(vhds.baothanhhoa.vn) - Hơn 40 năm trong nghề, ông lặn lội khắp xứ Đông Dương, khắp các châu lục trên thế giới, riêng ở Việt Nam không có nơi nào không in dấu chân ông. Vừa là nhà biên kịch, vừa là đạo diễn, nhà quay phim và viết lời bình, ông đã xây dựng trên 100 bộ phim khoa học tài liệu. Ông chính là tác giả của 50 bộ phim khoa học nhựa, 4 tập phim truyện “Bỉ vỏ”... Ông là Nguyễn Lương Đức, sinh năm Kỷ Mão (1939) ở làng Phượng Đình, xã Hoằng Anh, huyện Hoằng Hóa (nay là phố Thượng Đình, phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa).

Tin liên quan

Đọc nhiều

NSND Lương Đức: Một đời cho phim khoa học

Hơn 40 năm trong nghề, ông lặn lội khắp xứ Đông Dương, khắp các châu lục trên thế giới, riêng ở Việt Nam không có nơi nào không in dấu chân ông. Vừa là nhà biên kịch, vừa là đạo diễn, nhà quay phim và viết lời bình, ông đã xây dựng trên 100 bộ phim khoa học tài liệu. Ông chính là tác giả của 50 bộ phim khoa học nhựa, 4 tập phim truyện “Bỉ vỏ”... Ông là Nguyễn Lương Đức, sinh năm Kỷ Mão (1939) ở làng Phượng Đình, xã Hoằng Anh, huyện Hoằng Hóa (nay là phố Thượng Đình, phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa).

NSND Lương Đức: Một đời cho phim khoa học

Quê ông bên dòng sông Mã, nằm giữa hai cây cầu huyền thoại: Cầu Tào Xuyên và cầu Hàm Rồng. Từ thuở nhỏ ông luôn nhớ lời người cha căn dặn: “Chỉ có cách duy nhất để thoát nghèo hèn là học, học thật giỏi con ạ!”. Vì thế, 14 tuổi Lương Đức đã là niềm tự hào của gia đình cũng như của dân làng Phượng Đình, với thành tích học sinh gương mẫu được học bổng toàn phần cùng 24kg gạo mỗi tháng. Đầu năm 1955, Lương Đức được gọi ra Hà Nội vừa theo đuổi học hết phổ thông, vừa học chính trị. Thời điểm đó, mỗi tháng thi một lần lấy điểm, phân loại gửi đi các nước đào tạo. Theo tiêu chuẩn, những học viên có điểm từ 9,1 - 10 điểm được đi Đức; từ 8,1 - 9 điểm đi Liên Xô; từ 7,1 - 8 điểm đi Ba Lan, Hungary; từ 6,1 - 7 điểm đi Bulgaria, Romania và từ 5 - 6 điểm thì đi Trung Quốc học nông nghiệp. Chàng trai Lương Đức nằm trong tốp 35 người đạt 9,1 - 10 điểm (điểm cao nhất) được cử đi học tại Lepzich (CHDC Đức) vào năm 1956. Trước đó, nguyện vọng của anh là trở thành thợ lái máy cày trên cánh đồng quê hương, vì thế mọi người vẫn nói đùa rằng: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, ngành Điện ảnh Việt Nam vô tình “nẫng” được của ngành nông nghiệp một tay lái máy cày triển vọng cừ khôi.

Thời gian du học ở Đức chuyên ngành quay phim, Lương Đức đã chọn cho mình dòng phim khoa học làm mục tiêu theo đuổi. Những năm tháng đó anh luôn trăn trở: “Dân mình còn nghèo khổ, lạc hậu, cái nguyên cớ của lạc hậu là không có khoa học - kỹ thuật, không có thông tin, không có kiến thức”. Đấy là những vấn đề mà dòng phim khoa học sẽ phải làm.

Vượt qua mọi thử thách khó khăn trong học tập, với lòng đam mê cũng như nỗ lực khẳng định mình, qua 6 năm đèn sách miệt mài, lại được đào tạo bài bản trong môi trường điện ảnh tiên tiến, chàng trai Lương Đức đã đạt được tấm bằng đỏ danh giá. Thế rồi vào cuối năm 1962, dù đủ tiêu chuẩn ở lại Đức làm việc nhưng chàng trai làng Phượng Đình đã quyết định mang theo trí tuệ và kiến thức đã học trở về phục vụ đất nước.

