(vhds.baothanhhoa.vn) - Xã hội hóa vừa là động lực vừa là cách thức huy động tổng lực hệ thống chính trị vào cuộc để làm tốt có hiệu quả việc xây dựng nông thôn mới mà nguyên tắc xã hội hóa dựa trên cơ sở nhà nước và nhân dân cùng làm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xã hội hóa là động lực xây dựng NTM thành công

Xã hội hóa vừa là động lực vừa là cách thức huy động tổng lực hệ thống chính trị vào cuộc để làm tốt có hiệu quả việc xây dựng nông thôn mới mà nguyên tắc xã hội hóa dựa trên cơ sở nhà nước và nhân dân cùng làm.

Trong công cuộc đấu tranh cách mạng, Đảng, Nhà nước đã khởi xướng và chỉ đạo nhiều phong trào yêu nước sôi nổi rộng lớn có tác động mạnh mẽ đến các nhiệm vụ chiến lược kháng chiến kiến quốc thành công: chống Pháp, chống Mỹ và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi. Các phong trào ấy đã tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân, tầng lớp tôn giáo, già, trẻ, trai gái từ miền xuôi đến miền ngược tự giác tích cực đồng lòng thực hiện trên mọi lĩnh vực, kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng trong cả nước và đã trở thành động lực quan trọng để cách mạng toàn thắng.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Đảng và Bác Hồ đã đề ra nhiều phong trào yêu nước như “Diệt giặc đói, giặc dốt”, “Đại đoàn kết dân tộc, giúp nhau sản xuất, chống đói nghèo”, “Xóa mù chữ”, “Tòng quân cứu quốc”, “Tiết kiệm”,... Kế tiếp các phong trào thi đua trong thời chiến, khi hòa bình lập lại giang sơn quy về một mối, Đảng và Nhà nước ta đã chỉ đạo nhiều phong trào mới cho công cuộc kiến quốc xây dựng chủ nghĩa xã hội như “Doanh nhân thành đạt”, “Xây dựng làng văn hóa”, “Xây dựng văn hóa ở khu dân cư”, “Dạy tốt học tốt”, “Vì nhân dân quên mình, phục vụ Tổ quốc”... Gần đây Đảng ta đã chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, một phong trào khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực mà chủ yếu là mối quan hệ giữa nông dân, nông thôn và nông nghiệp ở thời kỳ hội nhập.

Xây dựng nông thôn mới là tâm tư, nguyện vọng và là nhu cầu cần thiết của dân, tinh thần ấy, nảy sinh một cách khách quan ở làng quê Việt Nam, Đảng, nhà nước đã nắm bắt nhu cầu, mong muốn ấy của nhân dân để đề ra chủ trương chỉ đạo và có cơ chế chính sách thích hợp cho phong trào xây dựng nông thôn mới vận hành và phát triển một cách tích cực, đúng hướng. Trong cuộc vận động, xây dựng nông thôn mới, Đảng ta khuyến khích, mở rộng đòn bẩy xã hội hóa, xã hội hóa vừa là động lực vừa là cách thức huy động tổng lực hệ thống chính trị vào cuộc để làm tốt có hiệu quả việc xây dựng nông thôn mới mà nguyên tắc xã hội hóa dựa trên cơ sở nhà nước và nhân dân cùng làm, được biểu hiện 4 nội dung:

Một là, nhân dân làm chủ trong việc sáng tạo cách làm để thực hiện thành công các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Chủ trương của Đảng là định hướng chỉ đạo thông qua cơ chế chính sách của Nhà nước từ khâu quy hoạch đến kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trọng đại này ở địa phương. Không ai khác, chính người dân, bản làng, thôn xóm đều tham gia ý kiến sát đúng vào quy hoạch, phương hướng cho lộ trình xây dựng nông thôn mới. Và vì vậy, chính quần chúng nhân dân là người vận dụng cơ chế chính sách để sáng tạo cách làm, vừa đỡ tốn kém lãng phí tiền của mà vẫn đảm bảo được chất lượng, bền vững, hợp lòng dân. Nhiều địa phương đã biết lồng ghép các phong trào thi đua như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào xây dựng làng văn hóa, cơ quan, trường học, văn hóa,... tạo ra sức mạnh toàn diện về mặt tinh thần trong dân để tiến hành các nhiệm vụ cụ thể xây dựng nông thôn mới. Nhiều địa phương chọn đúng mục tiêu trong 19 tiêu chí để tìm cách làm, tiêu chí nào làm trước, tiêu chí nào làm sau cho phù hợp với điều kiện ở địa phương, đảm bảo chất lượng lâu bền. Trong quá trình thực hiện các tiêu chí, nhiều địa phương đã không cứng nhắc mà biết khai thác lợi thế hợp lý phát huy tác dụng nhiều trạm xá, nhà văn hóa, chợ,... có thể vận dụng địa thế xã nào gần nơi huyện, thị có sẵn bệnh viện, nhà văn hóa, chợ,... gần xã thì không cần xây dựng nữa mà có thể khai thác cơ sở đó để phát huy tác dụng vừa đỡ tốn kém mà vẫn đủ nội dung của 19 tiêu chí.

