(vhds.baothanhhoa.vn) - 25 năm (từ 1984-2009) bỏ hẳn máy ảnh để mưu sinh, cứ nghĩ anh chẳng có duyên gì với nghệ thuật nói chung và nhiếp ảnh nói riêng. Ấy thế mà anh trở lại. Không còn hình ảnh một ông công chức văn hóa mẫn cán, một ông chủ doanh nghiệp, cái tên Vũ Lâm Thảo đã tạo dấu ấn đặc biệt với người mê ảnh, yêu văn hóa xứ Thanh.

Vũ Lâm Thảo: Chưa một ngày nào tôi không mở máy ảnh

25 năm (từ 1984-2009) bỏ hẳn máy ảnh để mưu sinh, cứ nghĩ anh chẳng có duyên gì với nghệ thuật nói chung và nhiếp ảnh nói riêng. Ấy thế mà anh trở lại. Không còn hình ảnh một ông công chức văn hóa mẫn cán, một ông chủ doanh nghiệp, cái tên Vũ Lâm Thảo đã tạo dấu ấn đặc biệt với người mê ảnh, yêu văn hóa xứ Thanh.

Vũ Lâm Thảo: Chưa một ngày nào tôi không mở máy ảnhNghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Lâm Thảo.

Sống ở Thọ Xuân, anh chụp nhiều về mảnh đất này. Hơn thế, đề tài miền Tây xứ Thanh luôn hấp dẫn anh. Anh cùng mấy “tay máy” thân thiết tụ lại tạo nên Nhóm nghệ sĩ nhiếp ảnh miền Tây xứ Thanh. Họ thường xuyên, mỗi tháng ít nhất một lần chọn địa điểm nào đó để đến và khám phá. Vì miền Tây xứ Thanh gần với vị trí anh sống chăng? “Không, đó chỉ là cái cớ. Hơn hết, tạng chúng tôi hợp với cuộc sống của người miền Tây. Chúng tôi như thổ công, thổ địa của vùng này. Gặp và tiếp xúc với những người mộc mạc, chân tình, không rườm rà khiến chúng tôi dễ gần, dễ tạo xúc cảm”, nghệ sĩ Vũ Lâm Thảo chia sẻ.

Có lẽ vì thế mà ảnh của Vũ Lâm Thảo rất đời thường. Đó là những cọn nước, là thiếu nữ tắm suối, là những sinh hoạt mà con người dễ bộc lộ và sống thật với mình nhất. Khi tôi hỏi, cái thời khắc giơ máy ảnh lên, anh nghĩ điều gì?, Vũ Lâm Thảo nói: “Thực ra cũng đa dạng lắm, nhưng với tôi là ý tưởng và kỹ thuật. Tôi có thể tạo tứ trước sau đó đi vào bố cục, chọn cảnh, hoặc tìm nơi chụp, sau đó tìm tứ, ghép tứ”. Có hiểu những chuyện bếp núc của các nghệ sĩ mới biết, họ chẳng đơn giản chỉ giơ máy lên chụp và chụp, họ không phải thợ chụp.

“Tôi bắt đầu cầm máy ảnh khi 15 tuổi, chủ yếu là theo ông anh đi làm ảnh dịch vụ kiếm tiền. Sau đó tôi về làm công chức ở Phòng Văn hóa của UBND huyện Thọ Xuân. Lúc đó tôi đã đi học những khóa nhiếp ảnh, rồi có thời gian học âm nhạc ở Trường Trung cấp văn hóa nghệ thuật (nay là Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa). Khi đời sống kinh tế khó khăn, lại đúng vào đợt tinh giản biên chế, năm 1984, tôi xin nghỉ chế độ và về nhà kinh doanh vàng bạc. Kể từ ấy đến năm 2009, nhờ một lời rủ rê, cộng thêm điều kiện kinh tế khá giả mà tôi quay lại chụp chơi”, Vũ Lâm Thảo cho biết.

Càng chơi càng mê. Ngay cả anh cũng không ngờ cuộc chơi đó lại nhiều ý nghĩa đến vậy. “Tôi đã thỏa sự đam mê, nhận được sự trân trọng của mọi người, cuộc sống của tôi có ý nghĩa hơn nhiều”- đó là chia sẻ của nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Lâm Thảo. Vì thế, chỉ sau 2 năm quay trở lại với nghề, anh đã trở thành Hội viên hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Trong vòng 5 năm, “giải thưởng không nhớ hết, số lượng huy chương vàng, huy chương bạc quốc tế cũng rất nhiều và được nhận tước hiệu nghệ sĩ nhiếp ảnh quốc tế xuất sắc EFIAP”. Danh sách giải thưởng ấy không thể nói anh đến với nhiếp ảnh như đi chơi, vì một tay ngang có thể chỉ ăn may một lần, chứ không thể thường xuyên nhìn thấy được những khoảnh khắc kỳ diệu của thiên nhiên và con người.

