(vhds.baothanhhoa.vn) - Điểm cực Đông của Tổ quốc ta lại là đảo nhỏ có cái tên thật mơ màng: Đảo Tiên Nữ. Trong hải trình đến với quần đảo Trường Sa, rất ít đoàn công tác được thăm hòn đảo nhỏ xa đất liền nhất, thuộc nhóm những đảo còn nhiều khó khăn gian khổ này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nơi bình minh bắt đầu

Điểm cực Đông của Tổ quốc ta lại là đảo nhỏ có cái tên thật mơ màng: Đảo Tiên Nữ. Trong hải trình đến với quần đảo Trường Sa, rất ít đoàn công tác được thăm hòn đảo nhỏ xa đất liền nhất, thuộc nhóm những đảo còn nhiều khó khăn gian khổ này.

Xuồng rời tàu, xa xa thấy cái chấm bâng khuâng trên biển, cập đảo rồi vẫn thấy hòn đảo này nhỏ bé, nhẹ nhàng như chính cái tên của nó. Ở đây, thời khắc mặt trời nhô lên khỏi biển sẽ diễn ra trước đất liền cả giờ đồng hồ và sớm hơn tất cả điểm đảo khác. Ai quen đón bình minh trên tàu, cũng thức dậy đúng giờ đấy để đón bình minh tại điểm cực Đông, chắc chắn sẽ bị muộn. Hôm qua trên tàu là thế, hôm nay đứng ở đây, bình minh nào giống hôm qua.

Mặt trời to như cái nong từ từ nhô lên phía ngọn hải đăng xa xa. Hải đăng đảo Tiên Nữ có màu sơn vàng nhạt in trên nền trời ảo mộng tạo thành bức tranh đầy li kì, tâm trạng. Ban đầu, sắc màu chưa lung linh nhẹ nhõm ngay đâu, mặt trời, những quầng mây và mặt biển cứ sánh lại như mật, ngắm nghía thôi mà cảm nhận được cả độ ngọt sâu, sau cùng là mặn mòi thấm đẫm. Thế rồi trời như rộng mở ra, thoáng đãng dần, những chòm mây dạt về tứ phía như trẩy hội.

Tôi đã đặt chân tới nhiều vùng miền, nhưng có điều khác biệt là, ở tất cả các điểm cực của Tổ quốc, mỗi khi đứng đó, tim tôi luôn dấy lên cảm xúc đơn côi trong thiêng liêng. Điểm tựa sau lưng ta là Tổ quốc, trước mặt thì xa xăm, vời vợi như không có điểm dừng. Vẫn biết, biển dẫu rộng vẫn đông bàn chân tới. Vẫn biết, đa phần những người đặt chân đến nơi đây đều muốn góp phần nhỏ bé của mình cho “trời yên biển lặng”, cho Tổ quốc vững vàng... Nhưng cảm giác đứng trước biển bỗng thấy mình nhỏ bé và cô đơn thì không ai có thể tránh khỏi. Cảm giác đó, sẽ không bao giờ xuất hiện khi ta đứng ở phố thị hay một vùng đất nào đó được bao bọc, che chở bởi nhà cửa, con người xung quanh. Dường như, vì lẽ đó mà điểm cực Đông - đảo Tiên Nữ- như chứa đựng nguồn năng lượng đặc biệt, cuồn cuộn những cảm xúc thật nồng nàn. Dường như, cũng lại vì lẽ đó mà cảm giác những người lính ở đây lãng mạn hơn. Ngay cả cách những chú chó trên đảo khi gặp khách lạ cứ nghiêng đầu, nũng nịu dụi dụi vào lòng người rồi đưa đôi mắt mơ màng như trẻ thơ nhìn ra xa xăm giống hoài vọng, đợi mong hoặc như thể đã biết buồn trước về một cuộc chia li sắp diễn ra. Không gian ấy sao mà lãng mạn, ngậm ngùi.

Theo truyền thuyết, xa xưa biển Đông quanh năm nổi sóng gió, những con tàu bé nhỏ vẫn ra khơi trong bất trắc và tai họa. Có một nàng tiên bay đến giữa vùng biển này, từ bấy giông gió thôi vùi dập những phận người, từng chuyến tàu lại bám biển, cá đầy ắp khoang, đời sống ngư dân trở nên no ấm. Nơi nàng tiên bay qua và đáp xuống hình thành một bãi cạn, nay là đảo Tiên Nữ. Truyền thuyết “mơ tiên” cũng là một nét văn hóa độc đáo của người Việt. Dù ở bất cứ đâu, non cao hay biển tận thì giấc mơ ấy luôn hiện hữu. Giấc mơ ấy nói nên rằng, đây là đất của “con Lạc cháu Hồng”, đây là biển của nhân dân muôn đời tự hào, gìn giữ. Nàng tiên đã bay đến vùng biển này, người mẹ Việt đã tìm đến hòn đảo này để che chở cho đàn con của mình giữa vùng biển trời mênh mông bão tố. Tiên Nữ không chỉ là hiện thân của dòng máu Tiên - Rồng nơi cực Đông vời vợi mà còn là biểu tượng cho vẻ đẹp biển cả với tinh thần nhân văn đùm bọc của người Việt nơi này.