Hai là, xã hội hóa trong việc xây dựng nông thôn mới là nhân dân chủ động tự giác bỏ tiền, của và công sức lao động để làm, có sự hỗ trợ của Nhà nước mà chủ yếu là cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương thực hiện tốt các tiêu chí theo quy định.

Nhân dân các địa phương từ làng, xã, thôn, xóm đã thấu hiểu chính những công trình họ xây dựng, sáng tạo ra là để phục vụ nhu cầu cho chính họ như đường làng, đường liên thôn liên xã, trạm xá, trường học, các công trình văn hóa như di sản kiến trúc đền, chùa, nhà văn hóa,... Do đó mà nhiều điển hình ở cơ sở trong cả nước họ đã hy sinh quyền lợi cá nhân như đất ruộng, đất vườn, cây lâu năm ăn quả, cây làm gỗ, thậm chí có gia đình phải dỡ đi phần nhà để làm đường bê tông, công trình hoặc trường học. Quá trình xã hội hóa đã tăng thêm sự nhận thức đúng đắn tích cực của người dân về việc đóng góp nhân tài vật lực vào xây dựng các tiêu chí là tôn vinh giá trị của bản thân mình đối với cộng đồng để được tham gia hưởng thành quả do những cá nhân mang lại.

Hội làng - nông thôn mới (Ảnh tư liệu)

Ba là, xã hội hóa đã tạo ra chất lượng hưởng lợi, không ai khác chính là người dân tại địa phương mà họ đang lao động và sinh sống ở nông thôn mới. Đảng ta chủ trương xây dựng nông thôn mới, mục đích cuối cùng là làm cho mọi người dân mà cụ thể là nông dân, người lao động ở nông thôn, bản làng có được một cuộc sống ấm no, tốt đẹp hơn nhiều trên mọi lĩnh vực. Từ những nhận thức ban đầu muốn có ấm no, hạnh phúc, người nông dân được sự lãnh đạo của Đảng, họ tìm đến mục tiêu đổi đời không những cho người lớn mà cả tương lai cho con cái phát triển mọi mặt, không những bây giờ mà còn cho cả mai sau. Không có gì khác nông dân phải sáng tạo cách làm, đầu tư hợp lý vào việc xây dựng nông thôn mới. Chính vì thế, ngay cả tiêu chí về môi trường, người dân đều phải chủ động, áp dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật mà nhà nước hướng dẫn để tự giác làm theo, phục vụ sức khỏe cho chính họ và biết gắn nó vào mục đích phát triển du lịch nhất là vùng miền núi, hải đảo, ven biển. Nhiều xã, làng từ vùng núi xa xôi đến đồng bằng nhờ có chủ trương xã hội hóa của Đảng mà nhiều huyện trong tỉnh đã có đường liên thôn, liên xã, trường học, bệnh viện, trạm xá khang trang, giúp người dân có đời sống kinh tế văn hóa tiến bộ, phát triển, chất lượng cuộc sống ngày càng tốt hơn. Ngay trong việc dồn điền dồn thửa, lúc ban đầu hầu như nhiều người không thấu đáo song khi đã thực hiện chính những người dân đã phải nói lên nhờ có chủ trương này của Đảng mà chúng tôi đỡ tốn công, tiết kiệm lao động, chi phí chăm sóc ruộng đồng, có đường vận chuyển nhanh hơn đem lại lợi ích cao hơn so với trước đây.

