(vhds.baothanhhoa.vn) - Giật mình khi chứng kiến tuyến đê Trung ương (cấp I, cấp II) tả, hữu sông Chu đoạn qua địa bàn các huyện Thiệu Hóa, Thọ Xuân, dù mới được đầu tư, nâng cấp hàng trăm tỷ đồng, nhưng đã nhanh chóng bị biến dạng, xuống cấp nghiêm trọng bởi vấn nạn xe quá tải hoành hành, ngày đêm cày xới. Câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai thì ban ngành chức năng, chính quyền địa phương lại đang “đá bóng” lẫn nhau?

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sau nghiệm thu, hàng loạt dự án đê Trung ương bị biến dạng

Giật mình khi chứng kiến tuyến đê Trung ương (cấp I, cấp II) tả, hữu sông Chu đoạn qua địa bàn các huyện Thiệu Hóa, Thọ Xuân, dù mới được đầu tư, nâng cấp hàng trăm tỷ đồng, nhưng đã nhanh chóng bị biến dạng, xuống cấp nghiêm trọng bởi vấn nạn xe quá tải hoành hành, ngày đêm cày xới. Câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai thì ban ngành chức năng, chính quyền địa phương lại đang “đá bóng” lẫn nhau?

La liệt những “luống cày” trên mặt đê trung ương

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, “kêu cứu” từ người dân các huyện Thiệu Hóa, Thọ Xuân sinh sống dọc tuyến tả, hữu sông Chu về việc hàng loạt dự án nâng cấp, sửa chữa tuyến đê Trung ương trọng yếu vừa bàn giao nghiệm thu và đưa vào sử dụng chưa bao lâu đã gần như bị biến dạng, xuống cấp. Đê hư hỏng khiến cho nhu cầu đi lại, vấn đề môi sinh cũng như tiềm ẩn nỗi lo liên quan trực tiếp đến sinh mạng hàng ngàn hộ dân khi mùa mưa bão cận kề. Thật không dám tin vào thực tại khi các dự án đầu tư cả trăm tỷ mới đưa vào sử dụng vào cuối tháng 4 năm nay lại nhanh chóng hư hỏng, xuống cấp, biến dạng nếu như không trực tiếp “mắt thấy, tai nghe” những gì người dân phản ánh.

Theo quan sát của chúng tôi, nhiều đoạn tuyến của đê Trung ương tả, hữu sông Chu này gần như bị “biến dạng” hoàn toàn bởi những lằn, lún, bong tróc, nứt gãy và những “luống cày” liên tục xuất hiện trên mặt đê. Có thể kể như: đoạn k19+800 - k22, k6 - k15+800 (đê tả sông Chu); k16+700 - k24+142 (đê hữu sông Chu, địa bàn huyện Thọ Xuân)... Vất vả lắm, chúng tôi mới có thể di chuyển hết con đê, bởi nhiều vị trí, đoạn tuyến hư hỏng nghiêm trọng, có tổng chiều dài lên tới hàng trăm mét. Bên cạnh đó, cả tuyến đê, gần như không còn thấy sự xuất hiện của các khung kiểm soát tải trọng, cũng như lực lượng chức năng kiểm soát, thay vào đó là hàng loạt các xe tải trọng lớn chở cát, vật liệu đang rầm rầm, ì ạch trườn mình qua lại trên đê.

Đê mới làm nhưng tỷ lệ hư hỏng, xuống cấp còn nghiêm trọng hơn tuyến đê bê tông cũ. Đáng quan ngại khi tuyến đê ngoài chức năng hộ đê, bảo vệ hàng ngàn sinh mạng trước mỗi mùa lũ còn là tuyến giao thông kết nối giữa các xã, và liên huyện Thiệu Hóa, Thọ Xuân. Chỉ mươi phút mục sở thị, hình ảnh các phương tiện xe cơ giới, mô tô xen lẫn với các xe tải trọng lớn chở cát, vật liệu chen chúc nhau qua lại. Nhiều tình huống khiến chúng tôi không khỏi thót tim khi nguy cơ tai nạn gần như cận kề với người tham gia giao thông, tại các điểm tránh né xe tải trọng lớn ngay những vị trí đê hư hỏng.

Tuyến đê hữu sông Chu mới được nghiệm thu, đưa vào sử dụng chưa bao lâu đã xuống cấp nghiêm trọng.

Một hộ dân xã Xuân Hồng (huyện Thọ Xuân) cho biết: “Cả tuyến đê hữu sông Chu gần chục cây số qua địa bàn xã bị xuống cấp nghiêm trọng. Trước khi có dự án thảm nhựa mới, nó được cứng hóa bằng bê tông. Tuy nhiên, do nạn xe quá tải hoành hành nên đã nhanh chóng xuống cấp nghiêm trọng, không thể đi lại. Nhiều lần kiến nghị cử tri, phản ánh của nhân dân, báo đài và sau nguy cơ mất an toàn mùa lũ năm 2017 thì những dự án thảm nhựa tuyến đê mới được triển khai. Người dân không khỏi vui mừng khi nỗi lo của đê, nỗi thống khổ của dân đã được các cấp ngành chức năng “thấu cảm”.

