(vhds.baothanhhoa.vn) - Trải qua gần 60 năm kết nghĩa (1961 - 2020), hàng loạt công trình văn hóa, giáo dục đã gắn kết “hai quê” Thanh Hóa - Hội An trong tình nghĩa son sắt thủy chung.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những công trình nghĩa tình...

Trải qua gần 60 năm kết nghĩa (1961 - 2020), hàng loạt công trình văn hóa, giáo dục đã gắn kết “hai quê” Thanh Hóa - Hội An trong tình nghĩa son sắt thủy chung.

Ngày 12/2/1961, thực hiện chủ trương của Trung ương về việc kết nghĩa giữa các địa phương 2 miền Nam - Bắc, tại thị xã Thanh Hóa đã diễn ra lễ kết nghĩa giữa thị xã Thanh Hóa và thị xã Hội An. Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị sâu sắc, minh chứng cho tình đoàn kết Bắc - Nam, là sợi dây nối liền tình đồng chí, anh em, cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi.

“Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và nhân dân thị xã Thanh Hóa luôn dõi theo, cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu dũng cảm của đồng bào miền Nam, đồng bào Quảng Nam và Hội An. Các phong trào “Vì miền Nam, vì Hội An”, “Lập công cao nhất vì Quảng Nam”... đã trở thành những phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, rộng khắp ngay tại hậu phương Thanh Hóa. Thanh Hóa đã chi viện sức người, sức của phục vụ chiến trường; hàng ngàn con em Thanh Hóa đã nô nức lên đường nhập ngũ, trực tiếp tham gia chiến đấu, sát cánh cùng nhân dân miền Nam, Quảng Nam, Hội An giải phóng quê hương”, đồng chí Nguyễn Xuân Phi - Nguyên Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Thanh Hóa, phát biểu trong Lễ kỷ niệm 55 năm kết nghĩa giữa hai địa phương vào năm 2016.

Trong những năm tháng chiến tranh, đã có biết bao lá thư của Đảng bộ và nhân dân của hai thị xã gửi cho nhau, thông tin cho nhau về những chiến công oanh liệt, những thành tựu trong xây dựng, chia sẻ với nhau về những đau thương mất mát, động viên nhau thi đua chiến đấu sản xuất, gửi gắm những tình cảm thủy chung son sắt, thiêng liêng xúc động, sâu nặng nghĩa tình. Tháng 10/1968, Đảng bộ và nhân dân thị xã Thanh Hóa đã gửi tặng Đảng bộ, nhân dân thị xã Hội An lá cờ mang dòng chữ “Hội An anh dũng hiên ngang”.

Sau ngày thống nhất đất nước, Đảng bộ, nhân dân hai thành phố tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ nhau khôi phục sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Tình kết nghĩa son sắt, thủy chung càng thêm thắt chặt khi nhiều công trình ý nghĩa mang tên Hội An đã được xây dựng tại Thanh Hóa ngay trong những năm tháng chiến tranh như nhà máy, rạp chiếu phim, công viên, thư viện,...

Công trình mô phỏng Chùa Cầu Hội An tại Thanh Hóa.

Năm 1960, trên nền nhà máy đèn cũ có một công viên mang tên Thanh Quảng, địa điểm ghi dấu mối tình kết nghĩa giữa tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Quảng Nam. Giữa lòng thành phố Thanh Hóa cũng có một công viên mang tên Hội An. Công viên Hội An được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt ngày 11/6/2002 với diện tích 24ha, tọa lạc ở vị trí trung tâm và là “lá phổi xanh” của thành phố Thanh Hóa hôm nay. “Ngày 24/7/2002, Hội An tổ chức lễ đặt văn bia “Đời đời ghi nhớ” cao 1,68m, rộng 1,13m, nặng gần 1 tấn, khắc 562 từ của bài văn ở vị trí trang trọng trước đài “Tổ quốc ghi công” của nghĩa trang liệt sĩ thị xã. Nội dung văn bia do Thị ủy Hội An quyết định, lãnh đạo 2 địa phương thống nhất kích thước, hình thức trang trí, kiểu chữ, cách trình bày, thị xã Thanh Hóa chọn đá thi công rồi chuyên chở vào Hội An lắp đặt”, đồng chí Nguyễn Hưng - Nguyên Bí thư Thị ủy Hội An đã kể lại thật xúc động. Hiện nay, cả hai địa phương đều đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực. Thành phố Thanh Hóa là đô thị loại I, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Thành phố Hội An là vùng kinh tế động lực, trung tâm du lịch, văn hóa của tỉnh Quảng Nam và khu vực, đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, Cù lao Chàm - Hội An được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Năm 2016, nhân dịp kỷ niệm 55 năm kết nghĩa giữa hai địa phương, hàng loạt công trình tiếp tục được thi công xây dựng nhằm gắn kết hơn nữa tình nghĩa “hai quê”. Tại công viên Hội An, cán bộ và nhân dân Hội An đã tặng thành phố Thanh Hóa một công trình mang tính biểu tượng, đó là phiên bản Chùa Cầu (biểu tượng của đô thị cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới) với tỷ lệ 75% công trình thật cùng 2 trụ phù điêu nghệ thuật gốm Thanh Hà.