Bốn là, xã hội hóa trong quá trình xây dựng nông thôn mới phải gắn liền với sự quản lý của Nhà nước. Quản lý nhà nước chính là nhà nước đề ra cơ chế chính sách để các địa phương các ngành chung sức, chung lòng nhằm tạo ra sức bật mang tính đòn bẩy để nhân dân vận dụng thực hiện đem lại hiệu quả cao mà mục tiêu là xây dựng thành công bền vững nông thôn mới. Nhà nước ngoài việc tạo ra những hành lang pháp lý, còn hỗ trợ một phần kinh phí chủ đạo hợp lý tiếp sức cho các địa phương tiến hành các hạng mục mà sức dân không đảm đương được, như cơ sở hạ tầng, phúc lợi văn hóa dân sinh có quy mô lớn.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới có những vấn đề nảy sinh như di tích lịch sử, di sản thiên nhiên, cây di sản hàng trăm năm tuổi cần được bảo tồn để phát huy truyền thống và góp phần vào du lịch cộng đồng, một nhu cầu của du khách gần xa trong thời kỳ hội nhập. Những mâu thuẫn về bảo tồn và phát triển là những vấn đề hiện nay có những ý kiến trái chiều vì vậy rất cần có sự quản lý của Nhà nước thông qua Luật Di sản. Điều đáng mừng là sau khi được các cơ quan chức năng quản lý di sản, nhân dân chính quyền địa phương đã đồng thuận để kết hợp việc xây dựng đường liên thôn liên xã, xây dựng công trình thủy lợi, dồn điền đổi thửa một cách hợp lý mặc dù có tốn kém công sức, chi phí nhưng vẫn bảo tồn được các công trình kiến trúc đền chùa, cây cổ thụ ở nông thôn. Những tiêu chí mà nhân dân bỏ tiền của, công sức và có sự hỗ trợ của Nhà nước đã hoàn thành phát huy tác dụng, nâng cao chất lượng cuộc sống bản làng cần được duy trì, nhất thiết phải có sự quản lý của Nhà nước để công trình ấy có giá trị lâu bền. Quản lý nhà nước thực chất không những thường xuyên theo dõi kiểm tra, bảo vệ, thưởng, phạt mà nhà nước còn phải đầu tư hợp lý có trọng điểm để tạo điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa, an sinh xã hội ở địa phương. Nhiều tỉnh thành trong cả nước đã đề ra quy chế văn hóa ứng xử trong đó có văn hóa giao thông, dựa trên tinh thần luật định của Nhà nước. Chi tiết cụ thể cho các đường làng, liên thôn, liên xã, đòi hỏi ý thức tham gia phương tiện đi lại phải tuân thủ quy định Luật Giao thông của pháp luật. Để duy trì bền vững chất lượng nông thôn mới ở các tiêu chí, ngoài sự nỗ lực năng động làm chủ trên mọi lĩnh vực kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương không thể không có sự quản lý của Nhà nước thông qua cơ chế chính sách hỗ trợ nông dân, nông nghiệp về vốn kinh doanh, sản xuất và đào tạo cán bộ quản lý khoa học kỹ thuật. Xã hội hóa trong quá trình xây dựng nông thôn mới không thể không gặp những khó khăn, vì thế nhà nước và nhân dân cùng làm cũng có nghĩa mọi việc phải được công khai dân chủ, bàn bạc để đồng thuận từ người quản lý đến người lao động, thì khó khăn nào cũng có thể khắc phục để hoàn thành nhiệm vụ. Hiện nay, tình trạng chạy theo thành tích, làm nửa vời hoặc có nơi làm mãi mà chưa hoàn thành như vấn đề môi trường, thoát nghèo bền vững, học sinh đến trường ở miền núi, khám chữa bệnh, vấn đề dân trí không đồng đều,... là những khó khăn đang đặt ra để các cấp, ngành ở địa phương chỉ đạo tìm cách khắc phục. Xây dựng nông thôn mới là một vấn đề lớn mà Đảng ta khởi xướng và chỉ đạo trong đó chủ trương xã hội hóa là cách làm hiệu quả nhất, tự dân sáng tạo, đóng góp tiền của, lao động, nhà nước tạo điều kiện cơ chế chính sách để dân làm và nhân dân hưởng lợi từ việc xây dựng nông thôn mới.

Trên tinh thần Nghị quyết XII của Đảng, với ý thức, trí tuệ sáng tạo đổi mới, tin chắc rằng công cuộc cách mạng trong nông dân ở nông thôn cả nước sẽ dành được nhiều thành công vẻ vang, góp phần đưa nước ta sớm trở thành nước công nghiệp hiện đại và phát triển.

Hoàng Hoa Mai


Hoàng Hoa Mai

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]