(vhds.baothanhhoa.vn) - “Tôi đã kịp chụp một tấm hình mặc áo blue trắng vào ngày khai giảng. Tôi đã có thể trở thành một bác sĩ. Nhưng, tôi đã phải dừng lại…”, cô giáo Mai Thị Thao nói về bản thân, bắt đầu bằng câu chuyện của ký ức…

Chuyện của cô giáo Thao

“Tôi đã kịp chụp một tấm hình mặc áo blue trắng vào ngày khai giảng. Tôi đã có thể trở thành một bác sĩ. Nhưng, tôi đã phải dừng lại…”, cô giáo Mai Thị Thao nói về bản thân, bắt đầu bằng câu chuyện của ký ức…

Chuyện của cô giáo ThaoCô giáo Mai Thị Thao tại lễ tôn vinh danh hiệu “Công chức, viên chức, người lao động tiêu biểu xứ Thanh năm 2021”.

Ước mơ thành hiện thực

Tôi nghĩ, ký ức của chị buồn nhưng đẹp. Chị chiến thắng nỗi buồn bằng những năm tháng rực rỡ sau này. Thành tích “khủng” ấy, không phải ai cũng làm được.

Lật giở câu chuyện của ký ức, với Mai Thị Thao, vẫn như còn đó sự tiếc nuối. Bởi ở đấy, ước mơ đã chạm đến hiện thực nhưng cuối cùng vẫn dang dở. Năm 1995, Mai Thị Thao thi đậu 2 trường là Đại học Y Thái Bình và Đại học Sư phạm (ĐHSP) 1, nay là Trường ĐHSP Hà Nội. Yêu nghề bác sĩ hơn, chị chọn Đại học Y Thái Bình. Học được 1 tháng 10 ngày, bố mẹ lên trường gặp chị với mong muốn, chị quay về học sư phạm vì nếu theo nghề y, gia đình không đủ điều kiện để tiếp tục nuôi chị ăn học. Hụt hẫng nhưng không còn lựa chọn nào khác, chị phải nghe lời bố mẹ, về học tại ĐHSP 1. Chị kể: “Lúc đấy, thực sự rất buồn. Nghề y là mơ ước của tôi. Từ bỏ mơ ước là điều không ai muốn nhưng vì hoàn cảnh gia đình, tôi phải dừng lại. Tôi là con thứ 3 trong gia đình có 5 chị em. Sau tôi còn 2 người em trai nữa. Bố mẹ tôi đều làm nghề nông. Nhà rất nghèo...”.

Nhà nghèo nhưng Mai Thị Thao rất ham học và học giỏi, là người may mắn nhất trong gia đình được học hành đầy đủ. Trong suy nghĩ của chị, chỉ học mới thoát nghèo và bằng mọi cách phải thoát ly. Có những câu chuyện của năm tháng khốn khổ, ám ảnh chị đến tận giờ. Cô giáo Mai Thị Thao nhớ lại: “Ngày tôi vào đại học, trong nhà chỉ có con chó 6,3 kg là bán ra tiền. Tôi nhớ, mẹ đã bán nó với số tiền khoảng mấy chục nghìn. Cùng với số tiền bà con hàng xóm cho và số tiền bán chó mới đủ tiền cho tôi nhập học. Bán con chó mà cả nhà tôi khóc vì thương nó, mẹ phải dẫn ra ngoài đường chứ không dám để họ vào nhà mang nó đi…”.

Ngược dòng

Tại Trường ĐHSP, năm đầu tiên, với sinh viên Mai Thị Thao vẫn vấn vương nhớ… trường y. Chị gần như không tập trung học mà dành cho việc lang thang đi tìm sách nói về nghề y nhiều hơn. Nhưng chị bỗng nhận ra, năm đầu tiên ấy, trong lớp đã có một số bạn được nhận học bổng còn chị thì không. Điều này khiến chị bừng tỉnh và xốc lại tinh thần. Chị đã nghĩ: “Nếu tôi vẫn thế này, cứ đắm chìm trong sự tiếc nuối thì sẽ càng thất bại, cũng không ai cho mình làm bác sĩ. Nếu không nghiêm túc với nghề sư phạm thì ra trường cũng chỉ là giáo viên dốt, thậm chí còn làm hỏng biết bao thế hệ. Và tôi bắt đầu lao vào học…”.

