(vhds.baothanhhoa.vn) - Ca bệnh cách ly đã có kết quả âm tính và thầy thuốc thăm khám cho bệnh nhân trên bị chính gia đình mình “tẩy chay”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phòng, chống dịch Covid-19: Đừng cảnh giác thái quá

Ca bệnh cách ly đã có kết quả âm tính và thầy thuốc thăm khám cho bệnh nhân trên bị chính gia đình mình “tẩy chay”.

“Thở phào” vì bệnh nhân cách ly đã có kết quả âm tính

Ngày 12/3/2020, ông Nguyễn Văn Ngọc - Giám đốc Trung tâm Y tế, Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Sầm Sơn cho biết: Bệnh nhân N.T.A, sinh năm 1999, trú quán tại thôn Trà Trung, xã Quảng Minh, TP Sầm Sơn được điều trị và cách ly tại cơ sở y tế ngày 9/3, đến ngày 12/3 đã có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19.

Chiều 12/3, khi PV có mặt tại xã Quảng Minh để cập nhật sự việc trên thì bệnh nhân N.T.A. đã được xuất viện, về cách ly tại gia đình.

Như vậy, từ đầu mùa dịch bệnh cho đến nay TP Sầm Sơn vẫn giữ vững là địa phương không có người nhễm bệnh Covid-19.

Đoàn Thanh niên phường Trường Sơn (TP Sầm Sơn) phát khẩu trang miễn phí cho người đi đường.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Ngọc, lý do chị N.T A. phải cách ly tại cơ sở y tế thời gian vừa qua là theo tự khai của chị, quá trình đi bán hàng cho một siêu thị ở Hà Nội từ ngày 2/3 - nơi dịch bệnh trên đang diễn biến phức tạp, chị đã tiếp xúc với nhiều khách hàng, có cả khách nước ngoài. Khi có biểu hiện mệt mỏi, ho, sốt nên chiều 8/3 chị trở về địa phương. Sáng 9/3 gia đình đưa chị đến Trạm Y tế xã Quảng Minh. Qua thăm khám, cán bộ y tế xác định chị bị ho, sốt nên TP Sầm Sơn đã quyết định vận động và đã thực hiện cách ly đối với chị A. để tránh đến mức cao nhất nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch nguy hiểm cho cộng đồng.

Từ kết quả âm tính cũng đồng thời “gỡ bỏ” khuyến cáo hạn chế đi lại, tiếp xúc đối với 3 người trong gia đình bệnh nhân A. và 16 người đi cùng chị trên chuyến xe khách từ Hà Nội về. Giải tỏa phần lớn tâm lý lo lắng, phấp phỏng của bản thân chị A cũng như người thân và nhân dân địa phương và giảm “áp lực” lớn cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Sầm Sơn và xã Quảng Minh.

Đừng cảnh giác thái quá đến mức trở thành “kỳ thị”…

Điều đáng lưu tâm liên quan đến câu chuyện chị A. nói trên là bác sỹ Phạm Văn Thắm - Trưởng trạm Y tế xã Quảng Minh lại bị ngay chính gia đình mình “cảnh giác” thái quá, đến mức cư xử gần như là kỳ thị đối với ông.

PV đã tìm gặp bác sỹ Phạm Văn Thắm để chia sẻ về sự việc trên. Ông kể: Ông là người trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân A. Bệnh nhân mệt mỏi, ho, nhiệt độ cơ thể 37,8 độ C và có dấu hiệu viêm phổi nhẹnên ông báo cáo lãnh đạo xã và Trung tâm Y tế (TTYT) TP Sầm Sơn.

Sau khi xe của Bệnh viện Đa khoa Sầm Sơn đã đưa bệnh nhân đi điều trị cách ly, khoảng buổi trưa hôm đó, cuộc điện thoại đầu tiên là của con gái (đang làm ở một ơ sở Điều dưỡng đóng ở TP Sầm Sơn) gọi cho ông. Con gái ông nói: Bố ơi, tối nay bố đừng về nhà nữa, vì bố đã khám cho người nghi nhiễm bệnh Covid- 19.

Tiếp theo, đến các cuộc gọi của con trai và con dâu ông (đều làm trong cơ quan Nhà nước) với nội dung tương tự, tức các con đề nghị bố tối nay đừng về nhà (?!). Con trai anh còn có ý rõ ràng “quyết liệt” hơn: “Nếu bố cứ về nhà thì con sẽ không về".

Rồi đến vợ ông (đang công tác tại trạm y tế xã lân cận) cũng “alo”, yêu cầu chồng…không về nhà, để giữ an toàn cho gia đình và hàng xóm, cộng đồng…Ông cảm thấy như có một áp lực lớn đè nặng, từ ngay chính những người thân của mình, mà trong đời làm thầy thuốc chưa bao giờ gặp phải tình trạng tương tự?

Sau phút ngỡ ngàng với cách ứng xử của gia đình, anh bình tĩnh “xâu chuỗi” lại sự việc để tìm cách tháo gỡ.

