(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Theo số liệu tổng hợp của Sở LĐ,TB&XH Thanh Hóa, tính từ năm 2014 đến hết tháng 5/2016, toàn tỉnh có 1.864 lao động hết hạn hợp đồng tại Hàn Quốc phải về nước, tuy nhiên, hiện vẫn còn 758 lao động ở lại. Có nhiều nguyên nhân khiến không ít công nhân, dù đã hết thời hạn hợp đồng lao động vẫn không về nước, trở thành lao động bất hợp pháp ở xứ người.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xuất khẩu lao động - Những gam màu sáng, tối (Kỳ cuối): Lao động bất hợp pháp và những hệ lụy

(VH&ĐS) Theo số liệu tổng hợp của Sở LĐ,TB&XH Thanh Hóa, tính từ năm 2014 đến hết tháng 5/2016, toàn tỉnh có 1.864 lao động hết hạn hợp đồng tại Hàn Quốc phải về nước, tuy nhiên, hiện vẫn còn 758 lao động ở lại. Có nhiều nguyên nhân khiến không ít công nhân, dù đã hết thời hạn hợp đồng lao động vẫn không về nước, trở thành lao động bất hợp pháp ở xứ người.

Tủi khổ xứ người

Cùng với chính quyền địa phương, chúng tôi đã phải mất nhiều công sức để vận động, thuyết phục gia đình bà L.T.T ở thôn Đạo Ninh, xã Hoằng Đạo, huyện Hoằng Hóa cho số điện thoại và nói chuyện với anh N.X.T con của bà là lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ ngày 10/7/2012. Qua trao đổi điện thoại, anh N.X.T cho biết: Trước mấy tháng khi sắp hết hạn hợp đồng anh nhờ bạn tìm một công việc khác, khi có cơ hội thì “nhảy”. Lao động chui bên này cực lắm. Bình thường không sao, nhưng nếu ốm đau cũng chỉ biết nằm ở nhà anh em tự chữa trị, không dám nghĩ đến việc đi viện. Bởi đến bệnh viện đồng nghĩa với việc sẽ bị bắt quay trở về”.

Tiếp tục câu chuyện, anh N.X.T cho biết thêm: “Không giống như lao động hợp pháp, những người như bọn anh thường xuyên bị chủ nợ lương, thậm chí là không trả, chửi bới. Lao động bất hợp pháp, sống chui lủi nên dù biết chủ sai nhưng bọn anh cũng phải im lặng cho qua. Khi chuyển công ty khác chẳng ai nhận được hết tiền công, vì chủ ít nhất cũng giữ một tháng lương để giữ chân công nhân”.

Anh N.X.T còn giới thiệu cho chúng tôi biết bên này cũng thành lập hội đồng hương Thanh Hóa và rất nhiều trong số họ là lao động bất hợp pháp.

Gia đình lao động N.X.T (Hoằng Đạo, Hoằng Hóa).

Anh T.V.B ở thôn Sao Vàng, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa hết hạn hợp đồng từ ngày 25/4/2012, hiện đang là lao động “chui” nhà máy dệt, tâm sự: “Mới cách đây mấy ngày, cảnh sát Hàn mở đợt truy quét bọn em lại phải chạy trốn. Chạy càng xa càng tốt. Có những đợt truy quét cao điểm bọn em phải trốn lên rừng hàng tuần trời, sống kham khổ, vất vả”.

“Hầu hết những người bị bắt là do chủ hay đồng nghiệp chỉ điểm. Chỉ cần thấy ghét là họ báo, chính vì vậy bọn em phải luôn nhẫn nhịn. Chủ, đồng nghiệp nước ngoài có chửi cũng không dám cãi lại, bị nợ lương cũng không dám đòi” - anh T.V.B cho biết thêm.

Qua trao đổi điện thoại với nhiều lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc, được biết: Người lao động chui thường được trả lương cao hơn so với lao động hợp pháp bởi chủ không phải đóng các khoản phí dịch vụ, bảo hiểm. Đây là một phần nguyên nhân khiến nhiều lao động trốn trụ ở lại xứ người.

