(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Trong những năm qua nhờ xuất khẩu lao động (XKLĐ) mà nhiều gia đình, nhiều vùng quê đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Thế nhưng không ít trường hợp lao động xuất khẩu vì lợi ích trước mắt của bản thân, đã làm xấu đi hình ảnh, nét đẹp văn hóa con người Việt Nam ở nước sở tại, ảnh hưởng tới thương hiệu quốc gia.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xuất khẩu lao động - Những gam màu sáng, tối (kỳ 1): Chuyến đi đổi đời

(VH&ĐS) Trong những năm qua nhờ xuất khẩu lao động (XKLĐ) mà nhiều gia đình, nhiều vùng quê đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Thế nhưng không ít trường hợp lao động xuất khẩu vì lợi ích trước mắt của bản thân, đã làm xấu đi hình ảnh, nét đẹp văn hóa con người Việt Nam ở nước sở tại, ảnh hưởng tới thương hiệu quốc gia.

Việc đưa lao động đi xuất khẩu đang mang lại hiệu quả rất tích cực, người dân không những thoát nghèo mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương. Quan trọng hơn, nhờ đi XKLĐ mà nhiều người đã được học, được đào tạo nghề trong môi trường chuyên nghiệp.

Đổi thay nơi vùng quê

Xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương là một trong những xã có tỷ lệ người đi xuất khẩu lao động cao. Tính từ cuối năm 2015 đến nay, toàn xã có 134 người đi xuất khẩu tại các nước. Chị Nguyễn Thị Oanh, cán bộ chính sách xã chỉ tay về những ngôi nhà tầng, nhà bằng khang trang san sát nối nhau, hồ hởi cho biết: “Khoảng 5 năm trở lại đây, nhờ thanh niên đi XKLĐ mà nhiều căn nhà tạm bợ trong xã được thay thế bằng nhà bê tông khang trang kiên cố. Nhiều hộ gia đình thuộc diện nghèo nhưng nhờ con cái tu chí làm ăn bên xứ người nên có tiền xây dựng nhà cửa khang trang”.

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Mai Ngọc Sang ở thôn Chính Đa, ngôi biệt thự nhỏ được gia đình anh xây dựng từ năm 2007 với đầy đủ tiện nghi, vật dụng hiện đại. Anh Sang kể: Trước đây cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn, nhà ba miệng ăn chỉ trông vào một sào ruộng, đã có lúc gia đình lâm vào cảnh chạy ăn từng bữa.

Với mong muốn thoát nghèo, năm 2000 vợ chồng gạt nước mắt, gửi con cho ông bà nội ngoại rồi sang Hàn Quốc lao động. Sau mấy tháng, khi đã quen việc, thu nhập của anh chị đạt 15 - 20 triệu đồng/ tháng/ người. Với bản tính tiết kiệm, chịu khó sau 6 năm trở về anh chị đã có một số vốn lớn với hơn 1 tỷ đồng. Với tiền lao động ở xứ người, anh chị đã tạo vốn sản xuất, kinh doanh.

Giờ đây, cuộc sống vật chất của gia đình anh Sang đã thuộc vào diện “sang” ở trong xã, với ngôi biệt thự nhỏ trên diện tích 1.500m2. Không những thế với nghề cơ khí được học ở bên Hàn, anh đã tự mở xưởng cơ khí tư nhân. Hiện xưởng cơ khí của anh tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động với mức lương đạt 9 triệu đồng/ tháng/ người và 6 lao động thời vụ. Còn chị Lan mở cửa hàng buôn bán nhỏ. Hai vợ chồng đều việc đều tay, thu nhập hàng tháng đạt trên 20 triệu đồng.

Xưởng cơ khí tư nhân của gia đình anh Mai Ngọc Sang.

Cách gia đình anh Sang không xa là gia đình anh Nguyễn Văn Xoan, được người trong vùng gọi là “Xoan đất”, bởi anh đang sở hữu nhiều lô đất có giá trị cao. Cuộc sống trước đây của anh Xoan rất vất vả, dù xoay đủ mọi nghề nhưng kinh tế vẫn không khá lên được. Sau 5 năm đi XKLĐ ở Hàn Quốc trở về, cuộc sống của vợ chồng anh đã thay đổi hẳn. Với mức lương gần 2.000 USD, trừ chi phí, hàng tháng anh đều gửi về nhà khoảng 1.700 USD. Số tiền tiết kiệm được anh đầu tư vào bất động sản.

