(vhds.baothanhhoa.vn) - 88 năm của đời người, từ việc tận tụy cống hiến khi đang làm viên chức Nhà nước với các công việc và chức vụ: dạy học, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, ĐBQH khóa V; Ủy viên Ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội VI; đến Phó Chủ tịch thường trực Hội Khuyến học tỉnh... Để rồi sau khi nghỉ chế độ bảo hiểm ông quay trở về với những đam mê thuở còn là sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội với luận văn “Đời sống của người Mường qua ca dao, tục ngữ”.

Nhà sưu tầm, biên soạn văn hóa dân gian Cao Sơn Hải: Tiếc mà làm

88 năm của đời người, từ việc tận tụy cống hiến khi đang làm viên chức Nhà nước với các công việc và chức vụ: dạy học, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, ĐBQH khóa V; Ủy viên Ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội VI; đến Phó Chủ tịch thường trực Hội Khuyến học tỉnh... Để rồi sau khi nghỉ chế độ bảo hiểm ông quay trở về với những đam mê thuở còn là sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội với luận văn “Đời sống của người Mường qua ca dao, tục ngữ”.

Nhà sưu tầm, biên soạn văn hóa dân gian Cao Sơn Hải: Tiếc mà làm

22 năm gắn bó với con chữ, ông cho xuất bản 24 đầu sách. Trong số 11 cuốn thơ thì có tới 3 cuốn biên soạn, tuyển thơ: Chùm quả ngọt đầu mùa (tuyển thơ các dân tộc thiểu số Thanh Hóa); Những chiếc lá chu đồng (tuyển thơ dân tộc Mường); Thơ Hán Nôm Trương Công Bích – Quách Lục Kinh (sưu tầm, dịch, khảo cứu).

Để có 13 cuốn sưu tầm - dịch, nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian Mường là điều không dễ. Ngoài xuất phát điểm là người Mường ra, điều khiến ông Cao Sơn Hải phải theo đuổi dài lâu vậy là bởi ông có trải nghiệm, có đau đáu khi nhìn thấy sự chuyển biến từ môi trường tự nhiên đến môi trường xã hội, sự xâm nhập của các nền văn hóa khác, đang khiến cái nhìn về giá trị truyền thống thay đổi. Lại cũng may mắn là trùng với thời gian ông bắt tay vào làm nghiên cứu thì có Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” (1998). Ông chia sẻ rất thật: “Tiếc mà làm. Tôi có học và có biết chút ít về văn hóa Mường, đơn giản là ghi lại để không bị mất đi”.

Qua câu chuyện của ông tôi hiểu thêm còn có lí do là những người làm nghiên cứu, sưu tầm biên soạn văn hóa Mường trước đó, hầu hết không hiểu ngôn ngữ Mường, không nắm vững toàn diện về văn hóa dân gian Mường. Nhiều người vẫn nghĩ làm công việc sưu tầm chẳng qua là những người “nhặt đồng nát”. Vấn đề không phải chỉ là nên nhặt cái gì, nó có ở đâu, vì sao ở đó có và để giải đáp được cái gì mà với một người làm biên soạn, sưu tầm còn phải nghiên cứu sâu, so sánh với những cái cùng loại và tìm ra được những nét khác với những tác phẩm người ta đã làm từ trước. Cũng là Bài ca đám cưới, người Kinh có lễ tế tơ hồng, người Tày có những bài ca đố nhau..., còn người Mường những bài ca này vừa là tiếng reo vang về hạnh phúc vừa mang tính triết lí cao về tình yêu và hôn nhân. Vì thế sau khi xuất bản “Những bài ca đám cưới” năm 2003, sau đó “Truyện Nàng Nga, Đạo Hai mối” (2005); “Truyện cổ Nàng Út Lót, Đạo Hồi Liêu” (2013); “Truyện nàng Ờm, chàng Bông Hương” (2015) cũng đã được ông xuất bản để ca ngợi vẻ đẹp của người con gái Mường, chiêu tuyết cho những mối tình trong sáng.

Những câu chuyện cuộc sống như phản ánh hiện thực, đấu tranh cho lẽ phải, sự nhân văn, ca ngợi những mối tình trong trắng..., có ở bất cứ dân tộc, hay tộc người nào. Đọc những câu chuyện đề cao giá trị của người phụ nữ mà ông sưu tầm đủ để chúng ta nhìn thấy vai trò của phụ nữ trong việc chống lại cái thần quyền và cường quyền của hủ tục và sự áp bức trong đời sống tình yêu, hôn nhân. Từ đó họ đã trở thành những hình tượng đẹp, gây được ấn tượng lớn. Cũng như Đẻ đất đẻ nước, ngoài việc khái quát sự ra đời của muôn vật, còn giải thích, xây dựng được lịch sử của nhân loại từ thuở bình minh, con người đã có những khát vọng lớn lao, ước mong làm giàu như chặt cây chu đồng để kéo về làm nhà, ai có được một quả chu đồng thì có thể làm giàu được, nuôi lợn nuôi gà bằng máng bạc máng đồng... Đây là tác phẩm sử thi độc đáo, nói lên những vấn đề chung của nhân loại và đặc điểm riêng của tộc người Mường.

