài học, tôi luôn động viên, khuyến khích các con bộc lộ mọi giác quan, và cảm xúc với thiên nhiên và con người. Ví dụ như hôm nay tôi giao cho HS vẽ về vườn cây ăn quả. Có một bạn vẽ trời mưa và ông mặt trời vẫn lấp ló. Nhiều bạn thắc mắc: Trời đang mưa sao vẫn vẽ ông mặt trời?. Tôi nói: Các bạn nhìn ra ngoài trời xem kìa, trời vẫn mưa, còn ông mặt trời vẫn sáng và nóng. Trẻ có thể vẽ con mèo 2 chân chứ không nhất thiết lúc nào cũng phải đủ 4 chân. Vì ở góc nhìn của trẻ, 2 chân cũng đủ để biểu cảm nên hình ảnh con mèo. Chưa bao giờ tôi nói: con vẽ sai rồi, xóa đi!”.

Xem tranh trẻ nhỏ, chỉ có cảm xúc tươi xanh mới là điều dễ khiến người lớn rung động nhất. Tuy nhiên, để giữ được cảm xúc thì các bạn nhỏ phải được phát huy hết mọi trí tưởng tượng. Đây lại chính là điểm hạn chế của hầu hết trẻ nhỏ hiện nay. Trong năm học, ngoài giờ trên lớp, trẻ con học thêm kín mít. Mùa hè, nếu không đi học thì cũng cả ngày ở trong nhà, làm bạn với điện thoại và tivi mà không có cơ hội quan sát cảnh vật thế giới quan xung quanh. Giới thiệu với tôi về bài học in lá, “tôi rất vui vì các em có thể thực hành rất nhanh yêu cầu của cô, nhưng khi hỏi có biết đây là những loại lá cây gì, thì đáng buồn là các bạn lại không biết, dù đó là lá của những cây trồng phổ biến trong các gia đình”. Thời chúng ta, buổi trưa không ngủ trốn bố mẹ đi chơi nghịch đủ trò, còn bọn trẻ giờ chỉ nhìn thấy thiên nhiên và con vật trên hình ảnh và video. "Chúng ngô nghê, ngơ ngác lắm”. Tôi bao biện: “Chúng ta hiện nay thường khen bọn trẻ khôn lắm, thông minh lắm, thì sự ngây ngô nên được xem là ưu điểm chứ”. “Nếu vẽ hồn nhiên thì có thể là ưu điểm nhưng để thể hiện cảm xúc mà vẫn ngô nghê thì không ổn và chưa đủ. Không hiểu rõ thì sao mà có cảm xúc được. Nếu yêu cầu: Con nhìn bông hoa cô đang cắm nhé, đây là hoa ly thì chúng sẽ vẽ và vẽ đẹp được. Vì đó là những cái chúng nhìn thấy, quan sát thấy từ đó đưa về cảm xúc và vẽ nên tranh. Nhưng bảo: Các bạn hãy vẽ cho cô con chuồn chuồn. Chắc chắn bọn nhỏ ngồi im, vì chưa bao giờ nhìn thấy và chưa nghe thấy tên con chuồn chuồn. Thương lắm, nhất là HS thành phố, cả ngày chỉ lo học Toán, tiếng Việt, tiếng Anh...”, giọng chị trầm xuống.

Nghe những điều đó, chắc hẳn không chỉ riêng tôi mà các phụ huynh cũng sẽ chạnh lòng. Trẻ con bây giờ sướng thật nhưng cũng thiệt thòi thật.

Không chỉ có kinh nghiệm dạy trẻ, kinh nghiệm để trẻ giành giải thưởng cũng là ưu thế của cô giáo Thủy. Nắm bắt được ưu điểm của trẻ, hiểu rõ mục tiêu và gu thẩm mỹ của mỗi cuộc thi, là gần như nắm được thành công.