Vị Trạm trưởng giãi bày: Ngay sau khi tôi khám cho bệnh nhân A., có ai đó đã đưa thông tin này lên mạng xã hội. Sau đó liên tiếp có những cuộc điện thoại... của người gần, người xa, hầu như cùng lúc tới tấp hỏi tôi về sự việc trên. Đến mức tôi phải tắt điện thoại vì…căng thẳng và vì không thể nào trả lời cho kịp…

“Hóa ra, do dư luận, trước hết là của người dân địa phương, từ chỗ lo lắng thái quá khi chưa hiểu cặn kẽ về bệnh dịch và về trường hợp cụ thể của bệnh nhân A.; chính dư luận xã hội đã gây áp lực cho tôi và cả gia đình; đến lượt gia đình lại chuyển áp lực đó sang tôi…” - giọng trầm hẳn xuống.

Bác sỹ Thắm còn cho biết, không riêng ông mà các nhân viên khác cũng phải chịuáp lực tương tự. Trạm Y tế xã có 2 nữ nhân viên, vì các cô đều có connhỏ, nên tự giác ở lại Trạm, không về nhà để bảo đảm trong trường hợp xấu nhất vẫn giữ an toàn cho con, cho gia đình, chặn được nguồn lây nhiễm ra cộng đồng. Ngày bận rộn, căng mình chống dịch, đêm đến tình nguyện không về vừa là để trực chuyên môn, vừa như một hình thức “tự cách ly” nhưng các cô cũng buồn lòng, vì giữ như thế mà vẫn như bị kỳ thị bởi chính gia đình! Bởi khi đưa cơm đến cho các cô thì người nhà của một trong 2 nữ nhân viên, đã để phần cơm ở…ngoài cổng Trạm Y tế rồi…ù té chạy!

Trở lại câu chuyện của mình, khi bị gia đình phản ứng thái quá, vị bác sỹ Trưởng trạm đã báo cáo với lãnh đạo TTYT và ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Sầm Sơn, rằng ông đã xác định cho mình thái độ vững vàng trên tuyến đầu công tác phòng, chống dịch ở cơ sở và chỉ thực hiện cách ly tại cơ sở y tế hoặc tại gia đình nếu có quyết định của ngành chuyên môn và ban chỉ đạo TP Sầm Sơn. Nếu gia đình chưa thực sự đồng thuận, ông sẵn sàng ăn, nghỉ tại Trạm để vừa công tác vừa giữ ổn định tâm lý cho vợ con.

Rất may, điều đó đã không xảy ra. Sau khi được ông thông tin, giải thích cặn kẽ trường hợp bệnh nhân A., rằng đây chỉ là trường hợp cách ly để “phòng xa”. Hiện tại cô chỉ có biểu hiện ho, sốt nhưng chưa hề xác định có tiếp xúc với người nhiễm bệnh Covid- 19 và cũng chưa có kết luận cô có dương tính hay không.

Sau khi được ông (cùng với các cán bộ y tế khác) giải thích, gia đình ông đã hiểu ra, vui vẻ, bình thường trở lại và là chỗ dựa cả vật chất và nhất là tinh thân để ông yên tâm công tác.

Ngay tối hôm đó, 9/3Trạm trưởng Y tế xã Quảng Minh đã về nhà, sum họp với vợ con như mọi ngày. Kết thúc thúc một ngày “sóng gió” trong tâm can đối với ông và cả gia đình ông.

Với việc bệnh nhân A. có kết quả âm tính, câu chuyện trên đã kết thúc “có hậu”, nụ cười tươi tắn đã trở lại trên môi vị bác sỹ Trường trạm y tế xã.

Đâu là “bài học”?

Xét đến cùng, “sóng gió” không đáng có này, do áp lực của dư luận. Mà áp lực dư luận lại do sự thiếu hiểu biết về dịch bệnh Covid- 19 và không tìm hiểu cặn kẽ trường hợp cách ly.

Thêm một minh chứng cho thấy: Trong công cuộc chống “giặc” Covid-19 này thì sự hiểu biết và tự giác của mỗi người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống, nhất là phòng bệnh, thông qua các khuyến cáo của Bộ Y tế, các cơ quan Y tế, ban chỉ đạo các địa phương (trong đó có tuyên truyền trực tiếp và thông qua báo chí) là quan trọng biết dường nào.

Mặt khác, cũng đã “cảnh báo” mọi người: đừng vì “cảnh giác” thái quá mà đẩy lên thành sự kỳ thị với những người liên quan, có thể gây tổn thương cho người bị kỳ thị, thậm chí có thể vi phạm nhân quyền. Đồng thời tác động ngược trở lại gây tâm lý sợ hãi, hoang mang cho cộng đồng, hoàn toàn không có lợi cho công tác chống dịch đang được ngành Y tế và toàn Đảng, toàn dân đang đẩy lên cao trào.

Đinh Ngọc Diệp


Đinh Ngọc Diệp

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]