(vhds.baothanhhoa.vn) - Từ một người giúp việc nơi đất khách, sau quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, bà Lê Thị Việt (63 tuổi) ở thôn 3, xã Trung Thành, huyện Nông Cống đã trở về quê hương, lập nghiệp và làm giàu từ nghề làm “hoa tươi bất tử”.

Người thổi hồn vào những bông hoa tươi bất tử

Từ một người giúp việc nơi đất khách, sau quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, bà Lê Thị Việt (63 tuổi) ở thôn 3, xã Trung Thành, huyện Nông Cống đã trở về quê hương, lập nghiệp và làm giàu từ nghề làm “hoa tươi bất tử”.

Người thổi hồn vào những bông hoa tươi bất tửNhững sản phẩm do bà Việt làm ra mang tính thẩm mỹ, độc đáo.

Những ngày đầu xuân, được sự giới thiệu của một số bạn bè, chúng tôi tò mò tìm đến thôn 3, xã Trung Thành (huyện Nông Cống) để “mục sở thị” nghề ướp hoa tươi bất tử của bà Lê Thị Việt.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ, vừa đon đả rót chè, bà Việt vừa chia sẻ về cơ duyên đến với nghề từ những năm đầu thập niên 2000. “Do hoàn cảnh kinh tế gia đình lúc đó rất khó khăn, tôi sang Thái Lan làm giúp việc. May mắn thay, lại đúng vào nhà chủ có một cơ sở sản xuất hoa bất tử. Sẵn tính tò mò, ngoài thời gian làm giúp việc, tôi thường đến xưởng để học hỏi, phụ giúp một số công đoạn đơn giản”, bà Việt chia sẻ. Thời gian cứ thế trôi đi, dần dà tay nghề của bà cao hơn, chủ cơ sở ở Thái Lan tin tưởng giao bà quản lý xưởng, đào tạo công nhân.

Người thổi hồn vào những bông hoa tươi bất tử

Năm 2005, sau khi trở về nước, bà bắt tay vào công việc tìm hiểu thị trường và muốn mở một cơ sở sản xuất hoa bất tử. Đối với bà Việt, lúc đó chỉ riêng làm quen, tìm hiểu thị trường, rồi tìm kiếm nguồn nguyên liệu phù hợp... cũng đã khiến người phụ nữ “ngũ tuần” ấy chùn bước.

Mãi đến năm 2008, bà Việt thử nghiệm, cho ra đời những sản phẩm đầu tiên. Để tạo ra những sản phẩm mang tính độc, lạ, hấp dẫn, bà phải nhập nguyên liệu ướp hoa đắt đỏ bên Thái Lan. Tiếp nữa là bình thủy tinh, kích cỡ, độ trong, kiểu dáng cũng phải nhập. Hoa hồng ở quê cánh nhỏ, bà phải đặt mua hoa ở Hà Nội, sau là hoa hồng Đà Lạt bông to, đều cánh.

Bà Việt bộc bạch, quá trình ướp hoa mới là cầu kỳ, bởi phải chia nhỏ nguyên liệu ướp trong từng hộp nhựa có nắp đậy, 7 ngày mới được một mẻ hoa ướp, ngoài ra còn ướp lá, ướp hoa cắm phụ. Sau đó khéo léo đưa hoa vào bình, cắm kết hợp tạo kiểu dáng của hoa, của bình. Rồi cuối cùng vệ sinh keo dính, lau chùi bụi và đóng hộp chống vỡ một cách cẩn thận. Sau khi tạo ra sản phẩm, bà tiếp tục tìm đến nhiều cơ sở bán hoa tươi để giới thiệu, bày bán do dòng hoa này khi đó ở nước ta khá đắt đỏ, với giá bán trung bình khoảng 160.000 đồng/bông, đắt rất nhiều lần so với hoa tươi thường. Cuối cùng, sau nhiều ngày ngóng trông, những bông hoa bất tử của bà Việt được gửi ở một cửa hàng nằm trên đường Lê Hoàn (TP Thanh Hóa) cũng đã có khách mua.

Chúng tôi thắc mắc hỏi bà, sao chỉ hoa hồng Đà Lạt thích hợp để biến thành bất tử. Bà Việt tủm tỉm, là bí kíp riêng nên tôi không thể nói được, nhưng để làm một sản phẩm hoàn thiện phải trải qua rất nhiều công đoạn, đặc biệt nhất hoa phải sạch sẽ, không tỳ vết, màu sắc tươi tắn. Làm nghề này phải thật kiên nhẫn, tỉ mỉ, đòi hỏi khéo tay, sự chuẩn xác, có như vậy sản phẩm tạo ra mới thật bắt mắt người mua, hoa mới bán được.

Người thổi hồn vào những bông hoa tươi bất tử

Bà Việt chia sẻ thêm, để làm ra một sản phẩm ít nhất mất khoảng từ 7 - 10 ngày, mỗi năm xưởng sản xuất khoảng 700 - 800 sản phẩm, với giá bán từ 180.000 đồng đến 12 triệu đồng/bình hoa. Trừ chi phí, mỗi năm thu hơn 1 tỷ đồng. Thị trường tiêu thụ chủ yếu ở Nghệ An, Vũng Tàu, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh...

Đánh giá về nghề làm hoa tươi bất tử, ông Lê Danh Diễn, Chủ tịch UBND xã Trung Thành cho biết: Từ khi bà Việt du nhập nghề làm hoa bất tử đã giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động. Trong năm 2022 vừa qua, bà cũng đã phối hợp, liên kết đào tạo cho 10 lao động khuyết tật của địa phương, đồng thời tạo điều kiện để họ về làm ở xưởng, với mức thu nhập trên 3 triệu đồng/người/tháng. Để nghề làm hoa bất tử phát triển và đi xa hơn trong tương lai, ông Diễn chia sẻ thêm, địa phương đang vận động, khuyến khích bà Việt mở rộng xưởng sản xuất, lên kế hoạch xây dựng sản phẩm OCOP trong năm 2023.

Bài và ảnh: Trung Lê



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]