Giới thiệu về một số bài vẽ của các em nhỏ có thể tham gia Cuộc thi Vẽ tranh Quốc tế về Môi trường năm 2022 dành cho trẻ em do Tập đoàn Kao tổ chức với chủ đề “Cùng nhau, chúng ta bảo vệ sinh thái bền vững”, cô Thủy cho biết: Mong muốn của cuộc thi là các em thể hiện những công việc đơn giản hàng ngày, những mơ ước và hy vọng cho một thế giới thân thiện với môi trường qua những bức tranh của mình. Năm 2021, có hơn 7.000 tác phẩm của thí sinh trên toàn thế giới đủ thấy việc tham gia không hề đơn giản. HS của tôi có nhiều ý tưởng rất tốt, vẽ rất đẹp, nhưng để như vậy tham gia dự thi thì sẽ không bao giờ có giải. Tôi phải hướng dẫn thêm các con việc viền khung, đẩy màu, thậm chí trau chuốt đến từng nét nhỏ.

Người dạy mỹ thuật phải biết kích thích trí tưởng tượng, cảm xúc của học sinhMột bài tập vẽ lá cây của học sinh tiểu học.

Không một lời than phiền, cô giáo Phạm Thủy nói nhiều về việc chính bản thân “học” bọn trẻ. “Tôi học được sự ngây ngô của trẻ. Họa sĩ chuyên nghiệp vẽ đòi hỏi tỷ lệ chuẩn, khuôn mặt chia làm mấy phần, giải phẫu ra sao, còn HS tiểu học, khái niệm trục dọc trục ngang khá xa lạ, chỉ vài nét vẽ nguệch ngoạc cũng ra chân dung. Người lớn sử dụng màu phải theo tông, theo gam, đậm nhạt, sáng tối, còn trẻ con thích vẽ màu nào là vẽ, và thường sử dụng gam màu nguyên bản. Thậm chí tôi học cả những đứa trẻ tự kỷ chỉ vẽ hình khối đường và nét, mà không cần tô màu. Học để hiểu bọn trẻ, học để dạy cho những đứa trẻ tự kỷ khác”, cô Thủy chia sẻ.

Vì học trẻ, yêu trẻ mà “nhiều HS còn tâm sự với tôi về tất cả chuyện gia đình, về nỗi buồn khi cái răng gãy, xấu không dám cười. Ngược lại, mình cũng phải là người cởi mở với các con. Khi nó than mệt thì tôi sẽ hỏi: vì sao con mệt; con không chịu vẽ thì ân cần hỏi nguyên nhân. Có đứa nó trả lời rất đơn giản: Thưa cô hôm nay con không muốn học vẽ vì không đúng cái bút màu của con. Để rồi tôi phải giải thích: Mỗi loại bút sẽ cho ra màu sắc khác, hình vẽ khác, con thử đi. Hơn hết khi dạy mỹ thuật là phải kích thích mọi trí tưởng tượng, tìm hiểu cảm xúc của HS. Nếu không nắm bắt được cảm xúc của HS là thầy cô giáo thất bại về hiệu quả nội dung bài học, sự hứng khởi cho tiết học”, chị Thủy cho biết. Chính điều này khiến chị luôn mong muốn cởi mở về tiết dạy, thời lượng dạy học, và môi trường cho HS phát triển. Yêu cầu đầy đủ 3 năng lực, 5 phẩm chất để đánh giá về tiết dạy thực sự không cần thiết với môn mỹ thuật. Quan trọng hơn hết là phải hình thành và phát triển năng lực mỹ thuật cho HS.

Sau những niềm vui là những nỗi buồn của giáo viên đặc thù. “Từ rất lâu rồi chúng tôi không bao giờ được nhận một bông hoa trong ngày lễ tết; không còn được tôn vinh ở lễ tổng kết... Tủi thân lắm chứ. Không phải tôi coi trọng vật chất đâu, mà thực sự chúng tôi cũng cần được động viên tinh thần”.

Tôi hiểu phần nào nỗi niềm của cô giáo Phạm Thủy, khi biết nhiều lần đã lên kế hoạch nhưng chị chưa sắp xếp được thời gian, trí lực để tham gia Ban Mỹ thuật (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh) bởi chị muốn tận tâm, dành toàn bộ thời gian cho bọn trẻ. Có thể chị phải tự mua hoa cho mình, hay thả trôi buồn vui cùng những cảm xúc của lũ trẻ, song, điều trân quý nhất ở chị là thái độ tích cực, lạc quan: “sống dễ lắm, cứ nhìn vào mắt bọn trẻ con mà sống, chúng ta sẽ tìm thấy cho mình rất nhiều niềm vui”, chị chia sẻ.

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]