(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) ...Ngoài 2 người thân trong gia đình chị Thủy, trong đêm định mệnh ấy, xã Bát Mọt (huyện Thường Xuân) còn 1 người chết và 1 người mất tích đến nay vẫn chưa tìm thấy. Cụ Lương Xuân Quỳnh (80 tuổi, ở thôn Cạn) cho biết: Gần 80 năm qua, tôi chưa bao giờ chứng kiến trận lũ quét tàn khốc như thế, đỉnh Pù Cạn từ xưa rất hiền hòa mà sao nay nổi giận khủng khiếp quá, chỉ một cơn áp thấp thôi đã đem lũ từ thượng nguồn về bản nhấn chìm bao tài sản của bà con, thật quá đau lòng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những ‘đỉnh đời’ nơi dâu bể tang thương

(VH&ĐS) ...Ngoài 2 người thân trong gia đình chị Thủy, trong đêm định mệnh ấy, xã Bát Mọt (huyện Thường Xuân) còn 1 người chết và 1 người mất tích đến nay vẫn chưa tìm thấy. Cụ Lương Xuân Quỳnh (80 tuổi, ở thôn Cạn) cho biết: Gần 80 năm qua, tôi chưa bao giờ chứng kiến trận lũ quét tàn khốc như thế, đỉnh Pù Cạn từ xưa rất hiền hòa mà sao nay nổi giận khủng khiếp quá, chỉ một cơn áp thấp thôi đã đem lũ từ thượng nguồn về bản nhấn chìm bao tài sản của bà con, thật quá đau lòng.

Phóng sự Huệ Minh Thi

Nhận được tin đường về Bát Mọt đã thông, chúng tôi đã vác ba lô lên đường. Mặc dù đã lường trước, nhưng chỉ cho đến khi mục sở thị thì chúng tôi mới thực sự thấu hiểu, thực sự nhói lòng. Những ngôi nhà, những người con đã bị lũ cuốn trôi mãi mãi không trở về, cảm giác quặn lên bên ngực trái như chính quê mình bị lũ…

Hãi hùng đêm lũ cuốn về

Men theo con suối vào xóm Suối Muống, hình ảnh đầu tiên chúng tôi nhìn thấy chính là con đường bê tông dài 3 km đã bị đất, đá ập xuống vùi lấp, xóa sạch con đường, không thể phân biệt đâu là lối đi. Đây cũng là nơi có 7 ngôi nhà kề nhau đã bị sập hoàn toàn, chỉ còn chỏng chơ vài cái cột, cầu thang, ít gạch ngói, và sơ sài những vật dụng đã hư hỏng. Cả gia đình bà Lang Thị Tuyên 57 tuổi, (xóm suối Muống, thôn Chiềng) đang nhặt nhạnh vài thanh củi, viên gạch giữa đống đổ nát. Thứ còn lại duy nhất của gia đình bà là cái bếp chứa củi để dành cùng vài con chó, con lợn. Thấy chúng tôi đến thăm, bà Tuyên òa khóc: “Đêm đó, nước lũ dâng lên nhanh và mạnh, gia đình tôi chỉ biết nhìn dòng nước cuốn trôi cả căn nhà; đồ đạc vật dụng từ ti vi, máy sát, máy cày...cũng đã bị cuốn theo dòng lũ. Con trâu tôi thả trên rừng cũng không tìm thấy nữa, lại đi theo dòng lũ rồi cô chú ạ. Năm ngoái gia đình tôi vừa thoát khỏi hộ nghèo, giờ lại tái nghèo rồi. Chồng tôi đang phải đi chữa trị bệnh tim, vì mưa lũ nên mấy ngày nay về để ứng phó. Nhưng chứng kiến cảnh này, ông ấy đã tái phát bệnh và phải đưa đi cấp cứu ở bệnh viện”.

Nhà bà Tuyên chỉ còn lại duy nhất cái bếp chứa đồ và củi khô.