Ngay kỳ đầu tiên của năm thứ 2, sinh viên Mai Thị Thao đã nhận được học bổng. Đặc biệt, trong năm này chị đã thành công ở kỳ thi vượt rào, từ khoa giáo dục tiểu học sang khoa hóa học. Một môn học thực nghiệm kết hợp chặt chẽ với lý thuyết, rất được chị yêu thích. Thực tế, lúc này, nỗi buồn gác lại ước mơ nghề y chưa được giải tỏa nhưng với nghề sư phạm, chị đã thấy yêu hơn. Tất nhiên, sự yêu thích này không phải tự nhiên mà có. Điều quan trọng, như chị chia sẻ, đã theo nghề thì phải ý thức và trách nhiệm với nghề. Quan điểm rõ ràng này cũng là động lực để chị về đích thành công khi tốt nghiệp ĐHSP Hà Nội với tấm bằng loại ưu.

Năm 2000, khi 23 tuổi, cô giáo Mai Thị Thao về công tác tại Trường THPT Mai Anh Tuấn (Nga Sơn). Dạy học trên chính quê hương của mình, với chị, mơ ước này đã thành hiện thực. Cũng từ đây, chị đã làm nên nhiều điều kỳ diệu cho Trường THPT Mai Anh Tuấn nói riêng và ngành giáo dục Nga Sơn nói chung bằng những thành tích đáng tự hào.

Thành tích

Ngắm bảng thành tích ấy, vẫn khiến tôi ngỡ ngàng. Đấy là một bảng thành tích “khủng”. Kể từ buổi đầu tiên đứng trên bục giảng ở Trường THPT Mai Anh Tuấn, đến nay cô giáo Mai Thị Thao đã có 23 năm công tác và cống hiến. Hiện chị là tổ trưởng tổ Hóa học. 23 năm ấy thì chị đã có 19 năm tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia môn Hóa. Tính đến nay, chị đã có gần 70 học sinh đoạt giải cấp tỉnh, quốc gia về môn học này. Nổi bật với 2 Huy chương Bạc casio cấp quốc gia, 4 giải nhất, 18 giải nhì cấp tỉnh…. Bản thân chị đã đạt giáo viên giỏi cấp tỉnh chỉ sau 4 năm khi về dạy tại Trường THPT Mai Anh Tuấn. Khi đấy chị 27 tuổi.

23 năm với nhiều kỷ niệm nghề. Với nhà giáo Mai Thị Thao, xúc động nhất vẫn là sự kiện đã xảy ra trong năm 2013. Năm này, chị có 1 học sinh đoạt giải nhất môn Hóa học cấp tỉnh là em Mai Thị Linh. Đặc biệt, đây là học sinh đoạt giải nhất đầu tiên của chị và càng đặc biệt hơn khi đây cũng là lần đầu tiên Trường THPT Mai Anh Tuấn có giải nhất môn Hóa học. Niềm vui vỡ òa. Hạnh phúc nhân đôi. Nhớ lại câu chuyện này, nhà giáo Mai Thị Thao vẫn như còn nguyên cảm xúc. Chị kể: “Cả cô và trò lúc đấy chỉ biết ôm nhau khóc. Chúng tôi đã chờ đợi và hy vọng. Thật mừng…”.

