(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Thiết thực kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2017), cùng với việc thực hiện có hiệu quả các lĩnh vực trọng tâm, ngành LĐ-TB&XH Thanh Hóa đặt quyết tâm giải quyết dứt điểm chính sách, hồ sơ tồn đọng cho người có công (NCC).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nỗ lực giải quyết dứt điểm chính sách, hồ sơ tồn đọng cho người có công

(VH&ĐS) Thiết thực kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2017), cùng với việc thực hiện có hiệu quả các lĩnh vực trọng tâm, ngành LĐ-TB&XH Thanh Hóa đặt quyết tâm giải quyết dứt điểm chính sách, hồ sơ tồn đọng cho người có công (NCC).

Thanh Hóa là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng đã góp nhiều sức người, sức của trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Toàn tỉnh có trên 700 ngàn thanh niên tham gia lực lượng quân đội, trên 70 ngàn thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến. Là tỉnh có số lượng người có công với cách mạng lớn, với gần 1.200 cán bộ lão thành cách mạng, trên 500 cán bộ tiền khởi nghĩa, trên 300 người là ân nhân cách mạng, trên 1.500 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, gần 6 vạn liệt sỹ, trên 46.000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, trên 15.000 bệnh binh (trong đó trên 1.400 thương, bệnh binh nặng có tỷ lệ MSLĐ 81% do thương tật), 4.208 Bà mẹ VNAH, trên 14.570 người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ, trên 100 Anh hùng LLVTND và Anh hùng lao động, trên 400.000 người hoạt động kháng chiến giảiphóng dân tộc. Tỷ lệ bình quân cứ 10 người dân có 1 NCC.

Để giải quyết kịp thời chế độ chính sách đối với NCC, trong những năm qua, ngành LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao, trong đó đã làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với NCC, đồng thời triển khai thực hiện các chính sách, quy trình giải quyết chính sách, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Cán bộ ngành LĐ-TB&XH các cấp tích cực nghiên cứu, hướng dẫn, kiểm tra uốn nắn kịp thời phù hợp với hoàn cảnh địa phương, đúng với qui định, nên NCC trong các thời kỳ cách mạng được xác nhận, giải quyết chế độ, hạn chế mức thấp nhất những sai sót, tồn đọng.

Cụ thể là trong 6 tháng đầu năm 2017, đã chi trả trợ cấp cho trên 81.000 đối tượng NCC, thân nhân NCC với tổng kinh phí trên 800 tỉ đồng; tập trung thực hiện các chế độ về vợ liệt sĩ tái giá, người có thời gian công tác làm chuyên gia ở nước Lào, Campuchia, phong tặng, truy tặng danh hiệu BMVNAH, góp phần nâng cao đời sống gia đình NCC bằng hoặc cao hơn mức bình quân nơi cư trú. Theo đó, toàn tỉnh có trên 103.000 NCC được nhận quà tết với tổng số tiền trên 36 tỉ đồng. Tiếp tục duy trì thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với NCC trên địa bàn toàn tỉnh; hướng dẫn đẩy mạnh các hoạt động đóng góp xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, hoàn chỉnh thủ tục đầu tư để triển khai xây dựng tôn tạo các công trình tri ân trong và ngoài tỉnh như: Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng, Nghĩa trang liệt sĩ đường 9, tổ chức an táng 21 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại nước bạn Lào tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Bá Thước.

Lễ tiếp nhận và an táng 21 hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh ở Campuchia tại nghĩa trang liệt sỹ Đồng Tâm, Bá Thước.

Tuy vậy, theo ông Dương Văn Huệ - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thì trong quá trình triển khai thực hiện các chế độ, chính sách với NCC, Thanh Hóa còn gặp phải những khó khăn, vướng mắc đó là: Các văn bản quản lý trong lĩnh vực thực hiện chính sách đối với NCC của Nhà nước từ trước tới nay nhiều, luôn thay đổi theo từng thời kỳ nên dễ gây chồng chéo. Đối tượng chính sách có nhiều loại, nhiều mức trợ cấp nên gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý, thực hiện chế độ chính sách. Một số chính sách được ban hành nhưng khi hướng dẫn thực hiện còn gặp nhiều khó khăn về ngân sách như hỗ trợ nhà cho đối tượng chính sách theo Quyết định số 22 ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách LĐ-TB&XH nói chung và lĩnh vực NCC nói riêng ở các cấp mỏng, khả năng kinh nghiệm yếu, không ổn định đã làm hạn chế đến quá trình thực hiện chính sách. Bên cạnh đó, một số nơi cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm sâu sát đến quá trình triển khai chính sách, việc giải quyết chế độ chưa kịp thời.

Để giải quyết dứt điểm hồ sơ tồn đọng NCC trong năm 2017 mà Bộ LĐ,TB&XH đặt ra, ngành LĐ-TB&XH Thanh Hóa phải làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và toàn thể nhân dân trong tỉnh đối với NCC. Đây cũng là trách nhiệm, đạo lý đối với những người đã có cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc, nhân dân. Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các sở, ban, ngành có liên quan kiểm tra rà soát những trường hợp chưa được xác nhận NCC. Đối với những trường hợp được đề nghị giải quyết chính sách nhưng pháp luật chưa quy định thì kiến nghị Trung ương xem xét giải quyết. Mặt khác cần rà soát, đánh giá một cách cụ thể, khách quan các chính sách đã ban hành, để sửa đổi bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế của từng nhóm đối tượng không còn giấy tờ, hồ sơ, tài liệu chứng minh.

Để kỉ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017), trong 2 ngày 26 và 27/6, Đoàn Đại biểu NCC tỉnh Thanh Hóa do đồng chí Phạm Đăng Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn, cùng đại diện Văn phòng UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH và 70 đại biểu là các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng đã báo công với Chủ tịch Hồ Chí Minh và dự gặp mặt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Thủ đô Hà Nội.

Thay mặt đoàn, đồng chí Phạm Đăng Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo khái quát những thành tựu to lớn mà tỉnh Thanh Hóa đã đạt được trên tất cả các lĩnh vực và khẳng định: tỉnh Thanh Hóa luôn làm tốt công tác chăm sóc NCC, hiện toàn tỉnh đang quản lý hơn 329.800 đối tượng NCC; chi trả trợ cấp cho hơn 81.000 đối tượng hưởng trợ cấp thường xuyên hàng tháng, với số kinh phí 130 tỷ đồng/ tháng; đời sống của các đối tượng chính sách của tỉnh tương đối ổn định, có trên 98% hộ gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú...

Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NCC; tiếp tục rà soát lại các chế độ chính sách đối với NCC để điều chỉnh cho phù hợp hơn với điều kiện hiện nay, đồng thời sẽ có các chương trình, hoạt động nhằm khơi dậy niềm tự hào, nhất là đối với giới trẻ, trước những hy sinh, mất mát to lớn của cha ông, để cùng nhau phấn đấu học tập, làm việc đưa đất nước phát triển giàu mạnh, đấy không chỉ là nhiệm vụ của ngành LĐ-TB&XH mà là nghĩa vụ của những người đang sống làm việc hôm nay tri ân những thế hệ đi trước đã đổ máu xương vì độc lập tự do của dân tộc.

Minh Hội



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]