(vhds.baothanhhoa.vn) - Có bố mẹ là nghệ sĩ Tuồng, nhưng chị không theo đuổi con đường diễn viên mà lại chọn học âm nhạc. Đó là nhạc công Nguyễn Thùy Dung, nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa.

Nhạc công Nguyễn Thùy Dung và “trái ngọt” nghệ thuật

Có bố mẹ là nghệ sĩ Tuồng, nhưng chị không theo đuổi con đường diễn viên mà lại chọn học âm nhạc. Đó là nhạc công Nguyễn Thùy Dung, nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa.

Nhạc công Nguyễn Thùy Dung và “trái ngọt” nghệ thuậtNhạc công Nguyễn Thùy Dung biểu diễn độc tấu đàn dây “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo”.

Tôi ấn tượng về chị kể từ khi chị nhận giải xuất sắc tại Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2022: với phần hát lồng (hát phụ họa) trong vở tuồng Hoàng đế Lê Đại Hành. Và lần gần đây nhất chị đạt giải Nhất tại Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc - 2023 được tổ chức ở tỉnh Hòa Bình.

15 tuổi khăn gói đi Hòa Bình học piano ở Trường Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc (nay là Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc). 4 năm sau đó, chị về Đoàn nghệ thuật Tuồng Thanh Hóa công tác. Piano có phần xa xỉ và không phù hợp, chị chủ yếu sử dụng đàn Organ. Và rồi chị nhận ra để gắn bó với bộ môn nghệ thuật tuồng, ngoài trống, kèn, nhị thì phải là một nhạc cụ dân tộc nào đó. Đó cũng chính là lý do chị học thêm cây đàn tranh.

Nói đến sân khấu kịch hát dân tộc, không thể bỏ qua vai trò của âm nhạc. Âm nhạc không những nâng đỡ giọng hát diễn viên, mà còn làm sống dậy “phần hồn” của vở diễn. Thế nhưng, các nhạc công thường lại là những người thiệt thòi. Nếu diễn viên từ khi tập cho đến khi lên sân khấu, hết vai có thể tạm nghỉ, thì nhạc công phải “bám” từ đầu đến cuối. Trong khi đó chế độ thanh sắc, độc hại và kể cả tiền bồi dưỡng cũng ít hơn. Nhưng thiệt thòi nhất là họ không được nhìn xuống khán giả, không được chứng kiến những xúc cảm của khán giả dành cho vở diễn.

Chính vì thế mỗi lần tham gia liên hoan hay cuộc thi nhạc cụ dân tộc là một lần chị và các đồng nghiệp được học hỏi. Chị kể với chúng tôi: “30 năm làm nghề, thế mà trước mỗi cuộc thi tôi không khỏi hồi hộp, lo lắng”. Đặc biệt ở Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc – 2023, lần đầu tiên biểu diễn tiết mục độc tấu, chị hồi hộp đến mất ăn mất ngủ. Gần 4 tháng chị bỏ tất cả mọi việc chỉ có tập và tập. “Tôi phải tập tới vài nghìn lần tiết mục của mình, tập từ sáng đến chiều, thậm chí 4 giờ sáng còn tập. Rồi công việc nhận may thuê hằng ngày để kiếm tiền nuôi con tôi cũng chấp nhận gác lại”.

“Hồ Nguyệt Cô hóa cáo” là vở tuồng ngắn nhất trong lịch sử tuồng cổ nhưng lại có sức sống lâu bền nhất, kỳ diệu nhất. Người xem ngày hôm nay vẫn nhận thấy nhiều giá trị mới mẻ, sâu sắc của vở tuồng cả về tư tưởng và nghệ thuật. Rất may mắn là tôi được nhạc sĩ, NSƯT Thành Nam viết nên những giai điệu riêng để tôi có thể khoe tiếng đàn của mình”.

