(vhds.baothanhhoa.vn) - Mặc dù UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết liệt chỉ đạo về chấn chỉnh việc khai thác và tập kết cát trái phép, nhưng trên địa bàn huyện Quan Hóa, tình trạng khai thác và tập kết cát trái phép vẫn diễn ra rầm rộ. Chỉ cần đi dọc theo hai tuyến QL15 và đường Hồi Xuân - Tén Tằn (DT520), không khó để phóng viên bắt gặp những núi cát nằm ngay chình ình giữa thanh thiên bạch nhật. Dưới dòng sông Mã, sông Luồng là những chiếc tàu sắt đang gầm vang, đua nhau móc ruột sông sâu đưa cát lên bãi tập kết mà không bị chính quyền xử lý.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Quan Hoá: Sông sâu bị rút ruột

Mặc dù UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết liệt chỉ đạo về chấn chỉnh việc khai thác và tập kết cát trái phép, nhưng trên địa bàn huyện Quan Hóa, tình trạng khai thác và tập kết cát trái phép vẫn diễn ra rầm rộ. Chỉ cần đi dọc theo hai tuyến QL15 và đường Hồi Xuân - Tén Tằn (DT520), không khó để phóng viên bắt gặp những núi cát nằm ngay chình ình giữa thanh thiên bạch nhật. Dưới dòng sông Mã, sông Luồng là những chiếc tàu sắt đang gầm vang, đua nhau móc ruột sông sâu đưa cát lên bãi tập kết mà không bị chính quyền xử lý.

Cát tặc thi nhau móc ruột lòng sông

Cuối tháng 11, từ trung tâm thị trấn huyện Quan Hoá, chúng tôi ngược dòng sông Mã, sông Luông theo hai tuyến QL15 và đường Hồi Xuân - Tén Tằn (DT520) chỉ đếm sơ bộ cũng có đến cả chục núi cát mới được tập kết ngay bên đường. Tại địa bàn xã Phú Lệ có đến 2 bãi tập lớn đến hàng nghìn khối cát, không những thế ngay sát chân cầu vượt trên QL15 một bãi tập kết gần như chắn toàn bộ phần hành lang thoát lũ phía dưới chân cầu. Tại bản Đỏ, xã Phú Thanh có ít nhất 5 bãi tập kết mỗi bãi cũng có cả hàng ngàn khối cát. Tại bản Nà, bản Lếp, bản Ken xã Nam Tiến và bản Cuông xã Trung Xuân tình trạng khai thác và tập kết cũng diễn ra khá rầm rộ.

Theo một số người dân xã Phú Thanh, xã Phú Lệ: Nạn khai thác và tập kết đã diễn ra từ nhiều năm nay, chính quyền địa phương đã nhiều lần xử lý nhưng chỉ được vài hôm im ắng, sau đó hoạt động rầm rộ trở lại. Ở đây có nhiều chủ cát lớn điển hình như ông Cự, bà Khuyên, ông Trung, mỗi người có vài ba bãi dọc theo tuyến QL15. Cát ở đây được bán với mức giá thấp nhất là khoảng 150 nghìn đồng/m3 tại bãi.

Qua điều tra của phóng viên, khối lượng cát được tập kết ở dọc tuyến QL15 chủ yếu là “cát lậu” được các chủ bãi hút trực tiếp từ dưới sông lên tạo thành bãi lớn rồi bán kiếm lời. Khi khan hiếm các chủ cát dùng thuyền đi dọc sông để khai thác hoặc mua lại từ các thuyền “cát tặc”. Cát ở đây chủ yếu cung cấp cho người dân địa phương và bán sang tỉnh Hòa Bình.

Nhiều tàu đang bơm hút cát dưới lòng sông ngay trước trụ sở UBND xã Phú Thanh.

Buông lỏng quản lý?

Tại thời điểm phóng viên làm việc với ông Cao Xuân Nhuận - Chủ tịch UBND xã Phú Thanh (huyện Quan Hóa) thì dưới sông Mã việc khai thác cát vẫn diễn ra rầm rộ ngay trước công sở chỉ khoảng 100m. Theo quan sát, tại thời điểm này có khoảng 4 chiếc tàu sắt đang cắm vòi xuống lòng sông để hút cát trái phép lên bờ. Tiếng máy nổ liên tục gào thét, nhả khói đen xì cả một vùng trời. Khi phát hiện có người đứng trên sân trụ sở UBND xã chụp ảnh xuống, thì tất cả tàu hút cát nhanh chóng tấp vào bờ và tắt máy án binh bất động.

Trao đổi với phóng viên, ông Cao Xuân Nhuận - Chủ tịch UBND xã Phú Thanh cho biết: Khu vực bản Đỏ là nơi tập kết cát trái phép từ nhiều năm nay. Nhưng khu vực này đang tranh chấp địa giới hành chính (chưa thống nhất) từ lâu nên tình trạng tập kết cát trái phép rất khó xử lý. Gần đây huyện cũng đã có quyết định xử phạt đối với ôngLê Quang Trung, địa chỉ tại bản Đỏ xã Phú Thanh, số tiền phạt 35.000.000 đồng; bà Hà Thị Khuyên, địa chỉ tại bản Đỏ xã Phú Thanh, số tiền phạt 4.000.000 đồng; ông Nguyễn Văn Cự, địa chỉ tại Xóm Co Lương, xã Vạn Mai, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, số tiền phạt 50.000.000 đồng.

Khi được hỏi trách nhiệm về việc quản lý cũng như ngăn chặn việc tập kết cát trái phép của xã đến đâu? ông Nhuận cho hay: Thực ra ngăn chặn việc tập kết là rất khó, vì nhu cầu của dân cần cát để xây dựng. Nếu không cho họ tập kết thì họ mang sang bên Hòa Bình, người dân mình phải sang đó mua thì giá còn cao hơn. Nếu bây giờ ngăn chặn thì Thanh Hóa và Hòa Bình cùng làm thì mới ngăn chặn được.

Còn hộ gia đình ông Nguyễn Văn Cự bị xử phạt 50.000.000 đồng nói: “Nếu bây giờ mà cấm thì cấm hết, chứ không thể cấm mình gia đình tôi được. Tôi cũng không hiểu vì sao nhà bà Khuyên làm cũng như tôi mà bị phạt có 4.000.000 đồng. Ngoài ra còn nhiều gia đình khác làm như chúng tôi cũng không thấy ai phạt”.

Việc tập kết cát trái phép trên địa bàn huyện Quan Hóa đã rõ. Tuy nhiên, không hiểu vì sao bất chấp việc xử phạt và ngăn chặn nhưng việc khai thác và tập kết cát vẫn diễn ra? Để rộng đường dư luận, phóng viên đã đến văn phòng UBND huyện Quan Hoá đặt lịch làm việc để làm rõ thông tin nhưng tất cả lãnh đạo đều bận... và không có lịch hẹn cụ thể.

Phạm Vượng


Phạm Vượng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]