Vẫn ở thôn Chiềng, trong tiếng nấc nghẹn ngào, trên khuôn mặt khô gầy, hốc hác, bà Lê Thị Thủy kể lại câu chuyện về cái đêm định mệnh đã lấy đi 2 người thân trong gia đình. “Chị ơi chị mở cửa tầng hai ra đi”... đó cũng là câu nói cuối cùng của Hưng và mãi mãi chúng tôi không còn gặp lại chú ấy nữa. Tối 11/10 khi cơn mưa dữ dội ập xuống, 5 gia đình anh em ruột của tôi đã sang nhà tôi tránh lũ. Vì đây là ngôi nhà sàn kiên cố nhất trong đại gia đình, nên mỗi khi có mưa lũ, anh chị em, con cháu lại tập trung tại đây để tránh lũ. Nhưng không ngờ, ngôi nhà lần này lại là trọng điểm của dòng lũ lùa qua. Trên đỉnh núi phía sau nhà tôi bị sạt lở tạo thành khối đất khổng lồ như một con đê ngăn dòng nước lại. Nhưng chỉ vài phút sau vì sức nước quá lớn, khối đất ấy không thể chịu được nên vỡ ra, tạo thành dòng lũ lớn không gì cản nổi băng qua nhà tôi. Lúc đó 2 em rể là Lê Sỹ Kế và Lê Văn Toàn bị cuốn phăng đi. Nhưng chú Toàn nhanh chóng bơi được vào bờ, chú Kế bị trôi mấy chục mét, may túm được cái cột của chợ đối diện nhà nên giữ được tính mạng. Nước lũ tiếp tục cuốn trôi 5 người, trong đó có tôi, 2 em ruột Lê Thị Hà, Lê Thị Hường; em rể Hoàng Văn Hưng và cháu gái Hoàng Thị Như Ý (con gái em Hưng và Hường).”

Chị Thủy nấc lên: “Thực sự tôi không muốn nhớ lại giây phút kinh hoàng ấy một lần nào nữa.” Thấy vậy, anh Hiệp (chồng chị Thủy) tiếp lời, hòa lẫn trong những giọt nước mắt tứa ra từ cặp mắt đỏ ngầu: “Nước lũ đã cuốn trôi em Hà và em Hưng; em Hà 6 giờ sáng hôm sau thì vớt được xác, còn em Hưng thì trôi 3km xuống xóm dưới, nhưng cố bò lên bờ và được người dân cứu giúp. Gia đình chúng tôi nhanh chóng đưa Hưng đi cấp cứu. Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Xuân, mặc dù bác sĩ đã tận tình cứu chữa nhưng vì vết thương quá nặng, nội tạng bị dập nhiều nên em đã không thể qua khỏi. Việc đưa thi hài em Hà về quê chồng và em Hưng đi cấp cứu cũng vô cùng gian nan. Bởi khi đó các con đường đều bị cô lập, đoạn thì ngập nước, đoạn thì sạt lở. Chúng tôi phải thuê máy múc, xe tải đi trước dọn đường thì xe chở 2 em mới qua được.”

...Chúng tôi là người nghe nhưng còn phải cố ghìm lòng hơn chị. Chị Thủy kể tiếp: “Bản thân tôi trong lúc giành giật sự sống cũng là cả một cơn ác mộng. Tôi bị xoáy trong dòng lũ, dây rừng quấn chặt chân phải. Anh em xuống lôi tôi ra mà không được; mọi người định chặt bỏ chân đó đi, đến thế mà cũng không được, vì dòng nước xoáy mạnh nên không tài nào chặt được chân! Trong lúc nguy nan ấy, mọi người hỏi tôi, chúng tôi sẽ lôi mạnh chị, nếu đứt đoạn nào thì chị chấp nhận đoạn ấy nhé. Không còn thời gian lựa chọn nên tôi đồng ý. Khi ấy, mọi người dồn sức giật mạnh giúp tôi đã thoát khỏi dòng nước lũ; đau đớn nhưng còn nguyên vẹn...”

Ngoài 2 người thân trong gia đình chị Thủy, trong đêm định mệnh ấy, Bát Mọt còn 1 người chết và 1 người mất tích đến nay vẫn chưa tìm thấy. Cụ Lương Xuân Quỳnh (80 tuổi, thôn Cạn) cho biết: Gần 80 năm qua tôi chưa bao giờ chứng kiến trận lũ quét tàn khốc như thế, đỉnh Pù Cạn từ xưa rất hiền hòa mà sao nay nổi giận khủng khiếp quá, chỉ một cơn áp thấp thôi đã đem lũ từ thượng nguồn về bản nhấn chìm bao tài sản của bà con, thật quá đau lòng.

Nơi có 7 trong 9 ngôi nhà ở xóm Suối Muống bị sập và lũ cuốn trôi hoàn toàn.