Cũng từ năm 2016 đến nay, năm nào thành phố Hội An cũng tổ chức “Tuần văn hóa Hội An” tại công viên Hội An với nhiều hoạt động giới thiệu các giá trị di sản như ẩm thực, làng nghề, trò chơi dân gian cùng các sản vật đặc trưng của xứ Quảng. Giữa lòng TP Thanh Hóa, người dân xứ Thanh dễ dàng tìm thấy những món ăn đặc trưng của phố Hội, xứ Quảng như cơm gà, cao lầu, mì Quảng, bánh đậu xanh, rượu nếp, bánh bao, bánh đập, yến sào... Ông Nguyễn Thành Trung ở Cốc Hạ 2 (phường Đông Hương, TP Thanh Hóa) chia sẻ: “Thập kỷ 70, chúng tôi đã chiến đấu trong Quảng Nam, ít nhất ai cũng nếm mùi năm, ba năm nên chúng tôi nhớ lắm. Tôi đến công viên này cùng vợ con để ăn bát mì Quảng cho thỏa lòng”.

Lửa tình ấm áp, thân thương được cán bộ và nhân dân “hai quê” thắp lên bằng những chiếc đèn lồng phố Hội hay trống đồng Đông Sơn thường xuyên gửi tặng cho nhau. Tại Hội An, hiện có nhiều công trình văn hóa, giáo dục do cán bộ và nhân dân thành phố Thanh Hóa kết nghĩa hỗ trợ đầu tư. Đó là Trường THCS Nguyễn Duy Hiệu, số 81 đường Phan Châu Trinh có quy mô 2 tầng với dãy 5 phòng học cho 10 lớp cùng 9 phòng chức năng, kinh phí đầu tư gần 10 tỷ đồng. Công trình thứ hai là Thư viện Thanh Hóa tại 131 đường Nguyễn Trường Tộ, bao gồm không gian trưng bày sách và khu vực dành cho việc thảo luận, nghiên cứu và học nhóm. Thư viện Thanh Hóa có hơn 30.000 cuốn sách với chủ đề về lịch sử, địa lý, khoa học, du lịch, địa chí Hội An, sách dành cho thiếu nhi,... Được biết, ngày 02/9/1975, Thư viện Hội An đã được thành lập; trước yêu cầu ngày càng cao của công tác thư viện và để khắc sâu tình kết nghĩa giữa hai địa phương, ngày 25/10/1979, UBND thị xã Hội An đã ban hành Quyết định thành lập Thư viện Hội An - Thanh Hóa.

Hằng năm, lãnh đạo hai địa phương cũng đã trao đổi kế hoạch hợp tác phát triển kinh tế xã hội; tổ chức nhiều cuộc giao lưu doanh nghiệp, tọa đàm xúc tiến du lịch; gặp gỡ tiến tới kết nghĩa giữa các phường của hai thành phố. Cùng với đó, các đoàn thể “hai quê” cũng đã trao học bổng, tặng quà cho học sinh khó khăn, xây nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách,...

Hướng tới kỷ niệm 60 năm kết nghĩa tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Quảng Nam (12/3/1960 - 12/3/2020), ngày 15/2 vừa qua, đoàn công tác của thành phố Thanh Hóa - tỉnh Thanh Hóa do ông Lê Anh Xuân - Bí thư Đảng bộ - Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hội An. Đồng chí Trần Ánh - Bí thư Thành ủy Hội An, cho biết: Hai bên thống nhất đẩy mạnh các hoạt động hợp tác thông qua các công trình, dự án hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, du lịch. Dự kiến, TP Thanh Hóa sẽ hỗ trợ Hội An đầu tư cơ sở vật chất một số trường học, trạm y tế và phát triển các môn thể thao thành tích cao. Hội An sẽ hỗ trợ TP Thanh Hóa phát triển các sản phẩm du lịch; bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng dịch vụ, quản trị, thu hút khách du lịch, nhất là du lịch cộng đồng; hỗ trợ tổ chức các sự kiện văn hóa mang tầm quốc tế và khu vực; tổ chức các chương trình giao lưu nghệ thuật truyền thống luân phiên định kỳ. Đây là những hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế - xã hội, thắt chặt tình cảm son sắt thủy chung giũa hai địa phương...

Huỳnh Quốc Hải


Huỳnh Quốc Hải

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]