Thế nhưng, đồng nghĩa với lương cao là chủ lao động không có trách nhiệm gì với những đối tượng này. Ngược lại, thời gian và cường độ làm việc lại cao hơn rất nhiều, họ có thể nhận được mức lương từ 50 - 70 triệu đồng/tháng cho những công việc như xây dựng ngoài trời, hàn xì hay cho những ca đêm triền miên. Đây đều là những công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại cao. Trong khi mức độ an toàn của lao động chui là rất thấp. Mối nguy hiểm không chỉ từ công việc mà còn đến từ những đợt truy quét của lực lượng chức năng nước sở tại. Đã có lao động bỏ mạng oan hay mang thương tật vĩnh viễn vì những cuộc trốn chạy ở xứ người.

Sống khổ, sống nhục như vậy nhưng khi hỏi những lao động bất hợp pháp “có mong muốn trở về không” thì 100% những người được hỏi trả lời “không” hoặc “không phải bây giờ”. Họ thừa nhận sẽ ở lại đây làm việc đến lúc nào bị buộc phải trở về, còn nếu thuận lợi sẽ ở thêm 5, 7 năm nữa khi tiết kiệm được khoản vốn khá khá.

Không những bản thân người lao động “chui” không muốn trở về mà gia đình họ cũng chưa muốn con em mình trở về. Và lý do chính mà họ đưa ra là không thể tìm được công việc ổn định, mức thu nhập thấp hơn rất nhiều khi đi xuất khẩu.

Và những hệ lụy

Bản ghi nhớ chương trình EPS được ký kết mới đây giữa Bộ LĐ,TB&XH Việt Nam và Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc quy định rõ: Những địa phương (cấp huyện) có tỉ lệ lao động cư trú bất hợp pháp cao và người lao động có thân nhân là bố mẹ đẻ, hoặc vợ, chồng, anh chị em ruột đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc thì không được tham dự các kỳ kiểm tra tiếng Hàn để làm hồ sơ dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, người lao động có hành vi bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng hoặc ở lại Hàn Quốc trái phép sau khi hết hạn hợp đồng mà tự nguyện về nước trong thời hạn từ ngày 1/5/2016 đến hết ngày 30/9/2016 thì không bị xử phạt vi phạm hành chính và được tham gia kiểm tra tiếng Hàn để quay trở lại làm việc tại Hàn Quốc nếu có nguyện vọng.

Không những thế, tình trạng lao động bất hợp pháp còn gây nhiều khó khăn cho công tác bảo hộ công dân ở nước ngoài do không ai quản lý, nhất là khi gặp tai nạn, rủi ro. Hơn nữa, lao động bất hợp pháp đang làm xấu đi hình ảnh lao động Việt Nam cần cù, chịu khó ở nước ngoài, gây ảnh hưởng không tốt đến thương hiệu quốc gia trong các chương trình hợp tác XKLĐ với các nước.

Cánh cửa XKLĐ sang Hàn Quốc lại rộng mở cho những ước mơ, khát vọng đổi đời. Thế nhưng cánh cửa này có thể đóng lại bất kỳ lúc nào nếu những người hết hạn lao động vẫn bất chấp, cố thủ không muốn trở về.

“Những người có khát khao thoát nghèo, vươn lên làm giàu bằng chính sức lao động của mình là hoàn toàn chính đáng. Thế nhưng vì lợi ích của bản thân nhiều lao động bất hợp pháp đang làm mất đi cơ hội “đổi đời” của những người khác và làm xấu đi hình ảnh con người và thương hiệu Quốc gia” - Một lãnh đạo Sở LĐTB&XH Thanh Hóa nói.

Bản ghi nhớ chương trình EPS phần nào đó là một biện pháp đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng lao động bất hợp pháp. Nhưng rõ ràng việc giáo dục, tuyên truyền vận động thực sự đối với những gia đình có con em là lao động bất hợp pháp để họ trở về vẫn đang bị nhiều cấp, ngành xem nhẹ. Thương hiệu Quốc gia, phải được đặt trên lợi ích của mỗi người.

Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]