Đảo Tiên Nữ có vị trí chính trị, quân sự, kinh tế quan trọng, nằm trong khu vực 3 của quần đảo Trường Sa, là một vị trí tiền tiêu để cùng với các đảo khác tạo thành lá chắn ngoài cùng, bảo vệ sườn phía Đông của Tổ quốc. Từ đảo Tiên Nữ đến các đảo Tốc Tan, Núi Le, Phan Vinh và một số đảo ở phía Nam của quần đảo khoảng cách không xa, thuận tiện cho việc trao đổi thông tin và là địa chỉ tin cậy của ngư dân ra khơi đánh bắt hải sản. Vùng đảo nhỏ này có vành đai san hô khép kín, quanh đảo là ngư trường lớn với nhiều loài hải sản quý hiếm như: Cá ngừ, cá mú, cá tráp, tôm hùm... Hiện trên đảo đã có nhà lâu bền, vừa là nơi học tập, sinh hoạt, công tác, ăn ở, nghỉ ngơi, vừa là công trình chiến đấu phòng thủ. Trong lòng hồ có phao buộc tàu, luồng ra vào với tiêu chỉ dẫn thuận tiện cho tàu thuyền.

Mùa khô, mặt biển dịu êm, xanh ngắt, nhìn rõ từng rạn san hô đủ màu sắc dưới biển. Ở rìa Đông của đảo có hai hòn đá mồ côi luôn cao hơn mặt nước biển. Khi thủy triều xuống thấp, toàn bộ vành ngoài mép san hô sẽ nổi cao lên, có thể thong dong đi dạo. Bấy giờ, phương tiện ra vào đảo chỉ có thể là những chiếc thuyền rất nhỏ. Mang cái tên thật dịu dàng nhưng đây là điểm đảo vô cùng kiên cường. Cuối năm 2017, cơn bão số 16 tràn qua khu vực biển Đông, đảo Tiên Nữ là nơi đầu tiên hứng chịu. Rau xanh của đảo hỏng toàn bộ, nhiều thiết bị vật tư hư hại nghiêm trọng nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, màu xanh đã lại phủ khắp. Bộ đội trên đảo còn làm tốt công tác hỗ trợ, cấp cứu ngư dân gặp nạn khi đánh bắt trong vùng biển của đảo. Kỷ niệm bộ đội nhớ nhất là lần cứu một tàu ngư dân ở tỉnh Quảng Ngãi bị sóng biển đánh chìm, trên tàu có 15 người. Mỗi năm, đảo hỗ trợ hàng nghìn lít nước ngọt, nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm và khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho ngư dân... Vừa trò chuyện, chỉ huy đảo vừa chỉ cho chúng tôi thấy tàu ngư dân có cờ Tổ quốc đang đánh bắt cá. Lúc sau, hai người bơi thuyền thúng vào đảo xin xác nhận. Cách họ bơi mủng vào thấy thật đơn sơ, dễ dàng, như thể nhà ta ở đây rồi.

Cách đây hơn ba mươi năm, những người lính công binh đầu tiên bước xuống chiếc bông tông (sà-lan) ra đảo Tiên Nữ. Bấy giờ, đảo chỉ là vùng san hô, sỏi đá, không có cây cối và sự sống. Tất cả vật liệu xây dựng đảo như đá, cát, sắt thép và nước ngọt được chở ra nhúc nhắc từng chuyến một. Mùa khô, khí hậu khắc nghiệt, ngày nắng trên bốn mươi độ C, đêm có khi giông lại nổi lên, mấy chục con người ăn uống sinh hoạt trên chiếc bông tông cũ mà có những hôm sóng dữ bị cuốn phăng ra biển. Chạy đua với thời gian, với sự khắc nghiệt chốn khơi xa, những người lính dốc sức vác đá, xây nhà, quanh năm chân tay trầy xước, nhiều người đổ bệnh vì thiếu rau xanh, ăn nhiều đồ hộp, cường độ lao động lại quá cao. Gian nan vậy nhưng vào những khoảnh khắc được nghỉ ngơi, chỉ với xô chậu, xa xỉ hơn là một cây đàn ghi ta bập bùng giữa muôn trùng sóng, họ hát vang bài hát quê hương.