Mặc dù, đang được hưởng số lương đáng mơ ước nhưng anh vẫn quyết tâm về nước đúng thời hạn để đầu tư và chăm lo cho con cái học hành. Anh nói: “Năm đó bạn bè ai cũng rủ ở lại nhưng tôi nghĩ dù có nhiều tiền đến đâu mà con cái không được chăm lo, để chúng hư hỏng thì ân hận lắm. Với lại mình là người Việt Nam, tội gì phải đánh mất danh dự, để trốn chui lủi ở xứ người làm gì”. Với suy nghĩ đó, sau khi trở về nước anh đầu tư cho con cái học hành đến nơi đến chốn, hiện nay hai con trai của anh đều là chiến sỹ công an.

Những công dân như vợ chồng anh Sang, anh Xoan… đang góp phần tích cực “thay da đổi thịt” cho vùng quê Quảng Chính, nâng mức thu nhập bình quân của xã đạt 26,3 triệu đồng/ người/ năm. Ông Hoàng Trọng Hạnh - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Việc đưa lao động đi xuất khẩu đang mang lại hiệu quả rất tích cực, người dân không những thoát nghèo, đầu tư cho con cái học hành mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Quan trọng hơn, nhờ đi XKLĐ mà nhiều người đã được học, đào tạo nghề trong môi trường chuyên nghiệp. Sau khi trở về, có vốn, họ tự mở cửa hàng, phát triển nghề nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế xã. Ngoài ra, người lao động còn được rèn luyện lề lối, tác phong công nghiệp có tác dụng lớn trong công việc của họ sau này”.

Thêm vào đó, đã có nhiều lao động sau khi trở về từ Hàn Quốc có tay nghề tốt đã được các công ty của Hàn Quốc đóng tại Việt Nam đề nghị ký hợp đồng làm việc với mức lương cao.

XKLĐ tạo cho nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Ở một góc độ khác, những người Thanh Hóa đi lao động tại nước ngoài đã góp phần không nhỏ để giới thiệu và quảng bá về nét văn hóa, đức tính con người Việt Nam cần cù chịu thương chịu khó. Điều này thêm khẳng định chủ trương đúng đắn đưa lao động đi xuất khẩu của Đảng, Nhà nước.

Nối dài những chuyến đi

Theo báo cáo của Sở LĐ,TB&XH tỉnh, năm 2015 Thanh Hóa đã tuyển chọn đào tạo 17.000 lao động và đã đưa được gần 10.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đây là năm Thanh Hóa đưa được nhiều người đi XKLĐ đông nhất so với những năm gần đây. Thị trường tiếp nhận nhiều lao động là Đài Loan, Ảrập-Xêút, Malaysia, Nhật Bản... Trong năm 2016, tỉnh phấn đấu tiếp tục đưa 10.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó 7 huyện nghèo đưa được 2.500 lao động.

Đặc biệt, sau 1 thời gian tạm dừng, Hàn Quốc đã mở cửa trở lại tiếp tục tiếp nhận lao động Việt Nam. Từ đầu tháng 6/2016, Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh Hóa (thuộc Sở LĐ,TB&XH) bắt đầu mở lại chương trình đào tạo tiếng Hàn dành cho các lao động có nhu cầu đi xuất khẩu. Hiện tại, trung tâm đang tổ chức 5 lớp đào tạo tiếng Hàn với khoảng 200 học viên theo học.

Đại diện lãnh đạo Sở LĐ,TB&XH cho biết: Để đạt mục tiêu trong năm 2016, Ban chỉ đạo XKLĐ tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra, đặc biệt là kiểm tra giám sát việc tổ chức thực hiện của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương cấp xã. Tạo điều kiện để người lao động thuộc đối tượng đi XKLĐ được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động con em, gia đình có người lao động đã hết thời hạn lao động trở về nước đúng thời hạn nhằm xây dựng, giữ gìn hình ảnh của lao động Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]