Con đường đến với thành công phải qua nhiều thử thách. Phải vượt khó và có niềm tin. Nhà giáo Mai Thị Thao, khi về công tác tại Trường THPT Mai Anh Tuấn đã đặt ra câu hỏi với chính bản thân, rằng, tại sao ở nhiều địa phương trong tỉnh có rất nhiều học sinh giỏi nhưng ở đây thì không. Trăn trở và quyết tâm, thay lời nói bằng hành động, chị đã biến khát khao của học sinh bay cao, bay xa hơn, chinh phục đỉnh cao tri thức. Chị có nguyên tắc riêng trong bồi dưỡng học sinh giỏi. Chị cho biết: “Ra đề kiểm tra nhưng không được tung đáp án và thậm chí cả không đọc đáp án. Học sinh tự giải và tổng hợp xem có bao nhiêu kết quả, cách giải nào là ngắn nhất. Đề kiểm tra, tôi chú trọng 2 phần: Thứ nhất, củng cố kiến thức đã dạy. Thứ 2 cho thêm câu hỏi, chiếm khoảng 10% số điểm, đó là cái mới, xem học sinh có phát hiện vấn đề không. Từ đó, phát hiện năng lực tư duy, giải quyết vấn đề của các em”.

Cũng theo nhà giáo Mai Thị Thao, không chỉ riêng Hóa học mà bất kể môn học nào, muốn hiệu quả, điều đầu tiên phải đam mê đồng thời phải có kiến thức. Bằng chứng là 23 năm đứng trên bục giảng, nhiều học sinh của chị đã khẳng định và ghi dấu ấn bằng thành tích cao trong học tập. Trong số đó, có những học sinh đã được chị truyền lửa để đoạt giải thưởng môn Hóa học, là Mai Thị Linh, Mai Thị Quỳnh hay Nguyễn Văn Huy… Tôi nhớ hình ảnh của cô học trò Mai Thị An, người đã từng đoạt giải nhì môn Hóa cấp tỉnh, xúc động khi nói về cô giáo Mai Thị Thao, rằng: “Nếu như không gặp cô thì em sẽ không có sự vượt bậc về môn Hóa. Càng không đủ tự tin để làm hồ sơ tuyển thẳng vào ĐHSP Hà Nội (dạy Hóa bằng tiếng Anh)…”.

Nhắc đến câu chuyện dạy Hóa bằng Tiếng Anh, với nhà giáo Mai Thị Thao, chị vẫn còn đó tâm tư. Năm 2014, chị đi học thạc sĩ, chuyên ngành Phương pháp, trong đó có chuyên đề dạy Hóa bằng tiếng Anh. Chị đã không ngại tiên phong thử nghiệm, dạy một tiết thao giảng môn Hóa học bằng tiếng Anh tại Trường THPT Mai Anh Tuấn và được đồng nghiệp đánh giá cao. Nhưng đáng tiếc, không thể triển khai môn học này do nhiều yếu tố khách quan.

Trong câu chuyện về cô giáo Mai Thị Thao, Hiệu trưởng Trường THPT Mai Anh Tuấn là thầy giáo Mai Sỹ Thủy đã bày tỏ niềm vui, sự tự hào. “Đấy là một tấm gương tiêu biểu không chỉ của trường mà còn là của ngành giáo dục Nga Sơn. Một cá nhân với nhiều thành tích, đóng góp rất lớn cho chất lượng dạy và học nhà trường. Cô giáo Thao đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Năm học 2022-2023, cô đã được đề nghị tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú”, Hiệu trưởng Mai Sỹ Thủy, cho biết.

23 năm nhìn lại, với cô giáo Mai Thị Thao, đó được xem như cuộc hành trình của gian khó nhưng ngọt ngào. Đã có những “khủng hoảng” về tinh thần khi phải gác lại ước mơ. Nhưng bản lĩnh và niềm tin đã trỗi dậy. Nghề giáo đã đến với chị không phải cơ duyên, đó như sự “gặp gỡ” không hẹn trước để rồi gieo bao quả ngọt cho nghề, như chị tâm sự: “Tôi vẫn tiếp tục làm người lái đò gieo tri thức. Chặng đường đã qua, gian nan, vất vả và không ít áp lực. Tôi không trách, không than mà ngược lại cảm thấy hạnh phúc vì chính những khó khăn, thử thách ấy đã tạo động lực để tôi có được những ngọt ngào như ngày hôm nay”.

Bài và ảnh: Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]