Hẳn nhiều người biết, để có một bức ảnh đẹp, nghệ sĩ có thể bố trí công phu, tìm kiếm nhân vật mẫu, kỹ thuật bố cục, ánh sáng, nhưng sự khó nhọc lăn lê bò toài vài ngày cuối cùng vẫn có thể nhận được tác phẩm không ưng ý. Vũ Lâm Thảo cho rằng, với nhiếp ảnh, thời tiết đóng vai trò quan trọng, quyết định cảm xúc của nghệ sĩ, tạo gam màu cho ảnh.

Vũ Lâm Thảo: Chưa một ngày nào tôi không mở máy ảnhTác phẩm “Thiếu nữ Thái” của Vũ Lâm Thảo.

Anh chia sẻ: “Thế hệ chúng tôi may mắn khi bước chân vào nhiếp ảnh, dẫu khó khăn nhưng là khó khăn chung của xã hội, ngoài sự đam mê của cá nhân, còn có sự dìu dắt của những người đi trước như các nghệ sĩ nhiếp ảnh: Trần Đàm, Lưu Trọng Thắng... Nhiều người nói với nhau, muốn anh ta lụi bại thì trao cho máy ảnh. Trước đây thì phải có tiền để mua giấy, mua phim, còn giờ đây là chi phí đi lại. Mọi người muốn đi du lịch một chuyến thì phải dồn góp cả năm, nghệ sĩ nhiếp ảnh vì đam mê mà tháng nào cũng đi, tuần nào cũng đi. Nhưng tôi vẫn nghĩ khó khăn duy nhất của người làm nghệ thuật là vượt qua được mình, dám đi đến tận cùng đam mê rồi mới tới vấn đề kinh tế”.

Điều này lý giải người trẻ ít tham gia vào hội văn học nghệ thuật, một phần vì chưa đủ say mê, phần còn lại là họ còn lo cuộc sống mưu sinh hàng ngày. Hầu hết những nghệ sĩ nhiếp ảnh hiện nay đều có thu nhập từ ngành nghề khác. Vũ Lâm Thảo có điều kiện kinh tế khá giả hơn vì Doanh nghiệp vàng bạc Thảo Liên ở Bái Thượng của anh hoạt động hơn 30 năm nay, đất Thọ Xuân này ai cũng biết.

Hơn 10 năm làm Phó Ban nhiếp ảnh Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, đến nay cũng gần 70 tuổi, Vũ Lâm Thảo nói: Nếu để tổng kết những năm tháng hoạt động nghệ thuật của mình thì tôi chỉ biết nói: Vui vẻ và biết ơn. Tôi biết ơn những bậc đàn anh đã dìu dắt. Nhờ họ mà tôi tự tin bước vào nghề, được kích thích sự sáng tạo, được đóng góp một phần mình vào sự thành công chung của văn nghệ xứ Thanh.

Tuy vậy, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Lâm Thảo vẫn còn chút nuối tiếc vì “chưa nỗ lực hết mình, có những điều mình muốn mà chưa làm được. Giờ đây khi có đủ đầy về vật chất thì lại thiếu sức khỏe”. Tâm trạng đó tôi nghĩ chẳng riêng gì anh, nhất là 2 năm nay tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn ra, các văn nghệ sĩ không có điều kiện đi thực tế sáng tác. Vũ Lâm Thảo khoe với tôi: “Mình tiêm đủ 2 mũi vắc-xin rồi, từ giờ đủ điều kiện để đi nhiều hơn, hoạt động mạnh hơn”.

Cuộc sống thời COVID-19 vốn không dễ dàng với bất kỳ ai, với nghệ sĩ lại càng không bình thường. Nói là nói vậy, nhưng chính cái đời thường lại làm nên sự sống động cho nghệ thuật, “chưa một ngày nào tôi không mở máy ra. Có nhiều điều xung quanh cần tôi ghi lại lắm”.

CHI ANH


CHI ANH

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]