Hiểu được ý tưởng và nắm bắt được tinh thần của bản nhạc, chị Dung không chỉ làm tròn bài thi mà còn thể hiện “xuất thần” những sáng tạo để tạo ra màu sắc riêng. Chắc hẳn nhiều người biết Hồ Nguyệt Cô vốn mang kiếp cáo nhưng sau hàng ngàn năm tu luyện, từ cáo nàng đã trở thành người, một người con gái tài năng xinh đẹp và được sư phụ Tiên Mẫu cho xuống núi. Tuy nhiên, sống ở cõi trần, Nguyệt Cô không ngờ mình đã rơi vào bẫy tình đã được giăng sẵn với những lời đường mật, sự khêu gợi mà một người đàn bà si tình như Nguyệt Cô khó lòng chống đỡ. Bị mất viên ngọc, nàng phải trở lại kiếp cáo. Nguyệt Cô tru lên tiếng của loài cáo và khi trở lại tìm chồng, “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo” đã phải đón nhận lưỡi gươm bạc bẽo của người chồng... “Tiếng tru ấy chính là sự thức tỉnh, vì thế trong bài thi độc tấu tôi đã thể hiện thêm cả âm thanh cùng với động tác biểu diễn”. Chị Dung còn cho biết: Lúc ban đầu tôi không muốn làm điều này, bởi bản nhạc này quá hay, hay đến từng nốt nhạc, liệu thêm vài ba âm câu nói, cùng cử chỉ có làm loãng bản nhạc không? Nhưng, nhờ sự động viên của ban lãnh đạo Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh mà tôi đã mạnh dạn thể hiện”.

Nói về lần đầu tiên thi độc tấu, chị Dung kể với chúng tôi có quá nhiều cảm xúc chị trải qua. Trong đó, lớn nhất là nỗi lo sợ. Kể cả đến đêm trước buổi thể hiện bài thi vì lần đầu tiên được quay mặt về phía khán giả mà thấy ngợp khiến chị quên hết bài, thậm chí ánh sáng làm hoa mắt không nhìn nổi dây đàn. “Nhưng đó chỉ là cảm xúc trước khi thi, còn trong đêm biểu diễn chính thức, với tâm lý chỉ có âm nhạc là duy nhất, chị và những nhạc công hỗ trợ tiết mục của chị (nhị 1, nhị 2, tam thập lục, kèn, trống và đàn bầu) đã hoàn thành xuất sắc. Đến giờ tôi càng khẳng định được mỗi lần tham gia cuộc thi, hội diễn là cơ hội để mình được học hỏi, nâng cao trình độ và sẵn sàng bỏ tất cả mọi thứ xung quanh để tập trung cho nghề nghiệp”.

Nói về cuộc sống thường ngày của mình, chị Dung cho biết: Nếu không có cái nghề tay trái là thiết kế và may áo dài, có lẽ tôi chẳng thể nuôi nổi 2 đứa con ăn học. Đó là còn chưa kể, khoản tiền vay ngân hàng để xây nhà sau khi khu tập thể của nhà hát phải giải phóng mặt bằng, đến nay sau gần 7 năm chị vẫn chưa trả hết nợ. “Dù cuộc sống đôi khi quá vất vả nhưng chưa bao giờ trong đầu tôi có 2 chữ “bỏ nghề”.

Có thể chị thấu hiểu việc đào tạo nhạc công sân khấu truyền thống không đơn giản. Giống như đào tạo diễn viên, việc đào tạo nhạc công sân khấu dân tộc cũng phải theo phương thức truyền nghề. Đó là còn chưa kể thời gian đào tạo được một nhạc công thuần thục phải đến cả chục năm. Vì thế, 30 năm trong nghề thì cũng là bấy nhiêu thời gian chị theo học các nghệ sĩ đã thành danh, “nhờ sự tận tâm của các bậc thầy trong làng tuồng mà tôi mới có ngày hôm nay”, chị nói trong sự biết ơn.

Điểm lợi thế nhất của Nguyễn Thùy Dung chính là con nhà nòi. Chị không chỉ được ngấm những làn điệu tuồng, tích tuồng từ bé mà còn có giọng hát sáng và “cảm” nghệ thuật tốt. “Nhiều người cho rằng nghệ thuật tuồng rất kén người nghe và một diễn viên, nhạc công để thể hiện ra chất tuồng cũng không hề dễ. Với tôi, càng tìm hiểu, càng nghe tôi càng thấy nghệ thuật tuồng hay và quý giá”. Nhưng hơn hết, để đi được với nghề, để bạn bè đồng nghiệp ghi nhận ngoài đam mê, còn là tinh thần lao động của nghệ sĩ. Điều chị mong nhất là “điệu đàn dân tộc” của nghệ thuật tuồng sẽ được chị cùng các thế hệ tiếp sau giữ gìn và phát huy.

Biết bao khó khăn trong cuộc đời nhưng chị đã vượt qua, để đến hôm nay những “trái ngọt” đã đến với chị trong nghề nghiệp và cả sự thành đạt của con cái.

Bài và ảnh: Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]