Vẫn là hình ảnh chiếc bông tông cũ, ở đảo Đá Lớn B, nhiều chục năm về trước, khi chưa dựng được nhà cao chân, những lực lượng đầu tiên ra giữ đảo đã neo trú, sinh hoạt chính trên chiếc bông tông ấy. Đó như một cái phao bập bềnh giữa biển, diện tích khiêm tốn thôi, dài vài chục mét, ngang dăm bảy mét. Sau này, khi xây được đảo với những công trình vững chãi, để khẳng định chủ quyền, chiếc bông tông cũ vẫn “neo” lại bãi cạn Đá Lớn, nằm mãi nơi này. Hồi đầu, bộ đội tận dụng đó làm nơi trồng rau, tăng gia nhưng không hiệu quả lắm bởi vật liệu sắt do khí hậu nắng nóng, hơi mặn ăn mòn chẳng cây trồng, vật nuôi nào sống được. Thế rồi, đầu tiên, có một đôi hải âu vươn khơi bám biển đã lấy đây làm nhà. Tình yêu đơm hoa kết trái, hải âu cái sinh ra những quả trứng và ngày đêm ấp ủ, hải âu đực thì ngày ngày ra biển bắt cá nuôi gia đình. Cuộc sống mưu sinh vất vả, không phải lúc nào cũng có thể thành công. Trong những lần thành công hiếm hoi, chú nhẫn nại mang thành quả về tổ ấm. Đàn hải âu nhỏ lớn lên trong tình yêu thương của mẹ và sự vất vả của cha. Mái nhà nhỏ tràn đầy hạnh phúc mà chẳng thể bình yên. Ngoài kia, vẫn luôn có những gã “hàng xóm” ngày đêm dòm ngó, lấn chiếm, tranh giành...

Từ tổ ấm duy nhất buổi ban đầu, hải âu ngày càng sinh sôi, cả chim từ đâu xa cũng bay về trú ngụ. Mỗi buổi bình minh, bộ đội thi thoảng chạy sang chơi, có chú tò mò, nghịch ngợm xem trứng rồi đưa tay nhón một vài quả, lập tức bị cả đàn hải âu xúm xít đuổi cho. Ấy là đùa vui vậy, chứ lính đảo có tình cảm đặc biệt với loài chim biển, như những người anh em, bè bạn. Khi rảnh rỗi, họ quan sát, ngắm nghía cuộc sống khơi xa của hải âu cho thư thái. Loài chim này nom hiền lành, thơ ngây nhưng bản tính thực ra rất dữ dội. Chúng săn cá thiện nghệ, là sát thủ có khuôn mặt trẻ thơ, đôi lúc con nọ sang nhà con kia, cãi nhau ầm ĩ cả lên. Dầu vậy, chúng luôn bay theo đàn, sống theo đàn, và sẽ là trận chiến thực sự nếu xuất hiện loài chim lạ. Khi ấy, cả đàn hợp sức quyết chiến đến cùng. Bão tố nổi lên, bộ đội lo chung nỗi lo với lũ chim, xót xa nhặt từng mảnh vụn những tổ ấm vừa bị tàn phá. Những ngày không có sóng, ở phía xa khơi này đẹp lắm. Thật khó dùng ngôn từ tả cho hết được cảnh sắc tuyệt vời nơi đây. Trời xanh, mây trắng, nắng vàng, nước xanh như ngọc như ngà... Được cưỡi trên chiếc xuồng chủ quyền, ngắm đàn hải âu bay chấp chới bên trên chiếc bông tông, chợt thấy Tổ quốc mình dài và rộng quá...

Thiết tha, ấm áp nhất ở đảo xa phải kể tới trạm hải đăng. Dăm anh em nhà đèn làm việc, sinh hoạt trong không gian chật hẹp, trồng được thùng rau xanh đã khó khăn chứ chưa nói tới giông gió bão bùng. Đảo Tiên Nữ, hải đăng cách đảo khá xa, cỡ ba hải lý, mỗi khi có công việc hoặc người đau ốm thì anh em lại đi xuồng vào nhờ đồng đội hỗ trợ. Một đồng chí giải thích về nguyên lý hoạt động của hải đăng. Mỗi ngày, trạm trực 24/24, qua ánh sáng của đèn, mọi phương tiện đi biển sẽ xác định đây là chủ quyền của Việt Nam để có phương hướng hoạt động. Ban đêm là thời gian làm việc chính của các nhân sự hải đăng, họ chia ca trực đèn, nắm bắt các thông số kỹ thuật để điều hành, báo cáo về đất liền. Ở trạm hải đăng đảo, có những đồng chí trên 20 năm làm nghề gác đèn khắp quần đảo.

Rời đảo Tiên Nữ, cái tên lãng mạn ấy vẫn đọng lại trong tôi niềm thổn thức đến khó tả. Ai đó nói rằng, dấu vết của nàng tiên như vẫn còn đây, trong buổi bình minh tươi đẹp, màu trời màu nước quyện vào nhau. Và ánh mắt những người lính thật khó bề diễn tả. Họ cứ thầm lặng trong niềm lãng mạn, hào hoa nhưng cũng ngời sáng khí chất vững vàng. Tôi nhớ mãi câu hát của những chiến sĩ trẻ bên cây đàn ghi ta: “Một thời chiến đấu cha tôi anh hùng/ Một thời gian khó mẹ tôi đảm đang/Vẫn giữ nụ cười và tiếng hát át tiếng bom/ Để rồi nay bước trên con đường đời/ Dù bao gian khó, chông gai đời tôi/ Thì đứng dưới bóng cờ, là con tim ngân lên tiếng ca: Đoàn quân Việt Nam đi...”

Lữ Mai - Trần Thành


Lữ Mai - Trần Thành

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]