(vhds.baothanhhoa.vn) - Vì thiếu công ăn việc làm, từ nhiều năm nay, tình trạng người dân vùng nông thôn ở Thanh Hóa vượt biên trái phép sang Trung Quốc tìm việc làm diễn ra phổ biến. Đây là một việc làm trái pháp luật, nhiều rủi ro đối với người lao động.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vượt biên sang Trung Quốc lao động ‘chui’ - Thực trạng và hệ lụy (Kì 1): Vượt biên tìm miền ‘đất hứa’

Vì thiếu công ăn việc làm, từ nhiều năm nay, tình trạng người dân vùng nông thôn ở Thanh Hóa vượt biên trái phép sang Trung Quốc tìm việc làm diễn ra phổ biến. Đây là một việc làm trái pháp luật, nhiều rủi ro đối với người lao động.

Sau Tết Nguyên đán nhiều người dân không có việc làm, trong khi phía Trung Quốc có nhu cầu tuyển dụng người làm cho các gia đình và doanh nghiệp tư nhân với mức lương chào mời cao nên nhiều người đã không ngần ngại khăn gói lên đường vượt biên trái phép sang Trung Quốc tìm giấc mộng đổi đời. Nhu cầu tìm việc làm là chính đáng nhưng cũng vì thiếu hiểu biết thông tin, không ít người đã tự gánh lấy họa vào thân.

Dễ như... đi vượt biên

Theo tìm hiểu thông tin được biết, người lao động Việt Nam muốn vượt biên qua Trung Quốc làm việc chủ yếu đi theo 4 cửa khẩu chính: Cửa khẩu Chima - Lạng Sơn, Móng Cái, Cao Bằng, Lào Cai. Trong đó, đi nhiều nhất là 2 cửa khẩu Chima (Lạng Sơn) và Móng Cái. Nếu muốn qua Trung Quốc làm việc, người đi chỉ phải bỏ ra 1.000 - 1.500 tệ, tính theo tiền Việt Nam khoảng 3-4 triệu đồng cho môi giới. Khi vượt qua được cửa khẩu trót lọt, người lao động được môi giới bên phía Trung Quốc đưa đến các xưởng làm việc, và tất nhiên những người lao động sẽ chẳng biết nơi mình làm việc ở đâu.

Quyết tâm làm rõ hành trình của những người lao động vượt biên qua Trung Quốc làm việc “chui”, nhờ giới thiệu tôi đã kết nối được với một người tên Tr.V.B., quê ở Hậu Lộc - một “cò” chuyên đưa người lao động qua Trung Quốc làm việc. Trong vai người muốn sang tỉnh Quảng Đông làm việc nên nhờ B. hướng dẫn thủ tục, cách thức.

B. cho biết: “Vé đi là 3,5 triệu đồng theo cửa khẩu Lạng Sơn, còn Móng Cái thì 3 triệu, phải đi qua sông, sau đó mới có xe chở đến chỗ làm, nếu bỏ thêm 300.000 đồng nữa thì bọn anh sẽ làm luôn giấy thông hành để đi qua cửa khẩu mà không phải vượt sông. Đồng ý thì 2-3 ngày nữa có mấy người đi thì đi cùng luôn, tiền nong qua này thanh toán cho anh”.

Nếu em đi đường Móng Cái, thêm 300.000 đồng nữa để không phải vượt qua sông cụ thể như thế nào? Tôi hỏi lại, và B. cho hay: Khi đồng ý đi, xe ra tới Móng Cái sẽ có người liên lạc gặp và cầm chứng minh nhân dân của các em đi đăng ký giấy thông hành, có giấy rồi thì mọi người thoải mái qua cửa khẩu, qua đây sẽ có xe đón đưa đi.

Vậy khi qua được cửa khẩu, lên xe là coi như trót lọt đúng không? Tôi tiếp tục hỏi B., B. phân tích: qua cửa khẩu chỉ là đỡ phải vượt sông thôi, còn khi lên xe, trên đường đến chỗ làm rất nhiều chốt kiểm tra, nếu bị phát hiện kiểm tra thì bị đuổi thẳng về nước lại, nó sẽ đỡ hơn đường sông là khi vượt qua sông, nếu bị bắt sẽ bị tạm giam, nhanh thì 2-3 ngày, chậm từ 3 đến 6 tháng mới được thả.