Vừa thoát nghèo... lại tái nghèo

Trước đây, đời sống người dân xã Bát Mọt đều mang tính tự cung tự cấp, vì thế cái gì cũng thiếu thốn, chỉ có một thứ không thiếu là thuốc phiện. Vì vậy mà đến nay, nhiều người vẫn biết đến Bát Mọt là xứ sở một thời của hoa Anh Túc. Nhưng đó là câu chuyện của nhiều năm về trước. Còn cách đây chỉ ít ngày thôi, Bát Mọt đã khoác lên mình một màu áo mới với những con đường trải rộng thênh thang, điện lưới vào đến tận các thôn bản xa xôi, những quả đồi được phủ màu xanh của cây cối, hoa màu; các công trình phúc lợi cơ bản đáp ứng nhu cầu dân sinh... Sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước bằng những chính sách thiết thực đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây dần thoát nghèo, có được cuộc sống ấm no, thu nhập đạt trên 12 triệu đồng/người/năm. Đa số người dân đã chủ động được lương thực, không còn trông chờ vào trợ cấp của Nhà nước; công tác xóa đói giảm nghèo có chuyển biến tích cực, an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội ổn định; đời sống văn hóa được duy trì.

Nhưng cơn lũ quét kinh hoàng ngày 11/10 vừa qua đã khiến nhiều nơi trong xã trở về con số không. Thôn Chiềng là một trong những thôn khá giả nhất, nhưng trong trận lũ lần này, thôn bị thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Tại xóm Suối Muống, dọc một bên bờ suối có 9 hộ dân nằm kế tiếp nhau thì có đến 7 hộ bị lũ quét, lũ ống làm sập và cuốn trôi toàn bộ nhà cửa, tài sản. Trong 7 hộ này có 3 hộ cận nghèo, 3 hộ mới thoát nghèo thì giờ đây tất cả lại tái nghèo.

Bên dòng suối Muống, bà Lang Thị Dân (54 tuổi) đang nấu mấy nồi rượu để ngày mai, ngày mốt nhờ anh em, hàng xóm kiếm cho ít tre, luồng, nứa lá để dựng cái lán mà ở tạm qua ngày. Mắt cay xè vì khói và vì xót xa cho cuộc sống cùng cực, bà Dân thủ thỉ: “Cơn lũ kinh hoàng đến bất ngờ quá, nghe dự báo thời tiết lần này là áp thấp, nên chúng tôi cũng nghĩ là chắc to như cơn bão số 10 vừa qua là cùng. Vậy mà lũ đến nhanh và mạnh quá khiến chúng tôi không kịp trở tay. Lúc đó đường thì tắc, cột điện gãy chắn ngang đường, tôi phải vượt bờ rào để chui qua nên thoát chết. Nhưng chỉ tích tắc, lũ đã cuốn phăng ngôi nhà và đồ đạc. Nhà con trai tôi là Lang Văn Thi nằm cạnh cũng bị san phẳng. Cả nhà tôi giờ đều phải ở tạm nhà người thân.”

Rời Bát Mọt về xuôi, cả đoàn gần như không ai nói với nhau câu gì. Dọc đường gặp đoàn từ thiện từ Bát Mọt trở về khi trời đã nhá nhem. Chúng tôi vẫy tay chào nhau và cũng kịp nhận ra nét trầm tư trên khuôn mặt họ, trong lòng nặng trĩu khi nghĩ về tương lai của những hộ dân tái nghèo miền biên viễn; rồi cái đói cái nghèo lại rình rập họ như những năm về trước…Rất cần sự quan tâm của chính quyền và các tổ chức xã hội đến với Bát Mọt.

Ông Lang Đức Thọ - Chủ tịch UBND xã Bát Mọt: Cơn lũ quét này đã làm cho toàn xã có 4 người chết; 15 ngôi nhà bị sập, cuốn trôi; 43 ngôi nhà bị đất vùi lấp; 25 ngôi nhà bị ngập và hàng trăm ngôi nhà bị sụt lún, nứt toác. Trong đó, có 20 ngôi nhà phải di dời khẩn cấp. Hơn 57 ha diện tích lúa bị đất đá vùi và không có khả năng khôi phục, hàng nghìn con gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi, nhiều tuyến đường giao thông, kênh mương bị hư hỏng nặng. Khả năng 80% người dân trên địa bàn lâm vào tình cảnh thiếu đói, nhiều dân bản vừa thoát nghèo giờ lại tái nghèo.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]