Trở về thực tại, hộ dân này không khỏi bức xúc cho rằng: “Những tưởng các cấp ngành chức năng bỏ cả trăm tỷ đồng ra đầu tư mới để nhân dân đi lại thì cũng đồng nghĩa với việc “siết chặt” công tác quản lý xe quá khổ, quá tải lâu nay. Tuy nhiên, do buông lỏng công tác quản lý giao thông, tuyến đê mới chỉ thông tuyến, đưa vào sử dụng từ cuối tháng 4/2020 tới nay đã bị “biến dạng” nghiêm trọng?”.

Vì đâu nên nỗi? Theo tìm hiểu của phóng viên cho thấy, dọc tuyến tả, hữu sông Chu qua địa bàn 2 huyện này vốn là nơi tập kết của nhiều bãi chứa cát sỏi, cũng như các mỏ cát xây dựng được cấp phép hoạt động. Mặc dù, tuyến đê không thiếu biển hiệu ghi rõ tải trọng giới hạn từ 12 tấn trở xuống, nhiều vị trí được đặt khung hạn chế tải trọng. Tuy nhiên, vì sao mỗi ngày, tuyến đê Trung ương này vẫn phải oằn mình, cõng gánh hàng trăm lượt xe tải trọng khủng lên tới vài chục tấn lưu thông qua lại? Phải chăng có sự hậu thuẫn?

Trách nhiệm thuộc về ai?

Ông Lê Ngọc Long - Chủ tịch UBND xã Xuân Hồng, huyện Thọ Xuân bức xúc: Tuyến đê hữu sông Chu đoạn qua địa bàn xã có tổng chiều dài hơn 7km. Tuy nhiên, có tới 2 mỏ cát xây dựng và 2 bãi tập kết cát. Hàng ngày lưu lượng xe chở cát hoạt động liên tục là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đê xuống cấp. Bên cạnh đó, sau khi triển khai dự án xử lý cấp bách đê hữu sông Chu thì hàng loạt các khung hạn chế tải trọng “biến mất”?! Địa phương cũng đã báo cáo vấn đề này lên Chi cục Đê điều.

“Về phạm vi quản lý, địa phương chỉ quản lý trong phạm vi hành chính xã về mặt quản lý nhà nước, còn vấn đề xe quá khổ, quá tải thì đã có khung tải trọng và công an giao thông” - ông Long nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Cao Bát Chí - Phó Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT, thuộc Sở NN&PTNT Thanh Hóa thừa nhận tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của tuyến tả và hữu sông Chu, trong đó tuyến hữu sông Chu xuống cấp nghiêm trọng hơn. Đồng thời khẳng định, trách nhiệm thuộc về đơn vị quản lý sử dụng.

Cũng theo ông Cao Bát Chí, hiện tại ban đã báo cáo lên sở, lên tỉnh về vấn đề này. Nguyên nhân rõ ràng là do xe quá tải trọng hoành hành, tuyến tả và hữu có nhiều bãi tập kết cát cũng như các điểm mỏ hoạt động. Việc tuyến đê chỉ giới hạn không quá 12 tấn nhưng các xe tải trọng lớn lên tới 20 - 30 tấn hoạt động, đó là nguyên nhân.

Về giải pháp sắp tới như thế nào? Ông Chí khẳng định, đơn vị đã báo cáo lên trên. Riêng phía các nhà thầu họ rất bức xúc và cho rằng sẽ không chịu trách nhiệm việc đê xuống cấp. Phía Bảo hiểm dự án cũng khẳng định chỉ chịu trách nhiệm trước thiên tai, bão lũ...

Rõ ràng, đê hư hỏng, tiềm ẩn nguy cơ trước mỗi mùa mưa lũ, nguồn vốn từ Trung ương đã được cấp kịp thời để địa phương triển khai dự án. Còn dự án mới triển khai xong, nghiệm thu và đưa vào sử dụng chưa bao lâu đã xuống cấp nghiêm trọng trước mùa mưa lũ, trách nhiệm thuộc về ai? Nguyên nhân do đâu? Thực tế khi phóng viên đặt câu hỏi với chính quyền cấp xã thì câu trả lời là dự án của Sở NN&PTNT. Quản lý quá tải là trách nhiệm của công an giao thông. Trong khi đó, chủ đầu tư dự án thì khẳng định, trách nhiệm thuộc về đơn vị quản lý sử dụng. "Quả bóng trách nhiệm” cần được cấp ngành chức năng xác định rõ.

Các dự án xử lý cấp bách đê tả, hữu sông Chu được đầu tư sau sự cố ảnh hưởng của bão, lũ năm 2017 trên địa bàn huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa. Các dự án được Chủ tịch UBND tỉnh giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Tổng kinh phí 150 tỷ đồng, nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương, thuộc phạm vi huyện Thọ Xuân và Thiệu Hóa. Đến nay, các công trình đã được nghiệm thu, hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối tháng 4/2020 để đảm bảo tiến độ đề ra, đáp ứng yêu cầu phòng chống lụt bão.

Đình Giang


Đình Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]