(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Sau gần 2 tháng từ Ả Rập Xê Út trở về Việt Nam, những vết thương trên người Thu đã dần mờ đi… Còn với Hào, sau gần 1 năm từ Angola về nước, anh vẫn chưa lấy lại được số tiền hơn 1 tỷ đồng bị lừa trên đất khách… May mắn, cả Thu và Hào đã được trở về quê mẹ, dù sự trở về ấy mang nhiều cay đắng…

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xuất khẩu lao động - Những gam màu sáng, tối (kỳ 2): Đường về trong nước mắt

(VH&ĐS) Sau gần 2 tháng từ Ả Rập Xê Út trở về Việt Nam, những vết thương trên người Thu đã dần mờ đi… Còn với Hào, sau gần 1 năm từ Angola về nước, anh vẫn chưa lấy lại được số tiền hơn 1 tỷ đồng bị lừa trên đất khách… May mắn, cả Thu và Hào đã được trở về quê mẹ, dù sự trở về ấy mang nhiều cay đắng…

Nỗi buồn đất khách

Ngày 5/4/2016, Nguyễn Thị Thu, sinh 1993 ở xã Đông Quang (Đông Sơn) đã có mặt tại Ả rập Xê Út để làm giúp việc gia đình với mức thu nhập tối thiểu hàng tháng là 1.500 SAR (khoảng 8,7 triệu đồng tiền Việt Nam). Em đi theo hợp đồng tuyển dụng của Công ty Xuất khẩu lao động Sadaco. 3 ngày sau khi đến nước người, em đã bị người chủ tên Nashmay Moryzik Shafaka Alshamri ở thủ đô Riyadh, K.S.A đánh vì em không đi cùng gia đình người chủ này ra sa mạc để dự một buổi liên hoan.

Không chỉ dừng ở đây, nửa tháng sau em còn bị chủ tát vào mặt khi sang nhà hàng xóm xin Wifi để liên lạc về với gia đình qua Zalo. Và em còn bị đánh vài lần sau đó khi sử dụng điện thoại.

Và ngày 15/5/2016, may mắn, Thu đã được trở về Việt Nam sau hơn 1 tháng làm giúp việc nơi xứ người. Trở về nước, Thu chỉ được chủ trả cho 500 SAR (gần 3 triệu tiền Việt Nam). Nhưng số tiền này đã bị “chặn” ngay ở Văn phòng đại diện của Công ty Xuất khẩu lao động Sadaco bên Ả Rập Xê Út khi em từ nhà chủ về văn phòng này để đợi bay sang Việt Nam. Chỉ trong 1 ngày chờ đợi, văn phòng đã yêu cầu Thu nộp lại 500 SAR để lo cơm nước.

Như vậy là Thu trở về Việt Nam không có một đồng tiền trong người. Lương 1.500 SR/tháng, em chỉ được 500 SAR/1 tháng 10 ngày, và cuối cùng thì chỉ 1 ngày ăn cơm, em phải trả 500 SAR.

Trở về Việt Nam nhưng những vết sẹo do bị đánh đập ở nước ngoài của Thu vẫn chưa mờ.

Còn Nguyễn Văn Hào, sinh 1987 ở xã Tây Hồ (huyện Thọ Xuân) cũng không có tiền khi về quê hương, đau hơn là Hào còn phải lo hơn 1 tỷ đồng thì mới được “chuộc” về Việt Nam. Sau 3 năm làm ăn bên Angola, Hào thành tay trắng.

Năm 2012, Nguyễn Văn Hào đã nộp 130 triệu đồng để sang Angola bằng con đường “chui”. Sang được một thời gian, em đã cùng một người bạn mở một nhà hàng. Cuối năm 2014, được sự giới thiệu của bạn bè, Hào đã làm thêm dịch vụ chuyển tiền cho người Việt đang làm việc ở Angola. Hào đã bị Nguyễn Thị Kim Chi và Hồ Quốc Hùng - người cùng làm chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng.

Ngày về ngập nước mắt

Đau đớn về thể xác, tổn thương về tinh thần, ngày về của Nguyễn Thị Thu ở xã Đông Quang (Đông Sơn) ngập trong nước mắt. Chị mừng vì được trở về, được thoát khỏi sự đánh đập của gia đình ông chủ ở thủ đô Riyadh, KSA. Sau gần 2 tháng trở về nước, những vết thương trên người Thu đã dần mờ đi. Chị đã xin vào làm việc tại một công ty giày da gần nhà dù đồng lương không cao. “Về được gần con là tôi thấy vui rồi. Thôi, cứ bằng lòng với cuộc sống hiện tại, cố gắng là được!” - Thunói vậy.

Còn ngày về của Nguyễn Văn Hào buồn hơn. Gần 1 năm về Việt Nam, cuộc sống của gia đình anh dường như hoàn toàn bị đảo lộn. Để chuộc Hào về Việt Nam, gia đình phải cầm cố chiếc xe máy Exiter mà hàng ngày ông Nguyễn Văn Thạch, bố Hào vẫn dùng để chạy xe ôm. Con trai bị lừa với một số tiền lớn, ông Thạch không chịu được cú sốc này đã ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần.

Có hôm trời đang rét mướt, ông xuống ngâm mình dưới dòng sông lạnh, may mà có người phát hiện sớm nên đã kịp lôi ông lên bờ. “Hơn 1 năm nay, gia đình cũng khốn khó lắm, may mà thằng Hào đã xin được việc trong Khu kinh tế Nghi Sơn. Hơn 1 tỷ đồng bị lừa gia đình cũng chẳng biết kêu ai vì ai cũng bảo khó mà lấy lại được” - bà Liên, mẹ của Hào nói trong nước mắt.

Theo số liệu của Sở LĐ-TB&XH, từ năm 2011 đến 6 tháng đầu năm 2016, Thanh Hóa đã có 50.330 người đi xuất khẩu lao động, thị trường nhiều nhất là Đài Loan và khu vực Trung Đông. Trong số này, có rất ít trường hợp gặp rủi ro. Từ đầu năm 2016 đến nay, Sở cũng chỉ mới nhận được vài đơn kiện của người lao động. Còn bao nhiêu lao động về nước trước hạn thì Sở không nắm được vì huyện không báo cáo lên. Riêng đối với lao động đi Angola thì chỉ có doanh nghiệp trúng thầu xây dựng mới được đưa lao động đi, còn hiện tại giữa hai chính phủ Việt Nam và Angola vẫn chưa ký hiệp định hợp tác lao động.

Đi xuất khẩu lao động với những hy vọng đổi thay cuộc sống, nhưng cũng không thể tránh được những sự không may. Sự không may ấy là nước mắt, là nỗi đau thể xác, là sự xúc phạm về nhân phẩm, mất mát về tiền bạc… Thu và Hào là những người nằm trong cái sự không may ấy. Đường về trong nước mắt nhưng vẫn còn rộng thênh thang, vẫn còn biết bao sự lựa chọn vớibao nhiêu hy vọng vì được về nhà...

Hoàng Việt Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]