(vhds.baothanhhoa.vn) - Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Nhiều doanh nghiệp bị hủy đơn hàng, thiếu nguyên liệu nên đã phải giảm dần số lao động.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ứng phó với dịch Covid-19: Cùng người lao động vượt khó

Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Nhiều doanh nghiệp bị hủy đơn hàng, thiếu nguyên liệu nên đã phải giảm dần số lao động.

Hiện nay, đa phần các DN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn đang duy trì, ổn định được sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động (NLĐ). Tất cả các chế độ quyền lợi của công nhân (CN), NLĐ vẫn được các DN thực hiện đầy đủ, đúng theo quy định như: Lương, phụ cấp chuyên cần, xăng xe, nuôi con nhỏ... Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều đơn hàng đã bị hủy hoặc giãn tiến độ giao hàng, nên đã buộc các doanh nghiệp phải giảm dần số lao động.

Tính đến ngày 26/3, đã có một số doanh nghiệp giày da chấm dứt hợp đồng và thanh toán đủ tiền công đối với những lao động đang trong thời gian thử việc. Trong đó, Công ty TNHH giày RollSport Việt Nam cắt giảm 460 lao động; Công ty TNHH giày Aleron Việt Nam cắt giảm 370 lao động; Công ty TNHH giày Annora Việt Nam cắt giảm 443 lao động; Công ty THHH giày SunJade Việt Nam cắt giảm 48 lao động. Để đảm bảo việc làm thường xuyên cho 80.000 lao động còn lại, Tập đoàn Hồng Phúc, doanh nghiệp đang có 10 nhà máy sản xuất trên địa bàn tỉnh, đã lên phương án cắt giảm khoảng 10.000 lao động đối với lao động có hợp đồng dưới một năm, đồng thời xây dựng phương án cho các giai đoạn tiếp theo cho đến khi dịch bệnh được khống chế.

Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm số lao động.

Ông Ngô Tôn Tẫn - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: “Xác định dịch Covid-19 là yếu tố khách quan đã tác động xấu đến tình hình sản xuất của các DN, nguy cơ DN phải thu hẹp sản xuất, NLĐ có nguy cơ mất việc làm là điều chúng tôi cũng đã đặt ra. Chính vì vậy, LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các tổ chức công đoàn cơ sở tuyên truyền cho CN, NLĐ hiểu, và chia sẻ những khó khăn của DN. Thời điểm này, nếu như DN chậm trả tiền lương, chậm trả các chế độ khác thì NLĐ cũng phải chấp nhận, chia sẻ với DN, không được lấy lý do đó để kích động, không phối hợp với các DN, gây mất an ninh, trật tự trên địa bàn. Mặt khác, LĐLĐ tỉnh cũng yêu cầu các tổ chức công đoàn cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động CN, NLĐ, nếu dịch bệnh Covid-19 kéo dài, buộc DN phải thu hẹp sản xuất, hoặc phải tạm ngừng sản xuất mà dẫn đến một số bộ phận CN, NLĐ phải nghỉ việc thì cũng phải vui vẻ, chấp hành.

“Đây là lúc thể hiện sự đồng hành, chia sẻ khó khăn của các tổ chức công đoàn với DN và NLĐ. Tuy nhiên, nếu vì bất khả kháng do dịch bệnh Covid-19 gây ra mà DN thiếu nguyên liệu, không tiêu thụ được sản phẩm, dẫn đến việc phải giảm CN, NLĐ, thì yêu cầu chủ sử dụng lao động phải thông tin cho chủ tịch công đoàn cơ sở về kế hoạch sản xuất, kế hoạch cắt giảm NLĐ, cũng như chính sách hỗ trợ, đền bù đối với CN, NLĐ bị mất việc làm, để công đoàn cơ sở tuyên truyền, phổ biến đến từng CN, NLĐ hiểu, cùng hợp tác theo đúng quy định của Bộ Luật Lao động hiện hành”, ông Ngô Tôn Tẫn cho biết thêm.

Theo thống kê của các công đoàn cơ sở, ngay từ đầu năm các DN trên địa bàn đã tuyển dụng thêm khoảng 1.500 lao động vào thử việc (chưa ký hợp đồng lao động) để phát triển sản xuất, đảm bảo đúng tiến độ các đơn hàng. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 kéo dài, nguyên liệu đầu vào thiếu, sản phẩm tiêu thụ chậm, nên các DN đã dừng thử việc đối với số lao động đang trong thời gian thử việc nói trên. Theo báo các từ các công đoàn cơ sở, một số DN đã lên kế hoạch, nếu như dịch Covid-19 vẫn kéo dài, nguyên liệu sản xuất vẫn thiếu, sản phẩm chưa tiêu thụ được, thì buộc DN phải chấm dứt hợp đồng đối với số CN, NLĐ ký hợp đồng lao động có thời hạn 1 năm.

Ông Vũ Công Thắng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty May xuất khẩu Trường Thắng cho biết: “Hiện công ty có hơn 1.000 lao động, thực hiện hợp đồng may gia công trực tiếp cho đối tác là Trung Quốc, Hồng Kông, sau khi thành phẩm sẽ xuất sang thị trường châu Âu, Mỹ. Do dịch bệnh, nguyên liệu sản xuất thiếu, từ tết đến nay công ty đã cắt giảm từ 5 - 10% lao động các bộ phận gián tiếp. Đây là quyết định rất khó khăn, nhưng vì sự sống còn của doanh nghiệp, chúng tôi đành phải cắt giảm lao động gián tiếp. Tới đây khả năng rất cao là phải ngừng sản xuất, vì thiếu nguyên liệu”.

Sáng ngày 1/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020 với nội dung trọng tâm là bàn về các chính sách an sinh xã hội hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo đó, dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19: Từ tháng 4, 5, 6, NLĐ bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ 1.800.000 đồng/người/tháng; hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng tới người lao động, thời gian hỗ trợ trong 3 tháng, từ tháng 4, 5, 6 cho NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm; người sử dụng lao động được vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội với lãi suất 0% với mức vay tối đa là 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng/người để trả lương người lao động bị ngừng việc trong 3 tháng. Thời hạn vay không quá 12 tháng...

Chị Đoàn Thị Hiền - Công nhân công ty TNHH giày SunJade Việt Nam chia sẻ: “Trong tình hình hiện nay, người lao động cũng phải có trách nhiệm san sẻ với người sử dụng lao động trong thời gian nhất định, khi vượt qua giai đoạn này thì chúng tôi hy vọng sẽ được quay trở lại công ty để tiếp tục công việc của mình. Thời điểm hiện tại, sau khi nghỉ việc thì tôi cũng như một số công nhân khác cũng không thể tìm được công việc khác, đành phải ở nhà chờ đợi cho dịch đi qua và công ty được hoạt động trở lại bình thường”.

Đông Hoàng


Đông Hoàng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]