Rủi ro, đầy nguy hiểm

Sau khi đồng ý với giá 3 triệu đồng để được qua làm việc tại Trung Quốc theo cửa khẩu Móng Cái. Lúc này, người môi giới cho thông tin của một số người khác ở các xã lân cận cũng đang chuẩn bị đi để chúng tôi liên hệ với nhau, nhằm cùng nhau thuê xe đi ra cửa khẩu Móng Cái.

Cuộc sống của lao động “chui” ở nước sở tại.

Ngày 25/02, sau khi liên lạc, nhóm tổng cộng có 6 người và đã thuê chiếc xe 7 chỗ đi từ thị trấn Hậu Lộc thẳng ra bến xe Móng Cái. Tại đây, chúng tôi gặp Vũ Văn Kh., một người làm nghề lái đò trên sông Ka Long tại một quán nước chè phía ngoài cổng Bến xe khách Móng Cái. Kh. cho biết mình cùng nhóm với anh B. và bảo mấy anh em chờ Kh. một chút vì đang bận việc với mấy người khác cùng bàn. Sau một hồi, thấy Kh. hẹn thời gian, địa điểm và chiều tối nay sẽ đưa sang Đông Hưng (Trung Quốc).

“Khi qua được sông, mọi người sẽ phải chèo qua một hàng rào thép cao, tiếp đó, đi bộ qua bên kia đường, sẽ có xe tới đưa mọi người đi đến nơi làm việc. Nhớ trên đường đi, hạn chế nói chuyện nhằm tránh bị lộ là người Việt Nam” Kh. nhắc mọi người trước lúc lên xe máy phóng đi.

Tối hôm đó, Kh. gọi điện thông báo chuyến vượt sông bị hoãn, lý do Công an cả Trung Quốc lẫn Việt Nam tuần tra liên tục, nhất là sau thông tin xe khách chở người lao động chui tại Trung Quốc bị lật chết hơn 40 người ngày mùng 5, mùng 6 Tết nên càng khiến công an siết chặt hai bên bờ sông. Kh. cũng nói thêm, bây giờ không biết chắc chắn khi nào đi được, nên mọi người chủ động về, khi nào đi được anh B. sẽ liên lạc với mọi người.

Sau khi nhóm vượt biên qua đường Móng Cái không thành, trên xe trở về quê, một người tên Q. đã liên hệ với một phụ nữ tên M., đây cũng là một người môi giới đưa lao động qua Trung Quốc nhưng lại chuyên đi theo cửa khẩu Chima (Lạng Sơn). Trao đổi với người phụ nữ này xong, Q. thông báo lại với mọi người trên xe là vài ngày nữa ai đi thì tập hợp lại địa điểm cũ (thị trấn Hậu Lộc) để bàn bạc, thuê xe đi lên Lạng Sơn.

Q. cho biết, cửa khẩu Chima mình đã đi rồi, đi cửa khẩu này vất vả hơn nhiều nhưng tỉ lệ thành công thì cao. Đầu tiên khi đi đến bến xe khách Lạng Sơn, thuê tiếp xe khách chạy đến địa điểm để bắt đầu vượt biên, mọi người sẽ phải băng rừng, vượt suối mất khoảng 45 phút, qua bên kia sẽ có xe đưa người từ bìa rừng vào tới khu dân cư rồi đổi qua xe khác để chạy đến chỗ làm, ước lượng cũng mất gần 10 tiếng, có khi hơn vì trên đường đi có rất nhiều trạm kiểm tra, khi đó mọi người phải xuống xe, đi bộ vòng qua các đồi núi...

Xe chở người lao động từ bến xe Lạng Sơn đến địa điểm vượt biên bị lật tại đường Thanh Lòa chiều ngày 29/2.

Sáng ngày 29/2, mọi người đã thống nhất xong và bắt xe đi Lạng Sơn, tôi không tham gia cùng. Đến chiều cùng ngày, mọi người báo về xe bị lật tại đường Thanh Lòa (tỉnh Lạng Sơn), khi chiếc xe 7 chỗ đang đưa mọi người từ bến xe khách Lạng Sơn đến địa điểm vượt biên thì bất ngờ bị lật, trên xe khi đó có tổng cộng 14 người, bao gồm người của những đoàn đi khác. Cũng may là không ai tử vong hoặc bị thương nghiêm trọng, chỉ có một người bị gãy xương vai phải nằm tại BV Lạng Sơn. Những người khác tiếp tục băng rừng qua Trung Quốc.

Dù biết là nguy hiểm, có thể bị bắt giữ bất cứ lúc nào, nhưng thanh niên nhiều vùng nông thôn ở Thanh Hóa vẫn chấp nhận ra đi.

Doãn Tài


Doãn Tài

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]