Chính điều đó mà ông quyết tâm hoàn thành tác phẩm “Sử thi Đẻ đất đẻ nước, một cách tiếp cận” trong gần 8 năm. Qua khảo cứu các tác phẩm sử thi “Đẻ đất đẻ nước” của các nhà nghiên cứu, sưu tầm trong nước và các chuyến đi thực địa, ông đã rút ra được những giá trị cốt lõi, đó là sự ngộ nhận, đánh đồng quan điểm giữa sử thi “Đẻ đất đẻ nước” và mo Mường; xác định được tiêu chí và vị thế của “Đẻ đất đẻ nước” trong mo Mường; tìm ra những chương sử thi đích thực nhằm làm cho sử thi trong sáng và thanh khiết hơn; chứng minh qua ngôn ngữ, nguồn gốc, tác phẩm hiện có để khẳng định tác phẩm không chỉ là sản phẩm của người Mường, mà còn là sản phẩm tinh thần của người Việt Mường, xa hơn nữa là cư dân Lạc Việt.

Trên con đường nghiên cứu, biên soạn, sưu tầm với hơn 22 năm, thực sự cơ duyên đầu tiên là do bạn bè khuyến khích; đồng thời cũng là sự trăn trở của ông trong việc níu giữ những giá trị văn hóa truyền thống nói chung và văn hóa Mường nói riêng. Nhưng càng làm càng say. Tuổi đã cao nhưng ông vẫn còn nhiều dự định lắm. Tiếp nối dòng mạch từ sử thi “Đẻ đất đẻ nước”, ông ôm ấp đề tài về trầm tích và sự bật khởi của văn hóa Lạc Việt trong không gian văn hóa Mường. Ngoài ra, qua quá trình khảo sát ông thấy 70% ngôn ngữ Mường là tiếng Việt Mường xưa, chỉ có 30% là tiếng Hán Việt. Điều đó thôi thúc ông làm từ điển Mường với khoảng hơn 1 vạn từ. Dự định phải hơn một năm nữa ông mới có thể hoàn thành cuốn từ điển Mường. Vui nhất là ông đang chuẩn bị xuất bản tập nghiên cứu, phê bình văn học “Thấy và suy ngẫm”. “Tôi còn nhiều dự định lắm, nhưng thời gian và kiến thức có hạn, tôi cứ làm, đến đâu hay đến đó”, ông chia sẻ.

Đó cũng chính là quan điểm của ông trong hành trình nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu văn hóa dân gian. “Nếu cứ chờ có tiền mới làm thì có lẽ đến giờ cũng chẳng dám bắt tay vào và càng không có 14 cuốn về văn hóa dân gian Mường. Một người làm văn hóa ngoài cần sức khỏe, thời gian và tri thức... thì cũng cần có kinh tế. Tuy nhiên, những nhà nghiên cứu như chúng tôi may mắn có sự hỗ trợ của Nhà nước, cơ chế linh hoạt của các nhà xuất bản...”. Quả thật, hầu hết các tác phẩm của ông đều được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ xuất bản, nhưng hơn tất cả ông may mắn vì không phải lo quá nhiều vấn đề kinh tế. Chính những đồng lương một đời công chức của ông, sự chăm lo của vợ, sự hỗ trợ của các con, cháu mà ông chuyên tâm nghiên cứu. Tôi thấm thía câu nói của ông: “Tôi nghĩ rằng, người nghiên cứu văn hóa nào thì phải nắm được ngôn ngữ của văn hóa ấy. Giống như người dạy văn hóa văn học Pháp mà không biết tiếng Pháp thì chỉ là dạy chay, dạy suông...”.

Thảng hoặc nói chuyện với tôi, ông nhắm mắt khá lâu, bởi nhiều ngày nay ông đang tập hợp nốt một số tư liệu. Đôi mắt ông yếu và “nhám” đi nhiều. Ông cho biết: Phải ngừng đọc sách, ngừng viết một thời gian để dưỡng mắt khỏe thêm”. Đôi mắt ấy có thể tạm ngừng đọc sách, đôi tay có thể ngừng viết nhưng cái đầu của ông thì chắc chắn chả lúc nào ngừng nghĩ. Ông sợ người ta lãng quên văn hóa Mường, sợ chính người Mường quên đi lời mo, câu xường... mà chọn cho mình một lối đi trên con đường gập ghềnh, khúc khuỷu nhưng quen thuộc và yêu thương.

Bài và ảnh: Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]