Công việc đầu tiên khi ông trở về là làm công tác giảng dạy, đào tạo điện ảnh cho Chính phủ Lào. Một năm trời trên bục giảng, ông là người đặt nền móng đầu tiên cho dòng phim khoa học của đất nước bạn. Năm 1964, ông về xưởng phim Tài liệu Trung ương, với những khao khát cháy bỏng được làm phim, được cống hiến cho nền điện ảnh khoa học nước nhà. Năm 1965 ông chính thức bắt tay vào bộ phim “Cá mè đẻ nhân tạo” hướng dẫn người dân nuôi cá mè đẻ nhân tạo dựa trên thành công của Trường Nông nghiệp I, đồng thời cảnh báo nạn hủy diệt môi trường với việc khai thác cá mè bằng lưới vét và chất nổ.

Khi làm phim “Bệnh đạo ôn hại lúa” vì thiếu các thiết bị chuyên dụng, ông mày mò, sáng tạo “gia công theo kiểu Việt Nam” ví như dùng bể kính rộng quay qua lớp kính để tạo nên những hình ảnh sinh động, đầy sức truyền cảm.

Phim khoa học vốn được coi khô khan, giáo điều, nhưng với tài năng của Lương Đức, những câu chuyện đã được mềm hóa, uyển chuyển đầy sức hấp dẫn. Bởi với ông, phim khoa học không chỉ là giáo khoa, phóng sự khoa học nữa mà ông lựa chọn các đề tài khoa học tự nhiên và khoa học xã hội phong phú hơn như: Làng tranh Đông Hồ, Vườn chim Minh Hải, Rừng Cúc Phương, 20 năm sau (chất độc da cam) Việt Nam nhìn từ vũ trụ, Làng quan họ... Với quê hương Thanh Hóa, trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc (1965 - 1966), ông cùng đồng nghiệp đã từng có mặt tại các địa danh Hàm Rồng, Nam Ngạn, Nghĩa Sơn, quay được những thước phim tư liệu quý giá về tinh thần chiến đấu ngoan cường của quân và dân Thanh Hóa anh hùng.

Cuối năm 1989, Lương Đức cùng với đạo diễn Vũ Lệ Mỹ, Lê Mạnh Thích làm 4 tập phim truyện video “Bỉ vỏ” dựa theo tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyên Hồng với sự tham gia diễn xuất của NSND Hoàng Cúc, NS Dũng Nhi. Đây là một trong những bộ phim đạt danh thu cao nhất, hấp dẫn nhất của Điện ảnh Việt Nam vào những năm 1990 - 1991.

Ngoài dòng phim khoa học, phim của Lương Đức còn góp phần giới thiệu cho bạn bè quốc tế về đất nước, con người Việt Nam như các phim: “Ngư dân Vịnh Mốc”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Tây Hồ”, “Phi công mặc áo ngủ”, “Thành đồng Tổ quốc”, “Đất tổ ngàn xưa”, “Vì âm thanh cuộc sống”. Đồng thời ông cũng là cộng tác viên rất tin cậy của hãng phim tài liệu nổi tiếng CHDC Đức trước đây “Heynoski” sản xuất chùm phim tài liệu về Việt Nam và Campuchia gây tiếng vang ở các nước phương Tây, như: “Thành đồng Tổ quốc”, “Chiến dịch Phượng Hoàng”, “Khi ngày đó đã đến”, “Sơn Mỹ”, “Campuchia chết và hồi sinh”, “Angkar”...

Với lòng đam mê công việc, sự cống hiến hết mình cho ngành điện ảnh nước nhà, NSND Lương Đức đã giành 5 giải thưởng quốc tế; nhiều giải tại liên hoan phim quốc gia như: 3 giải Bông sen Vàng cho các phim “Cá mè đẻ nhân tạo”, “Chú ý thuốc trừ sâu”, “Đất Tổ ngàn xưa”, giải tác giả, đạo diễn xuất sắc nhất cho phim “Chú ý thuốc trừ sâu”. Ngoài ra ông còn đạt nhiều giải Bông sen, Cánh diều... Để ghi nhận những công lao cống hiến của Lương Đức, Đảng, Nhà nước, Bác Hồ và một số ngành đã tặng cho ông những danh hiệu cao quý: Nghệ sĩ ưu tú đợt I, Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huy hiệu Bác Hồ, cùng nhiều Bằng khen của các cấp, các ngành. Giờ đây tuổi đã cao nhưng ông vẫn tiếp tục cống hiến và làm việc tại Hà Nội.

NSND Lương Đức là người con ưu tú của xứ Thanh, một nhà báo, nhà giáo, nghệ sĩ, một chuyên gia xuất sắc làm phim khoa học ở Việt Nam, một con người khiêm tốn, giản dị. Ông là tấm gương sáng về tinh thần hiếu học, tinh thần lao động, sự đam mê sáng tạo, xứng đáng để các thế hệ người làm nghệ thuật ngưỡng mộ, học tập...

Đăng Văn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]